Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 13 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, NĂM 2022

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021 (Thông báo số 331/TB-VPCP ngày 10/12/2021); Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 ban hành tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022; Công văn số 797/BTTTT-THH ngày 06/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28/8/2021 của UBND thành phố ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án số 2870/QĐ-UBND) và theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 282/TTr-STTTT ngày 31/3/2022, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2022 với các nội dung như sau:

I. PHẠM VI, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phạm vi

a) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022 thuộc Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 giao các địa phương thực hiện.

2. Mục đích

Xác định các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm trong năm 2022 cần có sự chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố; phân công cụ thể cho từng ngành, địa phương triển khai thực hiện từng nhiệm vụ; có mục tiêu rõ ràng, định lượng, có thời hạn hoàn thành; tạo sự thống nhất của các ngành, các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; làm cơ sở hướng đến hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết và Đề án Chuyển đổi số thành phố đặt ra đến năm 2025.

3. Yêu cầu

a) Các ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ thường xuyên, liên tục; huy động mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ.

b) Người đứng đầu các ngành, địa phương phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn; theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó”.

c) Các ngành, địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

II. TÓM TẮT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Về xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai Đề án Chuyển đổi số của ngành, địa phương giai đoạn 2021-2015

Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án số 2870/QĐ-UBND; Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có Công văn số 2877/STTTT-CNTT ngày 30/9/2021 hướng dẫn các cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số trong ngành, địa bàn quản lý và đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn trực tiếp vào ngày 22/10/2021. Đến nay có 73 cơ quan đã xây dựng Kế hoạch chi tiết, cụ thể như sau:

- Nhóm sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND thành phố: 24 cơ quan đã hoàn thành xây dựng, ban hành kế hoạch.

- Nhóm quận, huyện: 06 cơ quan đã xây dựng, ban hành Kế hoạch; riêng quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành xây dựng Đề án thí điểm Chuyển đổi số trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2021-2025.

- Nhóm phường, xã: 41 phường/xã đã hoàn thành xây dựng, ban hành Kế hoạch (bao gồm 10 phường, xã thí điểm chuyển đổi số trong năm 2021).

- Nhóm cơ quan Trung ương chủ yếu triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo ngành dọc; có 03 cơ quan đã hoàn thành xây dựng Kế hoạch riêng, gửi Sở TT&TT góp ý; trong đó 02 cơ quan đã ban hành (Cục Hải quan và Công an thành phố).

2. Về truyền thông, hướng dẫn, chuyển đổi nhận thức

a) UBND thành phố đã lựa chọn Ngày 28/8 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 19/3/2021).

b) Từ năm 2020, Sở TT&TT đã in, mua, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị các tài liệu về chuyển đổi số (như “Cẩm nang chuyển đổi số” của Bộ TT&TT; “Internet vạn vật: Chuyển đổi số hay là chết”;...) để nghiên cứu, tham khảo, nâng cao nhận thức.

c) Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành Hướng dẫn số 19-HD/BTGTU ngày 01/7/2021 về việc tuyên truyền Nghị quyết số 05-NQ/TU. Sở TT&TT đã có Công văn số 1948/STTTT-TTBCXB ngày 14/7/2021 triển khai tuyên truyền Nghị quyết số 05-NQ/TU.

- Sở TT&TT đã ban hành Kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số (Kế hoạch số 240/KH-STTTT ngày 04/3/2021); thiết kế bộ sản phẩm truyền thông Chuyển đổi số; xây dựng video clip tuyên truyền Chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số qua các kênh của Tổng đài 1022 (Zalo Tổng đài 1022 đã đăng tải 102 tin bài, Facebook Tổng đài 1022 đăng tải 118 tin bài); đây cũng là nguồn để Trang tin DanangTV, Báo Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố, các Cổng/Trang thông tin điện tử các cơ quan lấy, đưa lên chuyên mục “Chuyển đổi số” của mình. Ngoài ra còn tuyên truyền qua các hình thức trực quan như thiết kế (01 banner, 10 infographic) và tuyên truyền các nội dung qua hình ảnh, thực hiện treo 150 phướn, gửi mail cho 7.500 CBCCVC với nội dung 18 kỳ về Cẩm nang chuyển đổi số.

- Các cơ quan, địa phương đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU đến toàn thể đảng viên, CBCCVC (tổ chức Hội nghị quán triệt hoặc lồng ghép các đợt sinh hoạt chuyên đề, các buổi họp giao ban,...); mở chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng/trang thông tin điện tử; tuyên truyền, đăng các tin, bài hướng dẫn về chuyển đổi số thông qua website, Zalo Tổ dân phố,...

- Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng đã mở chuyên mục riêng về Chuyển đổi số, Thành phố thông minh và đăng tải hơn 30 phóng sự. Các cơ quan báo chí đã thực hiện hơn 200 tin bài tuyên truyền về công tác chuyển đổi số của thành phố trong năm 2021.

d) 10/56 xã, phường thí điểm triển khai chuyển đổi số từ đầu năm 2021 đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho CBCCVC, hộ kinh doanh, tổ chức, người dân trên địa bàn (trung bình mỗi phường, xã tổ chức 03 lớp).

đ) Sở TT&TT đã tổ chức Hội nghị tập huấn vào ngày 22/10/2021 với chủ đề “Chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực tại thành phố Đà Nẵng”, hướng dẫn các cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 07/12/2021.

e) Sở TT&TT đã ký kết Chương trình phối hợp với Thành Đoàn (Chương trình số 50/CTr-STTTT-TĐĐN ngày 25/8/2021) gồm các nội dung chính: Phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung chuyển đổi số trong xã hội; nâng cao kỹ năng, văn hóa sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho cán bộ công chức trẻ và lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố; hỗ trợ công tác ứng dụng CNTT tại cơ quan Thành Đoàn; hỗ trợ ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân.

g) UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện thi đua chuyển đổi số trên địa bàn thành phố (Quyết định số 3970/QĐ-UBND ngày 10/12/2021). Hiện đã có 06 cơ quan, đơn vị ban hành Kế hoạch thi đua Chuyển đổi số.

3. Về tổ chức, bố trí nhân lực triển khai

a) UBND thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 04/3/2021; kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng tại Quyết định số 3564/QĐ-UBND ngày 06/11/2021.

b) Về việc thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác Chuyển đổi số:

- Nhóm sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND thành phố: 20 cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo (do Giám đốc Sở, ngành, đơn vị làm Trưởng Ban);

- Nhóm quận, huyện: 07 quận, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND quận, huyện làm Trưởng Ban.

- Nhóm phường, xã: 31 phường, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác (bao gồm 10 phường, xã thí điểm chuyển đổi số trong năm 2021)

- Nhóm cơ quan Trung ương: 01 cơ quan (Công an thành phố) đã thành lập Ban Chỉ đạo.

4. Lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số (Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số)

Sở TT&TT đã xây dựng ứng dụng và triển khai khảo sát trực tuyến mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (tại địa chỉ https://dx.danang.gov.vn); đã có 02 văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai (Công văn số 2491/STTTT-CNTT ngày 27/8/2021 và Công văn số 3415/STTTT-CNTT ngày 18/11/2021). Tính đến nay có 83 doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến.

5. Hợp tác, huy động nguồn lực doanh nghiệp

a) Tổ chức Hội thảo “Xu hướng ứng dụng công nghệ Blockchain cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp” và Ký kết hợp tác giữa Sở TT&TT với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán về hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số ngày 19/4/2021.

b) UBND thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viettel, FPT về hợp tác triển khai chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; chuẩn bị ký kết hợp tác với Tập đoàn VNPT.

c) Sở TT&TT đã phối hợp với Tập đoàn Viettel có văn bản[1] gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thông báo chính sách giảm giá 50% điện thoại thông minh phục vụ chuyển đổi số và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Hiện nay đã triển khai gần 200 máy theo nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, địa phương.

d) Làm việc với một số doanh nghiệp, có chính sách giảm giá hoặc miễn phí triển khai các ứng dụng (ViettinBank giảm phí chuyển tiền phí, lệ phí dịch vụ công; MOMO, Viettel Pay, ViMo trong thanh toán tại các chợ, siêu thị;...).

đ) 03 doanh nghiệp (Viettel, FPT, VNPT) bảo trợ chuyển đổi số cho 03 xã, phường.

e) Sở TT&TT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ký hợp tác triển khai chuyển đổi số với Thành đoàn Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Đại học CNTT-TT Việt Hàn.

III. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN NAY

1. Về hạ tầng số

Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT đồng bộ như: Mạng viễn thông dùng riêng (Mạng MAN) với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, Trung tâm Dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế TIER III với dung lượng lưu trữ đến 170TB, Hệ thống WiFi công cộng miễn phí với 430 điểm truy cập và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp (không kể các WiFi tại nhà hàng, cafe), Tổng đài dịch vụ công 1022, các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông,..;

Hiện nay đang triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Mạng MAN, Dự án nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu thuộc Đề án xây dựng TPTM; triển khai hạ tầng mạng 5G (sau khi thí điểm 10 trạm vào cuối năm 2021), thí điểm trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng).

2. Về dữ liệu số

Đã hình thành các CSDL nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức,... và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai Phần mềm CSDL và QLNN chuyển ngành các sở, ngành, quận, huyện. Hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh,...

Hiện nay đang triển khai mở rộng Kho dữ liệu dùng chung phục vụ xử lý dữ liệu phi/bán cấu trúc, phân tích hỗ trợ ra quyết định; xây dựng CSDL không gian đô thị, quy hoạch, giao thông trên nền GIS; xây dựng CSDL hộ tịch điện tử thành phố, kết nối với CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; hoàn thiện CSDL cán bộ, công chức, viên chức thành phố kết nối với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

3. Về nền tảng và ứng dụng

a) Đã triển khai các nền tảng Chính quyền điện tử như: Egov Platform, Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP (41 nhóm dịch vụ API, hơn 20 triệu lượt giao dịch qua LGSP), Phần mềm Một cửa điện tử, Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (100% văn bản điện tử được ký số và liên thông), Cổng Dịch vụ công (với 100% dịch vụ trực tuyến mức 4; 180.000 tài khoản điện tử và đăng nhập 01 lần), Hệ thống báo cáo điện tử...;

Hiện nay đang tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử và Trục LGSP theo hướng dẫn của Bộ TT&TT; nâng cấp Phần mềm Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; xây dựng nền tảng MyPage làm nền tảng định danh và cung cấp dịch vụ số cho người dân.

b) Đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform), triển khai Nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường (kết nối, tích hợp 36 trạm quan trắc môi trường nước, không khí trên địa bàn thành phố và đang mở rộng tích hợp các trạm quan trắc cầu); đang triển khai thí điểm Nền tảng phân tích dữ liệu thông minh; hình thành Trung tâm Giám sát Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và 12 dịch vụ tăng thêm khác.

Hiện nay đang triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) - giai đoạn 1 và dự kiến đưa vào vận hành, sử dụng trong năm 2022. Xúc tiến thành công Dự án xây dựng Trung tâm tích hợp khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE) - hợp phần quản lý thiên tai thông minh, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc (Kinh phí 10,5 triệu USD). Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư (Công văn số 1262/TTg-QHQT ngày 29/9/2021); Sở TT&TT và các cơ quan đang triển khai các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

c) Triển khai App DaNang Smart City cung cấp các dịch vụ, tiện ích trên điện thoại di động, đến nay đã có gần 900.000 người sử dụng (dân số thành phố Đà Nẵng là 1.134.000 người). Hiện đang tiếp tục triển khai mở rộng, nâng cấp App Da Nang Smart City thành nền tảng di động đa dịch vụ.

d) Triển khai đưa vào sử dụng các ứng dụng mới như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể từ cấp thành phố đến phường, xã; ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi[2]; Hệ thống giám sát đỗ xe thông minh (http://doxe.danang.gov.vn/)[3]; Hệ thống giám sát tàu thuyền tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang[4]; Ứng dụng giám sát hành trình xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương[5]; Hệ thống phòng chống tội phạm công nghệ cao của Công an thành phố; Ứng dụng sàn du lịch trực tuyến...

đ) Đặc biệt, đã triển khai hiệu quả gần 20 giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19 như ứng dụng quản lý và phân tích dữ liệu khai báo y tế điện tử, Thẻ vé đi chợ QRCode, Giấy đi đường QRCode, Cách ly F0, F1 tại nhà, bản đồ dịch tễ CovidMaps, Truy vết F1, F2 nhanh qua Tổng đài tự động,... Hiện nay đã và đang triển khai mở rộng quản lý, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà; Tổng đài mạng lưới thầy thuốc đồng hành; ứng dụng hỗ trợ khám chữa/hội chẩn bệnh từ xa Telehealth, Telecare,..

4. Về an toàn, an ninh mạng

Hoàn thành mô hình 4 lớp an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia. UBND thành phố phê duyệt hồ sơ cấp độ 4 đối với Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố (bao gồm 12 hệ thống thành phần) và cấp độ 3 đối với 11 hệ thống chuyên ngành.

5. Về kinh tế số

a) Ngành công nghiệp CNTT-TT có tốc độ tăng trưởng cao, dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Năm 2020 đóng góp 7,6% GRDP thành phố; Năm 2021 đóng góp 8,23% GRDP, tăng trưởng 10,47% so với năm 2020; đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 10% trong GRDP thành phố tại Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số.

b) Về doanh nghiệp và nhân lực công nghệ số:

Thành phố hiện có trên 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (đứng thứ hai sau TP. Hồ Chí Minh; trung bình cả nước là 0,5 doanh nghiệp CNS/1000 dân); tổng nhân lực CNTT thành phố hơn 40.000 người.

Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố là 5.300 học sinh, sinh viên trong đó trình độ đại học, cao đẳng khoảng 3.700 sinh viên (Đại học Bách khoa Đà Nẵng: 800; Đại học Đà Nẵng: 420 sinh viên; Đại học Duy Tân: 300; Đại học sư phạm: 100 sinh viên; ....), đối với chuyên ngành điện tử - viễn thông hơn 700 sinh viên.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 01/9/2020) với mục tiêu đến năm 2025: số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt tối thiểu 03 doanh nghiệp/1.000 dân; tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao (có thu nhập cao hơn mức bình quân toàn thành phố); đến năm 2030 ít nhất 05 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm hoặc nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng/năm.

c) Về thị trường và sản phẩm công nghệ số:

- Các doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng có sản phẩm và triển khai hầu hết tại các tỉnh thành toàn quốc. Đặc biệt là làm cho thị trường nước ngoài: thị trường Nhật Bản và Mỹ vẫn là 02 thị trường mà các doanh nghiệp CNTT chú trọng phát triển kinh doanh nhất (chiếm tỷ lệ 36% tại mỗi thị trường), thị trường các nước liên minh châu Âu - EU (chiếm 16%), và các nước châu Á khác như: Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (chiếm 12%).

- Một số doanh nghiệp tiêu biểu: FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Global Cybersofi, Enclave, AsNet, Asian Tech, NeoLab, Nippon Seiki, V.P.B.O, TCX, SDT, Unitech, Softech,..

- Các đơn vị, doanh nghiệp địa phương đã làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm Make in Da Nang ngoài phục vụ Hệ thống CQĐT, TPTM địa phương còn triển khai tại nhiều tỉnh thành như: Hệ thống đo mưa tự động (triển khai toàn quốc với 1.500 trạm), CSDL cán bộ công chức (20 tỉnh thành); Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống camera giao thông thông minh, Hệ thống quan trắc môi trường nước/không khí công nghệ IoT, Tường lửa,...

- Sở TT&TT đã tổng hợp thông tin 67 sản phẩm công nghệ số của Doanh nghiệp tại Đà Nẵng, cung cấp cho nhiều người dùng, tại nhiều tỉnh thành trong đó 10 sản phẩm nền tảng và 18 nhu cầu ứng dụng sản phẩm công nghệ số của 07 cơ quan nhà nước. Các sản phẩm và nhu cầu trên được đăng tải, công bố trên Cổng Thông tin điện tử thành phố (https://danang.gov.vn/web/guest/doanh-nghiep-va-san-pham-cong-nghe-so/), Fanpages DaNang Smart City và có văn bản giới thiệu đến hiệp hội, doanh nghiệp thành phố.

* Một số sản phẩm Make in Da Nang đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao:

- Tại Giải thưởng "Make in Vietnam" năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức của thành phố Đà Nẵng đã được vinh danh tại 02 hạng mục:

Hệ thống mô phỏng cơ thể người 3D của Đại học Duy Tân đã được trao giải Nhì hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Phần mềm quản lý hệ thống camera thông minh của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng đã được trao Giải thưởng Top 10 - Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc.

- Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam:

Sản phẩm Tường lửa của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng đạt Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018. Sản phẩm Hệ thống đo mưa đạt Giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC năm 2019.

Sản phẩm Phần mềm quản lý cán bộ, công chức của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019.

Thành phố đạt danh hiệu Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 với sản phẩm Cổng Dữ liệu mở và Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 với sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung.

d) Về hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số:

- Năm 2021 có 02 doanh nghiệp công nghệ số (Công ty Cổ phần VBPO và Công ty Napa Global thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND thành phố Đà Nẵng Quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng).

- Có 22 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, với kinh phí hỗ trợ là 1.960 triệu đồng và hiện nay đang xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 01 doanh nghiệp Công nghệ thông tin (Công ty TNHH Giải pháp Acronics).

đ) Về hạ tầng khu CNTT, CVPM:

- Thành phố hiện có 02 Khu CNTT tập trung (Khu CVPM Đà Nẵng từ năm 2013 đã lấp đầy 100%; Khu CNTT Đà Nẵng đã và đang thu hút mạnh đầu tư).

- Đang đầu tư xây dựng Khu CVPM số 2 (dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 8/2022); đang xúc tiến, thu hút đầu tư Khu CNTT số 2, Khu Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ.

- Cuối năm 2021 đã thu hút thêm ít nhất 01 dự án đầu tư về lĩnh vực Trung tâm dữ liệu thông minh phục vụ kinh tế số (Quỹ đầu tư Infracrowd Capital đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu tại Khu CNTT tập trung, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD).

6. Về xã hội số

- Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; trong đó thuê bao băng rộng di động 173 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân;

- 100% địa bàn phủ sóng 4G và đã bắt đầu triển khai phủ sóng và cung cấp dịch vụ 5G vào tháng 12/2021.

- 180.000 người dân có tài khoản điện tử trên Hệ thống Chính quyền điện tử (đăng nhập 01 lần); toàn thành phố có 2,2 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó có gần 1,0 triệu tài khoản Zalo.

- Cơ bản mỗi người dân có 01 hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã (ID) duy nhất; mỗi học sinh có 01 mã (ID) duy nhất gắn với học bạ điện tử.

Kết quả đánh giá: Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với tổng điểm là 0,4874; đồng thời dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số (0,5346 điểm), Kinh tế số (0,4155 điểm), Xã hội số (0,4964 điểm). Đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2021. Một số chỉ tiêu chính đã đạt cuối năm 2021 như Bảng thống kê Mục IV.

IV. MỘT SỐ MỤC TIÊU TRỌNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2022

Trên cơ sở Nghị quyết và Đề án Chuyển đổi số của thành phố, Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; trong năm 2022 UBND thành phố tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo điều kiện, nền tảng tăng tốc chuyển đổi số thành phố trong giai đoạn tới, cụ thể như sau:

STT

Chỉ tiêu

Năm 2021
(Đã đạt được)

Năm 2022

Năm 2025

Cơ quan chủ trì

Ghi chú

I

Chính quyền số

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ DVCTT mức 4

100%

100%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Đến nay đã hoàn thành 100% DVCTT đủ điều kiện lên mức 4.

Trong các năm tiếp theo, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát.

2

Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ

76%

85%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 80%

3

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến

57%

65%

90%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 50%

4

Tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức 3,4

0%

30%

60%

Sở Nội vụ

- Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này.

- UBND thành phố đã ban hành Đề án tổ chức cơ chế một cửa đối với các dịch vụ công thiết yếu (Quyết định số 4931/QĐ-UBND ngày 16/12/2020).

Hiện nay đang triển khai các dịch vụ sự nghiệp công trên Phần mềm một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công thành phố

5

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

-

100%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

- Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 100%

- Đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa thành phố từ ngày 01/6/2022; đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa quận huyện, phường, xã từ ngày 01/12/2022

6

Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến

10%

50%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 50%

7

Tỷ lệ CQNN cung cấp dữ liệu mở

20%

50%

100%

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 50%

II

Kinh tế số

 

 

 

 

 

1

Tỷ trọng Kinh tế số trong GRDP

-

12%

20%

Cục Thống kê

- Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 11,5%

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Tổng Cục Thống kê chủ trì thực hiện thu thập, điều tra, tổng hợp, thống kê, báo cáo số liệu.

2

Tỷ trọng công nghiệp ICT trong GRDP

8,23%

8,7%

10%

Sở TT&TT

- Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này.

- Với việc thúc đẩy triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa vào vận hành Khu CVPM số 2, dịch vụ Mobile Money, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử,... sẽ là động lực thúc đẩy tỷ trọng kinh tế số và ngành công nghiệp ICT.

3

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

80%

100%

100%

Cục Thuế

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 80%

4

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử

-

10%

20%

Sở Công Thương

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 7%

5

Trung tâm dữ liệu thành phố

2

3

 

Sở TT&TT

Thêm 01 Trung tâm dữ liệu tại Khu CNTT

III

Xã hội số

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh

92%

~100%

100%

Sở TT&TT

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 85%.

2

Phủ sóng dịch vụ 5G

Bắt đầu

20%

~100%

Sở TT&TT

- Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này;

- Đề án Chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025 là 50%

3

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác

-

90%

100%

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 65-70%.

4

Tỷ lệ người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân

~100%

100%

100%

Sở Y tế

Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này

5

Tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí trực tuyến không dùng tiền mặt

-

100%

100%

Sở Y tế

Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này

6

Tỷ lệ học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử

~100%

100%

100%

Sở GD&ĐT

Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này

7

Tỷ lệ trường học triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt

-

100%

100%

Sở GD&ĐT

Kế hoạch quốc gia không có chỉ tiêu này

8

Tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động

3,4%

4,5%

8,5%

Sở LĐTBXH

Chỉ tiêu của Kế hoạch quốc gia là 1,5%

V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2022

1. Về triển khai các nhiệm vụ giao tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022

a) Phối hợp triển khai, sử dụng hiệu quả các nền tảng số chuyên ngành quy mô quốc gia do các Bộ chủ trì.

b) Phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCs) trên địa bàn thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, Sở Giáo dục và Đào tạo.

c) Triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số theo Công văn số 797/BTTTT-THH của Bộ TT&TT

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

2. Về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án Chuyển đổi số thành phố

2.1. Về chuyển đổi nhận thức

a) Thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo/Tổ công tác Chuyển đổi số:

- Nội dung nhiệm vụ: 100% các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã hoàn thành việc thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo/Tổ công tác Chuyển đổi số của cơ quan, địa phương do người đứng đầu làm Tổ trưởng.

- Thời gian hoàn thành: Trước 15/4/2022.

b) Ban hành Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số ngành, địa phương giai đoạn 2021-2025:

- Nội dung nhiệm vụ: 100% các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã hoàn thành việc ban hành Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số ngành, địa phương giai đoạn 2021-2025.

- Thời gian hoàn thành: Trước 15/4/2022.

c) Thành lập Tổ công nghệ cộng đồng:

- Nội dung nhiệm vụ:

10 phường, xã thí điểm chuyển đổi số triển khai thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng, huy động sự tham gia của đoàn thanh niên, tổ dân phố, tình nguyện viên,... để lan tỏa các công nghệ số đến người dân; góp phần hình thành Mạng lưới triển khai chuyển đổi số toàn thành phố.

46 phường, xã còn lại triển khai ít nhất 50% tổ, thôn có Tổ công nghệ cộng đồng.

- Thời gian hoàn thành: Hoàn thành thành lập Tổ trong tháng 04/2022 và bắt đầu triển khai từ tháng 5/2022.

d) Các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo, đài tăng cường tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm, mô hình, câu chuyện điển hình, tiêu biểu về chuyển đổi số. Công bố công khai các nhu cầu, bài toán chuyển đổi số của các ngành, địa phương, doanh nghiệp.

UBND quận, huyện, xã, phường tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho các tổ chức, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn.

đ) Các ngành, địa phương tổ chức phát động thi đua chuyển đổi số theo Kế hoạch ban hành tại Quyết định số 3970/QĐ-UBND ngày 10/12/2021; tổng kết, vinh danh, khen thưởng các doanh nghiệp điển hình chuyển đổi số thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhân dịp Ngày chuyển đổi số thành phố 28/8.

2.2. Về xây dựng cơ chế, chính sách

a) Chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ số:

- Nội dung nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất các chính sách tài chính (như phí sử dụng dịch vụ khi thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; phí dịch vụ bưu chính công ích,...) để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ số của chính quyền.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Trong Quý IV/2022.

b) Cải cách thủ tục hành chính:

- Nội dung nhiệm vụ: Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính, đề xuất giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ nộp thông qua sử dụng dữ liệu số và công nghệ số (như sử dụng CSDL quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, bảo hiểm, hộ tịch,...).

- Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Trong Quý III/2022.

2.3. Về phát triển hạ tầng số

- Nội dung nhiệm vụ: Phát triển hạ tầng mạng di động 5G tại Khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm và các khu vực trung tâm, trọng điểm trên địa bàn thành phố; đảm bảo đến cuối năm 2022, tối thiểu 20% khu vực dân cư thành phố phủ sóng và cung cấp dịch vụ 5G.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương; các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.

2.4. Về dữ liệu số

a) Điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu số:

- Sở TT&TT chủ trì điều phối, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP.

- Các sở, ngành, địa phương rà soát, công bố danh mục dữ liệu chuyên ngành và danh mục dữ liệu mở thuộc phạm vi quản lý; đăng ký, cung cấp dịch vụ API chia sẻ dữ liệu về Sở TT&TT để triển khai trên Nền tảng LGSP và đưa lên Cổng dữ liệu mở thành phố. Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

b) Phát triển, hoàn thiện CSDL chuyên ngành:

- Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung hoàn thiện CSDL đất đai để đồng bộ với CSDL đất đai quốc gia; chia sẻ, tích hợp với các CSDL chuyên ngành khác như quy hoạch xây dựng, giao thông, công chứng,...; công bố chính thức, đưa vào sử dụng Cổng Thông tin đất đai thành phố. Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

- Sở Xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng chính thức CSDL GIS quy hoạch và không gian đô thị trong tháng 6/2022.

- Sở Giao thông Vận tải đưa vào sử dụng chính thức CSDL GIS hạ tầng giao thông địa bàn 02 quận Hải Châu và Thanh Khê trong tháng 03/2022; đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng CSDL GIS trên địa bàn các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố.

- Sở Tư pháp số hóa 100% dữ liệu hộ tịch toàn thành phố, tạo lập CSDL hộ tịch điện tử thành phố để đồng bộ vào hệ thống CSDL hộ tịch điện tử quốc gia. Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

- Sở Nội vụ số hóa 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố; cập nhật, hoàn thiện CSDL cán bộ công chức, viên chức thành phố để đồng bộ với hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

c) Triển khai Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 10/3/2022 của UBND thành phố triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn thành phố:

- Cơ quan chủ trì tham mưu Kế hoạch và điều phối chung: Công an thành phố.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, địa phương được giao chủ trì từng nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2022 hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giao trong Kế hoạch số 46/KH-UBND.

d) Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính:

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 31/3/2022 của UBND thành phố về số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

- Cơ quan chủ trì tham mưu Kế hoạch và điều phối chung: Sở TT&TT.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, địa phương được giao chủ trì từng nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch.

- Thời gian hoàn thành: Bắt đầu thực hiện năm 2022 và đến năm 2025 hoàn thành 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.

2.5. Về nền tảng số

a) Phổ cập danh tính số:

- Nội dung nhiệm vụ: Hoàn thiện Nền tảng MyPage về định danh và kho dữ liệu số của người dân, kết hợp với mã QR cá nhân từ nền tảng QR quốc gia; tạo thuận lợi người dân sử dụng các dịch vụ số của Thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2022.

b) Bổ sung, nâng cấp Nền tảng Cổng Dịch vụ công thành phố:

- Nội dung nhiệm vụ: Bổ sung, nâng cấp Nền tảng Cổng Dịch vụ công thành phố theo các quy định, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; bổ sung tích hợp dịch vụ thanh toán di động Mobile Money, dịch vụ ký số công cộng.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

2.6. Về phát triển nhân lực số

a) Giới thiệu, phổ cập kiến thức chuyển đổi số trong các cấp học phổ thông:

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung giới thiệu, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số phù hợp trong các cấp học phổ thông; thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT; các trường học.

- Thời gian hoàn thành: Ban hành Kế hoạch, phương án triển khai bổ sung nội dung đào tạo kỹ năng số vào chương trình học phổ thông trước tháng 6/2022; tiến hành triển khai từ tháng 9/2022.

b) Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số:

- Nội dung nhiệm vụ: Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng số cho lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

c) Thành lập Văn phòng Chuyển đổi số:

- Nội dung nhiệm vụ: Thành lập Văn phòng Chuyển đổi số, xây dựng quy chế hoạt động.

- Cơ quan chủ trì: Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

2.7. Về Chính quyền số

a) Thành lập Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) - Giai đoạn 1:

- Nội dung nhiệm vụ: Hoàn thành, đưa vào vận hành, sử dụng Trung tâm IOC tại Trung tâm hành chính thành phố và các quận huyện; Xây dựng Đề án tổ chức, vận hành Trung tâm IOC phục vụ chính quyền đô thị; Xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm IOC.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.

b) Triển khai Hệ thống thông tin Báo cáo điện tử thành phố:

- Nội dung nhiệm vụ: Điều phối, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai sử dụng, khai thác Hệ thống thông tin Báo cáo điện tử thành phố. Các sở, ban, ngành, địa phương tích cực sử dụng, nhập liệu; hỗ trợ công tác tổng hợp, thống kê, giảm báo cáo giấy, tăng cường sử dụng số liệu theo thời gian thực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

- Cơ quan chủ trì: Sở TT&TT.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

c) Phát triển dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến 3, 4

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai Đề án tổ chức cơ chế một cửa đối với các dịch vụ công thiết yếu (ban hành tại Quyết định số 4931/QĐ-UBND ngày 16/12/2020); bảo đảm đến cuối năm 2022 có ít nhất 30% dịch vụ sự nghiệp được triển khai trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập, các quận, huyện, phường, xã.

- Thời gian hoàn thành: Năm 2022 theo khối lượng, nhiệm vụ giao tại Quyết định số 4931/QĐ-UBND.

2.8. Về kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp

a) Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa:

- Nội dung nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng số, hướng dẫn, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương; các hiệp hội doanh nghiệp.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

b) Triển khai sử dụng các phương thức thanh toán số:

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại 01 chợ thuộc phạm vi quản lý (của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND quận, huyện, phường, xã); 100% bệnh viện thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế và 100% trường học thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

c) Thúc đẩy thương mại điện tử:

- Nội dung nhiệm vụ:

Sở Công Thương chủ trì triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố giai đoạn 2021-2025; đảm bảo đến hết năm 2022, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm tối thiểu 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp truyền thống lên sàn thương mại điện tử.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

d) Phổ cập hóa đơn điện tử:

- Nội dung nhiệm vụ: Hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; bảo đảm đến hết năm 2022 100% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng.

- Cơ quan chủ trì: Cục Thuế thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, địa phương; các hiệp hội doanh nghiệp.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

đ) Thí điểm nhà máy thông minh:

- Nội dung nhiệm vụ: Xây dựng Đề án khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng sản xuất thông minh và thí điểm nhà máy thông minh trong một số ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, UBND các quận huyện, các hiệp hội doanh nghiệp.

- Thời gian hoàn thành: Đến hết năm 2022 hoàn thành xây dựng Đề án; tổ chức công bố kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng sản xuất thông minh tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố; công bố kết quả thí điểm mô hình nhà máy thông minh tại 01 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

e) Thí điểm Thẻ du lịch thông minh:

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai thí điểm Thẻ du lịch thông minh, tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo động lực khôi phục và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh thích ứng, an toàn, linh hoạt dịch COVID-19.

- Cơ quan chủ trì: Sở Du lịch.

- Cơ quan thực hiện: Tập đoàn Viettel.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, các doanh nghiệp du lịch.

- Thời gian hoàn thành: Trước tháng 6/2022 đưa vào sử dụng thí điểm Thẻ du lịch thông minh.

g) Tiếp tục triển khai giao thông thông minh:

- Nội dung nhiệm vụ: Tiếp tục phát triển Hệ thống quản lý, giám sát đỗ xe thông minh, quản lý thu phí đỗ xe, phát hiện, xử lý phạt nguội các hành vi vi phạm đậu đỗ xe ô tô qua camera giám sát. Thí điểm triển khai phương thức thanh toán trực tuyến Mobile Money cho ứng dụng thu phí đỗ xe.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông Vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT; UBND các quận huyện phường, xã; Công an thành phố.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

2.9. Về xã hội số

a) Phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân:

- Nội dung nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Y tế; áp dụng trong khám chữa bệnh và cung cấp thông tin cho người dân.

- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, các bệnh viện.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

b) Phổ cập học bạ điện tử toàn dân:

- Nội dung nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát mỗi học sinh có một hồ sơ học bạ điện tử, ghi lại quá trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, các trường học.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

c) Triển khai hồ sơ điện tử công dân và tạo địa chỉ số cho hộ gia đình

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ người dân (ưu tiên người dân từ 15 tuổi trở lên) tạo hồ sơ điện tử công dân và tạo địa chỉ số cho hộ gia đình.

- Cơ quan chủ trì: UBND xã, phường.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, Thành Đoàn Đà Nẵng, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố, UBND các quận, huyện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

d) Triển khai điện thoại thông minh cho người dân

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân có điện thoại thông minh (ưu tiên người dân từ 15 tuổi trở lên).

- Cơ quan chủ trì: UBND quận, huyện.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, Sở Tài chính.

- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2022.

đ) Thí điểm Đại học số:

- Nội dung nhiệm vụ: Xây dựng Kiến trúc, Mô hình Đại học số và để thí điểm triển khai tại Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn.

- Cơ quan chủ trì: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn.

- Cơ quan phối hợp: Sở TT&TT, Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Thời gian hoàn thành: Hoàn thành, trình Đề án trong năm 2022 và triển khai thí điểm để đến năm 2025 Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn cơ bản là Đại học số.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng

a) Chỉ đạo, đôn đốc, điều phối chung việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố năm 2022 và các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

b) Định kỳ 03 tháng/lần tổ chức các phiên họp Ban Chỉ đạo để rà soát tiến độ triển khai, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Là cơ quan thường trực, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch này; định kỳ báo cáo UBND thành phố.

b) Tham mưu tổ chức các phiên họp định kỳ hoặc đột xuất Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Thống kê và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc tính giá trị kinh tế số theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

d) Chủ động nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Kế hoạch và phối hợp với các ngành, địa phương tìm phương án giải quyết, báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND thành phố xem xét, quyết định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn chi đầu tư phát triển theo Kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 đã được phê duyệt) và Sở Tài chính (đối với vốn thường xuyên) tham mưu UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định;

4. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã, các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố

a) Tổ chức quán triệt Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, người dân; xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, định kỳ báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) tiến độ thực hiện trước ngày 30 tháng cuối cùng của từng Quý và ngày 15/12/2022.

b) Trên cơ sở nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt, xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định; đồng thời chủ động huy động các nguồn kinh phí khác (ODA, xã hội hóa,..) để thực hiện nhiệm vụ.

5. Sở Nội vụ

Theo dõi, đưa vào đánh giá thi đua khen thưởng trách nhiệm người đứng đầu về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và kết quả triển khai chuyển đổi số của ngành, địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn để phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung; các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2022; yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- UBQG về CĐS (b/c);
- Bộ TT&TT (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- TTTU, TTHĐND TP (b/c );
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- Các thành viên BCĐ CĐS TP;
- Hội đồng Chuyên gia tư vấn CĐS TP;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn TP;
- Đài PT TH Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng;
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, STTTT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Sơn

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ THEO CÔNG VĂN SỐ 797/BTTTT-THH
(Kèm theo Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13/4/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

STT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Tình hình triển khai

1

Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Văn bản số 639/BTTTT-THH ngày 28/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã cập nhật nội dung văn bản vào Khung hướng dẫn triển khai các chương trình, dự án công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố năm 2022; sẽ ban hành, triển khai, quán triệt sau khi UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2022

2

Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về hai nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cụ thể là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trên địa bàn thành phố (Quyết định số 4159/QĐ-UBND ngày 14/9/2018) và Phương án bảo đảm an toàn theo cấp độ 4 Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố (Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 25/4/2019) đã quy định các hệ thống, ứng dụng phải được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trước khi đưa vào sử dụng. Các nguyên tắc, quy định an toàn thông tin thường xuyên được phổ biến, quán triệt trong các hội nghị, hội thảo, tập huấn an toàn thông tin.

3

Tổ chức triển khai đầy đủ bốn giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, cụ thể là phần mềm nội bộ do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ phát triển theo quy trình Khung phát triển phần mềm an toàn (DevSecOps); hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo cấp độ; hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

- Cục An toàn thông tin đã ban hành hướng dẫn Khung phát triển phần mềm an toàn phiên bản 1.0 tại Công văn số 166/CATTT-ATHTTT ngày 10/02/2022. Sở TT&TT đã bổ sung, cập nhật vào Khung hướng dẫn triển khai các chương trình, dự án công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố năm 2022 để triển khai thực hiện.

- Sở TT&TT đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt cấp độ an toàn thông tin và phương án bảo đảm an toàn thông tin Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố (Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 25/4/2019). Đã thẩm định hồ sơ cấp độ của 11 hệ thống thông tin chuyên ngành, trình UBND thành phố phê duyệt.

- Tất cả dự án ứng dụng CNTT đều có hợp phần kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; 100% hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng.

- Đã hoàn thành triển khai mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

4

Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội với nòng cốt là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc theo hướng dẫn tại Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương, Thành Đoàn

Đã ký kế hoạch hợp tác với Thành Đoàn Sở TT&TT đã hoàn thanh xây dựng dự thảo hướng dẫn triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng; tổ chức họp với Sở Nội vụ, Thành đoàn Đà Nẵng và UBND các quận, huyện vào ngày 31/3/2022 (Giấy mời số 271/GM-STTTT ngày 28/3/2022); sẽ tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện

5

Ban hành Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 489/BTTTTTHH ngày 17/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính 1 sách; huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho mạng lưới công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số. Tham khảo Quyết định số 64/QĐ-BTTTT ngày 19/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 để xây dựng Kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình, gắn kết với các hoạt động chung trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Các nội dung bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho CBCCVC và người dân, doanh nghiệp đã đưa vào Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2022 (đã trình UBND thành phố tại Tờ trình số 160/TTr- STTTT ngày 22/02/2022 và đang lấy ý kiến Sở Tài chính theo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND thành phố); các đơn vị sẽ tổ chức triển khai sau khi Kế hoạch được phê duyệt.

6

Ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT công bố 35 nền tảng số quốc gia do các Bộ, ngành chủ trì triển khai thực hiện. Trách nhiệm của địa phương là phối hợp với Bộ TT&TT, cơ quan chủ quản nền tảng số quốc gia và doanh nghiệp triển khai đưa vào sử dụng tại địa phương.

Sở TT&TT đã có Công văn số 454/STTTT-CNTT ngày 01/3/2022 triển khai, hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã; các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số quốc gia do các Bộ, ngành chủ quản triển khai; đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tích cực nghiên cứu, đăng ký tham gia Chương trình phát triển các nền tảng số quốc gia

7

Tổ chức triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 và Quyết định số 350/QĐ-BTTTT ngày 24/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 23/12/2021 hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hiện đang phối hợp với các sở, ngành, UBND quận huyện triển khai

8

Ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã bổ sung đầu tư hạng mục nền tảng điện toán đám mây trong Dự án Nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh; hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế chi tiết và dự toán để thẩm định, phê duyệt và triển khai.

9

Công bố công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. Công bố công khai danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; chỉ định một cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp, sẵn sàng cung cấp thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, trừ trường hợp dữ liệu đó không bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

- Đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 của UBND thành phố ban hành Quy chế tạm thời về chia sẻ dữ liệu số trên địa bàn thành phố.

- Đã ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung tại Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 31/3/2022.

- Đã công khai các dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP thành phố (tại địa chỉ https://tructichhop.danang.gov.vn)

- Hiện nay Sở TT&TT đã xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu số trên địa bàn thành phố (thay thế Quy chế tạm thời về chia sẻ dữ liệu số trên địa bàn thành phố) và lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương tại Công văn số 675/STTTT-CNTT ngày 30/3/2022; trong đó bao gồm các quy định, nguyên tắc về quản lý, chia sẻ dữ liệu; tổng hợp, công khai đầu mối kết nối, chia sẻ dữ liệu...

10

Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thông suốt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Trước đây Nền tảng LGSP thành phố đã kết nối, tích hợp với Trục liên thông quốc gia NGSP. Ngày 03/3/2022, Bộ TT&TT có Công văn số 677/BTTTT-THH hướng dẫn kết nối, tích hợp với Nền tảng NDXP. Hiện nay Sở TT&TT đang phối hợp Cục Tin học hóa thực hiện việc kết nối, tích hợp Nền tảng LGSP thành phố với Nền tảng NDXP

11

Triển khai hoặc thí điểm triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp bộ, ngành, địa phương

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

- Sở TT&TT đã xây dựng, hình thành Kho dữ liệu dùng chung thành phố (tại địa chỉ https//khodulieu.danang.gov.vn); đến nay đã tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung 9 nguồn dữ liệu (gồm CSDL công dân; CSDL nhân, hộ khẩu; CSDL doanh nghiệp; CSDL bảo hiểm xã hội; CSDL cấp phép xây dựng; CSDL cấp phép lái xe; CSDL du lịch; CSDL đất đai; CSDL môi trường. Chi tiết: 112 bảng dữ liệu; 1.149 trường dữ liệu; 7.669.915 bản ghi); đã xây dựng 58 chuẩn, 252 quy tắc dữ liệu. Hiện nay đang triển khai Dự án mở rộng Kho dữ liệu thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh để áp dụng với dữ liệu phi/bán cấu trúc.

- Đã triển khai thí điểm Nền tảng phân tích dữ liệu thông minh từ nguồn sự nghiệp CNTT 2021; hiện nay đang sử dụng thử nghiệm (http://10.196.133.40:8000/); đánh giá hiệu quả

12

Ban hành Kế hoạch thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm lệ phí nếu thực hiện thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; giao chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

- Sở TT&TT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Công văn số 6916/UBND- STTTT ngày 04/9/2018; trong đó có chỉ đạo rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến đến 50% so với thời gian xử lý hồ sơ trực tiếp;

- Trong Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ DVCTT, hồ sơ trực tuyến cho từng sở, ban, ngành, địa phương; xác định các nhiệm vụ, giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT (như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình; đề xuất giảm phí, lệ phí DVCTT....); trong đó đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan triển khai thực hiện

13

Thực hiện kết nối Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến, mức độ, chất lượng cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Đã hoàn thành kết nối Cổng Thông tin điện tử thành phố, Cổng Dịch vụ công thành phố và Hệ thống một cửa điện tử thành phố với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số

14

Triển khai hoặc thí điểm triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đang làm việc với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam - Bộ TT&TT để triển khai thí điểm nền tảng Trợ lý công vụ ảo cho thành phố Đà Nẵng

15

Ban hành Chương trình đánh giá xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số SMEdx và Văn bản số 294/BTTTT-QLDN ngày 28/01/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó chú trọng các chỉ tiêu: số doanh nghiệp thực hiện đánh giá, xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số trên cổng https://dbi.gov.vn; số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số (trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn)

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã hoàn thành xây dựng Chương trình đánh giá xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương (Công văn số 358/STTTT-CNTT ngày 17/02/2022) và trình UBND thành phố tại Công văn số 446/STTTT-CNTT ngày 28/02/2022. Hiện nay Lãnh đạo UBND thành phố có chỉ đạo (Công văn số 795/VP-KT ngày 21/3/2022) đề nghị Sở KH&ĐT, các hiệp hội doanh nghiệp góp ý; gửi Sở TT&TT tổng hợp để trình UBND thành phố trước ngày 10/4/2022

16

Ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương theo hướng dẫn tại Văn bản số 781/BTTTT-QLDN ngày 04/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó chú trọng các chỉ tiêu: số trường học, cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục; số bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai thanh toán trực tuyến, chuyển đổi số trong trường học, bệnh viện trong Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố năm 2022. Hiện nay Sở TT&TT đang tham mưu thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 1233/UBND-KT ngày 09/3/2022

17

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; chủ động thí điểm triển khai sáng kiến mới tại địa phương, có khả năng nhân rộng trên toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục cập nhật Cẩm nang chuyển đổi số tại địa chỉ https://dx.mic.gov.vn; liên tục cập nhật, chia sẻ bài học, kinh nghiệm chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn; sẽ công bố danh sách các bài toán chuyển đổi số để các bộ, ngành, địa phương tham khảo

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đã tuyên truyền, cung cấp các tài liệu, cẩm nang chuyển đổi số, 35 câu chuyện, kinh nghiệm chuyển đổi số cho các cơ quan, địa phương. Trong thời gian đến sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các mô hình, sáng kiến chuyển đổi số cho các cơ quan, địa phương; trên địa bàn thành phố để tham khảo, áp dụng.

18

Định kỳ hàng năm thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý

Sở TT&TT

Các sở, ban, ngành, địa phương

Sở TT&TT đang triển khai đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số năm 2021 tại các cơ quan, địa phương; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố và tổ chức công bố kết quả trong Quý II/2022.

 



[1] Công văn số 213/VTDNG ngày 24/11/2021 của Viettel Đà Nẵng; Công văn số 3507/STTTT-CNTT ngày 25/11/2021 của Sở TT&TT

[2] Từ khi triển khai từ tháng 11/2021 đến nay có 04 chuỗi cung ứng thịt heo và thịt bò được truy xuất (trong đó 02 chuỗi từ trang trại đến người dùng; 01 chuỗi từ lò mổ đến các chợ, điểm bán lẻ, bếp ăn tập thể; 01 chuỗi truy xuất thịt bò nhập khẩu); đã triển khai dán mã QR tại gần 2000 cơ sở sản xuất, nhà hàng,... trên địa bàn

[3] Từ khi triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã tích hợp 08 camera giao thông; 25 bãi đỗ xe toàn thành phố; 73 tuyến đường cấm đỗ xe

[4] Từ khi triển khai từ tháng 12/2021 đến nay đã tích hợp gần 70 camera; phát hiện hơn 42.500 lượt tàu thuyền ra vào Âu thuyền; 840.000 lượt xe ra vào cảng Cá

[5] Đã tích hợp giám sát 21 xe rác, 46 xe cứu hỏa, 25 xe cứu thương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 76/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, năm 2022

  • Số hiệu: 76/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/04/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Phước Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản