Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 120/2001/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN VỀ CÂY ĂN QUẢ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ;

- Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 8 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ “Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá”;

- Căn cứ Quyết định số 135/QĐ/BNN-KHCN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 1/10/1999 về việc ban hành Quy chế lập, xét duyệt và ban hành tiêu chuẩn ngành;

- Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành các Tiêu chuẩn về cây ăn quả:

- 10TCN 480-2001 Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây nhãn ở các tỉnh phía Nam.

- 10TCN 481-2001 Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây có múi ở các tỉnh phía Nam

- 10TCN 487-2001 Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây xoài ở các tỉnh phía Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

10TCN 480 – 2001

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH NHÃN

The technical procedure for planting, caring, harvesting of longan

1- Phạm vi áp dụng: Quy trình này được áp dụng cho cây nhãn nhiệt đới (Dimocarpus Longan (Lour.) steud ) trồng từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam.

2- Yêu cầu sinh thái:

2.1. Nhiệt độ:

Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27° C thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển. Cây nhãn cần một thời gian ngắn với nhiệt độ 15-22°C trong vài tuần để tiến hành phân hóa mầm hoa và sau đó là điều kiện nhiệt độ cao hơn khoảng 25-32° C cho hoa nhãn phát triển.

2.2. ánh sáng:

Nhãn cần ánh sáng, ánh sáng phân bố điều bên trong tán giúp cây ra nhiều đọt non. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ.

2.3. Nước:

Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng, nếu ngập 48 giờ cây sẽ chết, ngược lại gặp khô hạn kéo dài làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.

2.4. Đất đai:

Đất cát pha thịt, đất đỏ, đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho việc trồng nhãn hơn trên các loại đất khác. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH kcl khoảng 5,5-6,5; độ mặn thấp nhỏ hơn 0,2%.

3. Thiết kế vườn:

3.1. Đào mương lên líp (luống):

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long cần phải đào mương lên líp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Líp có chiều rộng trung bình 7-8 m, mương rộng 2-3 m, sâu 1-1,5 m. Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước hoặc nước ngầm để tưới cho cây nhãn vào mùa nắng.

3.2. Trồng cây chắn gió:

Khi qui hoạch vườn nhãn trước hết phải trồng cây chắn gió. Cây chắn gió thường là cây có thân to, khỏe như Mít, Xoài, Cóc, Dừa... , được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió chính.

3.3. Mật độ và Khoảng cách trồng:

Trồng cây trong vườn theo kiểu sau: hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình nanh sấu.

Bảng 1: Mật độ và khoảng cách trồng theo vùng

Vùng trồng

Mật độ trồng (cây/ha)

Khoảngcách trồng (m)

Đồng Bằng Sông Cửu Long Đông Nam Bộ

Miền trung và Duyên hải Nam Trung Bộ

320

330

300

5 x 5

5 x 6

5 x 6,5

4. Chọn giống trồng:

Chọn một số giống nhãn đạt năng suất cao, phẩm chất ngon là: Nhãn xuồng cơm vàng, Nhãn Super(nhóm nhãn long), Tiêu da bò (tiêu Huế).

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

5.1. Thời vụ trồng:

Vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng nhãn khi mùa mưa ổn định, thường từ tháng 6-7.

Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ bắt đầu trồng nhãn vào đầu mùa mưa, thường vào tháng 8-9.

5.2. Chuẩn bị hố và cách trồng:

- Miền Đông, vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: hố trồng nhãn có kích thước dài x rộng x sâu(1:1: 0,7 m), trộn đều 20-40 kg phân chuồng hoai, 1 kg super lân và 0,5 kg vôi với đất mặt rồi gạt xuống hố. Khi trồng đặt cây giữa hố, mặt bầu cần cao hơn mặt đất vườn 20 cm, dùng dao cắt đáy bầu, rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên, nén đất xung quanh bầu, cắm cọc giữ cây con, dùng rơm hay cỏ khô đậy kín, tưới nước đủ ẩm.

- Đồng Bằng Sông Cửu Long: nên làm mô trên đất đã được lên líp, mô đất đắp thành hình tròn đường kính khoảng 0,6-0,8 m, độ cao thường là 0,3-0,6 m, đất đắp mô được trộn với hỗn hợp 200-300 g super lân; 0,5 kg vôi, 15-20 kg phân chuồng hoai và tro trấu. Khi trồng dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa mô và mặt bầu bằng với mặt mô, rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và đắp đất lại nén đất xung quanh, cắm cọc giữ cây con, dùng rơm hay cỏ khô đậy kín, tưới nước đủ ẩm.

5.3. Tủ gốc giữ ẩm:

Hằng năm nên đắp thêm đất vào chân mô, vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phủ cách xa gốc nhãn 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.

5.4. Làm cỏ và trồng xen:

Khi cây nhãn chưa khép tán cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây, thông thường làm 4-5 đợt/năm, kết hợp bón phân. Nên trồng xen cây họ đậu để cải tạo đất và tạo nguồn phân hữu cơ cho cây ăn quả.

5.5. Tưới nước:

Thời gian từ khi bắt đầu ra hoa, quả phát triển và giai đoạn phát triển cành sau khi thu hoạch cần phải tưới nước cho cây định kỳ 2 ngày/ lần nếu trời không mưa.

5.6. Tỉa cành và tạo tán:

5.6.1. Tạo tán: Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8-1 m và những cành dầy, cành vượt, cành đan chéo trên thân cây. Tuyển chọn lại 3-4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10-20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50-80 cm.

Sau khi trồng 12-18 tháng tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thẳng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc..., định hướng tạo dáng cây có bộ khung cơ bản thông thoáng.

5.6.2. Tỉa cành: Hàng năm việc tỉa cành bao gồm: cành mang hoa vụ trước, cành và lá bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và những cành già. Việc tỉa cành này được thực hiện ngay sau khi thu hoạch.

5.7. Bón phân:

Lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mở của đất để bón phân.

5.7.1. Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Đối với cây 1-3 năm tuổi: sau khi trồng cây nhãn bắt đầu ra đợt đọt non thứ 2 thì bón phân. Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, phải cách gốc 20-25 cm để tránh phân làm cháy rễ, hàng năm bón thêm phân hữu cơ hoai mục 5-10kg/cây.

Bảng 2: Liều lượng phân bón cho cây nhãn ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

Tuổi cây (năm)

Số Đợt bón (Đợt/năm)

Liều lượng (g/cây/năm)

N

Tương đương Urê

P2O5

Tương đương

Super lân

K2O

Tương đương KCl

1

2

3

4 - 5

3 - 4

3

100

200

300

217

435

652

50

70

100

303

424

606

100

150

200

167

250

333

5.7.2. Bón phân thời kỳ khai thác

Đối với cây trên 3 năm tuổi, số lượng phân bón trên (thời kỳ kiến thiết cơ bản) tăng dần từ 20-30% mỗi năm và số lần bón trong năm được chia ra như sau:

Lần 1: Sau khi thu hoạch quả một tuần bón: 60%N + 60%P2O5 +25% K2O.

Lần 2: Trước khi cây ra hoa 5 tuần bón: 40% P2O5 + 25% K2 O.

Lần 3: Đường kính quả khoảng 1cm bón: 40%N + 25% K2O.

Lần 4: Trước khi thu hoạch quả 1 tháng bón: 25% K2O.

Hàng năm cần bón thêm phân chuồng hoai mục khoảng 10-20kg/ gốc/ năm hoặc bón phân tro trấu, xác thân đậu, vỏ đậu. Tùy tình hình sinh trưởng, năng suất nhãn của vụ trước mà điều chỉnh lượng phân bón NPK cho vụ nhãn kế tiếp.

5.7.3. Phương pháp bón phân:

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Đào rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại, tưới nước đủ ẩm.

Vùng Đông Nam Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ: Đào rãnh xung quanh tán cây rộng 20-30 cm sâu 10-10 cm, lượng phân bón được cho vào rãnh sau đó lấp đất lại, tưới nước đủ ẩm.

5.8. Xử lý ra hoa:

5.8.1. Nhãn tiêu da bò:

Nhãn tiêu da bò 2 năm có thể cho được 3 vụ quả: sau khi thu hoạch quả vụ trước tiến hành bón phân, loại bỏ những cành cằn cỗi, cành vô hiệu. Khi lá nhãn của đợt thứ 2 có màu xanh đọt chuối (thường gọi lá lụa) thì dùng dao hay nứa khoanh vỏ vòng tròn quanh thân cành. Chỉ khoanh vỏ trên những cành chính và nên để lại 1-2 cành thường được gọi là nhánh thở để tiếp tục quang hợp nuôi cây. Vết khoanh rộng khoảng 1,5-2 mm (đối với cành nhỏ), 3-5 mm (đối với cành lớn), dùng dây nilon quấn kín nhiều vòng vào chỗ đã khắc. Từ lúc khoanh vỏ đến khi nhãn ra hoa khoảng 20-35 ngày (tùy vào tuổi cây), thời gian này không được tưới nước cho cây. Khi thấy phát hoa nhãn đã nhú ra được khoảng 5 cm thì tháo bỏ dây và bắt đầu tưới nước trở lại.

QUI TRÌNH XỬ LÝ RA HOA TRÊN CÂY NHÃN TIÊU DA BÒ

Các giai đoạn của quá trình ra hoa có thể tóm tắt như sau:

- Tỉa cành           - Khoanh cành : 60-90 ngày (2-3 cơi đọt)

- Khoanh cành    - chuẩn bị nở hoa : 30-35 ngày.

- Ra hoa             - Đậu quả : 25-30 ngày.

- Đậu quả           - Thu hoạch : 90-105 ngày.

Tổng cộng: Thời gian từ lúc khoanh vỏ đến thu hoạch trái nhãn: 5- 5.5 tháng.

5.8.2. Nhãn xuồng cơm vàng và xuồng cơm trắng:

Nhãn Xuồng cơm vàng, cơm trắng mỗi năm cho một vụ quả. Khi thu hoạch xong cần tỉa cành. Bón phân đầy đủ theo quy trình tại mục 5.7.2, nên phun thuốc ngừa sâu phá hại lá đồng thời kết hợp phun một số loại phân bón lá có hàm lượng NPK, đạm cao như (30-10-10) 10g/8-10 lít nước để nuôi bộ lá đọt cho tốt. Bắt đầu ngưng tưới nước khi lá của đợt đọt thứ 2 trở nên già và bắt đầu cho đợt đọt thứ 3. Đến khi cây vừa nhú hoa thì tiến hành tưới nước trở lại. Trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước thì có thể tưới nhẹ cho cây.

5.8.3. Nhóm nhãn long, nhãn super:

Một năm có thể cho được 2 vụ: vụ thuận, vụ nghịch.

- Vụ thuận: Khoảng giữa đến cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 thì tiến hành bón phân, tỉa cành, sửa tán cây, thông thường tỉa đọt (đã thu quả) chỉ để lại 3 đôi lá kép của cành mang quả, có thể phun thêm các loại phân bón lá có hàm lượng NPK, đạm cao như (30-10-10) 10g/8-10 lít nước. Khi lá đọt thứ 2 từ màu đỏ chuyển sang xanh nhạt là thời điểm phát hoa xuất hiện thì tiến hành tưới nước trở lại.

- Vụ nghịch: Sau thu hoạch nhãn vụ chính khoảng tháng 6-7 dương lịch thì tỉa cành và tiến hành bón phân điều khiển cho cây ra một đợt đọt non. Để cho cây ra hoa đồng loạt có thể phun bổ sung thêm các loại phân bón lá có tỉ lệ NPK như sau: 0-52-34; 10-60-10; 6-30-30 với lượng 10g/8-10 lít nước. Sau khi chùm hoa xuất hiện tiến hành tưới nước trở lại.

5.9. Tăng đậu quả, hạn chế rụng quả non

- Tăng đậu quả: Dùng Progibb (GA3) nồng độ 10 ppm hoặc H3 BO3 với 100 ppm phun vào các thời điểm: trước khi cây ra hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.

- Khắc phục rụng quả non: vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như:CRT, Thiên nông... phun vào lúc trước khi cây ra hoa, 50% hoa nở và sau đậu quả.

5.10. Bao quả

Dùng lưới, túi chuyên dùng để bao quả hoặc túi nhựa PE có đục những lỗ nhỏ, sao cho nước không đọng ở đáy túi trong quá trình bao quả. Thời điểm bao tốt nhất là trái có đường kính 1cm, chú ý phòng trừ sâu bệnh trước khi bao quả.

6-Phòng trừ sâu, bệnh:

6.1. Phòng trừ sâu hại:

6.1.1. Sâu đục gân lá (Acrocercops hierocosma Meyr)

Sâu đục gân lá là loại gây hại quan trọng trên nhãn, sâu non gây hại vào giai đoạn lá non, bằng cách đục ăn vào gân chính của lá, làm cho gân lá bị hư, lá không phát triển được hoặc méo mó. Khi bị gây hại ảnh hưởng đến khả năng phát triển các đợt lộc, làm rụng hoa, rụng quả.

Biện pháp phòng trừ: tỉa cành để các đợt đọt ra tập trung, tạo điều kiện cho ong kí sinh phát triển để hạn chế sâu hại và tiến hành phun thuốc sớm khi cây vừa ra đọt non. Có thể phun các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Actara 25 WG 1g/bình 8 lít, Karate 2.5 EC liều lượng 20 ml/ bình 8 lít; Supracide 40 ND10 ml/ bình 8 lít; Match 0.50 ND7-10 ml/ bình 8 lít, Cyper 25 ND 10 ml/ bình 8 lít.

6.1.2. Bọ xít (Tessaratoma papilosa):

Gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây ra đọt non, ra hoa, đậu quả. Bọ xít trưởng thành và ấu trùng đều tập trung chích hút làm chết đọt non, rụng hoa, rụng quả, làm chết các cành phát hoa, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sinh trưởng của cây.

Biện pháp phòng trừ: cần tỉa cành để các đợt hoa và đợt đọt non ra tập trung, dùng vợt bắt con trưởng thành vào sáng sớm. Các loài thiên địch như kiến vàng, ong kí sinh có thể tấn công trên trứng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho ong kí sinh phát triển nhằm hạn chế sự gây hại của bọ xít, đồng thời phun thuốc khi mật độ bọ xít cao, có thể dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Supracide 40 ND liều lượng 10 ml/ bình 8 lít; Match 0.50ND liều lượng 10 ml/ bình 8 lít; Alphan 5EC 0,3-0,5lít/ha, Bian 40EC 1-2 lít/ha, Fastac 5 EC 5-7 ml/ bình 8 lít.

6.1.3. Sâu đục trái(Conogethes punctiferalisAcrocerops cramerella snellen)

Đây là loại gây hại rất quan trọng, ấu trùng gây hại cả giai đoạn quả non đến quả trưởng thành. Khi đục vào bên trong quả làm cho quả bị hư, thối và rụng, cây có quả chùm thường bị gây hại nặng.

Biện pháp phòng trừ: dùng bẩy đèn ánh sáng để bẫy sâu trưởng thành, cắt bỏ những quả bị hại đem tiêu hủy, tỉa quả trên chùm và phun các loại thuốc: Karate 2.5 EC liều lượng 20 ml/ bình 8 lít; Basudin 40EC 1,2-1,8lit/ha Match 0.50 ND7-10 ml/ bình 8 lít.

6.1.4. Kiến vương (Orytic Rhinoceros):

Kiến vương gây hại bằng cách cắn phá quả làm cho quả bị hư hoặc rụng ảnh hưởng đến năng suất cây. Kiến vương gây hại ở giai đoạn trưởng thành, trứng được đẻ dưới đất nơi có nhiều chất hữu cơ hoai mục.

Biện pháp phòng trừ: vệ sinh vườn sạch sẽ, lấp các hố chứa rác, loại trừ các ký chủ trung gian như cây đủng đỉnh (Caryota sp.), chà là (Phoenix sp.), buông (Corypha sp.) trồng cây che chắn hạn chế kiến trưởng thành từ nơi khác bay đến.

6.2. Phòng trừ bệnh hại:

6.2.1. Bệnh đốm rong lá:

Bệnh này do rong Cephaleuros virescens gây bệnh hại khá nghiêm trọng trên lá, nhất là những tháng mưa ẩm, đốm bệnh có hình tròn lúc đầu nhỏ khoảng 3-5 mm hơi nhô lên trên mặt lá, do rong phát triển thành lớp nhung mịn, màu xanh hơi vàng. Đốm bệnh tròn có thể phát triển hơn 1 cm khi đó đốm bệnh có màu nâu, giữa có phấn màu vàng nâu, mặt dưới của vết bệnh có màu nâu nhạt đến sậm. Trên một lá có thể có nhiều đốm làm cho lá bị vàng và rụng sớm.

Phòng trị bệnh bằng phun các loại thuốc như: Score 250 ND liều lượng 3- 5 ml/bình 8 lít ; Tilt super300ND 3-5 ml/ bình 8 lít.

6.2.2. Bệnh đốm bồ hóng:

Bệnh đốm bồ hóng do nấm Meliola sp. gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá, đốm bệnh hình hơi tròn với viền không đều, kích thước 1-3 mm, trên bề mặt đốm bệnh màu đen hơi sần sùi, mặt dưới lá có thể có nhiều đốm nhưng thường rời nhau.

Phòng trị bệnh này có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng ở nồng độ 0,2%, Bonaza 5-10 ml/ bình 8 lít, Score 250 ND liều lượng 3- 5 ml/bình 8 lít.

6.2.3. Bệnh khô cháy hoa (do nấm Phyllostista sp. gây ra):

Khi cây bị bệnh, cánh hoa có những vết đen nhỏ bằng đầu kim, hoa bị vàng sau đó khô và rụng. Phòng trị bằng các loại thuốc gốc đồng hoặc Benomyl nồng độ 0.1%, Tilt super 300ND 3-5 ml/ bình 8 lít.

6.2.4. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp. gây ra):

Khi cây bị bệnh, hoa bị xoắn vặn, khô cháy, quả non bị nhiễm bệnh quả sẽ nhỏ, có màu nâu, vỏ quả bị đóng phấn trắng, nhất là ở vùng gần cuống. Quả lớn hơn nếu nhiễm bệnh thường bị thối nâu lan dần toàn quả, phần thịt trái bị thối nhũn, chảy nước.

Vườn được cắt tỉa thoáng, ánh sáng mặt trời xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế được sự phát triển của bệnh. Phòng trị bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Bayfidan 250 EC; Nustar 40EC; Kumulus DF 80 8-10g/ bình 8 lít.

6.2.5. Bệnh thối trái (do nấm Phytophthora sp. gây ra):

Bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên quả nhãn trưởng thành, đặc biệt là trong mùa mưa, bệnh phát triển và lây lan rất nhanh. Quả bệnh thường bị thối nâu, lan dần từ cuống quả xuống phía dưới, thịt quả bị thối nhũn, chảy nước, hơi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên đó.

 Phòng trị bệnh: cắt bỏ và thu gom các quả bệnh bị rơi rụng trong vườn đem đi tiêu hủy, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Tilt Super 300 ND 3-5 ml/bình 8 lít; Ridomyl MZ-72 BHN 20-25g/ bình 8 lít; Mataxyl 25WP 20 g/ bình 8 lít; Aliette 80WP 10g/ bình 8 lít.

7.Thu hoạch

Khi thu hoạch dùng kéo cắt cả chùm mang quả.

Dùng bao nilon PE (Poly ethylene) có 15-25 lỗ nhỏ/dm2 để bảo quản nhãn

 

10TCN 481-2001

QUI TRÌNH TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY CÓ MÚI Ở CÁC TỈNH PHÍA  NAM

The technical procedure for planting, caring, harvesting of citrus in South part

1. Phạm vi áp dụng:

Qui trình này áp dụng cho cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi...) được nhân giống bằng phương pháp ghép và trồng ở các tỉnh từ Quảng Nam- Đà Nẳng trở vào phía Nam.

2. Yêu cầu sinh thái:

2.1. Nhiệt độ:

Cây có múi có nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp nhất từ 23-29° C, ngừng sinh trưởng dưới 13°C và chết -5°C.

2.2. ánh sáng:

Cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000-15.000 lux (tương đương nắng sáng lúc 8 giờ hoặc nắng chiều lúc 16 giờ) khi thành lập vườn cần trồng cây che nắng hướng Đông - Tây.

2.3. Nước:

Cây có múi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả, nhưng không có khả năng chịu úng. ẩm độ đất thích hợp nhất là70- 80%. Lượng mưa cần khoảng 1000-2000mm/năm. Trong mùa nắng cần phải tưới nước và lượng muối NaCl trong nước tưới không quá 3 g/lít nước.

2.4. Đất đai:

Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6 m và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, độ chua pHKCl từ 5,5-7, có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn 3,0%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m. 

3. Thiết kế vườn:

3.1. Đào mương lên líp:

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long cần phải đào mương lên líp để xả phèn và nâng cao tầng canh tác: mương rộng 1-2 m, líp rộng 6-7 m. Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô.

3.2. Trồng cây chắn gió và bờ bao:

Cây mít, xoài, dừa... được trồng thẳng góc với hướng gió để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh và làm giảm thiệt hại của gió bão. Vùng ĐBSCL thường có lũ vào tháng 9 -11 dương lịch, cần đắp bờ bao để bảo vệ cây trồng.

3.3. Khoảng cách trồng:

Tùy theo giống và loại đất để bố trí khoảng cách trồng cho phù hợp. Cây cam sành là 3 m x 4 m; quýt tiều là 4 m x 5 m, chanh 3 m x 3 m và bưởi 5 x 6 m.

3.4. Trồng cây che mát:

Cam quýt thích hợp ánh sáng tán xạ, nên trồng các cây như: cây cóc, mận, mãng cầu, so đũa, cau, tràm... để che mát cho cây có múi. Cây che mát thường được trồng xen giữa hai hàng cây có múi hoặc trồng dọc theo mương.

4. Giống trồng:

Tùy vùng đất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường để chọn giống trồng cho thích hợp. Vùng ĐBSCL nên trồng cam sành, quýt tiều, quýt đường, bưởi da xanh, bưởi năm roi.... .Vùng miền Đông, Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên trồng bưởi đường lá cam, bưởi thanh trà, bưởi đường da láng...

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

5.1. Thời vụ trồng:

Trồng đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới hoặc trồng cuối mùa mưa.

- ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng thường từ tháng 6-7.

- Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, bắt đầu trồng thường vào tháng 8 - 9

5.2. Chuẩn bị hố trồng và cách trồng:

- Vùng ĐBSCL: Nên làm mô (ụ đất) trước khi trồng ít nhất 4 tuần, đất làm mô trồng thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông phơi khô. Mô nên cao 40 cm-60 cm và đường kính 80 cm-100 cm, giữa mô đất sẽ đào hố có kích thước nhỏ hơn để trồng cây. Trộn đều đất mặt với 20-30kg phân chuồng hoai 1kg phân super lân và 0,5kg vôi cho vào hố. Khi trồng, dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa hố đã đào trước đó sao cho mặt bầu ngang mặt mô, rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lấp đất, tưới nước đủ ẩm.

- Vùng Miền Đông, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Đào hố trước khi trồng 4 tuần, kích thước hố dài x rộng x sâu(1 x 1 x 0,7m). Trộn đều lớp đất mặt với 20-40 kg phân chuồng hoai, 1kg phân super lân và 0,5 kg vôi cho vào hố và gom đất mặt đấp mặt hố thành mô cao 20-40 cm để tránh đọng nước vào mùa mưa. Cách trồng cũng tương tự như ở ĐBSCL.

- Khi đặt cây phải xoay cành ghép hướng về chiều gió để tránh gãy nhánh,. sau khi trồng cần cắm cọc giữ chặt cây con.

- Không được lấp đất đến vị trí mắt ghép.

5.3. Tủ gốc giữ ẩm:

Cần phải tủ gốc để giữ ẩm trong mùa hè bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20 cm, tránh cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ bị phân hủy sẽ cung cấp một lượng dinh dưỡng cho đất. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng hoa màu để tránh đất bị xói mòn.

5.4. Mực nước trong mương:

Vùng ĐBSCL: Mực nước cách mặt líp 50-60 cm. Mùa nắng nên để nước vào ra tự nhiên để rửa phèn, vào mùa mưa giữ mực nước trong vườn thấp nhất và cách mặt líp 70-80 cm.

5.5. Vét bùn bồi líp:

Vùng ĐBSCL: Có thể vét bùn kết hợp với việc tạo khô hạn để xử lý ra hoa. Vét bùn vào tháng 2-3 dương lịch hoặc sau mùa mưa, lớp bùn dày khoảng 2-3 cm là tốt, thường vét bùn hai năm/lần.

5.6. Phân bón:

Tùy theo loại đất, giống, giai đoạn sinh trưởng mà bón lượng phân cho cây thích hợp.

5.6.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 1-3 năm tuổi), phân bón được chia làm nhiều đợt (3-5 đợt). Trong 6 tháng đầu sau khi trồng có thể dùng 40 g Urê pha trong 8 lít nước tưới gốc mỗi tháng /1 lần.

Bảng 1: Liều lượng bón phân cho cây có múi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

 Phânbón

 

Năm

Liều lượng (g/cây/năm)

N

Tương đương Urê

P2O5

Tương đương Super lân

K2O

Tương đương KCl

1

2

3

50-90

100-150

150-250

108-195

217-326

326-543

20-40

50-70

80-100

121-242

303-424

484-606

20-40

50-90

100-140

33-66

83-150

166-233

5.6.2. Thời kỳ khai thác:

+ Cây chanh: thời kỳ bón phân được chia làm 3 lần:

- Sau khi thu hoạch quả một tuần bón: 25% đạm +25 % lân + 10 kg phân hữu cơ.

- Bón phân bốn tuần trước khi cây ra hoa: 25% đạm + 50 % lân + 30% kali.

- Sau khi đậu quả và giai đoạn phát triển quả bón: 50% đạm + 25 % lân + 70% kali.

Giai đoạn nuôi quả, lượng phân nên chia làm 2-3 lần để bón tùy theo mức độ phát triển của quả.

+ Cây cam, quýt và bưởi: Các thời kỳ bón phân như sau:

-Sau khi thu hoạch một tuần bón: 25% đạm + 25% lân + 5-20 kg hữu cơ / gốc / năm.

- Bón phân bốn tuần trước khi cây ra hoa bón: 25% đạm + 50% lân + 30% kali.

-Sau khi quả đậu và giai đoạn quả phát triển bón: 50% đạm + 25% lân + 50% kali.

- Một tháng trước thu hoạch bón : 20% kali.

Giai đoạn quả phát triển, lượng phân nên bón làm nhiều lần và tùy theo mức độ đậu quả và sự phát triển của quả. Hàng năm nên bón bổ sung canxi (dạng phân Ca(NO3 )2) để tăng thêm phẩm chất của quả.

Bảng 2: Liều lượng bón phân cho cây có múi ở thời kỳ khai thác

(bón theo năng suất thu hoạch của vụ quả trước, kg /cây)

Phânbón

 

Năng suất
thu hoạch vụ trước

Liều lượng (g/cây/năm)

N

Tương đương

Urê

P2O5

Tương đương Super lân

K2O

Tương đương

KCl

20kg/cây/năm

300

652

150

909

225

375

40kg/cây/năm

500

1086

250

1515

375

625

60kg/cây/năm

600

1304

300

1818

450

705

90kg/cây/năm

800

1739

400

2424

600

1000

120kg/cây/năm

1000

2173

500

3030

750

1250

150kg/cây/năm

1200

2608

600

3636

900

1500

5.6.3. Phương pháp bón:

- Vùng ĐBSCL: Đào rãnh xung quanh gốc theo chiều rộng của tán cây, rãnh sâu 10-15 cm, rộng 10- 20 cm cho phân vào, lấp đất và tưới nước.

- Miền Đông, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: dựa theo hình chiếu tán cây đào những hố xung quanh gốc, sâu 20- 30 cm, rộng 20- 30 cm, cho phân vào lấp đất lại và tưới nước hoặc áp dụng bón rãnh như vùng ĐBSCL.

Khi cây giao tán không cần đào rãnh mà có thể dùng cuốc sới nhẹ lớp đất chung quanh tán cây, bón phân và lấp đất, tưới nước đủ ẩm.

Có thể sử dụng phân chế biến từ sản phẩm phụ của tôm, cá, phân dơi để tưới hoặc bón cho cây có múi. Phân bón lá nên phun 4 -5 lần/vụ, ở giai đoạn sau khi quả đậu và giai đoạn quả bắt đầu phát triển nhanh, mỗi lần phun cách nhau 15 ngày.

5.7. Xử lý ra hoa:

Cây có múi thường phân hóa mầm hoa trong điều kiện khô hạn. Tạo khô hạn bằng cách không tưới nước trong một thời gian nhất định giúp cho cây phân hoá mầm hoa tốt.

5.7.1. Xử lý ra hoa trên cây cam quýt:

Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh... Sau đó bón phân lần 1 với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.

Chú ý: lượng nước tưới vừa phải, nếu tưới quá thừa cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa sau này (hoa sẽ ra muộn hơn).

Cách 1: (áp dụng cho vùng miền Đông, Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên). Sau khi bón phân lần 2, từ khoảng 15/2 ngừng tưới nước cho tới 5/3 (20 ngày) thì bắt đầu tưới trở lại, mỗi ngày 2-3 lần và tưới liên tục 3 ngày liền, đến ngày thứ 4, tưới mỗi ngày/1lần, 7-15 ngày sau khi tưới trở lại cây sẽ ra hoa, thời gian này tưới cách ngày.

Cách 2: (áp dụng cho vùng ĐBSCL): Cây cần bón phân lần hai trước 15/2 , líp được tưới đẫm nước (có thể kết hợp với vét bùn lên líp một lớp dày 2-3 cm), mực nước trong mương ở mức thấp nhất trong năm (chú ý: mực nước phải trên tầng phèn tiềm tàng), khoảng 20-25 ngày (nếu vét bùn thì biểu hiện mặt bùn khô, nứt nẻ) thì tiến hành tưới trở lại giống như cách 1, sau khi tưới trở lại 7-15 ngày cây sẽ ra hoa với biện pháp kỹ thuật này sẽ cho thu hoạch vào tháng 1-2 của năm sau (Tết Nguyên Đán).

5.7.2. Xử lý ra hoa trên cây chanh :

a/ Tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa: Chanh có thể ra hoa quanh năm nhưng tập trung vào mùa xuân (mùa thuận), muốn chanh có quả mùa nghịch thì phải tiến hành chăm sóc bón phân để cây ra hoa tháng 9,10.

Qui trình có thể tóm tắt như sau:

- Đầu tháng 7 dương lịch bón phân: 0,5-1 kg (Urê+ DAP+Kali)/gốc (tùy theo tuổi và tình trạng sinh trưởng) theo tỷ lệ: 1 Urê +2 DAP +2 Kali, tưới nước đủ ẩm. Khoảng 15 ngày sau khi bón phân sẽ rụng khoảng 20- 30% tổng số lá trên cây chanh, ngừng tưới nước kéo dài khoảng 15- 20 ngày.

- Đến cuối tháng 7 thì tiến hành tưới nước trở lại, hai ngày đầu tưới 2- 3 lần/ngày sau đó giảm 1lần/ ngày.

- Những ngày đầu tháng 8 cây sẽ trổ hoa, khoảng 20 ngày sau quả đậu. Khi quả lớn đường kính khoảng 0,5 cm -1 cm thì bón phân và liều lượng cho mỗi gốc 0,.2-0,5 kg (Urê+DAP+ kali) cũng theo tỷ lệ 1:1:1. Sau đó mỗi tháng bón 2 lần: vào ngày 15 và 30 của tháng (bón 2 tháng như vậy).

b/ Sử dụng Urea phun lên lá: Giai đoạn đầu cũng chăm sóc như cách1, tuy nhiên có sử dụng 1 kg Ure pha trong bình 8 lít nước xịt thẳng lên lá, sau vài ngày lá sẽ rụng khoảng 30- 50% tổng số lá trên cây, sau đó cũng ngưng tưới như cách trên.

Khoảng cuối tháng 7 phun Flower-95 hoặc Thiên nông (kích thích ra hoa, quả) lên lá (liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn phân bón lá). Sau đó tưới nước như cách 1.

áp dụng phương pháp trên thì thu hoạch quả từ tháng 1 - 3 của năm sau.

5.7.3. Xử lý ra hoa trên cây bưởi:

Bưởi cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, cần tạo sự khô hạn để bưởi ra hoa trong thời gian cần thiết. Thời gian tạo khô hạn kéo dài 20- 30 ngày vào tháng 12 và tháng 01 năm sau, thu hoạch quả vào Tết Trung Thu (vụ nghịch khoảng tháng 7-8 dương lịch) hoặc xử lý tháng 4-6 dương lịch thu hoạch quả vào tết Nguyên Đán (vụ thuận khoảng tháng 12 và tháng 01 năm sau). Trước khi tạo sự khô hạn nhân tạo, cây cũng đã được bón phân lần 2 (trước khi ra hoa). Trong mùa mưa, dùng vải nylon phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa.

5.8. Neo trái

Đến thời điểm thu hoạch vẫn có thể neo quả được trên cây từ 15-30 ngày, bằng cách dùng Urê hoặc các loại phân bón lá trong thành phần có các kích thích tố thuộc nhóm Auxin, Gibberellin phun thẳng lên quả.

5.9. Tỉa cành và tạo tán

5.9.1. Tạo tán: Tạo cây có dạng hình tim mở tự nhiên sẽ cho năng suất cao và ổn định lâu dài, các bước tạo tán như sau:

Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50-80 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các cành bên phát triển. Chọn 3 cành khoẻ, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Cành cấp 1 cùng với thân chính tạo thành một góc 35-40°. Từ cành cấp 1 sẽ phát triển các cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2-3 cành. Cành cấp 2 để cách thân chính 15-30 cm và cành này cách cành khác 20-25cm và cùng cành cấp 1 tạo thành một góc 30-35°. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3. Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các cành mọc quá dày hoặc yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

5.9.2. Tỉa cành: Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10-15 cm), cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, các cành đan chéo nhau; đồng thời cũng cần loại bỏ những cành vượt trong thời gian cây đang mang quả. Chú ý cần phải khử trùng dụng cụ bằng nước Javel hoặc cồn 90o trước khi tỉa cành, tạo tán.

6. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

6.1. Phòng trị sâu hại:

6.1.1. Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella Stainton).

Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành để các đợt ra lộc tập trung, chóng thành thục, hạn chế được phá hại của sâu. Sử dụng Actara 25 WG với liều lượng 1g/bình 8 lít; dầu D.C. Tron Plus nồng độ 0,5-0,75% hoặc Karate 2.5 EC liều lượng 20ml/ bình 8lít; Lannate 40 SP 20g/ bình 8 lít; Selecron 500 EC phun lên lá.

6.1.2. Rầy mềm (Toxoptera sp.).

Biện pháp phòng trừ: Phun định kỳ các đợt lộc của cây bằng các thuốc bảo vệ thực vật như: Supracide 40 ND liều lương1-15 ml/ bình 8lít; Actara 25 WG 1g/bình 8 lít; Trebon 10 ND 10-15ml/ bình 8lít; Bassa 50 ND 20ml/ bình 8 lít phun lên lá.

6.1.3. Rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuwayama).

Rầy chổng cánh là tác nhân truyền bệnh vàng lá greening gây hại trầm trọng trên cây có múi.

Biện pháp phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng để phát hiện sự hiện diện của rầy trong vườn. Trồng cây chắn gió để hạn chế rầy từ nơi khác xâm nhập vào vườn. Tỉa cành để các đợt đọt non ra tập trung, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như: Supracide 40 ND liều lượng 1-15 ml/ bình 8lít; Actara 25 WG, 1g/bình 8 lít; Confidor, Trebon 10 ND 10-15ml/ bình 8lít; Bassa 50 ND 20ml/ bình 8 lít phun lên lá.

6.1.4. Nhện:

Biện pháp phòng trừ: Phun dầu D.C Tron Plus nồng độ 0,5-0,7%, hoặc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như: Pegasus 500 DD 10 ml/bình 8 lít Vertimec 1.8 ND 10 ml/ bình 8 lít; Rufast 3 ND; Nissorun 5 EC; Kumulus 80 DF phun lên lá.

6.2.Phòng trị bệnh hại:

6.2.1. Bệnh Vàng lá greening:

Bệnh do vi khuẩn gram âm (Liberibacter asiaticus) làm phá hủy mạch dẫn libe. Bệnh lan truyền chủ yếu do cây giống đã nhiễm bệnh (chiết, tháp, lấy mắt ghép từ cây bị bệnh). Mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy hay hạt giống.

Biện pháp phòng ngừa: Trồng cây sạch bệnh, phòng trừ rầy chổng cánh ở những lần cây ra đọt non. Không nhân giống từ những cây bị bệnh, trồng cây chắn gió để ngăn chặn rầy từ nơi khác đến.

6.2.2. Bệnh thối gốc chảy nhựa:

Bệnh do nấm Phytopthora sp. gây ra.

Biện pháp phòng trị: Đất trồng phải thoát nước tốt, không tủ cỏ rác hay bồi bùn sát gốc, trong quá trình chăm sóc tránh gây thương tích vùng gốc và rễ. Theo dõi phát hiện bệnh sớm, cạo sạch vùng bệnh, bôi các thuốc bảo vệ thực vật như: Ridomyl MZ-72 BHN pha thuốc 20-25g/ bình 8 lít; Mataxyl 25 WP 20g/ bình 8 lít; Aliette 80 WP 10g/ bình 8lít. Thu gom, rải vôi và chôn sâu các quả rụng do bệnh để hạn chế sự lây lan.

6.2.3. Bệnh Loét (Canker):

Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri gây hại.

Biện pháp phòng trị: Thường xuyên vệ sinh, cắt và tiêu hủy những cành, lá bệnh, nhất là trong mùa khô.

Sử dụng các thuốc như: Kasuran BTN; Copper Hydrocide, Kocide 53.8 DF; COC-85WP, ở giai đoạn cây chờ đâm lộc ra hoa và khi 2/3 hoa đã rụng cánh, tiếp tục phun định kỳ lên lá 2 tuần/lần cho đến khi quả chín.

6.2.4. Bệnh ghẻ (Scab):

Bệnhdo nấm Elsinoe fawcetii gây hại.

Cách phòng trị:

- Thường xuyên vệ sinh, cắt tỉa và tiêu hủy ngay các cành, lá, quả bị bệnh.

- Phun các thuốc bảo vệ thực vật: Zineb, Bordeaux; Kasuran BNT; Copper-zin, Benomyl, Kocide 53.8 DF; COC-85WP.

Chú ý: Khi thu hoạch cần bảo đảm thời gian cách ly theo hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

7. Thu hoạch:

7.1. Thời điểm thu hoạch:

Cây có múi từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 -10 tháng, tùy theo giống, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng... Nên thu hoạch vào lúc trời mát và nhẹ taykhông nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi bảo quản.

7.2. Cách thu hoạch:

Dùng dao cắt cả cuống quả, lau sạch cho vào giỏ hoặc sọt tre để nơi thoáng mát. Trong điều kiện bình thường thời gian bảo quản không nên quá một tuần.

 

10 TCN 487-2001

QUI TRÌNH TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH CÂY XOÀI Ở CÁC TỈNH PHÍA  NAM

The technical procedure for planting, caring, harvesting of Mango in South part

1. Phạm vi áp dụmg:

Quy trình này áp dụng cho cây xoài được nhân giống bằng phương pháp ghép ở các tỉnh phía Nam.

2. Yêu cầu sinh thái :

Vùng trồng xoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

2.1. Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình năm từ 150C - 360C.

2.2. Lượng mưa và ẩm độ không khí:

Lượng mưa trung bình từ 1000 mm đến 1200 mm, ẩm độ không khí tương đối từ 55 - 70%.

2.3. Chế độ gió và độ cao:

Vùng trống xoài phải chọn nơi tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão, lốc xoáy, gió mạnh trên cấp 4 - đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 12/4 là thời gian cây đang mang trái. Nơi chịu ảnh hưởng của gió to theo các đợt gió mùa hàng năm thì phải bố trí hệ thống cây chắn gió hợp lý trước khi trồng. Độ cao của vùng trồng xoài không được vượt quá 600 m trên mực nước biển.

2.4. Điều kiện đất đai:

Đất trồng xoài phải thoả mãn các yếu tố sau: Độ dầy tầng canh tác ít nhất 1m tính từ mặt đất trồng, có thành phần cơ giới là đất thịt pha cát hay thịt nhẹ với tỷ lệ sét không quá 50%, tơi xốp , mực nước ngầm thấp hơn 80cm. Độ pHkcl đất từ 5,5 - 7,2

2.5. Yêu cầu tưới tiêu:

Hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo điều tiết lượng nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây xoài tương đương như lượng mưa nêu phần 2.2. Chất lượng nước tưới phải đảm bảo các yêu cầu theo TCVN 5294-95 tiêu chuẩn chất lượng nước mặt.

3. Thiết kế vườn trồng:

- Nên phối hợp bố trí hệ thống bờ bao (đối với vùng có nguy cơ bị ngập nước) và cây chắn gió sao cho đảm bảo các yêu cầu như sau:

Bờ bao cao hơn đỉnh lũ của trung bình nhiều năm trong vùng

Cây chắn gió chỉ cần thiết cho vườn có quy mô lớn (vài trăm ha), nằm trong vùng không có hệ thống chắn gió tự nhiên.

Làm đất phải được tiến hành ít nhất 1- 2 tháng trước vụ trồng

Khoảng cách trồng cho một số giống trồng như sau:

Giống

Bán thâm canh

Thâm canh cao

Khoảng cách (m)

Số cây/ha

Khoảng cách (m)

Số cây/ha

Cát Hoà Lộc

6 x 6

277

4 x 6

416

Cát Chu

6 x 6

277

4 x 6

416

Xoài Xiêm núm

6 x 6

277

4 x 6

416

Xoài Canh nông

6 x 8

200

6 x 6

277

Xoài Cát Bồ

6 x 8

200

6 x 6

277

- Có thể bố trí 2 hàng cây trên líp theo kiểu chữ chi (hay kiểu dích-dắc). Nếu trồng trên vùng đất phẳng thì bố trí hàng kép ba theo kiểu chữ ngũ

Ngay sau khi chuẩn bị đất và hoạch định kiểu trồng, khoảng cách trồng phải tiến hành các công đoạn như sau:

- Cắm cọc xác định vị trí trồng.

- Mô trồng phải được chuẩn bị ngay sau khi làm đất trên các vị trí đã cắm cọc sẵn...

- Vùng đồng bằng nên áp dụng mô trồng cho từng cây trên líp. Mô trồng được vun từ lớp đất mặt, cao 0,3m-0,4m, đường kính chân mô 1m-1,2m, đường kính mặt mô 0,8m.

- Vùng đất cao phải đào bồn nông, đường kính 2m, sâu 0,3m. Giữa bồn có mô như trên. Lấp đầy bồn chung quanh chân mô bằng các vật liệu hữu cơ (cỏ khô, xác bã thực vật, phân chuồng...)

- Chuẩn bị hố trồng: đào hố trồng đường kính 0,5m, sâu 0,5m ngay giữa mô và phơi đất 1 - 2 tháng trước khi trồng. Hố trồng được lấp đầy lại bằng các hỗn hợp đất mặt phơi khô, phân hữu cơ tỷ lệ 1: 1 (theo thể thể tích) hoặc tối thiểu 20 kg phân chuồng hoai mục/cây. Bón thêm vào hỗn hợp của mỗi cây 500 g Super lân, 100g NPK (20 - 20 - 15), 50g Basudin 10H, 1000g vôi bột.

4. Chọn giống trồng và cây giống.

Các giống xoài được khuyến cáo cho các tỉnh phía Nam là: Xoài Cát Hoà Lộc, Xoài Cát Chu, Xoài Xiêm núm, Xoài Canh nông, Xoài Cát bồ.

Nên có 10% số cây khác giống được bố trí đều trong vườn để tăng tỷ lệ đậu trái.

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

5.1. Thời vụ trồng: Từ tháng 6 đến tháng 9.

5.2. Đặt cây con: Đào lỗ trồng vừa vặn với kích thước bầu đất của cây giống, dùng dao sắc cắt chung quanh đáy bầu đất để loại bỏ mảnh nilon của đáy bầu đất. Đặt cây giống thẳng đứng vào lỗ trồng, rút bầu nilon ra khỏi lổ, ém đất chặt vừa phải.

5.3. Tưới tiêu nước: Nhu cầu tổng lượng nước trung bình cung cấp cho 1 ha xoài/năm khoảng 11000 m3 kể cả lượng mưa.

- Sau khi trồng: nên che phủ chung quanh gốc cây bằng các loại vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm, vỏ đậu... để giữ ẩm và hạn chế bị xói đất khi tưới. Trong mùa nắng tưới 1 - 2 lần/tuần, 20 - 40 lit nước/cây/lần tưới.

- Sau khi thu hoạch: Tưới thường xuyên để duy trì ẩm độ đất khoảng 50 - 60% độ ẩm bão hoà.

- Trước khi ra hoa: Ngừng tưới, giữ đất khô 1 -2 tháng trước khi xử lý ra hoa.

- Sau khi xử lý ra hoa và trong thời kỳ cây mang trái: Tưới liên tục như sau khi thu hoạch.

- Trước khi thu hoạch ngừng tưới 2 tuần trước khi thu hoạch.

5.4. Tỉa cành tạo tán : Thời kỳ xây dựng cơ bản:

- Bước 1: Khoảng 1 -3 tháng sau khi trồng (Khi cây có dấu hiệu bắt đầu đâm chồi mới) cắt ngọn cây cách mặt đất từ 60 - 70 cm. Khi chồi mới hình thành,nên loại bỏ bớt chỉ để lại 3-4 chồi khoẻ mạnh ,phân bố đều trên cây gọi là cành cấp 1

- Bước 2: Khi chiều cao cành 1 từ 60-70cm, cắt ngọn mỗi cành cấp 1 như bước 1. Chỉ để lại 3-4 chồi mạnh khoẻ, phân bố đều trên cành cấp 1 và hướng ra phía ngoài tán gọi là cành cấp 2.

- Bước 3: tương tự như bước 2 để hình thành bộ cành cấp 3,

Thời kỳ kinh doanh: Việc tỉa cành tạo tán trong thời kỳ kinh doanh thực hiện sau mỗi lần thu hoạch bằng cách tỉa bỏ các phát hoa cũ, cành vượt, cành sâu bệnh, …

5.5. Bón phân: Lượng phân bón theo tuổi cây

Tuổi cây

Đạm nguyên chất (N)
(g/cây)

Lân dễ tiêu (P2O5)
(g/cây)

Kali

(K2O)
(g/cây)

Phân hữu cơ
(kg)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

hơn 10

70

140

210

280

350

420

490

560

630

700

1000-2000

50

100

150

200

250

300

350

400

450

500

500-1000

70

140

210

280

350

420

490

560

630

700

1000-2000

20

30

40

50

60

70

80

90

100

150

150-300

Thời kỳ bón:

- Thời kỳ xây dựng cơ bản: Lượng phân của năm 1 nên được chia đều thành 5-6 lần bón và cung cấp cho cây dưới dạng dung dịch tưới xung quanh gốc cây. Lượng phân của năm thứ 2 cũng nên được chia đều 5-6 lần bón.

- Thời kỳ kinh doanh: Từ khi cây bắt đầu cho trái việc cung cấp phân bón nên tương ứng với các giai đoạn phát triển của cây.

- Lần 1: Bón ngay sau đợt tỉa cành sau thu hoạch, bón 60% lượng N, 60% lượng P và 40% K.

- Lần 2: Bón vào đầu tháng 11: 40% lượng phân lân, 30% lượng phân kali.

- Lần 3: Khoảng 3 tuần sau khi đậu trái: 20% lượng phân đạm, 15% lượng phân kali.

- Lần 4: Khoảng 8-10 tuần sau khi đậu trái: bón hết lượng phân còn lại.

- Tưới đẫm cho cây sau mỗi lần bón phân

- Lượng vôi bón từ 5-8 tạ/ha/năm; Bón vôi vào cuối mùa nắng, rải vôi đều trên mặt đất sau đó cày đất bên ngoài tán cây sâu 20-25cm cho vôi phân tán đều vào tầng mặt. Xới nhẹ sâu đến 5-7cm bên trong tán cây.

- Các nguyên tố vi lượng như kẽm, Boric, Măng-gan, Mô-lip-đen, Đồng… phải được cung cấp hàng năm cho cây dưới dạng phun qua lá 4 lần/năm:

Lần 1: Sau khi thu hoạch, khi đợt trồi mới phát sinh vừa thuần thục, lá đã chuyển sang đậm.

Lần 2: Khi cây đã ra hoa đều, phát hoa dài 10 cm.

Lần 3 và 4: 1 và 2 tháng sau khi đậu trái.

- Nồng độ của dung dịch phun không được vượt quá 0,5% .

5.6 Xử lý ra hoa:

Quy trình điều tiết ra hoa trên xoài có thể áp dụng như sau:

- Tỉa cành và bón phân sau khi thu hoạch như đã trình bầy ở phần trên.

- Tháo kiệt nước trong khoảng giữa tháng 8 - 10.

- Phun KNO3 1%, đều trên tán lá vào khoảng tháng 10.

- Chỉ điều tiết cho cây ra hoa và hoa nở vào thời điểm thời tiết hanh khô ẩm độ không khí thấp (70 - 80%), nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 25 - 280C, không mưa.

5.7. Phòng trừ cỏ dại:

Nên diệt sạch cỏ dại trong phạm vi tán cây. Cỏ dại giữa 2 hàng cây nên khống chế ở mức độ phát triển giới hạn bằng cách phun các loại thuốc diệt cỏ không chọn lọc (chẳng hạn thuốc có gốc Glyphosat) định kỳ 4 - 6 tháng 1 lần.

Đối với vườn trên vùng đất cao và có quy mô lớn từ 20 ha trở lên, phải cầy úp cỏ giữa 2 hàng cây ít nhất 1 lần/năm vào đầu mùa khô đề phòng nguy cơ cháy.

5.8. Bảo vệ thực vật trên một số loại sâu bệnh hại quan trọng:

5.8.1. Phòng trừ bệnh hại

- Bệnh thán thư (Colletotrichum gleoesporioides)

Phòng trừ: trong các thời kỳ nhạy cảm (gây hại nặng trong các thời kỳ mưa nhiều, ẩm độ không khí cao, các bộ phận như đọt non và trong các thời kỳ cây nở hoa) nên phun các loại thuốc có gốc đồng như Copper oxychloride (4g/l), Copper hidroxide (2g/l),... định kỳ 2 tuần/lần trên toàn bộ cây, bắt đầu phun từ tháng 6.

Để bảo vệ trái trước khi thu hoạch, phun các loại thuốc như Copper oxychloride (4g/l), Copper hidroxide (2g/l), Mancozeb,...định kỳ 2 tuần lý trái sau khi thu hoạch bằng dung dịch nước nóng 46 - 520C trong 5 - 10 phút và hon/lần vào thời điểm 3 và 5 tuần sau đậu trái báo trái sau 4 - 6 tuần sau khi đậu trái.xử khô trái trước khi đóng bao bì.

- Bệnh đốm đen (Xanthomonas campestris pv. magiferaindicae)

Cắt bỏ và mang ra khỏi vườn, thiêu huỷ những lá bệnh, chồi và cành bị nhiễm bệnh. Hạn chế việc gây thương tích cho cây đặc biệt trong mùa mưa để ngăn chặn sự xâm nhiễm của vi khuẩn gây bệnh vào trong cây.

Phun các loại thuốc gốc đồng ngay sau các trận mưa bão lớn để phòng ngừa bệnh cho cây.

- Bệnh phấn trắng (Oidium mangiferae)

Phòng trừ: trong các thời kỳ: nhậy cảm (thời kỳ nhiệt độ ban đêm thấp - khoảng tháng 11, 12 và tháng giêng, trên các bộ phận như đột non và đặc biệt lưu ý trong thời kỳ cây trổ hoa, trái non), nên phun các loại thuốc có gốc đồng như: Copper oxychloride (4g/l), Copper hidroxide (2g/l),... định kỳ 2 tuần/lần trên toàn bộ cây, bắt đầu từ tháng 11.

- Bệnh nấm hồng (Botryobasidium salmonicolor)

Cắt bỏ và tiêu huỷ các nhánh nhiễm bệnh, phát hiện bệnh sớm và đánh chải vùng bệnh bằng dung dịch thuốc hoá học gốc đồng.

5.8.2. Phòng trừ sâu bệnh hại.

- Rầy bông xoài (Idiocerus niveoparsus)

Sau khi thu hoạch, tiến hành tỉa cắt cành tạo điều kiện thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy. Phun các loại thuốc khi cần thiết (phát hiện có rầy).

- Ruồi đục trái (Bactrcera và Bactrocera dorsalis)

Một số biện pháp đã được dùng để phòng, trị ruồi đục trái:

Vệ sinh vườn thường xuyên để loại bỏ cây dại trong vườn, thu lượm tất cả những trái bị hại trong vườn đem tiêu huỷ bằng cách đốt hoặc đem chôn sâu ít nhất 15 cm trong đất.

 Bao trái: vào 4 - 6 tuần sau khi đậu trái để tránh cho ruồi đẻ trứng trên trái.

Sử dụng thuốc hoá học: Thuốc hoá học thường được dùng để phòng trừ ruồi bằng cách phun phủ toàn cây hoặc tưới vào đất.

- Sâu đục trái: (Noorda alibizonalis):

Thu lượm những trái bị hại đem tiêu huỷ để bỏ nguồn sâu trong trái.

Phun thuốc theo nồng độ khuyến cáo khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện.

- Sâu đục cành non (Alcicodes sp)

Cắt và đem tiêu huỷ cành bị chết để loại trừ nhộng.

Phun thuốc theo liều lượng khuyến cáo khi cây ra đọt non.

- Sâu cắn lá (Deporaus marginatus):

Thu dọn các lá bị bệnh trong vườn đem tiêu huỷ.

Phun thuốc khi thấy thành sâu non xuất hiện trong vườn.

Lưu ý:

Tuyệt đối ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 15 ngày trước khi thu hoạch.

5.9. Thu hoạch:

- Ngừng tưới 1 - 2 ngày trước khi thu hoạch

- Thu hoạch trái trong lúc trời hanh khô, mát.

- Thu hoạch trái với cuống dài khoảng 5 cm (để tránh chẩy nhựa vào trái)

- Không để trái tiếp xúc với đất, bụi bẩn,... trước khi đóng gói.

- Chứa trái trong thùng, giỏ tre có lót đệm rơm, giấy để tránh xây xát.

- Không nên chất quá 6 - 8 lớp trái trong dụng cụ chứa

- Vận chuyển trái tránh dằn xốc mạnh và bảo quản trong điều kiện mát khoảng 8 - 150C.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 120/2001/QĐ-BNN tiêu chuẩn về cây ăn quả do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 120/2001/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản