Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 294/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022

1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1.1. Hợp tác xã (số liệu ước năm 2022)

1.1.1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của Hợp tác xã (so sánh với cùng kỳ năm 2021)

- Ước tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.347 Hợp tác xã (viết tắt HTX) và Quỹ tín dụng nhân dân (tăng 3%)

- Số HTX đang hoạt động: 2.021 HTX (tăng 5,2%).

- Số HTX thành lập mới: 100 HTX.

- Số HTX giải thể: 30 HTX.

- Số HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 61 HTX: số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị là 80 HTX.

- Doanh thu bình quân của HTX là 2.500 triệu đồng/năm (tăng 25%); lãi bình quân của HTX đạt 150 triệu đồng/năm (tăng 50%); thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX là 57 triệu đồng/năm (tăng 5,6%).

- Số HTX hoạt động đánh giá phân loại tốt, khá: 1314 HTX (tăng 5,2%), chiếm 65% số HTX đang hoạt động.

Các HTX tiếp tục duy trì, củng cố về tổ chức hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho thành viên và đáp ứng yêu cầu thị trường, khách hàng; chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết sản xuất kinh doanh; nhiều mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình Vietgap hoặc sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn, bao bì... nên đã góp phần tăng giá trị sản phẩm của HTX.

Việc cung cấp dịch vụ của HTX cho hộ thành viên HTX có hỗ trợ về giá so với giá cả thị trường và địa phương, chi phí sản xuất của thành viên giảm so với các hộ không phải là thành viên, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX luôn có sự ưu tiên cho hộ thành viên của HTX... Do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với thành viên nông dân; hiệu quả hoạt động của HTX không chỉ đánh giá về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận mà quan trọng là thông qua cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên làm gia tăng giá trị của kinh tế hộ thành viên; hiệu quả của kinh tế hộ gia đình, của thành viên được nâng lên là có vai trò của HTX

1.1.2. Về thành viên, lao động của HTX

- Tổng số thành viên của các HTX: Đến 31/12/2022, ước số thành viên của HTX là 605.108 thành viên (tăng 3.252 thành viên so với năm 2021), trong đó số thành viên mới gia nhập HTX là 3.200 thành viên

- Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 48.950 người, tăng 3.7% so với năm 2021, trong đó số lao động thường xuyên mới là 2.500 người

1.2.3. Về trình độ cán bộ quản lý HTX

- Tổng số cán bộ quản lý HTX là 8.243 người (tăng 3% so với năm 2021)

- Trình độ đào tạo: Trình độ sơ, trung cấp là 6.138 người (chiếm 74,5%); trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 2.105 người (chiếm 25,5%).

1.2. Liên hiệp HTX (số liệu ước đến hết năm 2022)

- Ước đến 31/12/2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 22 Liên hiệp HTX (viết tắt LHHTX) (tăng 22% so với năm 2021).

- Số LHHTX đang hoạt động: 18 LHHTX, (tăng 38% so với năm 2021).

- Số LHHTX ngừng hoạt động: 04 LHHTX.

- Số LHHTX thành lập mới: 05 Liên hiệp HTX.

- Số LHHTX giải thể: 01.

- Tổng số thành viên của LHHTX là: 120 đơn vị (tăng 15% so với năm 2021)

Các LHHTX đang hoạt động chủ yếu mới thành lập từ năm 2016 đến nay, các Liên hiệp HTX đã duy trì thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của Liên hiệp HTX, tăng cường sự liên kết giữa các HTX thành viên trong sản xuất, kinh doanh và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

2. Đánh giá theo lĩnh vực

2.1. Lĩnh vực Nông nghiệp:

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của thành viên, hộ thành viên. Các HTX nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hội thảo về quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, bảo vệ đồng ruộng, tu sửa, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, hoạt động của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp phần nào đã giúp cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố vượt qua những khó khăn trong sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đến nay toàn Thành phố có 130 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị, đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Do hiệu quả hoạt động nông nghiệp của hợp tác xã không cao. Mặt khác sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ trong khi giá cả các sản phẩm đầu ra không ổn định, ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, một số thành viên bỏ ruộng để chuyển sang làm dịch vụ khác ngày càng nhiều nên hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đến kinh tế của các thành viên không cao. Thu nhập của thành viên, người lao động làm việc thường xuyên trong khu vực nông nghiệp (không kể thu nhập của riêng các hộ) còn thấp, bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, sản xuất nông nghiệp chuyên ngành có thu nhập cao hơn, từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

2.2. Lĩnh vực Công nghiệp - Tiêu thủ công nghiệp (CN-TTCN):

Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CN - TTCN tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, quy mô tổ chức sản xuất đa số nhỏ khoảng hơn 20 lao động/ đơn vị. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước. Đa số các đơn vị sản xuất công nghệ bán tự động, số lượng sản phẩm trung bình của đơn vị 500.000 sản phẩm/năm, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những mặt đạt được thì còn những hạn chế nhất định như: mặt bằng chật hẹp, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa ký được hợp đồng thuê đất lâu dài nên không xây dựng được nhà xưởng để ổn định sản xuất, lao động thủ công vẫn là phổ biến, một số đơn vị thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh.

2.3. Lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ:

Các đơn vị thuộc lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ chủ yếu kinh doanh nước sạch, diện dân sinh, dịch vụ nhà ở, bãi đỗ xe, đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh khai thác chợ, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch. Một số đơn vị mở rộng hợp tác, liên kết trong kinh doanh, phát triển thị trường, đã có kết nối giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX... để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực trong việc giới thiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm của HTX tới người tiêu dùng.

2.4. Lĩnh vực Giao thông vận tải

Dịch vụ vận tải khu vực Kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn Thành phố tương đối đa dạng gồm: vận tải thủy, vận tải bộ. Công tác quản lý điều hành vận tải đã kịp đổi mới, ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành như: ứng dụng định vị với các đầu xe, đo đếm công tơ; chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng các loại xe... Các đơn vị thuộc lĩnh vực vận tải đã góp phần vào việc vận chuyển, hàng hóa hành khách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền. Tuy nhiên, một số đơn vị thành lập mới chỉ có địa chỉ giao dịch (sử dụng chung với sinh hoạt gia đình), không có nhà xưởng, gara, một số đơn vị tuy có mặt bằng nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu, không phát huy được nội lực đơn vị.

2.5. Lĩnh vực Xây dựng

Nhìn chung các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, quy mô vốn nhỏ, năng lực về tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị, phương tiện thi công chưa đầy đủ và chịu tác động, ảnh hưởng theo những đặc thù của ngành xây dựng nên khó trúng thầu các công trình lớn hoặc hiệu quả đầu tư thấp, chủ yếu nhận thầu các công trình dân dụng. Tuy nhiên một số đơn vị đã duy trì hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho thành viên, người lao động.

2.6. Lĩnh vực tín dụng

Hoạt động của đa số Quỹ tín dụng ổn định và có hướng phát triển khá. Bộ máy Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, người điều hành của hầu hết các Quỹ đã đáp ứng đủ số lượng thành viên, các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu từng bước được xử lý đã góp phần làm minh bạch và lành mạnh về tài chính. Chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng được nâng lên, tỷ lệ an toàn trong hoạt động được đảm bảo, khả năng thanh toán, khả năng chi trả được nâng lên. Hoạt động của các quỹ tín dụng đã hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở các địa phương.

3. Đánh giá tác động của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tới thành viên, kinh tế hộ thành viên (về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội)

- Về kinh tế:

Kinh tế tập thể, HTX của Thủ đô Hà Nội ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ: các HTX đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình, số lượng tổ hợp tác, HTX thành lập mới tiếp tục tăng ca về số lượng và chất lượng. Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.

Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc: tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại: tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Qua đó đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

- Về chính trị, văn hóa, xã hội:

Nhiều HTX đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa; đoàn kết nội bộ trong HTX và khu dân cư. Hoạt động của HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân đã góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương, ủng hộ các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Trong thời gian qua, một số HTX đã tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi như: (1) HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai với Chuỗi lợn sinh học. HTX gồm 10 thành viên, vốn điều lệ tính đến 31/12/2021 là 5.4 tỷ đồng với 4180 đầu con lợn, 100% đàn lợn là giống gen của Pháp, giống tốt có năng suất, chất lượng cao. HTX đã đem lại công việc thường xuyên cho 10 thành viên với mức lương bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng. (2) HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng huyện Đông Anh với 20 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động có mức lương trung bình là 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra trên địa bàn Thành phố còn nhiều HTX tổ chức sản xuất cung cấp dịch vụ đầu ra cho thành viên: Đa số các HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, tích cực tham gia các hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương; HTX đã liên kết các khâu tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ thành viên trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên yên tâm sản xuất như: HTX Văn Đức, HTX Đa Tốn (Gia Lâm), HTX Đông Cao (Mê Linh), HTX rau quả an toàn Hồng Hà (Phú Xuyên) HTX nông nghiệp xã Tam Hưng (Thanh Oai) với sản phẩm gạo nếp cái, tám thơm: HTX nông lâm xã Bắc Sơn với chuỗi chè an toàn Bắc Sơn. HTX NN Vân Nam với chuỗi chuối VietGap, HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì...

Số HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị là 80 HTX, các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị không những nâng cao năng lực quản lý cho hội đồng quản trị; thành viên HTX yên tâm sản xuất bởi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng từ 10-20% giá trị sản phẩm.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn

Để chỉ đạo chung về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức đoàn thể. Liên minh HTX Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương như; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị; Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030: số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012...; tập trung chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương tuyên truyền nội dung Nghị quyết 20-NQ/TU lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Thực hiện các nội dung, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. UBND Thành phố ban hành kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 05/5/2022 về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, giao cho các sở, ngành, quận huyện, thị xã, tổ chức đoàn thể, Liên minh HTX Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển KTTT, HTX thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý; ban hành Quyết định 4857/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tiếp tục chỉ đạo Chương trình số 04/CTr-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.

2. Công tác quản lý nhà nước về Kinh tế tập thể

- Công tác thành lập và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về HTX: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp UBND Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trên địa bàn. Ở cấp huyện, chức năng quản lý nhà nước về KTTT hiện được giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch, một số quận huyện giao Phòng Kinh tế; cán bộ theo dõi KTTT ở các cấp hầu hết là kiêm nhiệm. Thực hiện chỉ đạo của CBND Thành phố về nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, tập trung triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế quản lý nhà nước về KTTT, HTX; thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX: đồng thời tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức KTTT, đặc biệt là việc hướng dẫn HTX phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với HTX gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao như: giao 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo công tác phát triển KTTT, HTX, giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế là cơ quan đầu mối giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX.

- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các HTX: Các sở ngành, Liên minh HTX, các quận, huyện, thị xã đã có sự phối hợp trong việc hướng dẫn HTX hoạt động tuân thủ pháp luật theo đúng các quy định và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX, hướng dẫn thủ tục đăng ký HTX, hướng dẫn xây dựng Điều lệ HTX, hướng dẫn tổ chức đại hội thành viên, quản lý tài sản, tài chính HTX; giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các cơ chế.

- Công tác kiểm tra, giám sát: Các sơ chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn của nhiều quận, huyện đã quan tâm triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật ở HTX, tập trung vào các nội dung: kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, điều lệ HTX, tổ chức đại hội xã viên, quản lý tài chính HTX, nộp thuế... UBND các quận, huyện, thị xã đã phối hợp Liên minh HTX Thành phố, các sở ngành, để khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc để đưa ra giải pháp khắc phục, góp phần thực hiện nghiêm Luật HTX năm 2012.

- Về việc đăng ký HTX, Liên hiệp HTX và sử dụng Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký HTX: đến nay, cơ quan đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội (thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) đã nghiêm túc thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã đúng thẩm quyền, theo quy định tại Luật Hợp tác xã, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực hiện tiếp nhận 100% hồ sơ đăng ký HTX, nhập đầy đủ, chính xác thông tin hồ sơ đăng ký HTX và xử lý hồ sơ hoàn toàn trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi, cập nhập dữ liệu HTX lên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã của các quận, huyện, thị xã còn thấp, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc các quận, huyện để sớm hoàn thành việc chuyển đổi, cập nhập dữ liệu theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Chế độ báo cáo KTTT, HTX: Công tác thông tin, báo cáo định kỳ của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã dần đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong việc nắm bắt, ra quyết định, chủ trương, chính sách phát triển KTTT, HTX của Thành phố. Tuy nhiên, do có nhiều yêu cầu đột xuất và gấp nên có một số báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã (từ nguồn ngân sách địa phương)

- Chính sách hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã: số hợp tác xã được tư vấn hỗ trợ thành lập mới: hướng dẫn củng cố tổ chức hoạt động của HTX tại xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xã kiểu mẫu... đảm bảo tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, ước thực hiện 260 HTX, số tiền 2.635 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT: bồi dưỡng 3.612 người, kinh phí 545 triệu đồng: tình hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX (chưa thực hiện)

- Chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT: kinh phí hỗ trợ 172 triệu đồng.

- Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: hỗ trợ cho 34 hợp tác xã, tổng kinh phí 957 triệu đồng; Liên minh HTX Thành phố phối hợp với các Trung tâm xúc tiến thương mại thuộc Liên minh HTX Việt Nam và Thành phố tổ chức cho các HTX, đơn vị thành viên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị “Xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị và vai trò của công nghệ 4.0 trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX theo chuỗi” cho khoảng 100 lượt HTX, đơn vị tham gia giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của HTX.

- Các chính sách hỗ trợ khác: từ nguồn ngân sách địa phương 787 triệu đồng: Quỹ hỗ trợ thuộc Liên minh HTX Thành phố dự kiến giải ngân gần 101 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm, cho 250 dự án phát triển sản xuất kinh doanh.

4. Kết quả, tình hình thực hiện các đề án

4.1. Về Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2021-2025:

UBND Thành phố ban hành Văn bản số 02/TB-UBND ngày 05/01/2022 thông báo kết luận của UBND Thành phố về việc ban hành Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2021-2025, trong đó căn cứ nội dung Đề án do Liên minh HTX Thành phố chủ trì soạn thảo, UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX Thành phố và các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ của Đề án. Hiện tại, Liên minh HTX Thành phố đang hoàn thiện Đề án đảm bảo đúng quy định để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND Thành phố;

4.2. Về xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu xây dựng Kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang hoàn thiện các nội dung theo Thông báo kết luận của UBND Thành phố để trình phê duyệt kế hoạch.

4.3. Về việc thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ:

UBND thành phố đã ban hành Quyết định 4857/QĐ-UBND ngày 16/11/2021, giao Liên minh HTX Thành phố chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND quận, huyện triển khai khảo sát tình hình hoạt động của HTX để lựa chọn các HTX đủ điều kiện, xây dựng kế hoạch tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ HTX hoàn thiện mô hình, nhân rộng trên địa bàn thành phố theo đúng yêu cầu và tiến độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Hợp tác quốc tế về Kinh tế tập thể:

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Liên minh HTX thành phố tổ chức chuyến thăm và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình kinh tế tập thể và HTX của Việt Nam với một số bộ, ngành của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (thời gian dự kiến tháng 11/2022).

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Các kết quả đạt được

Nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về HTX kiểu mới không ngừng được nâng lên. Các HTX củng cố tổ chức hoạt động đảm bảo theo quy định của Luật HTX năm 2012, thành viên tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của HTX. Nhiều HTX đã phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ; đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhu cầu liên kết hợp tác giữa các HTX không ngừng tăng lên, tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình liên kết hợp tác do Liên minh HTX thành phố tổ chức.... Nhiều HTX đã tổ chức sản xuất sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, đóng gói bao bì nhãn mác, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tham gia các chuỗi giá trị hàng hóa.

Hoạt động của HTX, Quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương, ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện.

Do có sự quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn thành phố; công tác tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch được sâu rộng trong các tổ chức, địa phương và nhân dân; Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố đã sớm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, bộ ngành về phát triển kinh tế tập thể, HTX để các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể. Liên minh HTX, UBND quận, huyện, thị xã làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện; đặc biệt công tác phối hợp giữa Liên minh HTX thành phố với các sở ngành, quận, huyện, thị xã được thường xuyên, chặt chẽ hơn, góp phần hoàn thành tốt công tác quản lý, hướng dẫn HTX thực hiện Luật HTX năm 2012 và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố liên quan đến phát triển Kinh tế tập thể, HTX, các chỉ tiêu phát triển HTX đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.

2. Các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1 Tồn tại, hạn chế:

Còn có một bộ phận thành viên HTX nông nghiệp cũ chuyển đổi chưa ý thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình trong HTX, hạn chế trong việc đóng góp xây dựng HTX. Một số HTX có quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, dịch vụ; trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ ở một số HTX còn hạn chế...

Các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống; tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm; chưa đủ khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề mới; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động, quản lý theo dõi thành viên, giới thiệu quảng bá sản phẩm của HTX còn hạn chế,

Trên địa bàn Thành phố còn hơn 300 HTX ngừng hoạt động, trong đó có nhiều HTX đã ngừng hoạt động từ rất lâu, có nhiều vướng mắc nên chưa giải thể được.

2.2 Nguyên nhân hạn chế

Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch của Thành phố về phát triển KTTT của một số đơn vị chưa được thường xuyên, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về phát triển KTTT thường xuyên biến động nên có mặt còn hạn chế.

Việc nắm bắt các chủ trương chính sách pháp luật của Trung ương, của Thành phố về kinh tế hợp tác, HTX của một số đơn vị chưa đầy đủ, chưa thường xuyên, thiếu thông tin về thị trường nên gặp nhiều khó khăn trong định hướng phát triển và triển khai các hoạt động dịch vụ của HTX.

Việc quản lý, điều hành của một số HTX hiệu quả chưa cao do tư duy nhiệm kỳ, chưa mạnh dạn trong tiếp cận công nghệ thông tin, còn có HTX nông nghiệp kiêm nhiệm các chức danh ở chính quyền cấp xã...

Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) thấp so với các ngành lĩnh vực khác, còn tình trạng bỏ ruộng, tỉ lệ thành viên sử dụng các dịch vụ đầu vào của HTX còn thấp, kết quả kinh doanh không cao.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2023

I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2023

Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2023 gắn liền với Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố.

Phát triển kinh tế tập thể, HTX được xuất phát từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên HTX, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn Thành phố.

Phát triển đồng thời số lượng và chất lượng của các thành phần kinh tế tập thể, tạo nền tảng trong hoạt động phát triển lâu dài; tạo doanh thu, thu nhập ổn định cho HTX, tổ hợp tác và các thành viên, đẩy mạnh cạnh tranh sản phẩm, thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ (KTTT) NĂM 2023

1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn

1.1. Thuận lợi: Năm 2023 và các năm tiếp theo, khu vực KTTT, HTX thành phố Hà Nội nói riêng có những thuận lợi cơ bản:

- Phát triển KTTT, HTX là một trong lĩnh vực tiếp tục được Trung ương quan tâm chỉ đạo: Bộ Chính trị có Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Nghị quyết 20-NQ/TU lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị; Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; số 1318/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025...

- Thành phố Hà Nội có quy mô dân số lớn với cơ cấu trẻ, lực lượng lao động có chất lượng cao; là nơi quy tụ được đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức có trình độ cao; nguồn lực đất đai còn rất lớn. Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, có sự quyết tâm và trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, khu vực KTTT nói riêng.

1.2. Khó khăn

- Phần lớn các tổ chức KTTT có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ; tỷ trọng trong kinh tế Thủ đô còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao, năng lực quản lý, quản trị, của một bộ phận của HTX còn hạn chế; cần tiếp tục có được sự quan tâm của Trung ương, Thành phố.

2. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX

- Phát triển KTTT, HTX phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhà nước hỗ trợ về mặt thể chế, cơ chế chính sách và một phần ngân sách nhằm tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển; tiếp tục tạo lập môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể.

- Khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát huy nội lực, huy động và khai thác tốt hơn khả năng góp vốn, phát triển dịch vụ phục vụ thành viên và kinh tế của thành viên HTX;

- Ưu tiên phát triển tổ chức KTTT gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn với thành viên, cộng đồng.

3. Mục tiêu tổng quát

Phát triển KTTT với nòng cốt là HTX bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn: HTX hoạt động đảm bảo các nguyên tắc, giá trị của HTX.

4. Một số mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KTTT, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Từng bước tháo gỡ vướng mắc cho khu vực KTTT; hướng dẫn. Vận động giải thể các HTX ngừng hoạt động trên địa bàn, tạo dư địa thành lập mới các HTX.

- Tiếp tục hỗ trợ khu vực KTTT, HTX khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nghiên cứu xây dựng, triển khai các phương án sản xuất - kinh doanh mới khả thi đáp ứng nhu cầu của thành viên.

- Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ, phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố.

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên HTX.

- Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cụ thể:

Tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 HTX, 02 LH HTX:

Số thành viên mới: 3.200 thành viên;

Doanh thu bình quân của HTX: 3.197 triệu đồng/năm;

Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX: 60 triệu đồng/năm:

Lài bình quân của HTX: 210 triệu đồng/năm;

Số HTX giải thể: 30 HTX:

Tỷ lệ cán bộ HTX trình độ sơ, trung cấp đạt 75%: trình độ cao đẳng, đại học đạt 25%.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2023

5.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai các chương trình, kế hoạch về phát triển KTTT; tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

a) Giao các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, quán triệt về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với phát triển KTTT, HTX; mô hình HTX hoạt động có hiệu quả: Đẩy mạnh công tác triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TU lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, HTX: triển khai thực hiện các Quyết định: số 1804/QĐ-TTg ngày 13/1 1/2020 về Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025: số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2030: số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 về việc phê duyệt Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 124/2021/TT-BTC ngày 30/12/2021 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý sử dụng kinh phí chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT Thành phố chủ trì: Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật HTX năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật về KTTT, HTX và đề xuất, tham mưu UBND Thành phố báo cáo Trung ương sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp: đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX.

c) Giao Liên minh HTX Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

5.2. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn

- Giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ trong hệ thống quản lý nhà nước về HTX.

- Giao Liên minh HTX Thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực trình độ của cán bộ quản lý HTX, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động của các HTX và thành viên HTX về các chủ trương, chính sách, Luật HTX 2012: kỹ năng quản lý điều hành HTX: phương án xây dựng sản xuất kinh doanh; nghiệp vụ kế toán HTX; về ứng dụng công nghệ thông tin của HTX để phục hồi phát triển hoạt động dịch vụ của các HTX.

5.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX

Giao Liên minh HTX Thành phố, sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ:

- Đẩy nhanh thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ HTX, trọng tâm là Quyết định số 4857/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội:

- Tập trung tư vấn, hướng dẫn HTX thực hiện chính sách, pháp luật; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX; đồng thời tạo điều kiện cho các HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án, Kế hoạch của UBND Thành phố đã ban hành. Rà soát tình hình hoạt động của các MTX, qua đó, hỗ trợ, củng cố các HTX hoạt động yếu kém. Xây dựng phương án cụ thể về việc giải thể các HTX ngừng hoạt động trên địa bàn, trong đó, tập trung hướng dẫn, vận động các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả tiến hành giải thể tự nguyện; từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải thể HTX.

- Tập trung xây dựng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, thu hút được số đông người dân tham gia theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn.

- Bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm; lựa chọn HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

- Tập trung khảo sát, điều tra toàn bộ các HTX trên cơ sở đó rà soát tình hình hoạt động của các HTX, qua đó, hỗ trợ, củng cố tổ chức lại các HTX hoạt động yếu kém, các HTX quy mô thôn.

5.4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

a) Giao Liên minh HTX Thành phố tiếp tục phát huy vai trò là nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; phối hợp tốt với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc tham mưu về phát triển KTTT, HTX; triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, hỗ trợ củng cố các HTX hoạt động kém hiệu quả: giải thể các HTX không hoạt động theo quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX.

b) Giao Sở Kế hoạch vả Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý KTTT, hợp tác xã để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tiếp tục đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chuyển đổi dữ liệu đăng ký HTX vào Hệ thống Quốc gia về đăng ký HTX.

- Các sở, ban, ngành và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Thành phố và chính quyền các địa phương quận, huyện, thị xã tạo cơ chế thuận lợi cho các Quỹ TDND trên địa bàn trong công tác vay vốn phục vụ nhân dân và hỗ trợ trong công tác xử lý nợ xấu để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

c) Giao UBND cấp huyện: Hướng dẫn các HTX trên địa bàn tổ chức Đại hội thành viên/đại hội nhiệm kỳ, thực hiện đánh giá phân loại HTX theo Thông tư 01/2020/TT-BKHDT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo đúng thời gian quy định; đôn đốc HTX tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến hoạt động của HTX, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định...

5.5. Hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm

Giao Liên minh HTX Thành phố phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm: Hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ, triển lãm do Thành phố tổ chức và tham gia những hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Tổ chức hội nghị kết nối giao thương để HTX có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hỗ trợ HTX xây dựng, nhãn hiệu sản phẩm.

5.6. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

- Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn hoạt động cho khu vực KTTT, HTX thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các quỹ tín dụng, ngân hàng, nghiên cứu việc tiếp cận vốn thông qua hình thức tín chấp. Vận động, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, nhà tài trợ trong nước, các tổ chức quốc tế.

- Các đoàn thể nhân dân tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng hội viên, thành viên tham gia phát triển KTTT, HTX, tăng cường phối hợp với Liên minh HTX Thành phố trong phát triển KTTT, HTX.

5.7. Hỗ trợ và kiến nghị Trung ương hỗ trợ để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển

- Các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát các kiến nghị, khó khăn của các hợp tác xã để tổng hợp báo cáo thành phố từ đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

- Tiếp tục có các kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các bộ, ban, ngành có các cơ chế ưu đãi, miễn giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi... tạo động lực cho kinh tế tập thể vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

6. Nguồn vốn thực hiện

6.1 Ước thực hiện năm 2022: Vốn sự nghiệp thuộc ngân sách địa phương thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của một số sở, ngành, quận huyện là: 5.087 triệu đồng, trong đó:

(1) Vốn hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX là 2.635 triệu đồng.

(2) Vốn bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức KTTT, HTX là 536 triệu đồng.

(3) Công tác tuyên truyền là 172 triệu đồng.

(4) Vốn hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường là 957 triệu đồng.

(5) Vốn hỗ trợ khác là 787 triệu đồng.

(Phụ lục II kèm theo)

6.2 Kế hoạch năm 2023: Căn cứ vào tình hình thực tế, các sở ngành, quận, huyện, thị xã, các đơn vị không đề xuất riêng nhu cầu vốn triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023, sẽ xây dựng nhu cầu vốn vào kế hoạch tổng thể của cơ quan đơn vị.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch nêu trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) để xem xét, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để b/cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố (để b/cáo);
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Liên minh HTX Thành phố;
- VP UBND TP: CVP, PCVPĐ.Q.Hùng, Các phòng: KTTH, TH;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Minh Hải

 

PHỤ LỤC I

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2021

Năm 2022

Kế hoạch năm 2023

Kế hoạch

Ước thực hiện cả năm

I

Hợp tác xã

 

 

 

 

 

1

Tổng số hợp tác xã

HTX

2.277

2.347

2.347

2.417

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số hợp tác xã đang hoạt động

HTX

1.921

2.021

2.021

2.121

 

Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

119

100

100

100

 

Số hợp tác xã giải thể

HTX

 

30

30

30

 

Số hợp tác xã đạt loại tốt, khá (*)

HTX

1.249

1.314

1.314

1.379

 

Số HTX ứng dụng công nghệ cao

HTX

60

 

61

80

 

Số HTX nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị

HTX

80

 

80

 

2

Tổng số thành viên hợp tác xã

Người

601.856

605.108

605.108

607.948

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới

Thành

3.428

3.200

3.200

3.200

 

Số thành viên ra khỏi hợp tác xã

Thành

 

 

 

 

3

Tổng số lao động thường xuyên trong HTX

Người

47.200

48.950

48.950

50.700

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số lao động thường xuyên mới

Người

2.975

2.500

2.500

2.500

 

Số lao động thường xuyên là thành viên HTX

Người

 

 

 

 

4

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã

Người

7.998

8.243

8.243

8.523

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp

Người

5.998

6.138

6.138

6.313

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên

Người

2.000

2.105

2.105

2.210

5

Doanh thu bình quân một hợp tác xã

Tr đồng/năm

2.000

2.500

2.500

3.197

 

Trong đó: Doanh thu của hợp tác xã với thành viên

Tr đồng/năm

 

 

 

 

6

Lãi bình quân một hợp tác xã

Tr đồng/năm

100

150

150

210

7

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Tr đồng/năm

54

57

57

60

II

Liên hiệp hợp tác xã

 

 

 

 

 

1

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LH HTX

18

19

22

23

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động

LH HTX

13

15

18

20

 

Số liên hiệp HTX thành lập mới

LH HTX

1

7

5

2

 

Số liên hiệp HTX giải thể

LH HTX

 

1

1

1

2

Tổng số hợp tác xã thành viên

HTX

104

108

120

124

3

Tổng số lao động trong liên hiệp HTX

Người

 

 

 

 

4

Doanh thu bình quân của một liên hiệp HTX

Tr đồng/năm

 

 

 

 

5

Lãi bình quân của một liên hiệp HTX

Tr đồng/năm

 

 

 

 

III

Tổ hợp tác

 

 

 

 

 

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

 

 

 

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số THT có đăng ký hoạt động với chính quyền xã/phường/thị trấn

THT

 

 

 

 

2

Tổng số thành viên tổ hợp tác

Thành viên

 

 

 

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới thu hút

Thành viên

 

 

 

 

3

Doanh thu bình quân một tổ hợp tác

Tr đồng/năm

 

 

 

 

4

Lãi bình quân một tổ hợp tác

Tr đồng/năm

 

 

 

 

(*) Theo thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của BKHĐT về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX

 

PHỤ LỤC II

NHU CẦU VỐN SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2022

Kế hoạch 2023 (*)

Ghi chú

Kế hoạch

Thực hiện

Kế hoạch

Dự kiến đơn vị thực hiện

I

NGUỒN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

 

 

 

 

 

 

1

Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

 

 

 

 

 

 

1.1

Đào tạo

 

 

 

 

 

 

 

- Số người được cử đi đào tạo

Người

 

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

 

 

 

 

 

1.2

Bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

- Số người được tham gia bồi dưỡng

Người

60

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

50

 

 

 

 

2

Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

5

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

500

 

 

 

 

4

Hỗ trợ khác (cụ thể theo từng nội dung hỗ trợ)

Tr đồng

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

 

 

 

 

 

II

NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

 

 

 

 

 

 

1

Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ

HTX, LHHTX

330

260

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

4.070

2.635

 

 

 

2

Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

 

 

 

 

 

 

2

Đào tạo

 

 

 

 

 

 

 

- Số người được cử đi đào tạo

Người

80

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

900

 

 

 

 

2

Bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

- Số người được tham gia bồi dưỡng

Người

3.510

3.432

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

865

536

 

 

 

3

Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

 

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

172

172

 

 

 

4

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

26

34

 

 

 

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

807

057

 

 

 

5

Hỗ trợ khác (cụ thể theo từng nội dung hỗ trợ)

Tr đồng

887

787

 

 

 

(*) Kèm theo dự toán theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 124/2021/TT-BTC

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2022 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023

  • Số hiệu: 294/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 14/11/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hà Minh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản