Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 16 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 16 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 2893/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục từng bước cơ cấu lại NSNN, triệt để tiết kiệm, tiếp tục ưu tiên cho con người và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đảm bảo an toàn nợ công.

2. Mục tiêu cụ thể: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội về lĩnh vực NSNN 05 năm 2021 -2025:

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 12%/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm.

Điều 2. Dự báo kế hoạch tài chính địa phương 05 năm giai đoạn 2021 - 2025

1. Thu ngân sách nhà nước

Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11.140.000 triệu đồng, tăng 27% so với thực hiện 05 năm 2016 - 2020, tốc độ tăng thu bình quân thu ngân sách không bao gồm thu tiền sử dụng đất đạt 12%/năm, cụ thể:

- Dự toán thu nội địa khoảng 9.869.000 triệu đồng, tăng 31% so với ước thực hiện 05 năm giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp khoảng 8.882.000 triệu đồng. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp khoảng 6.296.000 triệu đồng.

- Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 1.271.000 triệu đồng, tăng 5% so với ước thực hiện 05 năm giai đoạn 2016 - 2020.

2. Chi ngân sách địa phương

Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 50.600.000 triệu đồng, tăng 9% so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 14.500.000 triệu đồng, chi thường xuyên khoảng 36.088.000 triệu đồng. Chi trả nợ lãi các khoản vay khoảng 12.000 triệu đồng.

3. Các chỉ tiêu về quản lý nợ chính quyền địa phương.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, các chỉ tiêu về nợ chính quyền địa phương như sau:

- Dự kiến bình quân giai đoạn: Hạn mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương khoảng 355.280 triệu đồng; mức dư nợ đầu kỳ 181.145 triệu đồng, trả nợ gốc vay trong năm 89.896 triệu đồng, tổng mức vay 152.428 triệu đồng, mức dư nợ vay cuối kỳ 243.677 triệu đồng.

Điều 3. Giải pháp thực hiện Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 -2025

Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, tập trung vào một số giải pháp sau:

1. Thu ngân sách nhà nước

- Tăng cường công tác phân tích, dự báo, rà soát, xác định và đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời thực hiện những giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền; chú trọng đến hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền - hỗ trợ để phục vụ người nộp thuế một cách tốt nhất; tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế theo quy chế đã ban hành; tuyên dương kịp thời thành tích của tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế. Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kế hoạch chống thất thu theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức khai, nộp, hoàn thuế,... nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hóa phương thức quản lý thu nộp ngân sách nhà nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đối với quản lý thu hiện đại ở tất cả các khâu trong quản lý thuế.

- Thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về những giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa công tác thuế; tổ chức triển khai kịp thời thủ tục hành chính thuế, quy trình nghiệp vụ do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Chi ngân sách địa phương

- Tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an toàn và bền vững.

- Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế theo đề án đã được phê duyệt.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong việc lập kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm; quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình chậm tiến độ phải kịp thời điều chuyển vốn.

- Triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước và ngoài nước. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN, bảo đảm theo dự toán được giao.Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng chủ trương, quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVI, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm thông tin - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nông Thanh Tùng