Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 07 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN II (2022 - 2025)

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 60-KH/TU, ngày 28/10/2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Thực hiện Công văn số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022 - 2025).

(Kèm theo Đề án số 02/ĐA-SVHTTDL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 2.

1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện.

2. Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ VHTTDL;
- TT.TU, TT.HĐNDT;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- BTGTU;
- Hội VHNT tỉnh;
- CVP, PVP.UBT phụ trách VH-XH;
- Báo VL, Đài PTTH VL;
- Cơ quan TT TTXVN tại VL;
- Phòng VHXH; KTNV;
- Lưu: VT, 3.01.02.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Trung

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/ĐA-SVHTTDL

Vĩnh Long, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN II (2022 - 2025)

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

Tỉnh Vĩnh Long là địa phương ở Nam Bộ có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT), được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Năm 2014, ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản l , định hướng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT ở địa phương, được UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 1090/QĐ- UBND, phê duyệt ngày 29/6/2015.

Qua 5 năm thực hiện Đề án, phong trào Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long đã có chuyển biến tích cực cả về chất và về lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện đề án vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế, đồng thời phát sinh những vấn đề mới cần được nghiên cứu và đưa ra giải pháp phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Nhằm tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long cần những nguồn lực mới, cần sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của Nhà nước và toàn xã hội để loại hình nghệ thuật này được bảo tồn và phát theo đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống song song với sự phát triển của xã hội, do đó việc tiếp tục xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn II (2022 - 2025)” là cần thiết và mang tính cấp bách trước yêu cầu phát triển chung của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

II. Cơ sở pháp lý

- Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009;

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;

- Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn;

- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025;

- Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ;

- Công văn số 3094/ BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.

Phần II

THỰC TRẠNG NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH VĨNH LONG

I. Thực trạng hoạt động Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Vĩnh Long từ năm 2015 - 2020

1. Kết quả đạt được

- Về số lượng câu lạc bộ và số người tham gia thực hành di sản

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019, hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Long có 899 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm Đờn ca tài tử với 8.085 thành viên, trong đó tiêu biểu nhất là huyện Vũng Liêm có 189 CLB, đội, nhóm với 1.227 thành viên; huyện Long Hồ, đội, nhóm có 133 CLB; huyện Tam Bình có 131 CLB, đội, nhóm; huyện Trà Ôn có 127 CLB, đội, nhóm; huyện Mang Thít có 124 CLB, đội, nhóm; huyện Bình Tân có 104 CLB, đội, nhóm; thị xã Bình Minh có 65 CLB, đội, nhóm; thành phố Vĩnh Long có 13 CLB, đội, nhóm; CLB Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long với 63 thành viên; CLB Đờn ca tài tử trường Đại học Xây dựng miền Tây; CLB Đờn ca tài tử Văn Xương Các; CLB Đờn ca tài tử đình Long Thanh;…

Như vậy, số lượng CLB Đờn ca tài tử tăng gần 4,6 lần so với đợt kiểm kê năm 2013 (197 CLB), đồng nghĩa với việc số người tham gia thực hành tiếp tục được duy trì và tăng cao.

Nhìn chung các CLB đều tổ chức sinh hoạt định kỳ. Địa điểm sinh hoạt CLB thường tại các thiết chế văn hóa hoặc tại nhà các thành viên câu lạc bộ. Các CLB nhiệt tình tham gia các chương trình biểu diễn, liên hoan Đờn ca tài tử các cấp; giao lưu với các CLB các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong 5 năm qua số cuộc liên hoan Đờn ca tài tử cấp xã được tổ chức trên 500 cuộc; cấp huyện, thị xã, thành phố trên 25 cuộc; cấp tỉnh 03 cuộc; tham gia liên hoan cấp khu vực và toàn quốc 2 cuộc, đạt 4 giải A, 8 giải B, 16 giải sáng tác lời mới; tham gia cuộc thi sáng tác lời mới Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long mở rộng do Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tổ chức có 8 tác giả với 45 tác phẩm, đạt 01 giải ba, một giải khuyến khích,…; tham gia và tổ chức giao lưu Đờn ca tài tử giữa các địa phương trong tỉnh, khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ, bình quân mỗi CLB tổ chức mời và tham gia giao lưu 4 cuộc trong năm. Thông qua những hoạt động này góp phần tạo cơ hội cho các thành viên thực hành, học tập, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ nghệ thuật.

- Về công tác nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy, biên soạn lời mới cho các bài tài tử

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trường Đại học Văn Lang hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử

- Sân khấu Cải lương tỉnh Vĩnh Long. Đây là một công trình khoa học công phu và khá toàn diện về phong trào Đờn ca tài tử của Vĩnh Long, khái lược được lịch sử hình thành và quá trình phát triển của bộ môn nghệ thuật này trên quê hương Vĩnh Long. Đồng thời, sưu tầm được nhiều bài bản Đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương sắp bị thất truyền.

Trường Văn hóa Nghệ thuật (nay là Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục, Thể thao) đã mở 21 lớp đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nghệ thuật Đờn ca tài tử với 934 học viên các lớp: Đờn ghita phím lõm, Nhạc cụ dân tộc (đờn kìm, đờn cò), Đờn ca tài tử, Sáng tác lời mới bài ca tài tử,… Như vậy so với mục tiêu của Đề án giai đoạn 1 thì nội dung đào tạo vượt chỉ tiêu 110% (từ năm 2015 - 2020 đặt mục tiêu mở 10 lớp đào tạo).

Trong năm 2020, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã tổ chức 01 cuộc thi sáng tác lời mới, có 111 tác phẩm của 28 tác giả tham gia, trong đó có 10 tác phẩm đạt giải. Ngoài những tác phẩm đạt giải, Ban Tổ chức còn chọn một số những tác phẩm khá, tập hợp để in sách xuất bản, phục vụ công tác quảng bá, đào tạo và thực hành di sản.

- Về chế độ chính sách, đãi ngộ nghệ nhân

Thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân , “Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát, xét chọn những nghệ nhân tiêu biểu, đủ điều kiện và hỗ trợ các nghệ nhân lập hồ sơ, tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Qua 02 đợt xét tặng, tỉnh Vĩnh Long có 22 nghệ nhân trình diễn Đờn ca tài tử trong tổng số 39 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú (đợt 1 năm 2015 có 11/24 nghệ nhân, xếp vị trí thứ 3 trong cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL; đợt 2 năm 2018 có 11/15 nghệ nhân, xếp vị trí thứ 11 trong cả nước và đứng đầu trong khu vực ĐBSCL). Hiện Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị thủ tục đề nghị xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú đợt 3 năm 2021 cho 8 nghệ nhân (trong đó có 7 nghệ nhân trình diễn Đờn ca tài tử)

Qua 03 đợt xét tặng, tỉnh Vĩnh Long chưa có nghệ nhân đủ điều kiện đề xuất xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân . Ngành văn hóa sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho lực lượng “Nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, giao lưu, trao đổi trình độ nghệ thuật tiến tới đủ điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân . Đây là nội dung quan trọng giúp cho các nghệ nhân, tài tử có hướng phấn đấu rõ ràng trên con đường thực hành nghệ thuật Đờn ca tài tử.

2. Về công tác quản lý

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã tham mưu thực hiện một số nội dung về công tác quản l , bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử, cụ thể:

- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án số 76/ĐA-SVHTTDL về “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử giai đoạn 2015 - 2020” (kèm Quyết định số 1090/QĐ-UBND, ngày 29/6/2015);

- Ban hành Kế hoạch số 65/KH-SVHTTDL, ngày 22/12/2015 triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 337/QĐ-SVHTTDL, ngày 11/8/2016 thành lập Ban chủ nhiệm thực hiện đề án;

- Tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 72/QĐ-UBND, ngày 12/01/2016 cho phép thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long.

II. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

1. Những khó khăn, hạn chế

1.1. Về nguồn nhân lực thực hành di sản

- Tuy số lượng CLB Đờn ca tài tử có tăng, nhưng chất lượng hoạt động, sinh hoạt của các CLB chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do không gian trình diễn Đờn ta tài tử hiện nay đã không còn như thời hoàng kim của nó, đất diễn của hoạt động Đờn ca tài tử hiện nay thường thu hẹp trong các nhóm sở thích, các hội thi, hội diễn, …

- Phần lớn lực lượng nghệ nhân am hiểu về đờn, ca đều lớn tuổi nên khó khăn trong việc tham gia các hoạt động giao lưu, sinh hoạt ở CLB hoặc truyền dạy. Trong khi đó sự chênh lệch giữa số lượng nghệ nhân đờn và ca cũng rất lớn. Hiện nay số lượng nghệ nhân, tài tử ca thì gấp nhiều lần nghệ nhân, tài tử đờn. Trong khi đó, số lượng người thông thạo, am hiểu 20 bài bản tổ (3 nam, 6 bắc, 4 oán, 7 bài) về đờn và ca của tỉnh còn hạn chế.

- Lực lượng trẻ kế thừa còn thiếu về lượng và yếu về chất. Các thành viên trẻ tham gia hoạt động còn hạn chế số lượng, khả năng và kinh nghiệm trong việc thể hiện bài bản đờn, ca. Hiện có rất ít người am hiểu hết 20 bài bản tổ, chủ yếu biết một số bài bản đơn giản, thông dụng, thường trình diễn theo phong cách vọng cổ cải lương (nhịp 32) mà ít theo phong cách tài tử (nhịp 16, nhịp 8, nhịp 4).

1.2. Về nguồn nhân lực quản lý

Nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở đa phần là kiêm nhiệm, nên đôi khi am hiểu chưa sâu về ý nghĩa và tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Do đó, dẫn đến việc hạn chế trong đánh giá hiện trạng, báo cáo, tham mưu, đề xuất,… chưa sát với tình hình thực tế.

Một số địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm ưu tiên việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hướng đến việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nên chưa có những chỉ đạo, quyết sách kịp thời, tạo điều kiện để phong trào Đờn ca tài tử ở địa phương hoạt động tốt hơn.

1.3. Về kinh phí

Kinh phí cho các hoạt động theo Đề án giai đoạn 1 được cấp hàng năm rất ít nên dẫn đến một số hoạt động không được thực hiện, nhất là việc kiểm kê, thẩm định, sưu tầm, biên soạn sách,…(Tổng kinh phí được cấp từ năm 2016 - 2020 là 195.000.000đ, đạt 6% so với kinh phí Đề án được duyệt là 3.479.000.000đ)

Các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh không được cấp kinh phí hoạt động. Để duy trì sinh hoạt, các thành viên tự đóng góp, trang bị nhạc cụ, dụng cụ, phần khác được những người yêu thích Đờn ca tài tử hỗ trợ. Khi tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, giao lưu,… họ được địa phương hỗ trợ một phần chi phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố.

Mặc dù loại hình này cũng đã được đưa vào các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách nhưng số lượng người tham gia còn hạn chế, hiệu quả kinh tế chưa cao và ổn định.

Như vậy, trước những thực trạng nêu trên cho thấy phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh đang tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế, cần xem xét nguyên nhân, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.

2. Nguyên nhân hạn chế

- Sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông đa phương tiện, nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, nhiều dòng âm nhạc mới…phù hợp với thị hiếu khán giả ngày nay. Biến thiên của lịch sử khiến không gian trình diễn của loại hình Đờn ca tài tử ít nhiều bị thu hẹp,…

- Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện đề án giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành thực hiện (có phân nguồn, phân kỳ) nhưng chưa được ngành Tài chính cân đối cấp phát đầy đủ, nên một số nội dung quan trọng chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến hiệu quả của Đề án.

- CLB Đờn ca tài tử tỉnh chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, định hướng hoạt động cho các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh. Vì vậy, trong 5 năm qua chưa có nhiều hoạt động nổi bật do hạn chế về kinh phí, phần lớn số thành viên phân tán ở các huyện, các thành viên thường trực hầu hết kiêm nhiệm công tác chuyên môn.

- Hoạt động truyền nghề của các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm chưa rộng rãi. Các lớp đào tạo về Đờn ca tài tử do ngành văn hóa tổ chức thường ngắn ngày nên chưa chuyển tải hết những kỹ thuật quan trọng trong nghệ thuật Đờn ca tài tử nhất là lĩnh vực đờn và sáng tác.

- Lực lượng trẻ kế thừa ít do chưa am hiểu, đam mê và có định hướng rõ ràng khi tham gia thực hành nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Diễn biến của dịch Covid -19 trong 2 năm 2020, 2021 làm gián đoạn nhiều hoạt động xã hội, trong đó có phong trào Đờn ca tài tử.

Phần III

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu Đề án

1- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng. Xây dựng nội dung tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử cho 100% các Ban chủ nhiệm CLB trong toàn tỉnh.

2- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, nhà trường, CLB, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và Nhân dân địa phương. Lồng ghép tiết mục Đờn ca tài tử vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các sự kiện, các ngày lễ, tết trong năm.

3- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của CLB Đờn ca tài tử; chọn lọc một số CLB tiêu biểu của tỉnh để nâng chất, hỗ trợ hoạt động, có thể phát động thi đua giữa các CLB nhằm phát huy tối đa nguồn lực hiện có; hỗ trợ các CLB còn yếu, thành lập các CLB mới tại các khu, điểm du lịch, tăng cường hiệu quả kinh tế của loại hình nghệ thuật này.

4- Chú trọng việc đào tạo lực lượng kế thừa chuẩn về đờn, ca, mở rộng đối tượng am hiểu để phát huy khả năng sáng tác, hướng tới việc tham gia biểu diễn mang tầm quốc gia, quốc tế và đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ định kỳ 03 năm tổ chức một lần tại các tỉnh thành Nam Bộ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho những thành viên các CLB, cán bộ, cộng tác viên các thiết chế văn hóa và những người yêu thích nghệ thuật Đờn ca tài tử ở trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục thể thao.

5- Tiếp tục duy trì tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử các cấp theo định kỳ, chú ý đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, cơ cấu giải thưởng; giao lưu các CLB trong và ngoài tỉnh; Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới các bài bản tổ, thi kiến thức về Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Lồng ghép nội dung các cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử để tổ chức tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ về Đờn ca tài tử. Thành lập đội tuyển Đờn ca tài tử theo từng thời điểm (chọn thành viên tiêu biểu từ các CLB trong tỉnh hội đủ các lĩnh vực đờn, ca, sáng tác) để tham gia các cuộc liên hoan các tỉnh mở rộng, cấp khu vực và toàn quốc, hướng tới việc giao lưu trình diễn ở nước ngoài.

6- Tiếp tục sưu tầm, kiểm kê, phân loại các tư liệu phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn...

7- Biên soạn, in ấn, phổ biến tài liệu giới thiệu tổng quan về nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long, tài liệu về tác giả, tác phẩm Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long (lịch sử hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, nhạc sư của tỉnh Vĩnh Long cho việc khai sinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; giới thiệu chân dung và tiểu sử của những nghệ nhân, tài tử tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm qua); Thực hiện ghi âm, ghi hình, in ấn tuyển tập giới thiệu, tôn vinh các bài bản, tài liệu về Đờn ca tài tử là tác phẩm, là công trình nghiên cứu, sưu tầm của các nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phong trào ĐCTT của tỉnh.

8- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

9- Chú trọng chế độ đãi ngộ, khen thưởng và xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân , “Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành và có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ các nghệ nhân tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân “Nghệ nhân Ưu tú các năm 2021, 2023, 2025 theo quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP; Tiếp tục phối hợp rà soát, hỗ trợ các nghệ nhân đã được công nhận “Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của Nghị định 109/2015/NĐ-CP.

II. Nội dung của Đề án

1. Công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo

1.1. Công tác tuyên truyền, quảng bá

- Hình thức: In tuyển tập, thu âm; xây dựng các video clip phát trên mạng xã hội; phối hợp xây dựng chuyên trang Báo Vĩnh Long, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố; website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phối hợp Đài THVL mở chuyên mục về nghệ thuật Đờn ca tài tử hàng quý; tổ chức 02 cuộc triển lãm và nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, lồng ghép vào các đợt Liên hoan Đờn ca tài tử cấp tỉnh; tổ chức 05 cuộc nói chuyện chuyên đề trong các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh,…

- Nội dung: Giới thiệu tổng quan lịch sử hình thành và phát triển, nghệ nhân và các hoạt động tiêu biểu của nghệ thuật Đờn ca tài tử trong tỉnh.

- Thời gian thực hiện: từ 2022 - 2025

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

1.2. Công tác đào tạo

- Hình thức: Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ

- Nội dung: Mở 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao về nghệ thuật Đờn ca tài tử cho lực lượng nghệ nhân, tài tử, chú trọng lĩnh vực đờn và sáng tác; Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức sinh hoạt đội nhóm cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm, từ năm 2022 - 2025

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị, thành phố

2. Công tác kiểm kê, sưu tầm, biên soạn tư liệu

- Nội dung và thời gian thực hiện:

Thực hiện 02 cuộc kiểm kê, sưu tầm về nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng CLB, đội, nhóm, số người thực hành di sản (phân loại độ tuổi, giới tính, trình độ nghệ thuật,…); Sưu tầm những tư liệu về lịch sử, bài bản tổ, những nhân vật tiêu biểu trong lĩnh vực Đờn ca tài tử,… phục vụ công tác lưu giữ, truyền dạy, quảng bá.

Thời gian: định kỳ 02 năm/lần, năm 2022, 2024

Biên soạn, in ấn, phổ biến tài liệu giới thiệu tổng quan về nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long; giới thiệu chân dung và tiểu sử của những nghệ nhân, tài tử tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phong trào Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm qua; tập hợp những sáng tác Đờn ca tài tử đạt chất lượng để phổ biến rộng rãi.

Thời gian: Năm 2022, 2023, 2024

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật, UBND các huyện, thị và thành phố.

3. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Vĩnh Long

3.1. Củng cố, nâng chất CLB Đờn ca tài tử

- Nội dung: Củng cố CLB đờn ca tài tử tỉnh và xây dựng chương trình biểu diễn nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh, các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa của tỉnh, … Củng cố, nâng chất các CLB còn yếu, khuyến khích thành lập các CLB mới tại các khu, điểm du lịch;

- Thời gian: từ năm 2022 - 2025.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị, thành phố, các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

3.2. Tổ chức Hội thi sáng tác lời mới trong 20 bài bản tổ

- Nội dung: Phát động từ 01 đến 02 cuộc thi sáng tác lời mới trong 20 bài bản tổ với đối tượng là các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh.

- Thời gian: năm 2023

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

3.4. Tổ chức liên hoan, giao lưu Đờn ca tài tử

- Nội dung: Thi diễn tài tử đờn, ca trong 20 bài bản tổ các cấp (xã, huyện, tỉnh)

- Thời gian: Hàng năm, từ năm 2022 - 2025

- Chủ trì: Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tham mưu, tổ chức.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; UBND các huyện, thị, thành phố.

3.5. Tham gia liên hoan cấp khu vực và toàn quốc

- Nội dung: Dự kiến tham dự 02 cuộc Liên hoan Đờn ca tài tử cấp khu vực năm 2022 và 2025 theo Kế hoạch tổ chức định kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Thời gian: Năm 2022, 2025

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị, thành phố.

4. Cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân ưu tú

- Nội dung: Tiếp tục rà soát, hỗ trợ lập hồ sơ đối với những nghệ nhân đủ điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân , “Nghệ nhân ưu tú trình Hội đồng cấp tỉnh theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP; Tiếp tục thực hiện Nghị định 109/2015/NĐ-CP hỗ trợ các “Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn; Tham mưu vận dụng thích hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ về vật chất, điều kiện hoạt động góp phần động viên tinh thần của các nghệ nhân.

- Thời gian: từ năm 2022 - 2025

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị, thành phố.

III. Giải pháp thực hiện đề án

1. Về chính sách

- Tham mưu, đề xuất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền các cấp; sự quan tâm, quán triệt sâu sắc của các ngành, đoàn thể đối với công tác tuyên truyền giáo dục, giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nhằm góp phần hỗ trợ tích cực cho phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh.

- Thực hiện chính sách khen thưởng, đãi ngộ kịp thời đối với những người làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, các nghệ nhân, tài tử tiêu biểu nhằm tạo động lực phát huy tối đa tính tích cực, sáng tạo. Đồng thời hỗ trợ đầu tư đào tạo, tập huấn về chuyên môn, trang bị nhạc cụ, dụng cụ chuyên dùng, về kinh phí hoạt động,… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.

- Hướng dẫn, hỗ trợ về cơ sở pháp lý đối với việc thành lập mới các CLB, đội, nhóm Đờn ca tài tử, tránh trường hợp thành lập nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả.

- Tuyển chọn một số CLB tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện để họ có môi trường thực hành, biểu diễn phát triển trình độ nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn.

- Vận dụng hợp lý nguồn kinh phí được cấp trong việc đầu tư trang bị dụng cụ, nhạc cụ biểu diễn cho các CLB tiêu biểu được chọn.

- Quan tâm, tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân các ngày lễ kỷ niệm (ngày Sân khấu Việt Nam 12/8 âm lịch, ngày Di sản Việt Nam 23/11) thăm hỏi các nghệ nhân ưu tú lớn tuổi, có nhiều đóng góp cho hoạt động Đờn ca tài tử tỉnh nhà.

2. Về tuyên truyền, quảng bá, giáo dục

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và sâu rộng về ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ với nhiều hình thức, nội dung cô đọng, súc tích, thu hút, hướng tới các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là thế hệ trẻ nhằm định hướng, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử. Chú trọng công tác giáo dục để thế hệ trẻ quan tâm, hiểu biết về giá trị to lớn của một loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc và có ý thức sâu sắc về trách nhiệm trong việc kế thừa để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể trong việc quảng bá hình ảnh, con người, những hoạt động nổi bật của phong trào Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long đến toàn xã hội, hướng tới việc xây dựng thương hiệu Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long vững mạnh và lâu dài.

- Gia tăng sự có mặt của Đờn ca tài tử trong các hoạt động đối ngoại, ngoại giao văn hóa của tỉnh.

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề lồng ghép vào chương trình học của các em học sinh, sinh viên nhằm tạo nền tảng kiến thức, nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, khơi gợi niềm đam mê thưởng thức và tham gia.

3. Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động và nguồn nhân lực

- Xây dựng Kế hoạch cụ thể hàng năm trong việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao, không quá chú trọng số lượng lớp mà nên tập trung vào đối tượng học viên phù hợp, nội dung và thời lượng cho mỗi đợt tập huấn. Trong các đợt tập huấn nên tận dụng nguồn lực sẵn có như mời các nghệ nhân giỏi trong tỉnh đến giảng dạy. Mặt khác có thể thỉnh giảng từ những địa phương khác hoặc từ các tổ chức, hội nghề nghiệp trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo cơ hội để lực lượng thực hành di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử của Vĩnh Long có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi, nâng cao trình độ nghệ thuật.

- Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ, có kế hoạch mở lớp về năng khiếu đờn và ca tài tử tại Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục thể thao và sử dụng nguồn lực này một cách hợp lý.

- Cần có nguồn tài liệu chính thống để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, phát huy tính tự học của các nghệ nhân, tài tử. Hệ thống các tài liệu sưu tầm, biên soạn các bài bản tổ truyền thống để lưu trữ và phổ biến rộng rãi trong nhân dân nhất là lực lượng đang thực hành di sản và lực lượng yêu thích, đam mê.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Duy trì việc tổ chức định kỳ các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu, trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ các cấp. Đây là cơ sở để phát hiện tài năng mới, cũng là điều kiện để đánh giá phong trào, phát huy những mặt mạnh và kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

- Đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt CLB Đờn ca tài tử như tổ chức họp cụm (2, 3 CLB họp lại) hoặc mời các CLB khác đến giao lưu, xây dựng chương trình sinh hoạt bài bản, có trao đổi về kiến thức, về kỹ thuật Đờn ca tài tử; có hướng đào tạo để nâng chất cho các thành viên còn yếu; đề ra giải thưởng mang tính tinh thần cho các thành viên tham gia hoạt động tích cực,…

- CLB Đờn ca tài tử tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt. Hàng năm nên xây dựng kế hoạch hoạt động, chương trình sinh hoạt lệ, chuẩn bị nội dung sinh hoạt chu đáo, chặt chẽ; Báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu; Hỗ trợ về chuyên môn đối với các CLB còn yếu; Đề xuất bồi dưỡng các thành viên, nghệ nhân có nguyện vọng muốn nâng cao trình độ nghệ thuật;…

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố cần tham mưu xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử của địa phương theo hướng vừa phát huy tốt tính xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt định kỳ, các hoạt động phong phú, đa dạng. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề tại các thiết chế văn hóa.

4. Về huy động các nguồn lực

- Đa dạng hóa nguồn kinh phí để duy trì và phát huy hoạt động nghệ thuật Đờn ca tài tử. Tăng cường công tác vận động xã hội hóa trong cộng đồng và quần chúng nhân dân, các Mạnh Thường Quân, nhà tài trợ, các doanh nghiệp tư nhân,… cho nguồn kinh phí hoạt động của các CLB.

- Khuyến khích, hỗ trợ các hộ tư nhân đầu tư tổ chức những điểm trình diễn, sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật Đờn ca tài tử, quy hoạch các điểm gắn với các dịch vụ, cơ sở, các khu, điểm du lịch trong tỉnh để tạo điều kiện cho khách du lịch được tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử, đồng thời phần nào tạo thu nhập cho các nghệ nhân, tài tử. Tuy nhiên các điểm này phải đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn vệ sinh, các tiện nghi và phương tiện khác nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ tinh thần của khách du lịch.

PHẦN IV

NGUỒN KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2 đề nghị chi từ ngân sách Nhà nước là 2.065.000.0000đ (Hai tỷ không trăm sáu mươi lăm triệu đồng), đồng thời sẽ tăng cường vận động xã hội hóa đóng góp cho các hoạt động phát sinh.

(Đính kèm Bảng phân kỳ dự toán)

II. Tổ chức thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Xây dựng Đề án trình UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai Đề án; xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cụ thể cho từng nội dung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan trong biên soạn sách về nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long.

- Phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới các bài bản trong hệ thống âm nhạc tài tử; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật Đờn ca tài tử lồng ghép vào chương trình học của các em học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục kiểm kê, sưu tầm những tư liệu trong dân gian; tham mưu thực hiện tốt việc lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân “Nghệ nhân ưu tú cho những nghệ nhân xuất sắc, tiêu biểu trong tỉnh; tham mưu khen thưởng cho những nghệ nhân, tài tử, cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho phong trào ĐCTT của tỉnh.

- Tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, sáng tác Nghệ thuật Đờn ca tài tử; tổ chức và tạo điều kiện cho các CLB tham gia Hội thi, Liên hoan, giao lưu nghệ thuật Đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục thể thao xây dựng kế hoạch mở lớp năng khiếu về Đờn ca tài tử; Bảo tàng tỉnh lập kế hoạch triển lãm về nghệ thuật Đờn ca tài tử; Trung tâm Văn hóa xây dựng các chương trình giao lưu, biểu diễn,…

- In ấn, ghi âm, ghi hình những tư liệu, hình ảnh về nghệ thuật Đờn ca tài tử phát hành trong toàn tỉnh và giới thiệu với tỉnh bạn.

- Kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị, các CLB về hiệu quả thực hiện Đề án, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế thiếu sót, phát huy những sáng kiến sáng tạo trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án trong tỉnh.

- Thẩm định nội dung những ấn phẩm, tư liệu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành hoặc sưu tầm.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào các hoạt động ngoại khóa và các môn học có liên quan trong chương trình giáo dục phổ thông đối với giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh cấp theo đề án được phê duyệt tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của Đề án.

- Ưu tiên bố trí ngân sách của địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ vào dự toán kinh phí phân kỳ hàng năm, đơn vị lập gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo khả năng ngân sách và theo Luật ngân sách nhà nước.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát các trường hợp nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, … theo quy định của Nghị định 109/2015/NĐ-CP.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long

- Phối hợp xây dựng kế hoạch tăng cường phát sóng thực hiện giới thiệu các chương trình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

7. Báo Vĩnh Long

Thường xuyên quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Vĩnh Long, có những chuyên mục giới thiệu hoạt động các CLB, đội, nhóm Đờn ca tài tử; những mô hình sinh hoạt hay, hiệu quả; các nghệ nhân Đờn ca tài tử và hoạt động truyền nghề ở các địa phương.

8. Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phát động tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ, biên soạn các ấn phẩm liên quan nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc xét Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân.

- Giới thiệu phổ biến việc sử dụng các tác phẩm lời mới của các nghệ nhân trong các hoạt động nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong và ngoài tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Căn cứ Đề án được phê duyệt, chỉ đạo các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở địa phương. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia hưởng ứng phong trào Đờn ca tài tử của địa phương;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội thi, liên hoan, giao lưu trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ hàng năm tại cơ sở và cấp huyện, đồng thời thành lập các đội, nhóm tham dự hội thi, liên hoan do tỉnh tổ chức;

- Chỉ đạo công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động Đờn ca tài tử tại địa phương, đồng thời báo cáo định kỳ và đề xuất kiến nghị sát với tình hình thực tế. Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại địa phương;

- Chỉ đạo hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở thường xuyên duy trì và phát triển các loại hình sinh hoạt CLB, đội, nhóm Đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí góp phần tạo động lực và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đội, nhóm Đờn ca tài tử.

- Chỉ đạo UBND cấp xã; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện rà soát lại các CLB đờn ca tài tử được thành lập từ huyện đến xã, thị trấn, ấp - khóm phải có hồ sơ thành lập đúng theo quy định. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử định kỳ hàng tháng, tổ chức hội thi, liên hoan, giao lưu, nhân các ngày lễ, tết…vv trong và ngoài huyện.

- Hàng năm Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện phối hợp với Trường năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh, tổ chức tập huấn cho cộng tác viên, nghệ nhân đam mê nghệ thuật đờn, ca tài tử tạo lực lượng kế thừa, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử.

- Chú ý đưa Đờn ca tài tử vào các hoạt động đối ngoại, ngoại giao văn hóa của địa phương.

10. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh

- Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm; xây dựng chương trình sinh hoạt chuyên đề cho các CLB.

- Tham mưu tuyển chọn các CLB tiêu biểu của tỉnh và đề xuất phương án giải quyết đối với những CLB, đội, nhóm hoạt động không hiệu quả; Hỗ trợ xây dựng quy chế hoạt động của các CLB.

- Tham gia công tác kiểm kê, sưu tầm tư liệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử.

- Báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

- Hỗ trợ về chuyên môn đối với các CLB còn yếu; đề xuất bồi dưỡng các thành viên, nghệ nhân có nguyện vọng muốn nâng cao trình độ nghệ thuật,…

Trên đây là nội dung Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022 - 2025) . Quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để được hướng dẫn kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- UBND tỉnh;
- Phòng VH-XH, VP.UBND tỉnh;
- GĐ, các PGĐ sở;
- Lưu VT.

GIÁM ĐỐC




Phan Văn Giàu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1109/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022-2025)

  • Số hiệu: 1109/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Lê Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản