Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 ngày 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Báo cáo thẩm tra số 174/BC-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

b) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025

Vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương được bố trí cho các đối tượng được quy định tại Điều 3, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 ngày 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Điều 3. Nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025

Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

1. Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.

3. Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương phải phục vụ cho thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra cũng như thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

4. Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 05 năm và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

5. Phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn để thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.

6. Ưu tiên bố trí vốn cho dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành; vốn đối ứng của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án hỗ trợ có mục tiêu (nếu có).

7. Phân bổ vốn hợp lý cho các ngành, lĩnh vực, các huyện, thành phố, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế và mức sống giữa các vùng trong tỉnh.

8. Thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 được thực hiện như sau:

a) Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công (nếu có);

b) Phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch ngân sách cấp tỉnh nhưng chưa có nguồn để hoàn trả của các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn trước (nếu còn);

c) Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

d) Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

đ) Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án.

e) Phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công;

9. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

10. Trên cơ sở tổng mức vốn được trung ương giao hằng năm vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương (không bao gồm vốn đầu tư từ nguồn: Thu tiền sử dụng đất, Xổ số kiến thiết, bội chi ngân sách địa phương), sau khi bố trí một phần để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, trả nợ vốn vay tín dụng ưu đãi hằng năm (nếu có), hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch ngân sách cấp tỉnh của các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công của tỉnh, vốn đối ứng của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu, Chương trình bổ sung có mục tiêu chuyển sang vốn đầu tư ngân sách địa phương do tỉnh quản lý, số còn lại được phân bổ như sau:

a) 80% đầu tư cho các công trình, dự án thuộc cấp tỉnh quản lý;

b) 20% đầu tư cho các công trình, dự án thuộc các huyện, thành phố quản lý.

Điều 4. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý

1. Các cơ quan, đơn vị được sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương cho các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Điều 2 Nghị quyết này.

2. Nguyên tắc bố trí vốn

Thực hiện theo các nội dung tại Điều 3 Nghị quyết này và các nguyên tắc cụ thể sau:

a) Các dự án đầu tư theo ngành, lĩnh vực được bố trí vốn nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh;

b) Bố trí, phân bổ vốn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;

c) Bảo đảm tương quan hợp lý giữa vốn đầu tư cho các sở, ban, ngành, vốn đầu tư theo chương trình bổ sung có mục tiêu và vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương;

d) Việc phân bổ vốn cho dự án phải đảm bảo dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt và có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

đ) Các dự án bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đều phải được xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cấp có thẩm quyền.

e) Bố trí vốn tập trung, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Ưu tiên bố trí cho các dự án, công trình trọng điểm, các dự án quan trọng, các công trình dự án hoàn thành, vốn đối ứng cho các dự án ODA. Mức vốn bố trí bảo đảm hoàn thành theo đúng thời gian quy định, nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm.

Điều 5. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương do các huyện, thành phố quản lý (không bao gồm nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, bội chi ngân sách địa phương)

1. Nguyên tắc xây dựng tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương cho các huyện, thành phố.

a) Các tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công được xây dựng là cơ sở để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối của ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thành phố hằng năm trong giai đoạn 2021-2025;

b) Bảo đảm tương quan hợp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh theo kế hoạch 5 năm 2021-2025 và các mục tiêu đề ra trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;

c) Bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn khác nhằm mục tiêu huy động cao nhất nguồn vốn cho đầu tư phát triển;

d) Hằng năm, trên cơ sở các mục tiêu Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; cấp có thẩm  quyền chỉ đạo các huyện, thành phố sử dụng nguồn vốn được phân cấp quản lý để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn cho phù hợp. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh tại các địa phương.

2. Tiêu chí phân bổ và xác định số điểm của từng tiêu chí

Các tiêu chí để tính toán điểm được xác định căn cứ vào số liệu công bố của niên giám thống kê tỉnh Tuyên Quang năm 2019; riêng số thu nội địa cho từng huyện, thành phố căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Tiêu chí phân bổ và số điểm cho từng tiêu chí xác định cụ thể như sau:

a) Tiêu chí 1: Tiêu chí dân số.

Bao gồm 02 tiêu chí: Số dân số trung bình và số người dân tộc thiểu số. Cách tính điểm cụ thể của từng tiêu chí như sau:

(1) Điểm của tiêu chí dân số trung bình:

Số dân trung bình

Điểm

Các địa phương có dân số trung bình đến 100.000 người

10

Các địa phương có dân số trung bình trên 100.000 người, từ 0 đến 100.000 người được tính 10 điểm, phần còn lại cứ 10.000 người tăng thêm được tính thêm

1,5

(2) Điểm của tiêu chí số người dân tộc thiểu số:

Số người dân tộc thiểu số

Điểm

Cứ 5.000 người dân tộc thiểu số được

1

b) Tiêu chí 2: Tiêu chí về trình độ phát triển.

Bao gồm 02 tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo và thu nội địa (không bao gồm khoản thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết). Cách tính điểm cụ thể của từng tiêu chí như sau:

(1) Điểm của tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo:

Tỷ lệ hộ nghèo

Điểm

Cứ 1% hộ nghèo được

0,6

(Tỷ lệ hộ nghèo được xác định theo quy định về chuẩn nghèo và trên cơ sở kết quả giảm nghèo hàng năm).

(2) Điểm của tiêu chí thu nội địa

Thu nội địa

Điểm

Các địa phương có số thu nội địa từ 0 đến 50 tỷ đồng

5

Các địa phương có số thu nội địa trên 50 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, từ 0 đến 50 tỷ đồng được tính là 5 điểm, phần còn lại cứ 20 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm

2

Các địa phương có số thu nội địa trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng, từ 0 đến 100 tỷ đồng được tính là 7,5 điểm, phần còn lại cứ 20 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm

1,5

Các địa phương có số thu nội địa trên 200 tỷ đồng, từ 0 đến 200 tỷ đồng được tính là 15 điểm, phần còn lại cứ 20 tỷ đồng tăng thêm được tính thêm

1

(Số thu nội địa của các huyện, thành phố không bao gồm các khoản thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết).

c) Tiêu chí 3: Tiêu chí về diện tích.

Bao gồm 02 tiêu chí: Diện tích đất tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng trên tổng diện tích đất tự nhiên của các huyện, thành phố. Cách tính điểm cụ thể của từng tiêu chí như sau:

(1) Diện tích đất tự nhiên

Diện tích đất tự nhiên

Điểm

Các địa phương có diện tích đến 500 km2

3,5

Các địa phương có diện tích trên 500 km2 đến 800 km2, từ 0 đến 500 km2 được tính là 3,5 điểm, phần còn lại cứ 100 km2 tăng thêm được tính thêm

1,5

Các địa phương có diện tích trên trên 800 km2, từ 0 đến 800 km2 được tính là 8 điểm, phần còn lại cứ 100 km2 tăng thêm được tính thêm

1

(2) Tỷ lệ che phủ rừng trên tổng diện tích đất tự nhiên

Tỷ lệ che phủ rừng

Điểm

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đến 10%

0,5

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng từ 10% đến 50%

1

Các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng trên 50% trở lên

2

d) Tiêu chí 4: Tiêu chí đơn vị hành chính

Bao gồm 02 tiêu chí: Huyện, thành phố và số đơn vị hành chính cấp xã.

Cách tính điểm cụ thể của từng tiêu chí như sau:

(1) Điểm của tiêu chí huyện, thành phố

Huyện, thành phố

Điểm

01 huyện, thành phố miền núi được tính

10

01 huyện vùng cao được tính

15

(2) Điểm của tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã

Đơn vị hành chính cấp xã

Điểm

01 xã, thị trấn vùng cao

1

01 xã, phường, thị trấn miền núi

0,5

đ) Tiêu chí 5 - Tiêu chí bổ sung: Điểm tiêu chí xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK - kháng chiến (ATK lịch sử). Cách tính điểm cụ thể như sau:

Địa phương

Điểm

01 xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến (ATK lịch sử)

1,5

3. Tổng số điểm phân bổ vốn đầu tư của từng huyện, thành phố.

Tổng số điểm của từng huyện, thành phố là tổng cộng điểm được xác định theo 05 tiêu chí: Dân số; trình độ phát triển; diện tích; đơn vị hành chính; tiêu chí xã thuộc vùng căn cứ cách mạng ATK kháng chiến (ATK lịch sử).

Tổng số điểm phân bổ vốn đầu tư của từng huyện, thành phố

=

Điểm tiêu chí dân số

+

Điểm tiêu chí trình độ phát triển

+

Điểm tiêu chí về diện tích

+

Điểm tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện (xã)

+

Điểm tiêu chí xã ATK

4. Xác định mức vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương cho các huyện, thành phố.

Cơ sở để xác định mức vốn đầu tư phân bổ cho từng huyện, thành phố dựa trên các yếu tố nguồn vốn cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển, số điểm phân bổ vốn đầu tư theo 05 tiêu chí nêu trên.

a) Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư.

Được xác định như sau:

Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư

=

Tổng số vốn đầu tư công nguồn NSĐP  cho các huyện, thành phố

Tổng số điểm phân bổ vốn đầu tư cho các huyện, thành phố

* Trong đó:

Tổng số vốn đầu tư công nguồn NSĐP cho các huyện, thành phố

=

Tổng số vốn đầu tư công nguồn NSĐP Trung ương giao cho tỉnh

-

Thanh toán nợ xây dựng cơ bản, nợ đọng xây dựng cơ bản, trả nợ vốn vay tín dụng ưu đãi hằng năm (nếu có)

-

Hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch của các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công của tỉnh

-

Vốn đầu tư các dự án thuộc Chương trình mục tiêu, Chương trình bổ sung có mục tiêu trong cân đối ngân sách

b) Tổng số vốn đầu tư phát triển trong cân đối cho từng huyện, thành phố

Được xác định như sau:

Tổng số vốn đầu tư công nguồn NSĐP cho từng huyện, thành phố

=

Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư

x

Số điểm phân bổ vốn đầu tư của từng huyện, thành phố

Điều 6. Vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương

1. Vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia khoản thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh.

2. Vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: Sử dụng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, y tế công lập, xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

3. Nguồn bội chi ngân sách địa phương: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII, kỳ họp chuyên đề thông qua ngày 24 tháng 12 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 10 tháng 01 năm 2021 và thay thế Nghị quyết số 42/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Văn phòng: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Uỷ ban nhân dân tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Thường trực HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Công báo Tuyên Quang; Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trang thông tin điện tử Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Lưu: VT (T.Anh).

PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thị Minh Xuân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 10/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 30/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Phạm Thị Minh Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản