Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 492/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 29 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TÀI SẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN THAM GIA CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;

Căn cứ điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản số 15/2008/QH12 ngày 03/03/2008; Điều 23 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; Điều 15 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ, quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an; Tài chính hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ hướng dẫn số 07/HD-BCA-C07 ngày 31/3/2021 của Bộ Công an về việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý.

Những năm qua, tình hình cháy, nổ, sự cố tai nạn trên địa bàn toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất và an sinh xã hội. Theo thống kê, từ năm 2018-2020, cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.911,3 tỷ đồng và khoảng 30.901,9ha rừng. Trong đó, xảy ra 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.036,1 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, 03 năm qua đã xảy ra 78 vụ cháy, nổ làm chết 09 người, bị thương 18 người và 2,2 ha rừng, thiệt hại về tài sản ước tính 68 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy, nổ lớn đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân…

Trước tình hình trên, để kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an tỉnh, cần huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch huy động, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiệt hại các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn lớn xảy ra, giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đảm bảo chế độ cho các lực lượng, phương tiện được huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

2. Phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ động huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn tỉnh,không để bị động trong mọi tình huống, phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ"của địa phương.

3. Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn phải đúng thẩm quyền, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi được huy động phải bố trí lực lượng, phương tiện tham gia theo Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG HUY ĐỘNG

1. Trường hợp huy động

a) Trường hợp huy động

Khi tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an tỉnh và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc cần huy động lực lượng, phương tiện chuyên dùng mà ở địa phương đó không có hoặc có nhưng hiệu quả xử lý không cao,cần phải huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

b) Không huy động các loại xe sau đây để tham gia, phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

- Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

- Đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường;

- Đoàn xe tang;

- Các xe ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc huy động

Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng Lệnh huy động(hoặc điều động) lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt chữa động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp khẩn cấp, có thể ra lệnh huy động bằng lời, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản (theo Mẫu số PC20 Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ).

3. Thẩm quyền huy động

Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 và Điều 15 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương.

4. Cấp độ huy động

Khi huy động lực lượng, phương tiện cần phải nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, diễn biến của vụ việc, xác định cấp độ huy động phù hợp từ thấp đến cao, như sau:

a) Huy động cấp 1: Cháy, nổ lớn xảy ra tại cơ sở trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp có diện tích đám cháy dưới 2000 m2; khu đô thị, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng; siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình khác nhưng không có người mắc kẹt, không có khả năng cháy lan;cháy rừng có diện tích lớn trên 5ha cần phải huy động thêm các lực lượng, phương tiện chữa cháy, hỗ trợ chữa cháy trên địa bàn 01 huyện lân cận.

b) Huy động cấp 2: Cháy, nổ lớn xảy ra tại cơ sở trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp có diện tích đám cháy từ 2000 đến 4000 m2; khu đô thị, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng; siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình khác có từ 02 đến 10 người mắc kẹt, có khả năng cháy lan; cháy rừng có diện tích lớn trên 10ha, khi huy động ở cấp độ 01 không đáp ứng được, cần phải huy động thêm các lực lượng, phương tiện chữa cháy, hỗ trợ chữa cháy trên địa bàn 02 huyện lân cận.

c) Huy động cấp 3: Cháy, nổ lớn xảy ra tại cơ sở trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp có diện tích đám cháy trên 4000 m2, có nhiều người mắc kẹt không kiểm soát được; khu đô thị, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng; siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình khác có hơn 10 người mắc kẹt, có khả năng cháy lan nhanh;cháy rừng có diện tích lớn trên 10ha, khi huy động ở cấp 02 không đáp ứng được, cần phải huy động thêm các lực lượng, phương tiện chữa cháy, hỗ trợ chữa cháy trên địa bàn các huyện lân cận và lực lượng, phương tiện của quân đội, các cơ quan đặc thù khác trên địa bàn tỉnh.

5. Lực lượng, phương tiện huy động: Căn cứ theo từng cấp độ,tiến hành huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH theo bảng thống kê lực lượng, phương tiện huy động kèm theo.

6. Quy trình huy động

a) Bước 1: Khi xác định tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an tỉnh và UBND cấp huyện, Giám đốc Công an tỉnh báo cáo tình hình và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

b) Bước 2: Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể theo báo cáo để ra quyết định huy động theo cấp độ phù hợp.

c) Bước 3: Công an tỉnh (Phòng PC07) thông báo, truyền đạt mệnh lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh đến các đơn vị được huy động theo từng cấp độ và Bảng thống kê lực lượng, phương tiện có khả năng huy động của các đơn vị. Phải thông báo rõ địa điểm, thời gian tập kết; số lượng, chủng loại các phương tiện, thiết bị được huy động và thời dự kiến phải có mặt để làm nhiệm vụ.

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhận được lệnh điều động phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đi làm nhiệm vụ và báo cáo ngay với cấp trên (nếu có). Trên đường di chuyển phải luôn luôn mở máy thông tin liên lạc (điện thoại di động hoặc bộ đàm) để nắm thông tin và mệnh lệnh của chỉ huy chữa cháy.

Khi đến nơi tập kết, phải báo cáo ngay với Ban Chỉ huy chữa cháy và nhận nhiệm vụ, triển khai các hoạt động chiến đấu theo sự điều hành của Ban Chỉ huy.

d) Bước 4; Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị được huy động báo cáo ngay tình hình, kết quả và đề nghị Ban Chỉ huy cho thu hồi lực lượng, phương tiện. Phải tham gia họp rút kinh nghiệm và giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có) trước khi rút về.

7. Huy động lực lượng, phương tiện của Công an các tỉnh lân cận

Khi xác định tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn đã vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc Công an tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh (hoặc người được ủy quyền) báo cáo tình hình và đề nghị Cục trưởng C07 - Bộ Công an huy động lực lượng, phương tiện của Công an các địa phương lân cận chi viện theo Kế hoạch số 71/KH-C07-P5 ngày 13/04/2021 của Cục C07-BCA về việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an các địa phương để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.

8. Kết thúc hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Kết thúc hoạt động xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu người có thẩm quyền huy động ban hành Lệnh huy động (hoặc điều động) bằng văn bản, đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC HUY ĐỘNG

1. Công an tỉnh

a) Tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Thông tư số 140/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 của Bộ Công an quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân. Nắm chính xác tình hình vụ việc, tham mưu Chủ tịch UBND các cấp huy động các lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thành lập Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, quyết định các phương pháp, biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị được huy động tham gia xử lý vụ việc.

b) Khi lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động đến hiện trường tham gia xử lý tình huống, Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ tiếp nhận và thống nhất về chế độ thông tin chỉ huy, điều hành và phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của các lực lượng này để cùng tham gia phối hợp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

c) Trường hợp thời gian chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kéo dài, Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chủ động tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh đáp ứng các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (bổ sung nhiên liệu, hóa chất chữa cháy, phương tiện chiếu sáng, nước uống, thực phẩm và thuốc y tế...) để đảm bảo thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả cao nhất.

d) Tổ chức thông tin, báo cáo tình hình vụ việc cho lãnh đạo cấp trên và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông theo thẩm quyền; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, khuyến cáo và tổ chức cho người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm nếu cần thiết (trường hợp có nguy cơ phát nổ, phát tán chất khí, hóa chất độc; sạt lở đất đá; ngập lụt...); thông tin, phổ biến các mối nguy hiểm do cháy, nổ, sự cố, tai nạn tác động và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, nhất là nguy cơ bị nhiễm độc qua đường hô hấp, qua da, nhiễm độc nguồn nước...

đ) Phối hợp với Sở tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chi trả chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động trực tiếp tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

e) Phối hợp với Sở Tài chính hoàn thiện các thủ tục trưng dụng tài sản và xác định, định giá tài sản hư hại trong quá trình tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (nếu có), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bồi thường thiệt hại theo quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

g) Hàng năm, rà soát, chỉnh lý, bổ sung phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do UBND tỉnh đã phê duyệt, để xây dựng Kế hoạch tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, qua đó rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra.

h) Rà soát, lập danh sách các cơ quan, tổ chức và cá nhân có xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (xe chở nước, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe nâng, xe phá dỡ công trình...) trên địa bàn tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Lữ đoàn công binh 229

Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, khi có lệnh điều động của người có thẩm quyền, nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường, phối hợp với Công an tỉnh triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hướng dẫn thoát nạn, sơ tán tài sản ra nơi an toàn. Tổ chức rà phá bom, mìn, vật nổ (nếu có) trong các vụ việc xảy ra.

3. Sở Y tế và Bệnh viện Quân y 110

Điều động xe cứu thương cùng các nhân viên y tế, dụng cụ sơ cấp cứu đến hiện trường để tiếp nhận, sơ cấp cứu và chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất khi người có thẩm quyền điều động.

4. Sở Tài chính

a) Phối hợp với Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chi trả chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động trực tiếp tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

b) Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện các thủ tục trưng dụng tài sản và xác định, định giá tài sản hư hại trong quá trình tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (nếu có), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bồi thường thiệt hại theo quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Công an tỉnh và Sở Tài chính tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chi trả chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động trực tiếp tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Nghị định 30/2017/NĐ-CP, Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, khi có lệnh điều động, nhanh chóng điều động xe các đơn vị, tổ chức có xe bồn chở nước đến hiện trường tiếp nước cho các phương tiện chữa cháy. Đồng thời cử người có chuyên môn đến hiện trường tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán và cháy, nổ hóa chất độc hại.

7. Sở Giao thông - Vận tải

Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có lệnh điều động, nhanh chóng đến hiện trường tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy; tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trên sông và trên các tuyến luồng hàng hải, các công trình cầu, cống, đường, cảng thủy nội địa, bến tàu...

8. Sở Công thương

Khi có lệnh điều động, nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ tính chất vật lý, tính chất nguy hiểm cháy, nổ, độc... của hóa chất, cung cấp thông tin cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để triển khai các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong quá trình cứu chữa.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh nắm tình hình, đưa tin về vụ cháy, sự cố, tai nạn; phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị chức năng khác tổ chức khuyến cáo những thông tin cần thiết nhằm chủ động phòng ngừa và ứng phó trước các tác động nguy hiểm do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổ chức rà soát kiện toàn lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Sẵn sàng tham gia phối hợp tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có cháy rừng và các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn lớn, diễn biến phức tạp xảy ra khi được huy động.

11. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh

Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn đơn vị quản lý trực tiếp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan lập hồ sơ, quy trình, thủ tục hưởng các chế độ; thực hiện chi trả các chế độ thuộc trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

12. Công ty Điện lực Bắc Ninh và các đơn vị quản lý lưới điện trên địa bàn tỉnh

Thực hiện nghiêm túc công tác thường trực 24/24h, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị tham gia chữa cháy để xử lý các vấn đề liên quan đến kỹ thuật điện và thực hiện việc cắt điện các khu vực cháy, nổ, sự cố, tai nạn theo yêu cầu.

13. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Tiếp tục chỉ đạo kiện toàn Đội PCCC chuyên ngành tại các khu công nghiệp. Đảm bảo lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy của các cơ sở tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình.

b) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự bên trong và bên ngoài khu vực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền.

c) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chi trả chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động trực tiếp tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

15. Các đơn vị cấp, thoát nước, môi trường, đô thị và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tăng áp lực nước cho các trụ nước chữa cháy ở khu vực xảy ra cháy hoặc điều động các xe chở nước để tiếp nước cho các phương tiện chữa cháy khi được huy động.

16. Các cơ quan, tổ chức có xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (xe chở nước, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe nâng, xe phá dỡ công trình...): Khi có lệnh điều động của người có thẩm quyền, có trách nhiệm tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu.

17. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác: Khi được điều động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương tập hợp báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì, theo dõi và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an (b/c);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh;
- Lữ đoàn Công binh 229;
- Bệnh viện Quân y 110;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan;
- Đài PT&TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC, CVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hương Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 492/KH-UBND năm 2021 về huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Bắc Ninh ban hành

  • Số hiệu: 492/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hương Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản