Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 94/2019/QH14

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2019

NGHỊ QUYẾT

VỀ KHOANH NỢ TIỀN THUẾ, XÓA NỢ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP, TIỀN CHẬM NỘP ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế nợ tiền thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này.

2. Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người có thẩm quyền xử lý nợ quy định tại Nghị quyết này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý nợ

1. Bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân.

3. Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.

4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này thì phải hủy quyết định khoanh nợ, xóa nợ (nếu có) và phải thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa.

Điều 4. Đối tượng được xử lý nợ

Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước:

1. Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

2. Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

3. Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

5. Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

6. Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

7. Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

Điều 5. Các biện pháp xử lý nợ

1. Khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 4 của Nghị quyết này.

Điều kiện khoanh nợ tiền thuế cho từng đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 4 của Nghị quyết này, bảo đảm điều kiện sau đây:

a) Người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết này có giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật;

b) Người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết này có quyết định giải thể hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

c) Người nộp thuế quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

d) Người nộp thuế quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh và có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc hoặc cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

3. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này, bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra;

b) Chưa được xử lý miễn tiền chậm nộp từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành;

c) Có văn bản đánh giá giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế lập và có xác nhận về giá trị thiệt hại của tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm định giá hoặc cơ quan bảo hiểm;

d) Số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa tính trên số nợ tiền thuế phát sinh không có khả năng thu do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra và không vượt quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm (nếu có).

4. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này, bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước về việc người nộp thuế chưa được thanh toán, số tiền chưa thanh toán và thời gian chậm thanh toán cho người nộp thuế;

b) Có hợp đồng kinh tế ký với đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đối với nhà thầu phụ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng và được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán và biên bản nghiệm thu công trình, hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ;

c) Số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa được tính trên số nợ tiền thuế nhưng số nợ tiền thuế không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chậm thanh toán cho người nộp thuế và số tiền được xóa phát sinh trong khoảng thời gian ngân sách nhà nước chậm thanh toán.

5. Đối với các khoản nợ không thuộc phạm vi xử lý theo quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Điều 6. Thẩm quyền và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ tiền thuế.

2. Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp và tổ chức được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên;

b) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng;

c) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 05 tỷ đồng.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý nợ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị quyết này;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quản lý thuế thực hiện xử lý nợ đúng quy định;

c) Tổng hợp báo cáo Chính phủ tình hình xử lý nợ để Chính phủ báo cáo Quốc hội.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc xác nhận, xử lý nợ, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo quy định của Nghị quyết này;

b) Báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

3. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, xác định đối tượng nợ thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tiếp nhận và lập hồ sơ xử lý nợ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nợ theo quy định của Nghị quyết này;

b) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra xử lý nợ bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh thất thoát ngân sách;

c) Công khai quyết định khoanh nợ tiền thuế, quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

4. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế có quyết định giải thể;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh;

c) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế quyết định hoặc thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

5. Cơ quan Công an trên địa bàn nơi người nộp thuế có trụ sở kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

6. Tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản, biến động số dư tài khoản của người nộp thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

7. Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm sau đây theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế:

a) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ có liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

b) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc thực hiện xử lý phá sản của người nộp thuế đang làm thủ tục phá sản.

8. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc xử lý nợ đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Nghị quyết này và quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

2. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019./.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 94/2019/QH14
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/11/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: 19/12/2019
  • Số công báo: Từ số 975 đến số 976
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản