Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 432/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 11 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CHUYỂN ĐỔI HÀNH VI VỀ
DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN TẠI QUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Kế hoạch số 3851/KH-SYT ngày 20/4/2017 của Sở Y tế vệ thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân quận xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển tại quận giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. PHẠM VI, THỜI GIAN, ĐỊA BÀN, ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

1. Phạm vi tác động: Các vấn đề Dân số bao gồm: quy mô Dân số; cơ cấu Dân số; chất lượng Dân số; phân bố và quản lý dân cư; lồng ghép Dân số trong phát triển.

2. Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến năm 2020.

3. Địa bàn tác động: 15 phường trên địa bàn quận.

4. Đối tượng thụ hưởng:

- Cá nhân, gia đình hay mọi người dân trong lứa tuổi được nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và có cơ hội phát triển sự nghiệp, học tập, hưởng thụ văn hóa thể thao, du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình Dân số - KHHGĐ.

- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng vừa tham gia Truyền thông - Giáo dục về Dân số và Phát triển vừa được thụ hưởng từ những lợi ích của nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và đóng góp nguồn lực có hiệu quả của các thành viên để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Đẩy mạnh vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển như: nâng cao chất lượng Dân số, chăm sóc toàn diện sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; đồng thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ chất lượng Dân số và phát huy lợi thế Dân số để phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của quận.

2. Các mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu 1:

Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về Sàng lọc trước sinh (SLTS) và Sàng lọc sơ sinh (SLSS), tư vấn và khám sức khỏe Tiền hôn nhân (THN), không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng Dân số. Đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau:

90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về lợi ích của SLTS và SLSS, 80 % bà mẹ mang thai tham gia SLTS, 75 % trẻ sơ sinh được SLSS.

90% Vị thành niên/Thanh niên từ 15 - 24 tuổi và thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được truyền thông tư vấn về nội dung sức khỏe THN.

Duy trì hoạt động Câu lạc bộ THN tại 10 Phường (gồm phường 1, 2, 3, 5, 8, 11, 12, 13, 14, 15), Câu lạc bộ Người cao tuổi và Đội tình nguyện viên chăm sóc Người cao tuổi tại phường 5.

2.2. Mục tiêu 2:

Tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi về kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), tạo dư luận ủng hộ những người phát hiện, ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm MCBGTKS. Đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau:

90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi;

90% nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS.

90% Vị thành niên/Thanh niên từ 15 - 24 tuổi có đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi.

Tỷ số giới tính không vượt quá 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

2.3. Mục tiêu 3:

Nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), góp phần duy trì mức sinh thay thế. Đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau:

95% cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có đầy đủ kiến thức về chính sách mỗi cặp vợ chồng có đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.

85% cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có đầy đủ kiến thức về thực hiện hiệu quả KHHGĐ (lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, hiểu biết về duy trì mức sinh, chính sách tự trả chi phí phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ và nơi cung cấp SKSS - KHHGĐ).

85% phụ nữ, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ có đầy đủ kiến thức về các biện pháp phòng, tránh bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản.

85% Vị thành niên/Thanh niên từ 15 - 24 tuổi có kiến thức về sức khỏe tình dục và các biện pháp phòng, tránh bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản.

2.4. Mục tiêu 4:

Tăng cường lồng ghép các vấn đề Dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế cơ cấu dân số, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau:

95% cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp hiểu được tác động của các vấn đề Dân số đến phát triển kinh tế - xã hội.

70% cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp hiểu được lợi thế và các biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu Dân số.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đối với công tác Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển:

- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

- Đưa nội dung các vấn đề Dân số và Phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc quận.

- Định kỳ báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về Dân số và sức khỏe sinh sản; những vấn đề dân số mới phát sinh; xã hội hóa công tác Dân số và Phát triển; những khó khăn, trở ngại trong việc tổ chức thực hiện các vấn đề Dân số và Phát triển.

2. Tăng cường Truyền thông chuyển đổi hành vi dưới mọi hình thức:

- Đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức trên tin bài đang trên website quận, tờ gấp, loa phát thanh... để cung cấp thông tin, tư vấn chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển.

- Nhân bản các sản phẩm truyền thông về Dân số và Phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi. Chú trọng hình thức, nội dung, cách thức thể hiện phù hợp dành cho từng nhóm Dân số.

3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp:

- Tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên Dân số, cán bộ Trạm y tế, báo cáo viên của các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội nhằm tạo sự thay đổi hành vi bền vững về Dân số và sức khỏe sinh sản. Tăng cường về số lượng và chất lượng các hoạt động tư vấn theo nhóm, vãng gia. Định kỳ bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông cho cộng tác viên Dân số, cán bộ Trạm y tế trong các cuộc họp giao ban hàng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện truyền thông, tư vấn có hiệu quả tại hộ gia đình.

- Tiếp tục kiên trì thực hiện, đẩy mạnh chuyển tải thông điệp truyền thông “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con và không sinh con thứ 3 trở lên” nhằm tác động đến nhận thức của người dân, góp phần duy trì mức sinh thay thế.

- Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục với nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên những nhóm đối tượng khó tiếp cận thông tin, dịch vụ Dân số và sức khỏe sinh sản. Tăng cường phối hợp với ban ngành, đoàn thể thuộc quận lồng ghép hoạt động truyền thông Dân số và sức khỏe sinh sản đến đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận thực hiện tốt chính sách Dân số và sức khỏe sinh sản.

- Cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng đưa nội dung truyền thông Dân số và Phát triển lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, giải trí của nhân dân tại khu dân cư; Tổ chức các cuộc míttinh, nói chuyện nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và ngày Dân số - KHHGĐ.

4. Khuyến khích các đơn vị tư vấn tham gia và mở rộng các hình thức tư vấn về Dân số và phát triển:

- Huy động rộng rãi các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng tham gia công tác Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển với những hình thức phù hợp với quy hoạch và phát triển của công tác Dân số và sức khỏe sinh sản của quận.

- Vận động, hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập thực hiện tư vấn trước và sau khi làm dịch vụ kỹ thuật cho đối tượng, đảm bảo đối tượng hiểu biết, tự nguyện và thực hiện được những hướng dẫn, chỉ dần của thầy thuốc và các nội dung tư vấn.

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quận tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình và kỹ năng tư vấn; Bảo đảm nội dung tư vấn chính xác theo đúng các quy định của pháp luật, chính sách, quy định chuyên môn và quy trình kỹ thuật của các vấn đề Dân số và Phát triển.

5. Mở rộng các hình thức giáo dục, truyền thông thân thiện, phù hợp với vi thành niên/thanh niên:

Tăng cường công tác Truyền thông - Giáo dục, tư vấn lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Tiền hôn nhân như: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ THN, tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc SKSS ....

6. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo môi trường đồng thuận, ủng hộ và cam kết thực hiện của các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng:

- Vận động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội lồng ghép các nội dung Dân số và Phát triển vào các hoạt động chuyên môn, hoạt động thường xuyên, hoạt động văn nghệ, thể thao, giải trí của các thành viên, hội viên trong tổ chức đơn vị.

- Tổ chức nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ, thể thao, giải trí gắn với truyền thông Dân số và Phát triển cho các hội viên và nhân dân trên địa bàn; đồng thời xây dựng hình thức truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên, người cao tuổi...

- Cung cấp thông tin Dân số và Phát triển cho các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực, sự tham gia đông đảo của các lực lượng xã hội trong các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ và việc thực hiện các hành vi có lợi về Dân số và Phát triển.

- Cung cấp thông tin, vận động, huy động những chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông, ủng hộ các hành vi có lợi về Dân số và phát triển; Đưa tiêu chí về Dân số và Phát triển vào tiêu chuẩn khu phố văn hóa, gia đình văn hóa.

7. Nâng cao năng lực, hiệu quả giáo dục Dân số và Phát triển:

- Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia truyền thông và điều phối các hoạt động truyền thông về Dân số và Phát triển.

- Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, cán bộ truyền thông, cộng tác viên dân số - KHHGĐ, đảm bảo mỗi cán bộ truyền thông được tập huấn ít nhất 1 lần/năm; chú trọng bồi dưỡng kiến thức về tâm lý, đặc điểm phát triển sinh lý, thể chất, kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe cộng đồng.

- Cung cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ truyền thông phục vụ cho công các Dân số - KHHGĐ, đảm bảo theo đúng yêu cầu về quy trình, kỹ thuật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Phòng Y tế:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi hàng năm; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi trên địa bàn quận, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Kế hoạch đã đề ra. Định kỳ báo cáo (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm) và báo cáo thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 về Ủy ban nhân dân quận và Chi dục DS-KHHGĐ thành phố.

- Tổ chức điều phối các hoạt động truyền thông nhằm tập trung nội dung truyền thông vào những vấn đề Dân số trọng tâm trong từng giai đoạn, bao gồm:

Xây dựng, hướng dẫn về tổ chức kỷ niệm Ngày Dân số thế giới, Ngày Dân số Việt Nam, nhân kỷ niệm các sự kiện quan trọng, Tháng hành động về Dân số và Phát triển nhằm tập hợp các lực lượng đồng thời truyền thông, tạo dư luận xã hội quan tâm, hưởng ứng công tác Dân số và Phát triển.

Tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Kế hoạch cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ tại 15 phường.

Khảo sát đánh giá hiệu quả hoạt động của Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giai đoạn 2020-2025.

- Thường xuyên kiểm tra giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại 15 phường.

2. Giao Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận:

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và nâng cao chất lượng Dân số như: khám SLTS và SLSS, tư vấn sức khỏe THN, tư vấn chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, khám phụ khoa cho Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ...

3. Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo:

Tổ chức truyền thông các nội dung về Dân số và sức khỏe sinh sản, giới tính, bình đẳng giới cho học sinh tại các trường học thuộc quận; phối hợp với Phòng Y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ y tế học đường về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội quận:

Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về Truyền thông chuyển đổi hành vi, vận động xây dựng gia đình theo tiêu chí “Gia đình có đủ hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; Tham gia những hoạt động đảm bảo bình đẳng giới, tăng cường sức khỏe và phúc lợi gia đình; Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Dân số - KHHGĐ, chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; Tổ chức truyền thông nói chuyện chuyên đề và hội thi về Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe THN, sức khỏe Người cao tuổi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn trên địa bàn quận.

5. Giao Ủy ban nhân dân 15 phường:

- Huy động các ban ngành, đoàn thể phường tham gia các hoạt động truyền thông, thực hiện các hành vi có lợi về Dân số và Phát triển; lồng ghép các nội dung Dân số và Phát triển vào hoạt động thường xuyên trong tổ chức, đơn vị nhằm đưa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, giảm thiểu MCBGTKS đến đúng các nhóm đối tượng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Dân số và Phát triển trên địa bàn quận.

- Duy trì, phát triển hoạt động câu lạc bộ THN, câu lạc bộ Người cao tuổi và Đội tình nguyện viên chăm sóc Người cao tuổi tại địa phương.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ, cộng tác viên Dân số - KHHGĐ.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo về Ủy ban nhân dân quận theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Sở Y tế;
- Chi cục DS - KHHGD/TP;
- TT/QU;
- UBND quận (CT, PCT/VX);
- HĐND quận (các PCT);
- BCĐ DS-KHHGĐ quận;
- P.YT, TTYT, BVQ, P.GDĐT;
- Hội LHPN, LĐLĐ quận;
- Đảng ủy, UBND 15 phường;
- VP/HĐND và UBND quận (CVP; đ/c Bình-PCVP);
- Lưu: VT, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đông Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 432/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển tại quận giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 432/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 11/05/2017
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Nguyễn Đông Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản