Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7146/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 16 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 86-KH/TU NGÀY 12/6/2023 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 49-KL/TW NGÀY 28/02/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/6/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 86-KH/TU), UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/6/2023 của Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương;

b) Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và hành động của các cấp uy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

a) Việc thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/6/2023 của Tỉnh ủy bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, phù hợp với thực tiễn, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

b) Các sở, ngành, địa phương, có liên quan cụ thể hóa bằng chương trình hoặc kế hoạch thực hiện; trong đó: xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung, phương thức, lộ trình thực hiện phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại phù hợp với quy hoạch tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2030: Tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có; phấn đấu khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch.

b) Đến năm 2045: Phấn đấu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt (bao gồm cả các tuyến đường sắt đô thị monorail) theo hướng hiện đại, đồng bộ theo các quy hoạch được phê duyệt.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Giai đoạn 2023 - 2030: Nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục tuyển đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch và nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt đô thị monorail Ga Đà Lạt - sân bay Liên Khương.

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Kết luận số 49-KL/TW, Kế hoạch số 86-KH/TU:

- Các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Kế hoạch số 86-KH/TU và kế hoạch này.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt. Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đường sắt đồng bộ với phát triển ngành giao thông vận tải.

b) Hoàn thiện các cấp độ quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong quy hoạch tại địa phương để định hướng xác định nguồn lực thực hiện:

- Hoàn thiện quy hoạch tinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045; trong đó, đề xuất các giải pháp ưu tiên phát triển vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn, khai thác, vận tải đường sắt.

- Các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo để đảm bảo cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định.

c) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt:

- Nghiên cứu, đề xuất nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu đề xuất chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm và nghiên cứu để triển khai các tuyến đường sắt đô thị monorail.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; đề xuất củng cố, nâng cao năng lực doanh nghiệp vận tải đường sắt, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phương tiện, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải đường sắt.

- Kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; tiếp tục nâng cao năng lực, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt; tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng. Phối hợp với các bộ, ngành trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

- Nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt; đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị.

d) Ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư, phát triển giao thông vận tải đường sắt:

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; tăng cường, đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt để khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm và các tuyến đường sắt đô thị monorail.

- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến đóng góp của các chuyên gia để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn,... xây dựng tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm, đường sắt đô thị hiện đại, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

- Hợp tác, tìm kiếm sự hỗ trợ từ một số Tập đoàn có kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật khai thác, vận tải đường sắt trên thế giới trong quá trình đầu tư, khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Pháp Chàm và đường sắt đô thị.

đ) Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm và đường sắt đô thị:

- Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, bảo đảm cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, phục vụ tốt việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định trong quá trình triển khai khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm, đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt đô thị.

- Thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và đối thoại với các đối tượng bị thu hồi đất để thuyết phục, khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người dân có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án.

2. Giai đoạn 2031 - 2045:

a) Nhiệm vụ trọng tâm là khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch và triển khai các tuyến đường sắt đô thị monorail Đà Lạt và vùng phụ cận.

b) Tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ của giai đoạn trước năm 2030 cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của từng địa phương, trong đó tập chung nội dung đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế, các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai đường sắt đô thị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

a) Tham mưu đối với các quy hoạch liên quan đến giao thông vận tải đường sắt và đề xuất đầu tư phát triển theo quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng.

b) Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm, các tuyến đường sắt đô thị monorail; đề xuất củng cố, nâng cao năng lực doanh nghiệp vận tải đường sắt, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phương tiện, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải đường sắt.

c) Đề xuất kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; đề xuất nâng cao năng lực, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

d) Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/6/2023 của Tỉnh ủy và Kế hoạch này khi có yêu cầu của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất các giải pháp ưu tiên phát triển vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ; cập nhật các cơ chế, chính sách của Trung ương và hướng dẫn thực hiện việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư liên quan đến giao động vận tải đường sắt.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ đường sắt; đề xuất nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu đề xuất chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu chính phủ.

3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

4. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương sớm tham mưu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045; trong đó, chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt. Triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị cho phương tiện giao thông đường sắt và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm do cấp huyện trình thẩm định đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường sắt trước khi trình phê duyệt theo quy định.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện theo điểm d mục 1 phần III.

7. Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Nội vụ: Chủ trì nghiên cứu, liên kết với các trường đào tạo, đào tạo lại nâng cao nguồn nhân lực hiện có của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; củng cố, nâng cao năng lực doanh nghiệp; đề xuất kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, vai trò và năng lực cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo công nghệ, hạ tầng...

8. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh triển khai công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt; vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt; phổ biến những quy định về hành lang an toàn đường sắt.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định trong đó quan tâm đối với quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

10. Ủy ban nhân dân các các huyện, thành phố Đà Lạt:

a) Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng; tổ chức lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng và kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn tiếp theo để đảm bảo cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường, kiểm tra để xử lý lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, các hành vi vi phạm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường vận tải đường sắt đối với tuyến đường sắt đi qua địa bàn.

11. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và các đơn vị có liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ động triển khai Kế hoạch này, cụ thể hóa bằng chương trình hoặc kế hoạch thực hiện; trong đó: xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung, phương thức, lộ trình thực hiện phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN, các đoàn thể CT- XH tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng:
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, GT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 7146/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 86-KH/TU thực hiện Kết luận 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 7146/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 16/08/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản