Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 487-NQ/QHK4

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1974

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ THUẾ HÀNG HOÁ

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ vào Điều 41 và Điều 53 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà;
Căn cứ vào nghị quyết ngày 10 tháng 4 năm 1965 của Quốc hội;
Sau khi nghe Hội đồng Chính phủ báo cáo về việc sửa đổi Điều lệ thuế hàng hoá cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới;
Sau khi nghe Uỷ ban kế hoạch và ngân sách và Uỷ ban Dự án pháp luật của Quốc hội phát biểu ý kiến
,

QUYẾT NGHỊ:

1- Từ nay thuế hàng hoá được ấn định theo bản Điều lệ và Biểu thuế kèm theo.

2- Hội đồng Chính phủ thi hành nghị quyết này.

Trường Chinh

(Đã ký)

ĐIỀU LỆ

THUẾ HÀNG HOÁ

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Điều 1. Thuế hàng hoá được ấn định căn cứ trên những nguyên tắc sau đây:

- Khuyến khích các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện quy hoạch ngành nghề, hướng dẫn nhân dân tiêu dùng hợp lý;

- Góp phần tăng cường quản lý thị trưởng và ổn định vật giá, giúp cho thương nghiệp quốc doanh nắm nguồn hàng, bảo đảm các nhu cầu cần thiết của nhân dân;

- Động viên sự đóng góp công bằng và hợp lý của nhân dân.

Điều 2. Thuế hàng hoá áp dụng đối với những loại hàng ghi trong Biểu thuế kèm theo Điều lệ này, bao gồm:

- Hàng do các tổ chức sản xuất tập thể (hợp tác xã sản xuất, tổ sản xuất...) và những người sản xuất riêng lẻ sản xuất hay là khai thác và trực tiếp bán ra thị trường (không theo chế độ gia công, thu mua của Nhà nước).

- Hàng nhập cảnh theo người dưới hình thức hành lý hoặc nhập cảnh qua các đường vận tải quốc tế dưới hình thức tặng phẩm, quà biếu mà vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế.

Điều 3. Mỗi mặt hàng chỉ chịu thuế hàng hoá một lần từ khi sản xuất cho đến khi tiêu thụ.

Tuỳ theo mặt hàng, thuế hàng hoá do người sản xuất, người khai thác, người buôn bán hoặc người nhập khẩu nộp.

II. LOẠI HÀNG CHỊU THUẾ, THUẾ SUẤT, CƠ SỞ TÍNH THUẾ:

Điều 4. Các loại hàng ghi trong Biểu thuế kèm theo Điều lệ này phải nộp thuế hàng hoá theo mức thuế quy định ở các Điều 6 và 7 dưới đây.

Đối với mỗi loại hàng ghi trong Biểu thuế, Hội đồng Chính phủ quy định cụ thể những mặt hàng phải nộp thuế hàng hoá.

Điều 5. Đối với những vùng dân tộc thiểu số, Hội đồng Chính phủ có thể quyết định chưa thu thuế về một số hàng nhất định, nhằm chiếu cố những khó khăn ban đầu trong sản xuất ở những vùng đó.

Điều 6. THuế hàng hoá đánh theo trị giá hàng (gọi là giá tính thuế) và theo đúng thuế suất ghi trong Biểu thuế. Giá tính thuế do cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định:

- Đối với hàng sản xuất trong nước, giá tính thuế là giá bán lẻ trung bình trên thị trường, trừ 10%; nếu là mặt hàng mới chưa có giá lẻ trên thị trường, thì lấy giá tính thuế của mặt hàng tương đương có giá lẻ.

- Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế là giá cao, nếu là mặt hàng mậu dịch quốc doanh bán theo hai giá; nếu là mặt hàng mậu dịch quốc doanh chỉ bán theo một giá, thì giá tính thuế là giá bán lẻ trung bình trên thị trường của mặt hàng ấy, hoặc của mặt hàng tương đương có giá lẻ.

Điều 7. Đối với hàng sản xuất theo phương thức mua nguyên liệu của Nhà nước và bán thành phẩm cho xí nghiệp quốc doanh, trong trường hợp xí nghiệp quốc doanh không thu mua toàn bộ, thì thuế hàng hoá đối với phần sản phẩm còn lại do cơ sở sản xuất trực tiếp bán ra thị trường sẽ là số chênh lệch giữa giá bán lẻ trên thị trường tự do với giá chỉ đạo thu mua của quốc doanh, cộng thêm mức phí lưu thông cần thiết tuỳ theo loại hàng.

Điều 8. Đối với người sản xuất hoặc tiêu thụ trái phép những mặt hàng thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, thì không thu thuế hàng hoá mà phải xử lý theo pháp luật hiện hành về việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trái phép.

Điều 9. Việc miễn thuế, giảm thuế đối với những trường hợp cụ thể phải do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

III. VIỆC THU THUẾ VÀ THỦ TỤC KHAI BÁO, CHUYỂN VẬN HÀNG HOÁ:

Điều 10. Nhiệm vụ thu thuế hàng hoá giao cho các tổ chức thu của ngành tài chính.

Đối với hàng nhập khẩu, Bộ Tài chính có thể uỷ nhiệm cho cơ quan hải quan phụ trách.

Điều 11. Cán bộ thu thuế phải liêm chính, chí công vô tư, và phải chấp hành đúng chính sách và pháp luật về thuế.

Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ thu thuế phải có tác phong và thái độ đúng đắn; phải xuất trình giấy chứng minh, phải cấp biên lai khi thu thuế và thực hiện đầy đủ những quy định của Nhà nước về khám xét, tạm giữ, tịch thu, bảo quản và xử lý hàng hoá, tang vật.

Cán bộ thu thuế được pháp luật bảo vệ khi làm nhiệm vụ; nếu có thành tích thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước; nếu vi phạm những quy định nói ở trên về thi hành nhiệm vụ của cán bộ thu thuế, thì tuỳ mức độ nặng nhẹ mà bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc bị xử lý về hình sự.

Điều 12. Đối với hàng sản xuất nội địa, thuế hàng hoá thu theo một trong ba cách sau đây:

- Thu ngay khi hàng sản xuất xong và nhập kho,

- Thu khi hàng xuất kho để bán ra thị trường,

- Thu theo sản lượng kê khai từng kỳ hạn.

Cách thu thuế đối với từng cơ sở, từng mặt hàng do cơ quan tài chính ấn định.

Đối với hàng nhập khẩu, thuế hàng hoá thu ngay lúc nhập khẩu.

Điều 13. Hàng đã nộp thuế rồi, thì phải có giấy chứng nhận nộp thuế do cơ quan thu thuế cấp.

Khi chuyển vận hàng hoá, phải có giấy chứng nhận nộp thuế kèm theo.

Điều 14. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng chịu thuế hàng hoá phải theo đúng những quy định của Nhà nước về khai báo kinh doanh, điều kiện mở xưởng, mở cửa hàng, về giữ sổ sách kế toán, về nộp thuế, về vận chuyển hàng hoá.

Người chịu thuế phải khai báo thành thật, cung cấp những tài liệu cần thiết và tạo điều kiện dễ dàng cho cán bộ thu thuế kiểm tra sổ sách, chứng từ, hàng hoá, kho tàng, và nhất thiết không được từ chối hoặc trì hoãn việc kiểm tra đó.

IV. VIỆC THƯỞNG PHẠT:

Điều 15. Việc xử lý các trường hợp vi phạm Điều lệ thuế hàng hoá được quy định như sau:

1. Nếu không làm đúng những quy định về khai báo, giữ sổ sách kế toán ghi trong Điều 14 của Điều lệ này, thì bị phạt từ 10 đồng đến 100 đồng; nếu sự việc nghiêm trọng hoặc tái phạm thì có thể bị phạt đến 1000 đồng.

2. Nếu không nộp thuế đúng kỳ hạn quy định, thì mỗi ngày quá hạn, phải nộp thêm 1% số thuế nộp chậm.

3. Nếu có hành động trốn thuế, lậu thuế, như khai man số lượng, giá cả, phẩm chất hàng hoá, tàng trữ, vận chuyển và bán hàng không có chứng từ hợp lệ, ghi chép sổ sách không đúng thực tế, thì có thể bị phạt từ một đến hai lần số thuế gian lậu hoặc bị tịch thu một phần hay là toàn bộ hàng hoá gian lậu, hoặc bị xử phạt theo cả hai hình thức nói trên. Trong trường hợp tái phạm, mức phạt có thể đến ba lần số thuế gian lậu và hành hoá gian lậu sẽ bị tịch thu toàn bộ. Hàng lậu thuế (trừ số hàng đã bị tịch thu), sau khi nộp tiền phạt, vẫn phải chịu thuế hàng hoá.

4. Nếu sản xuất lén lút hàng chịu thuế hàng hoá, thì bị phạt từ một đến ba lần số thuế gian lậu và bị tịch thu toàn bộ hàng hoá gian lậu. Trong trường hợp tái phạm, thì mức phạt có thể đến năm lần số thuế gian lậu và bị tịch thu toàn bộ hàng hoá gian lậu.

5. Ngoài ra, nếu có những hành động nghiêm trọng, như tái phạm nhiều lần, làm chứng từ giả, lậu thuế có tổ chức, chống đối việc thu thuế, thì sẽ bị truy tố trước toà án nhân dân.

Điều 16. Thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm Điều lệ thuế hàng hoá quy định như sau:

- Trưởng trạm thuế có quyền phạt tiền đến 50 đồng;

- Trưởng phòng tài chính huyện, thị xã, khu phố có quyền phạt tiền đến 1000 đồng, hoặc cả phạt tiền và tịch thu hàng đến 1000 đồng;

- Giám đốc Sở, Trưởng ty tài chính có quyền phạt tiền trên 1000 đồng hoặc cả phạt tiền và tịch thu hàng trên 1000 đồng.

Nếu đương sự khiếu nại, thì Uỷ ban hành chính cùng cấp xét và quyết định.

Trong khi chờ đợi giải quyết việc khiếu nại, người bị phạt vẫn phải nộp phạt theo quyết định của cơ quan đã xử phạt.

Điều 17. Mọi người công dân có nhiệm vụ giúp cơ quan tài chính thi hành chính sách thuế và phát hiện những hành vi gian lậu thuế.

Người có công giúp cơ quan tài chính sẽ được khen thưởng.

Người có hành vi gây trở ngại cho việc thu thuế có thể bị phê bình, cảnh cáo hoặc truy tố trước Toà án nhân dân, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ.

V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 18. Điều lệ này thay thế những quy định ban hành trước đây về thuế hàng hoá đối với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể.

Điều 19. Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều lệ này.

Điều lệ này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Hà Nội ngày 26 tháng 9 năm 1974.

BIỂU THUẾ THUẾ HÀNG HOÁ

Tên hàng

Thuế suất (%)

I- Đồ ăn uống, thuốc hút

1. Dầu ăn

10

2. Miến

10

3. Mắm tôm

10

4. Nước mắm, nước chấm (xì dầu, ma-gi, xắng xấu)

15

5. Cau (tươi hoặc khô)

20

6. Chè tươi

20

7. Chè khô

30

8. Mật, đường các loại

25

9. Kem máy

25

10. Hải sản đặc biệt: yến vây, bào ngư, hải sâm, hầu xì

30

11. Hạt tiêu

40

12. Thuốc lào, thuốc lá lá, thuốc lá sợi

40

13. Các loại rượu sản xuất bằng hoa quả

40

II- Dầu thực vật dùng trong công nghiệp

1. Dầu chẩu, dầu thầu dầu (dầu ve)

20

III- Đồ mặc

1. Hàng dệt bằng sợi phế liệu các loại mà quốc doanh không sử dụng

15

2. Hàng dệt bằng nái, đũi

20

3. Hàng bằng nhung, len, dạ

25

4. Hàng cải hoa bằng sợi

20

5. Hàng cải hoa bằng tơ

40

IV- Đồ dùng hàng ngày (1)

1. Giấy các loại

10

2. Hàng bằng sừng, vỏ trai

10

3. Hàng bằng đá hoa gờ-ra-ni-tô

15

4. Hàng thông thường bằng sành, gốm tráng men

10

5. Hàng thông thường bằng thuỷ tinh

10

6. Hàng thông thường bằng gỗ

10

7. Hàng đắt tiền bằng gỗ (tủ gương, tủ chè, sập gụ, xa-lông v.v...)

20

8. Nhạc cụ và phụ tùng

15

9. Hàng thông thường bằng sắt, bằng nhôm

15

10. Hàng thông thường bằng tôn, thiếc, sắt tây, gang, thép

15

11. Đồ dùng nhỏ bằng kim khí có mạ như bấm móng tay, bất lửa, dao díp, dây đeo chìa khoá, v.v...

20

12. Hàng bằng đồng

20

13. Hàng bằng cao su (kể cả cao su tái sinh), bằng da, bằng da giả

15

14. Hàng bằng nhựa, bằng ni-lông (kể cả nhựa, ni-lông tái sinh)

20

15. Đồ điện dùng trong sinh hoạt (bàn là điện, bếp điện, lò sưởi điện, v.v...)

20

16. Hàng mỹ nghệ các loại dùng trang sức, trang trí bằng sành, sứ, thuỷ tinh, ngà, xương, mây, song, sơn mài

20

17. Phụ tùng xe đạp

15

18. Phụ tùng mô-tô

20

19. Phụ tùng máy khâu

20

20. Phụ tùng đồng hồ

30

V- Hàng khác

1. Nến

40

2. Hương, vàng mã, pháo

50

3. Mỹ phẩm: phấn, sáp, nước hoa

50

4. Bài lá các loại

50

VI- Hàng được phép nhập cảnh theo người dưới hình thức hành lý hoặc nhập cảnh qua đường vận tải quốc tế dưới hình thức tặng phẩm, quà biếu mà vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế

1. Vải, đồ may mặc bằng vải

25

2. Len, dạ

40

3. Các loại bút máy, kính đeo mắt

20

4. Máy chữ

20

5. Các loại đồ điện, điện tử và phụ tùng

20

7. Các loại máy thu thanh và phụ tùng

50

8. Các loại đồng hồ để bàn

25

9. Các loại đồng hồ đeo tay

50

10. Các loại máy khâu và phụ tùng

30

11. Các loại máy ướp lạnh

30

12. Các loại xe máy, mô-tô và phụ tùng

30

13. Các loại xe đạp và phụ tùng

40

14. Các loại máy ảnh và phụ tùng

40

15. Các loại đồ hộp

25

16. Mì chính

50

17. Các loại rượu

50

(1) Trừ đồ chơi trẻ em không thu thuế hàng hoá.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 487-NQ/QHK4 về việc ban hành Điều lệ Thuế Hàng hoá do Ủy ban thương vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 487-NQ/QHK4
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/09/1974
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản