Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1143/QĐ-UB-VX | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 7 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT BÁO CHÍ VÀ NGHỊ ĐỊNH 133-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG (NAY LÀ CHÍNH PHỦ) TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 ;
- Căn cứ vào Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 ;
- Căn cứ Nghị định số 133-HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1992 ;
- Căn cứ Thông tư 95/TT-BC ngày 05/12/1992 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thi hành Nghị định 133-HĐBT ;
- Căn cứ văn bản số 1739/NG-BC ngày 01/10/1991 của Bộ Ngoại giao;
Để bảo đảm các hoạt động báo chí đúng theo luật định và thẩm quyền quản lý hành chánh Nhà nước trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành “Quy định về việc thực hiện Luật báo chí và Nghị định 133-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Luật báo chí và Nghị định 133-HĐBT. Bản quy định này nhằm cụ thể hóa một số nội dung quản lý Nhà nước cho sát hợp tình hình thành phố.
Phần Một
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chính quyền có trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí bao gồm : báo chí của thành phố, báo chí Trung ương và địa phương khác trú đóng và hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Văn hóa thông tin là cơ quan hành chính giúp Ủy ban nhân dân thành phố và được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí tại thành phố.
Sở Ngoại vụ là cơ quan hành chính được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước (có phối hợp với Sở Văn hóa thông tin) đối với các hoạt động báo chí của nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Điều 2.- Công tác quản lý Nhà nước về báo chí gồm :
1- Xây dựng qui hoạch báo chí của thành phố và kiến nghị sắp xếp hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí không phải của thành phố đang hoạt động tại địa bàn thành phố.
2- Quản lý Nhà nước và giúp đỡ việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.
3- Kiến nghị các chính sách, chế độ và hoạt động báo chí.
4- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ về báo chí.
5- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thành phố theo đúng Luật báo chí và Nghị định 133-HĐBT.
6- Xem xét, đề nghị Bộ Văn hóa thông tin cấp thẻ nhà báo.
7- Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí theo pháp luật. Kiểm tra việc nộp lưu chiếu, quản lý kho lưu chiếu báo chí của thành phố.
8- Nhắc nhở và kiểm tra các tổ chức, người có chức vụ và cơ quan báo chí trả lời hoặc cải chính trên báo chí.
9- Tổ chức thông tin cho báo chí và quản lý thông tin của báo chí.
Điều 3.- Giám đốc Sở Văn hóa thông tin được Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ là người phát ngôn chính thức của chính quyền thành phố về những vấn đề liên quan đến chủ trương của thành phố và những vấn đề báo chí đặt ra.
Điều 4.- Cơ quan chủ quản của báo chí phải có văn bản chính thức thông báo cho Sở Văn hóa thông tinvề việc phân công người trong Ban lãnh đạo phụ trách cơ quan báo chí.
Phần Hai
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ
Điều 5.-
1- Các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội muốn thành lập cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố phải tuân thủ các thủ tục sau đây :
a- Điều kiện hoạt động báo chí phải thực hiện đúng điều 11 của Nghị định 133-HĐBT.
b- Việc cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí và hoạt động báo chí phải theo đúng điều 12 Nghị định 133-HĐBT.
c- Hiệu lực giấy phép theo đúng điều 13 Nghị định 133-HĐBT.
Mọi hồ sơ đều phải nộp tại Sở Văn hóa thông tin để xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua và chuyển đến Bộ Văn hóa thông tin.
2- Các cơ quan báo chí Trung ương, các địa phương khác muốn đặt cơ quan thường trú hay văn phòng đại diện tại thành phố phải làm đầy đủ các thủ tục và nộp tại Sở Văn hóa thông tin. Giám đốc Sở Văn hóa thông tin trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết theo thẩm quyền.
3- Đối với các vụ việc do báo đăng tải có khiếu nại thì Tổng Biên tập có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo đúng Luật báo chí và Nghị định 133-HĐBT. Khi cần thiết, cơ quan chủ quản của báo phải trực tiếp tham gia giải quyết.
Điều 6.- Công tác quản lý phóng viên và cộng tác viên của các báo :
1- Phóng viên đang viết bài cho các cơ quan báo chí phải hội đủ các tiêu chuẩn chức danh về phóng viên đã ghi tại Thông tư số 1312b/TT-VP ngày 20/11/1990 của Bộ Văn hóa thông tin thể thao và du lịch. Phải có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất trí với chủ trương đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2- Những người làm phóng viên là những người đang hoạt động hoặc cộng tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo. Việc cấp thẻ nhà báo do cơ quan báo chí thông qua cơ quan chủ quản đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố duyệt danh sách để chuyển Bộ Văn hóa thông tin xem xét cấp thẻ.
3- Người đứng đầu cơ quan báo chí có trách nhiệm quy hoạch, tổ chức và quản lý, chăm lo bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên và cán bộ, nhân viên nghiệp vụ ngày một trưởng thành về mọi mặt.
4- Mỗi báo phải nộp danh sách cộng tác viên thường xuyên của báo mình cho Sở Văn hóa thông tin, đồng thời báo cáo với cơ quan chủ quản.
Các cộng tác viên muốn đến các cơ quan, đơn vị lấy tin phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền của cơ quan báo chí.
5- Báo chí chọn cộng tác viên là người Việt Nam đang ở nước ngoài hoặc người có quốc tịch nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ, lập danh sách báo cáo và được cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đồng ý mới thực hiện.
Điều 7.- Về việc phát hành báo chí tại thành phố.
1- Đối với các báo phát hành trong nước :
a- Các báo thành phố có thể tự tổ chức mạng lưới phát hành riêng hoặc thông qua Bưu điện. Mạng lưới tự phát hành riêng phải thực hiện đúng điều 16 trong Nghị định 133-HĐBT.
b- Các báo Trung ương và địa phương khác có giấy phép hoạt động hợp pháp muốn phát hành tại thành phố phải thông báo cho Sở Văn hóa thông tin về số lượng, số kỳ phát hành và điểm phát hành. Mỗi số báo phải nộp cho Sở Văn hóa thông tin thành phố 1 bản và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố 1 bản.
2- Đối với báo chí xuất bản ở nước ngoài :
Ngoài Công ty xuất nhập khẩu sách báo (thuộc Bộ Văn hóa thông tin) và Công ty Phát hành sách thành phố có chức năng cung cấp các báo chí nước ngoài cho các đối tượng cần thiết theo quy định, các tổ chức và cơ quan khác muốn phát hành báo chí nước ngoài tại thành phố phải được phép của Ủy ban nhân dân thành phố, thông qua Sở Văn hóa thông tin.
Điều 8.- Chế độ nộp lưu chiểu.
Tất cả các cơ quan có hoạt động báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh, kể cả báo chí nước ngoài phát hành tại thành phố, trước khi phát hành đều phải thực hiện nộp lưu chiểu báo chí theo điều 14 Nghị định 133-HĐBT ngày 20/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 9.- Nguyên tắc phát tin.
1- Báo chí đưa tin về chủ trương, chính sách, quyết định của lãnh đạo thành phố phải căn cứ vào nguồn tin chính thức của cơ quan lãnh đạo thành phố.
Trong những trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dânthành phố hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dânthành phố ủy nhiệm, phát tin chính thức bằng văn bản về các sự kiện đối nội và đối ngoại của thành phố. Báo chí được thông báo trước để sử dụng tin thống nhất.
Người phát ngôn của Ủy ban nhân dân thành phố, thông báo chung cho báo chí hoặc riêng cho cơ quan báo chí những thông tin cần thiết ; về những sự việc và vấn đề công luận đặt ra có liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
2- Những bài vở có nội dung liên quan đến các sở ban ngành và quan hệ công tác giữa các Tổng Biên tập với thủ trưởng các sở ban ngành được thực hiện theo đúng điều 7 khoản 1 của Luật báo chí.
3- Khi đưa tin về các vụ án đã có quyết định khởi tố và đang điều tra, báo chí cần phải thực hiện theo đúng điều 7 khoản 2 của Luật báo chí.
Điều 10.- Quảng cáo trên báo, đài.
Các tổ chức, cá nhân muốn đăng, phát quảng cáo phải thực hiện đúng theo các quy định của điều 17 khoản 3 Nghị định 133-HĐBT.
Điều 11.- Họp báo.
Tất cả các tổ chức, công dân muốn tổ chức họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh phải xin phép Ủy ban nhân dânthành phố trước 24 tiếng đồng hồ (trừ một số cơ quan có quy định riêng) và khi có giấy phép mới được tổ chức. Nội dung xin phép phải ghi rõ : Họ tên người xin phép, chức vụ (nếu có), mục đích, nội dung, đối tượng, thời gian và địa điểm.
Phần Ba
HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ VÀ BÁO CHÍ THÀNH PHỐ LIÊN QUAN ĐẾN NƯỚC NGOÀI
Điều 12.- Hoạt động của báo chí nước ngoài :
Sở Ngoại vụ phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện theo văn bản 1739/NV-BC ngày 01/10/1991 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa bàn thành phố. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động báo chí nước ngoài tại thành phố.
Điều 13.- Hoạt động báo chí thành phố liên quan đến báo chí nước ngoài.
1- Các báo cử phóng viên đi nước ngoài công tác và viết tin, bài phải xin phép cơ quan chủ quản đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép (hồ sơ gởi về Sở Văn hóa thông tin).
2- Tiếp xúc và làm việc với khách nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
3- Các cơ quan báo chí phải bố trí các phóng viên chuyên nghiệp làm công tác đối ngoại, theo đúng quan điểm, thái độ chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nghiệp vụ báo chí và trình độ ngoại ngữ tương xứng nhiệm vụ được giao.
Phần Bốn
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 14.- Khen thưởng.
1- Khi cần thiết Ủy ban nhân dânthành phố xem xét và quyết định khen thưởng cơ quan báo chí và nhà báo có thành tích báo chí xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố.
2- Hàng năm cơ quan báo chí tự đánh giá, nhận xét đề xuất mức khen thưởng gởi về Sở Văn hóa thông tin để tổng hợp và cùng Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố xét đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng.
Điều 15.- Xử lý vi phạm.
1- Báo chí vi phạm quy định về hiệu lực giấy phép ghi ở điều 13 Nghị định 133-HĐBT và điều 5 bản quy định này, sau khi đã nhắc nhở mà không chấn chỉnh sẽ bị tạm thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động và báo cáo lên Bộ Văn hóa thông tin quyết định.
2- Báo chí không thực hiện các quy định về nộp lưu chiểu đã ghi ở điều 14 Nghị định 133-HĐBT và điều 6 của bản quy định này thì :
- Lần thứ nhất : Sở Văn hóa thông tin nhắc nhở bằng văn bản.
- Lần thứ hai : Ủy ban nhân dân thành phố ra văn bản khiển trách và phạt tiền 2.000.000 đồng.
- Lần thứ ba : Đình chỉ hoạt động trong thời gian 6 tháng để chỉnh đốn.
3- Những bài báo có nội dung vi phạm điều 10 Luật báo chí và điều 4 Nghị định 133-HĐBT bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
4- Vi phạm điều 9 Luật báo chí, phải xử lý theo khoản 3 điều 5 của quy định này. Công dân, tổ chức khiếu nại nếu thấy chưa thỏa đáng có quyền yêu cầu Tòa án xét xử.
5.a- Khi phát hiện trong nội dung các báo đã phát hành có sự vi phạm điều 10 Luật báo chí và điều 4 Nghị định 133-HĐBT thì cơ quan nhận lưu chiếu có trách nhiệm báo cho Tổng Biên tập tờ báo đó tạm ngưng phát hành, thu hồi các số báo đã phát hành, và báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân thành phố để có quyết định xử lý kịp thời.
b- Đối với các báo Trung ương và địa phương khác phát hành trên địa bàn thành phố, nếu vi phạm điều 10 Luật báo chí và điều 4 Nghị định 133-HĐBT, cũng xử lý theo điểm 5.a điều 15 quy định này. Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo khẩn với Bộ Văn hóa thông tin và thông báo khẩn tới Ủy ban nhân dân địa phương có cơ quan báo chí vi phạm để xử lý tiếp.
c- Báo chí không nộp lưu chiếu mà có sự vi phạm như trên thì bị xử lý về mức độ vi phạm của nội dung và phạt tiền ở mức cao nhất của Pháp lệnh xử phạt hành chánh hoặc bị truy tố trước pháp luật.
6- Các báo Trung ương, báo địa phương đặt cơ quan đại diện in và phát hành hoặc đưa đến phát hành tại thành phố phải thực hiện đúng điều 5 và điều 7 của bản quy định này. Nếu chưa đủ thủ tục mà đã tổ chức hoạt động, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động, phạt tiền 2.000.0000 đồng và buộc phải làm xong thủ tục mới được hoạt động.
7- Phóng viên cần được tuyển chọn đúng tiêu chuẩn Nhà nước quy định. Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm về những tin, bài, hình ảnh có nội dung sai phạm quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phóng viên đưa những tin, bài, hình ảnh đó cũng bị xử lý, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng các biện pháp từ cảnh cáo, đề nghị Bộ Văn hóa thông tin rút thẻ phóng viên đến truy tố trước pháp luật. Cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí chịu trách nhiệm liên đới.
8- Quảng cáo trên báo, đài nếu vi phạm cũng bị xử lý theo Luật báo chí theo quy định về quảng cáo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố.
9- Cơ quan, tổ chức, cá nhân họp báo trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo các hình thức xử lý hành chính cao hơn hoặc truy tố trước pháp luật.
10- Phát hành báo chí nước ngoài tại thành phố nếu vi phạm quy định ở khoản 2 điều 7 bản quy định này sẽ bị tịch thu và phạt cảnh cáo. Nếu phát hành các báo có nội dung vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị tịch thu và phạt tiền 2.000.000 đồng hoặc truy tố trước pháp luật.
Điều 16.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 1143/QĐ-UB-VX năm 1993 quy định về việc thực hiện Luật Báo chí và Nghị định 133-HĐBT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 1143/QĐ-UB-VX
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/07/1993
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra