Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật thống kê ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 2. Đối tượng thanh tra

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo ủy quyền hoặc phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 3. Áp dụng Điều ước quốc tế

Trường hợp Nghị định này và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Điều 4. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Cơ quan thanh tra nhà nước, gồm:

a) Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư, gồm:

a) Tổng cục Thống kê;

b) Cục Thống kê.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; hướng dẫn Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành.

2. Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

5. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 19 Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

3. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

4. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 24 Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm.

2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

4. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 25 Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

3. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Hướng dẫn Cục Thống kê xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành.

2. Thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

3. Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thống kê.

4. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành

Bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư tại Tổng cục Thống kê được tổ chức thành Vụ; tại Cục Thống kê được tổ chức thành Phòng.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Điều 11. Nội dung thanh tra hành chính

Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Điều 12. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm:

a) Việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

b) Việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

c) Việc phê duyệt, công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

d) Việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm:

a) Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

b) Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 13. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, giao kế hoạch, bố trí vốn đầu tư phát triển.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về phân bố, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về quản lý, thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:

a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư;

b) Việc thực hiện dự án đầu tư;

c) Việc kết thúc đầu tư, đưa dự án đầu tư vào khai thác sử dụng.

4. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển.

Điều 14. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về đấu thầu.

Điều 15. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, bao gồm:

a) Việc xúc tiến đầu tư;

b) Việc đăng ký, thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư;

c) Việc chấp hành các quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài, bao gồm:

a) Việc đăng ký, thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư;

b) Việc chấp hành các quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.

Điều 16. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo thẩm quyền.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án; việc thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo thẩm quyền.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật trong quản lý, sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo thẩm quyền.

Điều 17. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế khác.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế khác.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế khác.

Điều 18. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh các loại hình doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

2. Thanh tra việc chấp hành các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý, điều hành hoạt động của các loại hình doanh nghiệp.

4. Thanh tra việc chấp hành các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể các loại hình doanh nghiệp.

5. Thanh tra việc chấp hành các quy định về cung cấp, công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp.

6. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

Điều 19. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về góp vốn, thành lập, đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

4. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Điều 20. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thống kê

1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về điều tra thống kê.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thống kê.

3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về phổ biến và sử dụng thông tin thống kê.

4. Thanh tra việc chấp hành các quy định về lưu trữ tài liệu thống kê.

5. Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về thống kê.

Điều 21. Thẩm quyền thanh tra

1. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra việc thực hiện các quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 và thanh tra lại theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Nghị định này trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh tra việc thực hiện các quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14; Khoản 1 và 3 Điều 15; Điều 16; Khoản 2 và 3 Điều 17; Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này trong phạm vi được ủy quyền hoặc phân cấp quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Tổng cục Thống kê thanh tra việc thực hiện quy định tại Điều 20 của Nghị định này trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.

4. Cục Thống kê thanh tra việc thực hiện quy định tại Điều 20 của Nghị định này trong phạm vi được phân cấp quản lý của Cục.

Điều 22. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm

1. Tổng cục Thống kê xây dựng và gửi Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch thanh tra của Tổng cục chậm nhất vào ngày 01 tháng 11 của năm trước năm kế hoạch.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Tổng cục Thống kê trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 của năm trước năm kế hoạch.

2. Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 05 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch.

3. Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt khi cần điều chỉnh phải báo cáo người có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kế hoạch thanh tra quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 23. Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra

1. Kế hoạch thanh tra của cơ quan cấp dưới nếu có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên.

2. Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư; phối hợp với Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư; phối hợp với Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư với các cơ quan thanh tra địa phương, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét khi cần thiết.

3. Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với các cơ quan thanh tra của địa phương.

Điều 24. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra

1. Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thành lập Đoàn thanh tra.

Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thành lập Đoàn thanh tra.

Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

Điều 25. Thời hạn thanh tra

1. Cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.

Cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

2. Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.

3. Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

4. Việc kéo dài thời gian thanh tra quy định tại Khoản 1, 2 và 3 của Điều này do người ra quyết định thanh tra quyết định.

Điều 26. Trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy định của Luật thanh tra; Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

2. Trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy định của Luật thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

3. Hoạt động thanh tra của thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

Điều 27. Thanh tra lại kết luận thanh tra

1. Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.

2. Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật thanh tra. Chậm nhất trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho người đã ký kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra lại.

3. Căn cứ thanh tra lại, thời hiệu thanh tra lại, thời hạn thanh tra lại, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra lại, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra lại được thực hiện theo quy định của Luật thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.

4. Người ra quyết định thanh tra lại ra kết luận thanh tra lại. Nội dung kết luận thanh tra lại thực hiện theo quy định của pháp luật thanh tra.

5. Kết luận thanh tra lại của Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư được gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thanh tra Chính phủ.

Điều 28. Tổng hợp, báo cáo công tác thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Tổng cục Thống kê tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác thanh tra chuyên ngành, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Chương 4.

THANH TRA VIÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VÀ CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Điều 29. Thanh tra viên ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Thanh tra viên ngành Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi là Thanh tra viên) là công chức của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra.

2. Thanh tra viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên và điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Công chức thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư là công chức thuộc biên chế của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê (sau đây gọi tắt là công chức thanh tra chuyên ngành).

Công chức thanh tra chuyên ngành có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và quy định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Công chức thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định. Trang phục và thẻ công chức thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.

3. Khi tiến hành thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Điều 31. Cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư

1. Cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra, được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư trưng tập tham gia Đoàn thanh tra và không thuộc biên chế của cơ quan thanh tra nhà nước.

2. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư; trình tự, thủ tục trưng tập cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư và kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 32. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra Kế hoạch và Đầu tư

1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Tổ chức, chỉ đạo hoạt động, kiện toàn tổ chức của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bảo đảm các điều kiện về kinh phí, trang bị kỹ thuật, trang phục và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ hoạt động của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thống kê, Cục trưởng Cục Thống kê, bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiện toàn tổ chức, đảm bảo kinh phí, biên chế, trang bị kỹ thuật, trang phục và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; gửi kết luận thanh tra tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn quy định đối với cuộc thanh tra có nội dung liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động, kiện toàn tổ chức của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động, kiện toàn tổ chức của bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê; bảo đảm các điều kiện về kinh phí, trang bị kỹ thuật, trang phục và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ hoạt động của bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê.

Điều 33. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật thanh tra.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014, thay thế Nghị định số 148/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 35. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 216/2013/NĐ-CP tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư

  • Số hiệu: 216/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/12/2013
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 27 đến số 28
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản