Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 164/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 164/1999/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ QUẢN LÝ CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc lập, theo dõi và phân tích cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cán cân thanh toán) là bảng tổng hợp có hệ thống toàn bộ các chỉ tiêu về giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.

Điều 2. Lập, theo dõi và phân tích cán cân thanh toán

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì lập, theo dõi và phân tích cán cân thanh toán.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc lập, theo dõi và phân tích cán cân thanh toán.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Giao dịch kinh tế" là các giao dịch về hàng hoá, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập về đầu tư, chuyển giao vãng lai một chiều, chuyển giao vốn một chiều, chuyển vốn vào Việt Nam, chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào giấy tờ có giá, vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, các hình thức đầu tư khác và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật Việt Nam làm tăng hoặc giảm tài sản có hoặc tài sản nợ giữa Người cư trú với Người không cư trú.

2. "Người cư trú" là tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt Nam được thành lập và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế Việt Nam);

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên danh với nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

c) Tổ chức tín dụng Việt Nam, tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng ở Việt Nam);

d) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

đ) Cơ quan đại diện: ngoại giao, lãnh sự, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động ở nước ngoài; công dân Việt Nam làm việc trong các tổ chức này và những cá nhân đi theo họ;

e) Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế Việt Nam, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng ở Việt Nam hoạt động tại nước ngoài;

g) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;

h) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên;

i) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài (không kể thời hạn).

3. "Người không cư trú" là tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm:

a) Tổ chức kinh tế nước ngoài được thành lập và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

b) Tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

c) Tổ chức tín dụng Việt Nam, tổ chức tín dụng nước ngoài ở Việt Nam được thành lập và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

d) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của nước ngoài hoạt động tại nước ngoài;

đ) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện các tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện các tổ chức: phi chính phủ, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc trong các tổ chức này và những cá nhân đi theo họ;

e) Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

g) Người nước ngoài cư trú tại nước ngoài; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn dưới 12 tháng;

h) Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn từ 12 tháng trở lên;

i) Người nước ngoài đến du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng tại Việt Nam (không kể thời hạn).

Trong trường hợp chưa xác định được tổ chức hoặc cá nhân là Người cư trú hoặc Người không cư trú thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

4. "Thu, chi từ dịch vụ" là các khoản thu, chi từ các hoạt động dịch vụ về vận tải, du lịch, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, hàng không, ngân hàng, thông tin, xây dựng và từ các hoạt động dịch vụ khác giữa Người cư trú và Người không cư trú.

5. "Thu nhập của người lao động" là các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác bằng tiền, hiện vật do Người không cư trú trả cho Người cư trú và ngược lại.

6. "Thu nhập về đầu tư" là các khoản thu từ lợi nhuận đầu tư trực tiếp, lãi từ đầu tư vào giấy tờ có giá và các khoản lãi đến hạn phải trả của các khoản vay nợ giữa Người cư trú với Người không cư trú và ngược lại.

7. "Chuyển giao vãng lai một chiều" là các khoản viện trợ không hoàn lại, quà tặng, quà biếu và các khoản chuyển giao khác bằng tiền, hiện vật cho mục đích tiêu dùng của Người không cư trú chuyển cho Người cư trú và ngược lại.

8. "Chuyển giao vốn một chiều" là các khoản viện trợ không hoàn lại cho mục đích đầu tư, các khoản nợ được xoá giữa Người cư trú và Người không cư trú; các loại tài sản bằng tiền, hiện vật của Người cư trú di cư mang ra nước ngoài và của Người không cư trú di cư mang vào Việt Nam.

9. "Tài sản có ngoại tệ ròng" là phần chênh lệch giữa tài sản có ngoại tệ và tài sản nợ ngoại tệ thể hiện trên Bảng cân đối thống kê tiền tệ tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

10. "Thay đổi tài sản có ngoại tệ ròng" là sự tăng, giảm tài sản có ngoại tệ ròng của đầu kỳ và cuối kỳ báo cáo.

11. "Lỗi và sai sót" phản ánh phần chênh lệch do sai sót thống kê của tất cả các hạng mục trong cán cân thanh toán.

Chương 2:

LẬP CÁN CÂN THANH TOÁN

Điều 4. Cán cân thanh toán bao gồm cán cân thanh toán dự báo và cán cân thanh toán thực tế

1. Cán cân thanh toán dự báo được lập trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế tài chính dự báo cho thời gian tới;

2. Cán cân thanh toán thực tế được lập trên cơ sở số liệu kinh tế tài chính thực tế phát sinh trong kỳ báo cáo.

Điều 5. Nguyên tắc lập cán cân thanh toán

1. Cán cân thanh toán phản ánh toàn bộ các chỉ tiêu về giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú.

2. Cán cân thanh toán được lập theo đơn vị tiền tệ thích hợp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lựa chọn.

3. Số liệu về giao dịch kinh tế được thống kê tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.

4. Giá trị các giao dịch kinh tế được tính theo giá thị trường và được quy đổi ra đơn vị tiền tệ thích hợp theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 6. Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán

1. Cán cân vãng lai được tổng hợp toàn bộ các chỉ tiêu về giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú về hàng hoá, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư trực tiếp, thu nhập từ đầu tư vào giấy tờ có giá, lãi vay và lãi tiền gửi nước ngoài, chuyển giao vãng lai một chiều và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật.

2. Cán cân vốn và tài chính được tổng hợp toàn bộ các chỉ tiêu về giao dịch kinh tế giữa Người cư trú với Người không cư trú về chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào giấy tờ có giá, vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, chuyển giao vốn một chiều, các hình thức đầu tư khác và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật Việt Nam làm tăng hoặc giảm tài sản có hoặc tài sản nợ.

3. Cán cân tổng thể là tổng hợp của cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính.

4. Phần bù đắp được tổng hợp trên cơ sở những thay đổi trong tài sản có ngoại tệ ròng, thay đổi về nợ quá hạn và các nguồn tài trợ khác .

Nội dung chi tiết của cán cân thanh toán được quy định trong phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc lập cán cân thanh toán

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành liên quan khác có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu dự báo và số liệu thực tế về các giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú và những số liệu có liên quan khác cho Ngân hàng Nhà nước theo các hạng mục chi tiết nêu trong phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì:

a) Xác định chi tiết nội dung, phạm vi thu thập thông tin, số liệu về cán cân thanh toán thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế khác;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan lập cán cân thanh toán dự báo và cán cân thanh toán thực tế của Việt Nam cho từng thời kỳ;

3. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành liên quan thực hiện các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu định kỳ và không định kỳ để thu thập các thông tin, số liệu cần thiết để lập cán cân thanh toán.

Điều 8. Thời hạn báo cáo và thông tin tình hình số liệu

1. Thời hạn thông tin tình hình số liệu cho Ngân hàng Nhà nước:

a) Các Bộ, ngành có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, có trách nhiệm thông tin số liệu dự báo quý chậm nhất vào ngày 15 của tháng cuối cùng của quý trước (theo phụ lục 2); thông tin số liệu dự báo năm chậm nhất vào ngày 10 tháng 9 của năm trước;

b) Các Bộ, ngành có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này có trách nhiệm thông tin số liệu thực tế quý chậm nhất vào ngày 20 của tháng đầu của quý sau (theo phụ lục 2) và thông tin, số liệu thực tế năm chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 của năm sau;

c) Các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế khác có trách nhiệm cung cấp thông tin số liệu hàng tháng chậm nhất vào ngày 20 của tháng tiếp theo; thông tin số liệu quý, năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Thời hạn Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ cán cân thanh toán:

a) Báo cáo cán cân thanh toán dự báo quý chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối cùng của quý trước và cán cân thanh toán dự báo năm chậm nhất vào ngày 25 tháng 9 của năm trước;

b) Báo cáo tình hình thực hiện cán cân thanh toán thực tế quý chậm nhất vào ngày làm việc cuối cùng của tháng đầu của quý sau; cán cân thanh toán thực tế năm chậm nhất vào ngày 10 tháng 02 của năm sau.

Chương 3:

THEO DÕI VÀ PHÂN TÍCH CÁN CÂN THANH TOÁN

Điều 9. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm

1. Chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan theo dõi và phân tích cán cân thanh toán thực tế và cán cân thanh toán dự báo, xem xét các nguyên nhân dẫn đến bội thu hoặc bội chi cán cân thanh toán, đề xuất các biện pháp cải thiện cán cân thanh toán trình Chính phủ.

2. Chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động tín dụng, quản lý ngoại hối, đề xuất các biện pháp quản lý vay trả nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp nhằm cải thiện cán cân thanh toán;

3. Cung cấp bảng cán cân thanh toán thực tế, cán cân thanh toán dự báo cho các Bộ, ngành có liên quan;

4. Trình Thủ tướng Chính phủ cán cân thanh toán dự báo và cán cân thanh toán thực tế có kèm theo báo cáo phân tích cán cân thanh toán.

Điều 10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi và phân tích tác động của cán cân thanh toán đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp điều hành kinh tế trình Chính phủ.

Điều 11. Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi và phân tích tác động của xuất nhập khẩu đến cán cân thanh toán để đề xuất các biện pháp, chính sách thương mại nhằm bảo đảm cân đối cán cân thương mại.

Điều 12. Bộ Tài chính có trách nhiệm thông qua việc điều hành chính sách tài khoá đề xuất các biện pháp, chính sách tài khoá thu chi ngân sách liên quan đến việc vay trả nợ nước ngoài để bảo đảm cân đối cán cân vốn và tài chính.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 14. Mọi vi phạm về nội dung, chế độ, thời hạn thông tin, báo cáo quy định trong Nghị định này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Phan Văn Khải

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1
CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

Đơn vị: Triệu...

Quý

Năm

I

CÁN CÂN VÃNG LAI

1

Cán cân thương mại

- Xuất khẩu (FOB)

- Nhập khẩu (FOB)

2

Thu, chi từ dịch vụ (ròng)

- Thu

- Chi

3

Thu nhập

- Thu nhập của người lao động

- Thu nhập về đầu tư

Trong đó:

+ Lãi đến hạn của các khoản vay nợ (ròng)

* Thực trả (ròng)

4

Chuyển giao vãng lai một chiều

- Chuyển giao của khu vực Nhà nước

- Chuyển giao của khu vực tư nhân

II

CÁN CÂN VỐN VÀ TÀI CHÍNH

1

Chuyển giao vốn một chiều

2

Đầu tư trực tiếp (ròng)

3

Đầu tư vào giấy tờ có giá (ròng)

4

Tín dụng trung- dài hạn (ròng)

- Giải ngân

- Nợ gốc đến hạn của các khoản vay nợ (ròng)

* Thực trả (ròng)

5

Tín dụng ngắn hạn (ròng)

- Giải ngân

- Nợ gốc đến hạn của các khoản vay nợ (ròng)

* Thực trả (ròng)

III

LỖI VÀ SAI SÓT

IV

CÁN CÂN TỔNG THỂ

V

NGUỒN BÙ ĐẮP

1

Thay đổi tài sản có ngoại tệ (ròng)

- Thay đổi dự trữ (- tăng; + giảm )

- Sử dụng vốn của Qũy Tiền tệ Quốc tế (ròng)

+ Vay

+ Trả

2

Thay đổi nợ quá hạn

3

Các nguồn tài trợ khác

Ngày....... tháng........ năm .......

Người lập biểu

Kiểm soát viên

Thủ trưởng đơn vị

(Ký tên, đóng dấu)


PHỤ LỤC 2
CÁC CHỈ TIÊU THÔNG TIN, SỐ LIỆU CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

A: ĐỐI VỚI CÁC BỘ, NGÀNH

STT

Tên Bộ, Ngành

Chỉ tiêu thông tin, số liệu

1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam;

- Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài;

- Xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ;

- Vay, trả nợ nước ngoài;

- Cho vay, thu nợ từ nước ngoài;

- Viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam;

- Viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

2.

Bộ Tài chính:

- Vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ;

- Cho vay, thu nợ từ nước ngoài của Chính phủ;

- Viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho nước ngoài;

- Viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, Tổ chức quốc tế nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;

- Chuyển lợi nhuận đầu tư về nước của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và của các nhà đầu tư Việt Nam tại nước ngoài ;

- Các khoản thu nhập của Người không cư trú làm việc tại Việt Nam;

- Các khoản thu-chi của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện và Đoàn ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài;

- Thu - chi dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm giữa Người cư trú với Người không cư trú;

- Đầu tư của Chính phủ vào giấy tờ có giá do Người không cư trú phát hành.

3.

Bộ Thương mại:

Xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

4.

Bộ Công an:

- Số lượng Người không cư trú nhập cảnh vào Việt Nam;

- Số lượng Người cư trú xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.

5.

Bộ Ngoại giao:

- Số lượng Người cư trú được cấp thị thực xuất cảnh ra khỏi Việt Nam;

- Số lượng Người không cư trú được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam;

- Các khoản thu của cá nhân là Người cư trú làm việc tại các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Đoàn ngoại giao, các Tổ chức quốc tế là Người không cư trú hoạt động tại Việt Nam;

- Các khoản thu-chi của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Đoàn ngoại giao, cơ quan đại diện, các Tổ chức quốc tế là Người không cư trú ở Việt Nam đối với Chính phủ và Tổ chức là Người cư trú về tiền thuê trụ sở, tiền điện, nước và các chi phí khác ;

- Các khoản thu-chi về hội phí niên liễm của Chính phủ, Tổ chức là Người cư trú đối với Chính phủ và Tổ chức là Người không cư trú;

- Các khoản thu-chi của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Đoàn ngoại giao, cơ quan đại diện là Người cư trú đối với Tổ chức quốc tế, Chính phủ, Tổ chức và cá nhân là Người không cư trú ở nước ngoài.

6.

Bộ Giao thông vận tải (kể cả Tổng công ty và các công ty thuộc Ngành hàng hải)

Dịch vụ vận tải đường thuỷ, đường bộ, đường sắt giữa Người cư trú và Người không cư trú, bao gồm:

- Cước phí vận tải hàng hoá;

- Cước phí vận chuyển hành khách;

- Phí hàng hải;

- Tiền thuê thiết bị vận tải;

- Các dịch vụ bổ trợ như cất giữ hàng hoá, nhà kho, bốc dỡ hàng hoá, đóng gói, đóng gói lại, lai dắt, hoa tiêu, sửa chữa , bảo dưỡng phương tiện, các hoạt động cứu hộ, đại lý, cung ứng, xuất khẩu thuyền viên, kiểm định kỹ thuật về máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.

7.

Bộ Văn hoá thông tin:

Thu-chi về sử dụng và mua bán bản quyền, quyền tác giả của các sản phẩm và dịch vụ văn hoá thông tin như: phim ảnh, băng đĩa, các tác phẩm nghệ thuật, phát thanh và truyền hình, quảng cáo, thư viện, bảo tàng và các hoạt động văn hoá thể thao, sách báo, tạp chí... giữa Người cư trú với Người không cư trú.

8.

Bộ Xây dựng:

Thu-chi dịch vụ về xây dựng, lắp đặt công trình có thời hạn dưới 12 tháng giữa Người cư trú với Người không cư trú.

9.

Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Số Người cư trú đi du học ở nước ngoài, trong đó:

+ Số người được Người không cư trú cấp học bổng;

+ Số người được Người cư trú cấp học bổng;

+ Tự túc kinh phí.

- Số Người không cư trú học tập tại Việt Nam;

+ Số Người không cư trú được Người cư trú cấp học bổng;

+ Số người được Người không cư trú cấp học bổng;

+ Tự túc kinh phí.

10.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường:

Các khoản lệ phí về quyền sở hữu công nghiệp, dịch vụ tin học và thông tin, các dự án chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, các khoản chi phí cho hợp tác quốc tế; thu-chi về kiểm tra, giám định, đánh giá công nghệ và tác động môi trường giữa Người cư trú với Người không cư trú.

11.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:

- Các khoản thu-chi về hợp tác lao động và chuyên gia giữa Chính phủ, Tổ chức là Người cư trú với các Chính phủ và Tổ chức là Người không cư trú, bao gồm tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác (bằng hàng hoá hoặc bằng tiền) của người lao động;

- Số lượng Người không cư trú được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam.

12.

Bộ Công nghiệp:

Xuất khẩu, nhập khẩu điện giữa Người cư trú với Người không cư trú.

13.

Bộ Y tế:

Thu-chi dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh, hợp tác, chuyên gia,... giữa Người cư trú với Người không cư trú.

14.

Các Bộ, ngành khác:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch, ủy ban Thể dục Thể thao,... cung cấp tình hình, số liệu có liên quan đến cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước .

15.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước:

Đầu tư của Người cư trú vào giấy tờ có giá do Người không cư trú phát hành và ngược lại đầu tư của Người không cư trú vào giấy tờ có giá do Người cư trú phát hành.

16.

Tổng cục Thống kê:

- Tổng thu nhập quốc dân;

- Xuất nhập khẩu hàng hoá;

- Xuất nhập khẩu dịch vụ;

- Các khoản thu-chi khác có liên quan đến cán cân thanh toán.

17.

Tổng cục Hải quan:

- Xuất, nhập khẩu hàng hoá mậu dịch;

- Số lượng ngoại tệ, vàng vào, ra khỏi Việt Nam.

- Số liệu chuyển tiền về nước của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

18.

Cục hàng không dân dụng:

Thu-chi các dịch vụ về hàng không giữa Người cư trú với Người không cư trú bao gồm:

- Tiền bán vé máy bay;

- Cước phí vận tải hàng hoá;

- Thu chi từ các hoạt động cảng hàng không;

- Thu chi từ hoạt động điều hành của trung tâm quản lý bay;

- Tiền thuê máy bay;

- Chi bảo dưỡng và sửa chữa máy bay ở nước ngoài;

- Các dịch vụ vận tải khác như phí quá cảnh, phí bay qua vùng trời, duy tu và bảo dưỡng máy bay, các hoạt động cứu hộ, phí đại lý có liên quan đến vận tải hành khách và hàng hoá và các dịch vụ bổ trợ khác.

19.

Tổng Công ty Bưu chính viễn thông, Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài gòn, Công ty cổ phần quân đội... (gồm tất cả các công ty thuộc Ngành bưu điện):

- Dịch vụ bưu chính bao gồm vận chuyển thư, báo, tạp chí, bưu kiện, bưu phẩm, dịch vụ cho thuê hòm thư, xuất nhập khẩu tem thư (tem chơi và lưu niệm), phí chuyển tiền;

- Dịch vụ viễn thông bao gồm dịch vụ điện thoại, fax, telex, điện tín, dịch vụ nối mạng, internet, vệ tinh, và các dịch vụ hỗ trợ khác;

- Các khoản thu-chi về phí hội viên với các Tổ chức quốc tế;

- Số liệu chuyển tiền giữa Người cư trú và Người không cư trú.

B. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ KHÁC

Đơn vị: Triệu.....

STT

Các chỉ tiêu thông tin số liệu

Tháng

Quý

Năm

1.

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

2.

Xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ;

3.

Vay nợ nước ngoài;

4.

Trả nợ vay nước ngoài;

5.

Viện trợ nước ngoài;

6.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài;

7.

Đầu tư vào giấy tờ có giá;

8.

Chuyển giao vãng lai;

9.

Chuyển giao vốn;

10.

Cho nước ngoài vay;

11.

Thu nợ cho vay nước ngoài;

12.

Các giao dịch khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 164/1999/NĐ-CP về việc quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam

  • Số hiệu: 164/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/11/1999
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản