Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 562/KH-UBND | Nghệ An, ngày 06 tháng 10 năm 2021 |
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt AIDS tại Việt Nam trước năm 2030", UBND tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An với những nội dung cụ thể sau:
Quán triệt sâu sắc các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
- HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp liên ngành của các cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cộng đồng.
- Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị toàn diện HIV/AIDS.
- Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tăng cường trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.
- Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS là góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của tỉnh, mang lại hiệu quả xã hội trực tiếp và gián tiếp.
- Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ và lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng, chi phí thấp - hiệu quả cao.
- Tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chương trình, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
1. Mục tiêu cụ thể
- Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
- Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
- Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
2. Các chỉ tiêu
a) Nhóm chỉ tiêu tác động
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030;
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030.
b) Nhóm chỉ tiêu dự phòng
- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030;
- Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế và các loại thuốc, bài thuốc đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030;
- Tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030;
- Tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030;
- Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
c) Nhóm chỉ tiêu xét nghiệm
- Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030;
- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV dược xét nghiệm HIV hàng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
d) Nhóm chỉ tiêu về điều trị
- Tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% năm 2030;
- Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm;
- Tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 92% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030;
- Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C là 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030.
e) Nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế
- 100% các huyện/thành phố/thị xã có kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hàng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt;
- 100% các huyện/thành phố/thị xã triển khai thu thập, báo cáo đầy đủ số liệu phòng, chống HIV/AIDS theo hướng dẫn của Quốc gia;
- 100% các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sử dụng các phần mềm để quản lý dịch vụ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và triển khai báo cáo, chia sẻ dữ liệu điện tử;
- Đảm bảo 100% người nhiễm HIV đang được quản lý tham gia bảo hiểm y tế;
- Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS;
- Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
1. Tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các kết quả quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới, đặc biệt là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, làm việc; hiểu rõ mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 là “Khi số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% trước năm 2030”.
2. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, nhất là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, tập trung rà soát, bổ sung quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với chương trình phòng chống ma túy và phòng, chống mại dâm.
3. Đối với công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, về phòng, chống HIV/AIDS, cần kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội như Facebook, Youtube, zalo, viber, lotus; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở....
Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu các cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia vào công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
4. Tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tập trung cho các hoạt động can thiệp truyền thông, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch, xét nghiệm điều trị HIV, can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sử dụng BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS; đảm bảo kinh phí mua thuốc Methadone; ưu tiên đầu tư kinh phí và nhân lực cho các khu vực, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ trong nước và quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân vào việc đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
5. Triển khai rộng rãi, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao; thí điểm và mở rộng triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV phù hợp trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Thí điểm và nhân rộng cấp phát thuốc điều trị mang về nhà. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị nhiễm HIV toàn diện, liên tục, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác phù hợp cho từng đối tượng đặc thù và điều kiện của địa phương.
Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV. Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức khác. Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân, đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS toàn diện, liên tục. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình, giải pháp, kỹ thuật mới tiên tiến phù hợp với thực tiễn để đẩy nhanh, mạnh và hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.
6. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS các cấp; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động phù hợp với nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS các cấp. Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyên, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường năng lực và huy động y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
1. Nhóm giải pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý
- Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở. Xác định công tác phòng chống HIV/AIDS là một nội dung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa. Trong đó chú trọng thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt AIDS tại Việt Nam trước năm 2030".
- Các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối công tác phòng, chống HIV/AIDS; đổi mới phương pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với mô hình tổ chức, đặc thù công việc và tình hình kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc thẩm quyền quản lý.
- Kiện toàn, nâng cao hoạt động Ban chỉ đạo các cấp về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
2. Nhóm giải pháp về phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng
- Vận động các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, mạng lưới người nhiễm HIV tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó chú trọng việc vận động tham gia xây dựng kế hoạch, giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện; đào tạo nghề; tìm việc làm; tạo việc làm và phát triển mô hình lao động, sản xuất kinh doanh mang tính bền vững cho người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao, người bị ảnh hưởng bởi HIV và bệnh nhân HIV đang điều trị nghiện chất.
- Bảo đảm cung cấp có hiệu quả các dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV, vận động người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.
- Lồng ghép Chương trình điều trị nghiện chất với các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác; chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm cho người nghiện ma túy; Chương trình phòng chống ma túy, phòng, chống tệ nạn xã hội. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia hoạt động điều trị nghiện chất.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...
3. Nhóm giải pháp về thực hiện pháp luật, chế độ chính sách
- Nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng việc chi trả từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
4. Nhóm giải pháp về chuyên môn
- Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng ưu tiên. Nâng cao chất lượng điều trị người nghiện ma túy; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao.
- Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở giam giữ, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng.
5. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực
- Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS các cấp.
- Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến.
- Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến tuyến cơ sở.
Thực hiện theo Kế hoạch số 767/KH-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Là cơ quan thường trực công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị y tế trong ngành triển khai thực hiện kế hoạch.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính, phân bổ và sử dụng kinh phí phù hợp từng giai đoạn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh tổ chức triển khai các nội dung của kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình kết quả triển khai thực hiện kế hoạch từ các ngành thành viên và địa phương.
- Đầu mối phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương giám sát, đánh giá, kiểm tra thực hiện kế hoạch này.
- Tham mưu cân đối nguồn ngân sách của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn.
- Phối hợp Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án thuộc lĩnh vực Y tế, dân số và gia đình để tăng cường năng lực hoạt động Phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành và các địa phương có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ quốc tế, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Phối hợp Sở Tài chính, Sở Y tế và các cơ quan có liên quan thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, công tác điều phối và cơ chế quản lý chương trình, dự án, khoản tài trợ quốc tế theo đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch; tiếp tục nâng cao chất lượng các tin, bài, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, phòng chống lây nhiễm trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao... góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình ngoại khóa của nhà trường; công tác truyền thông giáo dục về sức khỏe sinh sản, giáo dục về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh, giáo viên và cán bộ giáo dục các cấp.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tổ chức tạo việc làm đối với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Chỉ đạo các Trung tâm cai nghiện, các cơ sở bảo trợ xã hội triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là cho học viên, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Chủ trì phối hợp với Sở Y tế triển khai việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật.
- Lồng ghép các hoạt động Chương trình phòng, chống ma túy với các hoạt động của kế hoạch.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các kế hoạch liên ngành về phòng chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, đấu tranh, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện, phối hợp tốt với ngành Y tế triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông phòng phơi nhiễm, phòng lây truyền HIV trong cán bộ, chiến sỹ của ngành.
9. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm lồng ghép triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch vào chương trình công tác hàng năm của đơn vị.
10. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội
Chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, quan điểm, các giải pháp để nhằm kết thúc AIDS trước năm 2030 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với với công tác Phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức tốt các hoạt động, chỉ đạo tăng cường giám sát đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Chủ trì, phối hợp các tổ chức thành viên chỉ đạo, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS; hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân chia sẻ, động viên, giảm thiểu sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và xã hội.
Triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia Phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt cộng đồng dân cư.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Triển khai thực hiện Kế hoạch phù hợp tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030.
- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch thành nội dung ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiến tới từng bước đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chỉ đạo lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, giải pháp của kế hoạch này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn do địa phương trực tiếp quản lý. Chủ động cân đối, bố trí kinh phí địa phương để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Yêu cầu các Sở, ban ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai hiệu quả.
Trong quá trình triển khai, nếu gặp các vấn đề phát sinh, gửi kiến nghị về Sở Y tế tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nhằm đạt mục tiêu kế hoạch./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
- 2Kế hoạch 767/KH-UBND năm 2020 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3Chỉ thị 07-CT/TW năm 2021 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Kế hoạch 50/KH-UBND về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn năm 2022
- 5Kế hoạch 103/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lào Cai năm 2022
- 6Kế hoạch 77/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022
Kế hoạch 562/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 562/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/10/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Bùi Đình Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra