Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/2025/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2025 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 3 năm 2025;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Pháp lệnh) bao gồm:
1. Khoản 5 Điều 14 về nội dung, biện pháp quản lý, bảo đảm kỹ thuật công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Điểm a khoản 1 Điều 17 về Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước và điểm b khoản 1 Điều 17 về Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của khách cấp cao nước ngoài.
3. Điểm a khoản 1 Điều 18 về Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp Nhà nước và điểm b khoản 1 Điều 18 về Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của khách cấp cao nước ngoài.
4. Điều 26 về nội dung bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Điều 31 về chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
6. Trách nhiệm của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam; tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài có liên quan đến quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương II
NỘI DUNG, BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, BẢO ĐẢM KỸ THUẬT CÁC CÔNG TRÌNH TRONG KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 3. Nội dung, biện pháp quản lý kỹ thuật đối với hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Nội dung quản lý kỹ thuật bao gồm:
a) Quản lý hệ thống kỹ thuật;
b) Quản lý kiến trúc công trình.
2. Biện pháp quản lý kỹ thuật bao gồm:
a) Quản lý về số lượng, chất lượng, chủng loại, mức độ đồng bộ, hồ sơ tài liệu của hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng quy định;
b) Quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là công trình Lăng) bảo đảm thông số kỹ thuật đúng quy định phục vụ công tác y tế, thăm viếng và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
c) Thực hiện công tác bảo quản kiến trúc công trình, bảo đảm cảnh quan môi trường trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và các hoạt động khác trong khu vực.
Điều 4. Nội dung, biện pháp bảo đảm kỹ thuật đối với hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Nội dung bảo đảm kỹ thuật bao gồm:
a) Bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình;
b) Niêm cất, mở niêm cất trang bị kỹ thuật;
c) Tăng hạn sử dụng trang bị kỹ thuật.
2. Biện pháp bảo đảm kỹ thuật bao gồm:
a) Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghiêm các quy trình, hướng dẫn trong thực hiện nội dung vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kiểm định, kiểm chuẩn hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật, kiến trúc công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm kỹ thuật; thực hiện mua sắm, tiếp nhận, niêm cất, lắp đặt, chạy thử, hoàn thiện để đưa các hệ thống kỹ thuật, kiến trúc mới vào hoạt động; thực hiện đưa các hệ thống kỹ thuật, kiến trúc hết niên hạn khai thác sử dụng, hỏng hóc ra khỏi biên chế, tổ chức xử lý theo đúng quy định;
d) Bảo quản, bảo dưỡng, kiểm định, kiểm chuẩn, sửa chữa thường xuyên và định kỳ trang bị kỹ thuật trong biên chế nhằm duy trì khả năng hoạt động ổn định, liên tục theo công năng, nhiệm vụ của hệ thống kỹ thuật công trình, bảo đảm hệ số dự phòng theo thiết kế đối với công trình Lăng và các công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
đ) Hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tu bổ và bảo dưỡng định kỳ đối với hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong thời gian nghỉ viếng. Kết thúc tu bổ và bảo dưỡng định kỳ hằng năm, các hệ thống kỹ thuật phải hoạt động ổn định, tin cậy, có hệ số dự phòng theo thiết kế; kiến trúc công trình khang trang, sạch đẹp.
3. Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư thay thế, nâng cấp, cải tạo hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng và công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, tin cậy và có hệ số dự phòng theo quy định. Ưu tiên sử dụng, ứng dụng khoa học, công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại trong thay thế, nâng cấp, đổi mới hệ thống kỹ thuật công trình Lăng và công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương III
LỄ VIẾNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỄ TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ CẤP NHÀ NƯỚC VÀ LỄ VIẾNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, LỄ TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ CỦA KHÁCH CẤP CAO NƯỚC NGOÀI
Điều 5. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm
1. Trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm quy định từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 05 vòng hoa, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Bộ Quốc phòng tổ chức đội hình tiêu binh danh dự.
4. Người đón và dẫn đoàn: Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cán bộ được ủy quyền.
5. Khi thực hiện Lễ viếng, quân nhạc cử nhạc bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao, “Lãnh tụ ca” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh.
6. Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh, an toàn.
7. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước được thực hiện trước Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Riêng Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được thực hiện sau Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp Nhà nước.
8. Sau Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của các đoàn đại biểu quy định tại khoản 1 Điều này, các đoàn đại biểu bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thứ tự như sau:
a) Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng;
b) Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an;
c) Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội;
d) Bộ Nội vụ (vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ quy định tại điểm e khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh);
đ) Bộ Ngoại giao (vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh quy định tại điểm g khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh);
e) Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội (vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh quy định tại điểm g khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh);
g) Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
Điều 6. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước trong dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Trong dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại điểm h khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 01 vòng hoa của đoàn đại biểu, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
3. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5 Nghị định này.
Điều 7. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước trong dịp kỳ họp Quốc hội
1. Trong dịp kỳ họp Quốc hội quy định tại điểm i khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh, Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu dự kỳ họp Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 01 vòng hoa của đoàn đại biểu, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
3. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5 Nghị định này.
Điều 8. Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp Nhà nước trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm
1. Trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm quy định từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 05 vòng hoa, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Bộ Quốc phòng tổ chức đội hình tiêu binh danh dự.
4. Người đón và dẫn đoàn:
a) Sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định;
b) Đối với Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cán bộ được ủy quyền.
5. Khi thực hiện Lễ tưởng niệm, quân nhạc cử nhạc bài “Hồn tử sĩ” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, “Hành khúc tang lễ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
6. Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh, an toàn.
7. Sau Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ quy định tại khoản 1 Điều này, các đoàn đại biểu bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ theo thứ tự quy định tại khoản 8 Điều 5 Nghị định này.
Điều 9. Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Trong dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại điểm h khoản 4 Điều 17 Pháp lệnh, Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 01 vòng hoa của đoàn đại biểu, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.
3. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4, khoản 5 và 6 Điều 8 Nghị định này.
Điều 10. Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong dịp khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội
1. Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu dự kỳ họp Quốc hội tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
2. Bộ Quốc phòng chuẩn bị 01 vòng hoa của đoàn đại biểu, có băng vải đỏ chữ vàng mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.
3. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4, khoản 5 và 6 Điều 8 Nghị định này.
Điều 11. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của khách cấp cao nước ngoài
1. Phân cấp Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của khách cấp cao nước ngoài như sau:
a) Cấp A: Lễ viếng của cấp Nguyên thủ quốc gia;
b) Cấp A1: Lễ viếng của Bộ trưởng và tương đương;
c) Việc phân cấp, nâng cấp Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan chức năng về lễ tân đối ngoại của các ban, bộ, ngành trung ương, dựa trên chức vụ của khách cấp cao nước ngoài và danh nghĩa chuyến thăm Việt Nam;
d) Trong trường hợp đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp A được tổ chức ngoài thời gian quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh.
2. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan lễ tân đối ngoại của ban, bộ, ngành trung ương hướng dẫn đoàn viếng chuẩn bị vòng hoa.
3. Đối với Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp A, Bộ Quốc phòng thực hiện những nội dung sau:
a) Bố trí đội hình tiêu binh danh dự;
b) Người đón và dẫn đoàn: Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cán bộ được ủy quyền;
c) Bảo đảm quân nhạc trong Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp A thực hiện như đối với Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này;
d) Bảo đảm an ninh, an toàn.
4. Đối với Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp A1, Bộ Quốc phòng thực hiện những nội dung sau:
a) Người đón và dẫn đoàn: Sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định;
b) Bảo đảm an ninh, an toàn;
c) Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của đoàn là khách của lãnh đạo Bộ Quốc phòng (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được bố trí quân nhạc, tiêu binh danh dự theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Điều 12. Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của khách cấp cao nước ngoài
1. Phân cấp Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của khách cấp cao nước ngoài thực hiện theo khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
2. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan lễ tân đối ngoại của ban, bộ, ngành trung ương hướng dẫn đoàn tưởng niệm chuẩn bị vòng hoa.
3. Đối với Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp A, Bộ Quốc phòng thực hiện những nội dung sau:
a) Bố trí đội hình tiêu binh danh dự;
b) Người đón và dẫn đoàn: Sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định;
c) Bảo đảm quân nhạc trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp A thực hiện như đối với Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp Nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định này;
d) Bảo đảm an ninh, an toàn.
4. Đối với Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cấp A1, Bộ Quốc phòng thực hiện những nội dung sau:
a) Người đón và dẫn đoàn: Sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định;
b) Phát nhạc bài “Hồn tử sĩ” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trên hệ thống âm thanh tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ;
c) Bảo đảm an ninh, an toàn;
d) Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của đoàn là khách của lãnh đạo Bộ Quốc phòng (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được bố trí quân nhạc, tiêu binh danh dự theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Điều 13. Lực lượng, trang phục, trang bị trong tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
1. Thành phần lực lượng trong tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng bao gồm:
a) Chỉ huy tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm;
b) Lực lượng đón và dẫn viếng;
c) Lực lượng tiêu binh danh dự, tiêu binh cửa Lăng, tiêu binh thi hài, tiêu binh Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ;
d) Lực lượng quân nhạc;
đ) Lực lượng đón tiếp, tuyên truyền;
e) Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực;
g) Lực lượng bảo đảm kỹ thuật.
2. Trang phục, trang bị của lực lượng phục vụ Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Chương IV
BẢO VỆ KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 14. Bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm hại đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm hại đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tổng thể các hoạt động nhằm bảo đảm sự an toàn, bền vững và hiệu quả sử dụng các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo vệ tài sản của Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; phòng, chống các hành vi lấn chiếm, xâm hại công trình, kiến trúc, rừng thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia.
2. Tăng cường cảnh giác, chủ động phòng ngừa các hành vi xâm hại sau đây:
a) Phá hoại, hủy hoại công trình hoặc các hạng mục phụ trợ của công trình;
b) Lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình, khu vực;
c) Tự ý thay đổi kết cấu, mục đích sử dụng công trình;
d) Phá hoại, hủy hoại cảnh quan, rừng, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương tham mưu, đề xuất với Chính phủ về công tác bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm hại đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức thực hiện các nội dung sau đây:
a) Chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Bố trí hệ thống giám sát, biển cảnh báo, rào chắn bảo vệ khu vực;
c) Kiểm tra an ninh, an toàn đối với người, đồ vật, phương tiện ra vào khu vực mục tiêu bảo vệ theo phạm vi quản lý;
d) Phân công lực lượng bảo vệ chuyên trách trực, tuần tra định kỳ;
đ) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân về trách nhiệm bảo vệ công trình;
e) Phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm;
g) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Trách nhiệm của các bên liên quan:
a) Bộ Quốc phòng: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ;
b) Lực lượng Công an nhân dân và chính quyền địa phương: Phối hợp tổ chức giám sát, tuyên truyền, xử lý vi phạm;
c) Nhân dân: Có ý thức bảo vệ, chủ động, tích cực phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng về các hành vi xâm hại đến các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 15. Bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động chính trị, văn hoá được tổ chức tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động chính trị, văn hoá được tổ chức tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tổng thể các hoạt động nhằm bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động chính trị, văn hóa được quy định tại Mục 2 Chương III Pháp lệnh.
2. Đối với các hoạt động chính trị, văn hóa là sự kiện đặc biệt quan trọng thuộc đối tượng cảnh vệ: Nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thực hiện theo quy định của pháp luật về cảnh vệ và quy định của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
3. Đối với nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia (quy định tại Điều 19 Pháp lệnh): Nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Đối với các hoạt động chính trị, văn hóa khác không quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Bộ Quốc phòng thực hiện những nội dung sau đây:
a) Tổ chức tuần tra, canh gác vũ trang, tổ chức trinh sát bám nắm tình hình khu vực, mục tiêu;
b) Kiểm tra, kiểm soát, giám sát người và phương tiện ra vào Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Bố trí hệ thống giám sát, kiểm soát an ninh, biển cảnh báo, rào chắn bảo vệ khu vực;
d) Phối hợp với lực lượng Công an nhân dân và chính quyền địa phương bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông; hướng dẫn, điều tiết khách tham quan, đảm bảo trật tự công cộng; ngăn ngừa tụ tập đông người trái phép.
5. Công tác tuyên truyền, giáo dục:
a) Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, Nhân dân và khách quốc tế trong bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng phong cách văn minh khi đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Tuyên truyền quy định tham quan, ứng xử đúng mực, bảo vệ cảnh quan môi trường trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh.
Điều 16. Xây dựng địa bàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
1. Xây dựng địa bàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là tổng thể các hoạt động nhằm giữ gìn, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; huy động sự tham gia của Nhân dân trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi đe dọa xâm hại đến an ninh, an toàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Quan điểm, nguyên tắc xây dựng địa bàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
a) Chủ động - toàn diện - vững chắc - lâu dài;
b) Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân;
c) Kết hợp giữa xây dựng thế trận lòng dân và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương thực hiện bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh trên địa bàn:
a) Nắm chắc, quản lý chặt chẽ tình hình nội bộ, ngoại vi, kịp thời phát hiện, theo dõi các đối tượng có biểu hiện nghi vấn;
b) Chủ động phòng ngừa, phát hiện âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch;
c) Tăng cường lực lượng phản ứng nhanh, xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu, xử trí các tình huống;
d) Giữ vững trận địa tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và Nhân dân;
đ) Phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, điều tiết người vào tham quan khu vực, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi tụ tập đông người trái pháp luật;
e) Phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây rối, trộm cắp, bán hàng rong, lừa đảo khách tham quan;
g) Phối hợp tuần tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, bảo đảm không có điểm nóng về tệ nạn xã hội;
h) Tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phát hiện, tố giác tội phạm;
i) Tổ chức, củng cố lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực dân cư giáp ranh, tạo dựng vành đai an ninh quanh khu vực bảo vệ;
k) Phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân và du khách khi đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Vai trò của các lực lượng trong xây dựng địa bàn:
a) Bộ Quốc phòng: Lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, sẵn sàng chiến đấu;
b) Bộ Công an: Chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xử lý vi phạm;
c) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có các công trình quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lực lượng chuyên trách, quản lý địa bàn dân cư;
d) Nhân dân trên địa bàn: Chủ động phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương V
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG TRỰC TIẾP QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 17. Nguyên tắc áp dụng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của Chính phủ khi trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Nghị định này được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) và không phải là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện nhiệm vụ ở vị trí công tác nào thì hưởng phụ cấp đặc thù ở vị trí công tác đó. Khi được cấp có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm chức danh, vị trí công tác mới thì áp dụng mức phụ cấp tương ứng với chức danh, vị trí công tác mới kể từ tháng có quyết định điều động, bổ nhiệm. Khi thôi làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thôi hưởng phụ cấp kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này không được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài liên tục từ 03 tháng trở lên;
b) Đi học tập trung trong nước liên tục từ 03 tháng trở lên;
c) Nghỉ việc riêng và nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không hưởng lương từ 01 tháng trở lên;
d) Nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản;
đ) Bị đình chỉ công tác, bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.
5. Các chế độ, chính sách khác đối với lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 18. Phụ cấp đặc thù đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp đặc thù như sau:
a) Mức 40% áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người có trình độ chuyên môn y, dược và chuyên môn khác phù hợp được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ trực tiếp làm thuốc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Mức 30% áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ trực tiếp làm nhiệm vụ vận hành, bảo quản, sửa chữa trang thiết bị, kỹ thuật quan tài kính;
c) Mức 25% áp dụng đối với sĩ quan làm nhiệm vụ trực chỉ huy, trực ban tác chiến; người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị kỹ thuật, kết cấu kiến trúc công trình thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu binh danh dự, gác Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trinh sát đặc nhiệm; đón tiếp, tuyên truyền, bảo đảm cảnh quan môi trường tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
d) Mức 15% áp dụng đối với người không thuộc các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c khoản này.
2. Cách tính hưởng phụ cấp đặc thù:
a) Đối với người hưởng lương, tiền lương làm căn cứ tính hưởng phụ cấp đặc thù là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có);
b) Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ được tính trên mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Điều 19. Chế độ trang phục của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngoài chế độ quân trang theo quy định chung của quân đội, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo đảm các chế độ quân trang, trang phục nghiệp vụ theo quy định của Bộ Quốc phòng bao gồm:
1. Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ tiêu binh danh dự, đón, dẫn khách, gác bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của lực lượng thực hiện nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình.
3. Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của trực chỉ huy, trực ban tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ, bảo hộ lao động của lực lượng làm nhiệm vụ kỹ thuật, bảo đảm cảnh quan, môi trường tại các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
6. Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ của lực lượng trinh sát đặc nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
7. Tiêu chuẩn quân trang chống rét cho lực lượng làm nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
8. Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ dùng chung của lực lượng vệ binh làm nhiệm vụ canh gác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
9. Tiêu chuẩn định mức xà phòng, hóa chất giặt tẩy, điện, nước của Trạm giặt là tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 20. Chế độ tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc giao cấp có thẩm quyền tuyển chọn, tuyển dụng, điều động cán bộ, nhân viên bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, sức khỏe và trình độ chuyên môn nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác tại Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Ưu tiên áp dụng và vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi, thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội nhân dân Việt Nam để tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 21. Kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được cân đối, bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên hằng năm của Bộ Quốc phòng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Thực hiện quản lý, bảo đảm kỹ thuật, thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Tổ chức tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thẩm quyền.
5. Tổ chức, xây dựng, bảo đảm và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Pháp lệnh và Nghị định này.
6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương tiến hành biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động làm lộ bí mật, phá hoại, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, triển khai các kế hoạch để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động làm lộ bí mật, phá hoại, gây mất an ninh, an toàn, trật tự tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc quyền và Công an các địa phương thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và chính quyền địa phương Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng địa bàn an toàn.
3. Chủ trì hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tổ chức, cá nhân không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong tổ chức phục vụ, bảo đảm cho Nhân dân và khách quốc tế đến tham gia các hoạt động tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong tổ chức phục vụ, bảo đảm Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của khách cấp cao nước ngoài, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại quân sự liên quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 26. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác quy hoạch Khu trung tâm chính trị Ba Đình, với Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là trung tâm. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý cảnh quan, kiến trúc trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Y tế
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong phòng, chống dịch bệnh đối với Nhân dân và khách quốc tế đến tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 30. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho Nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan, tham gia các hoạt động tại các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Bảo đảm hoạt động quy hoạch, kiến trúc, xây dựng trên địa bàn phù hợp với cảnh quan, kiến trúc, yêu cầu quản lý, bảo vệ và tôn trọng tính trang nghiêm của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Bảo tồn, giữ gìn không gian văn hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan, xanh, sạch, đẹp trên địa bàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ các hoạt động tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, Nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
6. Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, triển khai các kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn, cảnh quan, vệ sinh môi trường, đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa, phục vụ Nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 31. Trách nhiệm của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật và Nghị định này.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Tổ chức các đoàn về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ưu tiên người có công với đất nước, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, chiến đấu và công tác.
Điều 32. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức
1. Tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Cung cấp thông tin cần thiết cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ không được làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, môi trường và tính trang nghiêm của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Nghị định số 276/HĐBT ngày 07 tháng 12 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ của các ngành trong việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Công văn 5989/BXD-QLN năm 2020 về hướng dẫn thủ tục ký hợp đồng mua bán nhà ở có sẵn tại dự án Khu thấp tầng thuộc Khu nhà ở diện tích 4,2777 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Công văn 1501/VPCP-KGVX năm 2025 hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 862/QĐ-TTg năm 2025 về Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị định 161/2025/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 161/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 29/06/2025
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phạm Minh Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra