Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1169/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC HẢI QUAN TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH, LIÊN TỈNH, THÀNH PHỐ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1027/QĐ-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Chi cục Hải quan (bao gồm Chi cục Hải quan cửa khẩu và Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu) là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh) có chức năng trực tiếp thực hiện các quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Chi cục Hải quan có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

Chi cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện kiểm soát hải quan để phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động của Chi cục Hải quan.

Phối hợp với các lực lượng chức năng khác để thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

3. Tiến hành thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện việc ấn định thuế, theo dõi, thu thuế nợ đọng, cưỡng chế thuế và phúc tập hồ sơ hải quan; đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.

4. Thực hiện thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Hải quan.

5. Tổ chức triển khai thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý hải quan hiện đại vào các hoạt động của Chi cục Hải quan.

6. Thực hiện cập nhật, thu thập, phân tích thông tin nghiệp vụ hải quan theo quy định của Cục Hải quan tỉnh và của Tổng cục Hải quan.

7. Thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện việc lập biên bản, ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính, tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về hải quan và xử lý vi phạm hành chính về hải quan; giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và giải quyết tố cáo theo thẩm quyền Chi cục Hải quan được pháp luật quy định.

9. Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về chính sách quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, các quy định, quy trình thủ tục hải quan và những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Chi cục Hải quan.

10. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan trên địa bàn hoạt động Hải quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.

11. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế về Hải quan theo phân cấp hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

13. Thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức và quản lý tài chính, tài sản, các trang thiết bị của Chi cục Hải quan theo phân cấp của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh.

14. Thực hiện các chế độ báo cáo và cung cấp thông tin về hoạt động của Chi cục Hải quan theo quy định của Cục Hải quan tỉnh và Tổng cục Hải quan.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc và biên chế được giao, Chi cục Hải quan có thể được thành lập các Đội nghiệp vụ, Tổ kiểm soát hải quan.

Việc thành lập, sáp nhập, giải thể các Đội nghiệp vụ, Tổ kiểm soát hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

2. Nhiệm vụ cụ thể của Chi cục Hải quan do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh quy định.

Biên chế của Chi cục Hải quan do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh quyết định trong tổng biên chế được giao.

Điều 4. Lãnh đạo Chi cục Hải quan

1. Chi cục Hải quan có Chi cục trưởng và một số Phó Chi cục trưởng.

Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.

Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng và các chức danh lãnh đạo khác của Chi cục Hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 5. Mối quan hệ công tác của Chi cục Hải quan

1. Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh.

2. Chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị chức năng thuộc Cục Hải quan tỉnh.

3. Có quan hệ phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, các đơn vị khác trong và ngoài ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 415/TCHQ-QĐ/TCCB ngày 06/3/2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Quyết định số 27/QĐ-TCHQ ngày 10/01/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bổ sung Quyết định số 415/TCHQ/QĐ/TCCB ngày 06/3/2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 6;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lãnh đạo TCHQ;
- Lưu: VT, Vụ TCCB (10b).

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG PHỤ TRÁCH
TỔNG CỤC HẢI QUAN




Nguyễn Ngọc Túc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1169/QĐ-TCHQ năm 2010 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1169/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/06/2010
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản
Các nội dung liên quan: một lần cho cả thời gian thuêthuê đất trả tiềnnghĩa vụ mời bạn đọc tham khảo thêm trong Điều 85 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Điều 85. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động.

2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:

a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;

b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;

d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;

đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

3. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung theo quy định tại Điều này thì thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.