Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2003/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 26 tháng 02 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH CÀ MAU

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

- Căn cứ Luật bảo vệ môi trường;

- Xét Tờ trình số 17/ TT-KCM, ngày 12 tháng 02 năm 2003 của Giám đốc Sở khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Cà Mau.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính về quản lý chất thải gây ô nhiễm môi trường và giữ gìn vệ sinh đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện qui định này. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành qui định này, tại báo cáo sơ, tổng kết có đánh giá hiệu quả của Quy định.

Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền toàn bộ nội dung qui định này để các cá nhân, tổ chức biết tự giác chấp hành.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (báo cáo)
- Bộ Tư pháp (báo cáo)
- TT Tỉnh ủy (báo cáo)
- TT HĐND tỉnh (báo cáo)
- Như Điều 3 (thực hiện)
- CV-NC (theo dõi)
- Lưu VP

TM/ UBND TỈNH CÀ MAU
KT/ CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Minh Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ CHẤT THẢI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2003/QĐ-UB ngày 26 tháng 02 năm 2003 của UBND tỉnh Cà Mau)

Chương I

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (kể cả tổ chức, cá nhân là người nước ngoài) sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đô thị theo quy định của pháp luật và bản quy định này.

Điều 2: Quy định này là cơ sở để quản lý chất thải và giữ gìn vệ sinh đô thị trong hoạt động sản xuất, đời sống và các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3: Các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chất thải và giữ gìn vệ sinh đô thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của mọi công dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong việc giữ gìn vệ sinh đô thị và bảo vệ môi trường.

Chương II

QUẢN LÝ CHẤT THẢI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

Điều 4: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

1. Các chất thải ở dạng rắn, lỏng, khí cần phải tổ chức xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài phạm vi cơ sở của mình quản lý.

2. Phải trang bị đủ, đúng các thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải, phòng chống cháy nổ theo yêu cầu hoặc thiết kế đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các cơ sở chế biến, sản xuất phế phẩm thuỷ sản (đầu cá, vỏ - đầu tôm...) không được để mùi hôi thối gây hại vào không khí làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân xung quanh.

Điều 5: Đối với bệnh viện, trạm xá, khu điều dưỡng, phòng mạch tư: không được chôn vùi, thải chất độc hại, khó phân hủy vào các khu chứa chất thải sinh hoạt thông thường, mà phải được xử lý theo công nghệ riêng.

Điều 6: Đối với các khu vực đông dân cư:

1. Phải có nơi tập trung chứa rác thải và hàng ngày phải được thu gom bỏ vào thùng rác công cộng hoặc vận chuyển đến đúng nơi quy định. Việc tổ chức thu gom rác phải thực hiện đúng theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành và phải bảo đảm an toàn, vệ sinh.

2. Nước thải sinh hoạt phải được xử lý thải vào hệ thống thoát nước công cộng; không được tháo, xả nước bừa bãi trên hè phố, nơi công cộng làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Điều 7: Đối với các chợ trong huyện, thành phố (thuộc tỉnh), chợ ở các xã, phường, thị trấn phải có hệ thống cống, rãnh thoát nước; rác thải phải được tập trung hoặc chứa trong thùng rác công cộng và hằng ngày phải được thu gom một cách triệt để, không để ứ đọng lâu ngày.

Điều 8: Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng ăn uống tự quản lý rác thải, vệ sinh hè phố, trước cửa chợ hoặc cửa hàng do mình quản lý và phải chịu trách nhiệm về vấn đề vệ sinh môi trường ở khu vực nêu trên.

Chương III

VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Điều 9: Đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình:

1. Khi tiến hành cải tạo hoặc phá dỡ các công trình phải thực hiện đúng các quy định về vận chuyển rác và các chất gây ô nhiễm môi trường của công trình đến nơi chứa chất thải đúng theo quy định hiện hành hoặc phải ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải của công trình với Công ty cấp thoát nước và Công trình đô thị.

2. Không được làm nhà vệ sinh trên sông, kênh, rạch đồng thời phải có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn quy định; phải có thùng, sọt chứa rác đặt nơi thích hợp, tiện cho việc thu gom rác, không xả rác trực tiếp xuống sông, kênh, rạch.

3. Các tổ chức, cá nhân không được tự tiện đào, xẻ đường, hè phố. Nếu được phép đào thì sau khi thực hiện xong phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đường phố, vỉa hè; không được để đất, vật liệu xây dựng hoặc chất thải làm tắc ứ cống rãnh.

4. Các tổ chức, cá nhân không được thả rông gia súc trên đường phố; khi có nhu cầu lùa đàn gia súc trên đường giao thông phải đi vào ban đêm đồng thời phải có trách nhiệm thu dọn phân gia súc rơi vãi trên đường phố.

Điều 10: Các chủ thể quản lý phương tiện vận chuyển rác, vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, chất đốt... phải được chằng, buộc, che đậy chắc chắn, không để rơi vãi trên đường.

Điều 11: Đối với các cá nhân:

1. Khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng, khi khám chữa bệnh phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh chung như không hút thuốc lá, không xả rác, không khạc nhổ bừa bãi.

2. Không được vứt xác súc vật, tiêu tiểu bừa bãi trên đường phố, hè phố, mương cống, công viên, bãi cỏ, gốc cây và những nơi công cộng khác.

Điều 12: Tại các khu vực công cộng như: công viên, rạp hát, chợ... phải có thùng chứa rác thải đặt ở những nơi thích hợp, rác phải đổ đúng nơi quy định.

Điều 13: Nguồn nước được sử dụng trong sinh hoạt ăn uống không được thả gia súc, gia cầm;

Điều 14: Tại các công sở phải thường xuyên thu dọn vệ sinh xung quanh, tạo môi trường sạch đẹp, thoáng mát.

Chương IV

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XỬ LÝ CHẤT THẢI VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH ĐÔ THỊ, KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Điều 15: Trách nhiệm của Sở Khoa học công nghệ và Môi trường:

1. Xây dựng kế hoạch về xử lý chất thải và giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương; hướng dẫn và triển khai cụ thể để phối hợp cùng với UBND các huyện, thành phố (thuộc tỉnh) kiểm tra việc quản lý chất thải, giữ gìn vệ sinh trên địa bàn mình quản lý.

2. Phối hợp Sở Văn hóa thông tin, Đài Phát thanh- Truyền hình, các ngành chức năng và các tổ chức xã hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau về nội dung các điều, khoản cụ thể trong Bản qui định này để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện tốt.

3. Phối hợp các ngành chức năng và UBND huyện, thành phố (thuộc tỉnh) quy hoạch, xây dựng các trạm trung chuyển rác thải, các chất phế thải, bãi chôn lấp và xử lý chất thải.

Điều 16: Trách nhiệm của Công ty cấp thoát nước và Công trình đô thị:

1. Lập đề án xây dựng và quản lý bãi rác; lập kế hoạch quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; đảm bảo khai thông mương, cống thoát nước. Chủ động phối hợp với UBND huyện, thành phố (thuộc tỉnh) để tổ chức thực hiện.

2. Đăng ký và giám sát về mặt chuyên môn tìm biện pháp giải quyết, xây dựng bãi rác; ký hợp đồng dịch vụ thu dọn chất thải, phế thải xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

3. Thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương về các nội dung như: địa điểm đổ phế thải, chất thải; thời gian thu gom rác thải trong ngày, nơi đặt dụng cụ chứa rác thải công cộng.

Điều 17: UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức quản lý, tăng cường chỉ đạo kiểm tra thực hiện việc xử lý chất thải và giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương mình quản lý.

Điều 18: Các cơ quan đoàn thể có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện việc giữ gìn vệ sinh nơi công sở, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho các thành viên trong cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Điều 19: Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện việc đóng góp phí vệ sinh theo quy định của nhà nước.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20: Các tổ chức và cá nhân có thành tích hoạt động tích cực trong việc xử lý chất thải và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì được khen thưởng theo quy định của nhà nước.

Điều 21: Các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thì tuỳ theo mức vi phạm mà bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22: Các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố (thuộc tỉnh) theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện bản quy định này.