Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Pháp lệnh số: 08/2025/UBTVQH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2025 

 

PHÁP LỆNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BIỂN, PHÁP LỆNH THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BAY, PHÁP LỆNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TÒA ÁN NHÂN DÂN XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC, PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG, PHÁP LỆNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ PHÁP LỆNH CHI PHÍ TỐ TỤNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 81/2025/QH15;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14, Luật số 09/2022/QH15, Luật số 11/2022/QH15 và Luật số 56/2024/QH15;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển số 05/2008/UBTVQH12, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay số 11/2010/UBTVQH12, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc số 01/2022/UBTVQH15, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng số 02/2022/UBTVQH15, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 03/2022/UBTVQH15 và Pháp lệnh Chi phí tố tụng số 05/2024/UBTVQH15.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển

Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển

1. Tòa án nhân dân khu vực nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa (sau đây gọi là cảng) mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài.

Trường hợp cảng có nhiều bến cảng tại địa phận các xã, phường, đặc khu thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án nhân dân khu vực khác nhau thì Tòa án nhân dân khu vực nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó.

2. Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ án dân sự, Tòa án nhân dân khu vực nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực trong cũng một tỉnh.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau.”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay

Tòa án nhân dân khu vực nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay.”;

2. Thay thế một số cụm từ tại một số điều như sau:

a) Thay thế cụm từ “quy định tại khoản 4 Điều 96 của Luật thi hành án dân sự” tại khoản 2 Điều 31 bằng cụm từ “theo quy định của Luật Thi hành án dân sự”;

b) Thay thế cụm từ “quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự” tại điểm a khoản 1 Điều 32 bằng cụm từ “quy định của Luật Thi hành dân sự”;

c) Thay thế cụm từ “quy định tại Điều 105 của Luật thi hành án dân sự” tại khoản 3 Điều 41 bằng cụm từ “quy định của Luật Thi hành án dân sự”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân khu vực nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.

2. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân khu vực bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Người bị đề nghị không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy;

b) Người bị đề nghị đã chết;

c) Người bị đề nghị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Trưởng Công an cấp xã rút đề nghị;

đ) Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang chờ chấp hành hình phạt tù theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

e) Người bị đề nghị đang chấp hành hoặc đang chờ chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đang chấp hành hoặc đang chờ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

g) Người bị đề nghị đang mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp cơ bản trở lên.

2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Người bị đề nghị có hành vi vi phạm pháp luật đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng;

b) Khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu Trưởng Công an cấp xã tiến hành trưng cầu giám định;

c) Có sự kiện bất khả kháng không thể mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Người bị đề nghị bị ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp cơ bản trở lên.

3. Khi lý do tạm đình chỉ quy định tại khoản 2 Điều này không còn thì Tòa án xem xét mở lại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Việc gửi quyết định của Tòa án

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án đã ra quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi quyết định cho Trưởng Công an cấp xã, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan hữu quan.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi quyết định cho Trưởng Công an cấp xã, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp và những người khác có liên quan.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 và Điều 30 như sau:

“Điều 29. Nhận, thụ lý đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, Trưởng Công an cấp xã và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Trưởng Công an cấp xã, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.

3. Sau khi xem xét hồ sơ kèm theo đơn đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Không chấp nhận đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Quyết định về việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên người có đơn đề nghị;

đ) Họ và tên Trưởng Công an cấp xã;

e) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người được đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

g) Lý do, căn cứ ra quyết định;

h) Nội dung việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

k) Hiệu lực của quyết định;

l) Nơi nhận quyết định.

5. Quyết định về việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho Trưởng Công an cấp xã, người phải chấp hành quyết định, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người phải chấp hành, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 30. Hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn hoặc người đang được hoãn tiếp tục sử dụng ma túy hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp xã nơi cư trú của người đang được hoãn phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Trưởng Công an cấp xã, Tòa án xem xét hủy bỏ quyết định hoãn và buộc người đang được hoãn phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi cho Trưởng Công an cấp xã, người phải chấp hành, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người phải chấp hành, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

4. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Lý do, căn cứ ra quyết định;

đ) Nội dung việc hủy bỏ quyết định hoãn và buộc người đang được hoãn phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

g) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

h) Hiệu lực của quyết định;

i) Nơi nhận quyết định.”.

5. Sửa đổi, bổ sung các điều 32, 33 và 34 như sau:

“Điều 32. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Người đang chấp hành nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh này được Tòa án tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cơ sở đề nghị của Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đến Tòa án nhân dân khu vực nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Bản sao quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh này;

c) Văn bản đề nghị của Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 33. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.

3. Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

đ) Họ và tên Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc đề nghị;

e) Lý do, căn cứ ra quyết định;

g) Nội dung việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

i) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

k) Hiệu lực của quyết định;

l) Nơi nhận quyết định.

5. Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho người đang chấp hành, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người đang chấp hành, Tòa án nhân dân nơi ra quyết định, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng Công an cấp xã và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Điều 34. Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi điều kiện tạm đình chỉ chấp hành quyết định dựa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn hoặc người đang được tạm đình chỉ tiếp tục sử dụng ma túy hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp xã nơi người được tạm đình chỉ cư trú phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Trưởng Công an cấp xã, Tòa án xem xét hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ và buộc người đang được tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi cho người phải chấp hành quyết định, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người phải chấp hành quyết định, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng Công an cấp xã và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

4. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Lý do, căn cứ ra quyết định;

đ) Nội dung việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ và buộc người đang được tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

g) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

h) Hiệu lực của quyết định;

i) Nơi nhận quyết định.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 36 như sau:

“2. Trưởng Công an cấp xã đề nghị thì có quyền kiến nghị, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc đề nghị thì có quyền kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 37 như sau:

“2. Thời hạn kiến nghị của Trưởng Công an cấp xã, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc, kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định; trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đó thì thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 như sau:

“2. Trưởng Công an cấp xã hoặc Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ kiến nghị, kháng nghị gửi đến Tòa án đã xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 39 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị, Tòa án nhân dân khu vực đã xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi đơn hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản việc khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có sự tham gia của những người sau đây:

a) Người khiếu nại, người đại diện hợp pháp của người khiếu nại;

b) Trưởng Công an cấp xã hoặc người được ủy quyền hoặc Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người được ủy quyền;

c) Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp;

d) Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp.”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 40 như sau:

“3. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;

b) Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp thì Thẩm phán phải xem xét; nếu có căn cứ quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định. Nếu phải thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp mà không có Thẩm phán, Thư ký khác thay thế thì phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Pháp lệnh này;

c) Người khiếu nại, người đại diện hợp pháp của họ trình bày nội dung khiếu nại; Trưởng Công an cấp xã hoặc người được ủy quyền hoặc Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người được ủy quyền trình bày nội dung kiến nghị; Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị;

d) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến, tranh luận về vấn đề có liên quan với Trưởng Công an cấp xã hoặc người được ủy quyền hoặc Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người được ủy quyền, đại diện Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị;

đ) Người giám định, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

e) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh này.”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau:

“Điều 42. Nội dung và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán và Thư ký phiên họp;

d) Họ và tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

đ) Họ và tên người khiếu nại;

e) Họ và tên Trưởng Công an cấp xã kiến nghị, họ và tên người được ủy quyền (nếu có) hoặc họ và tên Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc kiến nghị, họ và tên người được ủy quyền (nếu có); Viện kiểm sát kháng nghị;

g) Nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

h) Lý do, căn cứ và nội dung của việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

i) Hiệu lực của quyết định;

k) Nơi nhận quyết định.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có hiệu lực thi hành ngay.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi cho những cơ quan, cá nhân quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh này và Tòa án đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và các tài liệu, văn bản trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.”.

12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 47 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân khu vực giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định có hiệu lực pháp luật.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.”.

13. Thay thế một số cụm từ tại một số điều như sau:

a) Thay thế cụm từ “Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội” bằng cụm từ “Trưởng Công an cấp xã” tại Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 12, các khoản 1, 3 và 4 Điều 15, điểm c khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 1 Điều 20, các điểm c, d và g khoản 4 Điều 21, Điều 22 và khoản 5 Điều 23;

b) Thay thế cụm từ “tuyến huyện” bằng cụm từ “cấp cơ bản” tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 31;

c) Thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 41.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại Điều 25 và Điều 25a là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân; thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 25 như sau:

“2. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 7.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g và h khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh này.”.

3. Bổ sung Điều 25a vào sau Điều 25 như sau:

“Điều 25a. Thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát

1. Kiểm sát viên, Điều tra viên có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 7.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, e, g và h khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh này.

4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh này.”.

4. Bổ sung Điều 25b vào sau Điều 25a như sau:

“Điều 25b. Thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế của các chức danh khác

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quy định tại điểm a khoản 1 và các chức danh là người có thẩm quyền thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư quy định tại điểm h khoản 1 Điều 37a của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền theo quy định của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này.

3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”.

5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 33 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định tại Điều 11, Điều 12, khoản 1 và khoản 2 Điều 13, Điều 14, khoản 1 Điều 15, Điều 16, Điều 17, khoản 1 và khoản 2 Điều 18, Điều 19, khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 22, các khoản 1, 2 và 3 Điều 23 và Điều 24 của Pháp lệnh này.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định tại các điều từ Điều 11 đến Điều 24 của Pháp lệnh này.”.

6. Bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33 như sau:

“Điều 33a. Xác định thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát

1. Kiểm sát viên, Điều tra viên xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định tại Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 2 và khoản 3 Điều 18 của Pháp lệnh này.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 10, Điều 11, khoản 1 Điều 12, các khoản 1, 2 và 3 Điều 13, Điều 14, khoản 1 và khoản 2 Điều 15, khoản 1, 2 và 3 Điều 18 của Pháp lệnh này.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát quân khu và tương đương, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định từ Điều 9 đến Điều 15 của Pháp lệnh này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:

“Điều 41. Phân định thẩm quyền xử phạt

1. Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 25 và Điều 33 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án nhân dân nhận, thụ lý vụ án, vụ việc.

2. Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án quân sự có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 25 và Điều 33 của Pháp lệnh này đối với:

a) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án quân sự nhận, thụ lý vụ án;

b) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển.

3. Người có thẩm quyền xử phạt trong Viện kiểm sát có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 25a và Điều 33a của Pháp lệnh này đối với:

a) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát;

b) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 43 như sau:

“3. Người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư, bao gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 25b của Pháp lệnh này;

b) Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án, vụ việc;

c) Cán bộ điều tra đang thi hành công vụ, nhiệm vụ;

d) Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ;

đ) Người có thẩm quyền khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 45 như sau:

“2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế bao gồm:

a) Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân khu và tương đương, Viện trưởng Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương.”.

10. Bãi bỏ các điều 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và 40.

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân khu vực được quy định như sau:

a) Tòa án nhân dân khu vực nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người đề nghị), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Tòa án nhân dân khu vực nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 3 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân khu vực bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 28 như sau:

“6. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Trưởng Công an cấp xã, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính không còn hoặc người đang được hoãn, tạm đình chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 113 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Trưởng Công an cấp xã nơi người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cư trú phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Trưởng Công an cấp xã, Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ phân công Thẩm phán xem xét giải quyết. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành ngay, được gửi cho Trưởng Công an cấp xã, Viện kiểm sát cùng cấp, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và cơ quan hữu quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 như sau:

“1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị, Tòa án nhân dân khu vực đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải gửi đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời, thông báo bằng văn bản về việc khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.”.

5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 42 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân khu vực giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng.”.

6. Thay thế một số cụm từ tại một số điều như sau:

a) Thay thế cụm từ “tuyến huyện” bằng cụm từ “cấp cơ bản” tại điểm h khoản 1 Điều 16;

b) Thay thế cụm từ “tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” bằng cụm từ “tỉnh, thành phố” tại khoản 9 Điều 23;

c) Thay thế cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” bằng cụm từ “Trưởng Công an cấp xã” tại khoản 6 Điều 27;

d) Thay thế cụm từ “Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc” bằng cụm từ “Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc” tại khoản 1 và khoản 2 Điều 28;

đ) Thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại Điều 36 và Điều 44.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:

“1. Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định.”.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025:

a) Đối với vụ việc bắt giữ tàu biển, tàu bay thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang giải quyết trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết xong thì xử lý như sau:

Trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn nhưng chưa thụ lý thì chuyển cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết;

Trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết xong thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giải quyết;

b) Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà Tòa án nhân dân cấp huyện đang giải quyết; các quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, quyết định về việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy để xem xét, giải quyết lại;

c) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao;

d) Chánh án Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện;

đ) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Pháp lệnh này mà người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án quân sự, Công an nhân dân đang giải quyết nhưng đến ngày 01 tháng 7 năm 2025 chưa giải quyết xong thì tiếp tục giải quyết.

3. Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh này.

Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.

 

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2025

  • Số hiệu: 08/2025/UBTVQH15
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 27/06/2025
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản