Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 21 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 876/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH, GIẢM PHÁT THẢI KHÍ CÁC-BON VÀ KHÍ MÊ-TAN CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện các nội dung chương trình, nhiệm vụ tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các- bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Đồng Nai, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, lộ trình thực hiện đã đề ra.

2. Yêu cầu

a) Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải có nền tảng là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, cần dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao.

b) Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.

b) Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

III. LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH

1. Về đường bộ

a) Giai đoạn 2023 - 2030

- Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

- Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

b) Giai đoạn 2031 - 2050

- Đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sử dụng xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch đế sử dụng trên địa bàn tỉnh.

- Đến năm 2050: Có 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

2. Về đường sắt

a) Giai đoạn 2023 - 2030

- Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo định hướng điện khí hóa, năng lượng.

- Khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga trên địa bàn tỉnh sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.

b) Giai đoạn 2031 - 2050

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo định hướng điện khí hóa, sử dụng năng lượng xanh.

3. Về đường thủy nội địa

a) Giai đoạn 2023 - 2030

- Khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh.

- Áp dụng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh trên địa bàn tỉnh.

b) Giai đoạn 2031 -2050

- Tiếp tục khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Khuyến khích hoạt động đầu tư mới cảng thủy nội địa theo hướng phát triển xanh.

- Từ năm 2040: Có 100% phương tiện thủy nội địa đóng mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Có 100% cảng thủy nội địa xây dựng mới áp dụng tiêu chí cảng xanh; khuyến khích cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động chuyển dịch áp dụng tiêu chí cảng xanh.

- Đến năm 2050: Có 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Có 100% trang thiết bị tại các cảng, bến thủy nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

4. Về hàng hải

a) Giai đoạn 2023 - 2030

- Khuyến khích tàu biển hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025.

- Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới.

b) Giai đoạn 2031 - 2050

- Tàu biển hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của IMO.

- Tàu biển đóng mới, hoán cải, nhập khẩu sau năm 2035 sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2050 có 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Từ năm 2031: Đầu tư phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung.

- Từ năm 2040: Thực hiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hiện hữu, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.

- Từ năm 2050: Tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.

5. Về giao thông đô thị

a) Giai đoạn 2023 - 2030

- Từ năm 2025: phấn đấu 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 5%.

b) Giai đoạn 2031 -2050

- Từ năm 2030: Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Đến năm 2050: 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 10%.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách

Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

2. Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh

a) Triển khai, thực hiện các chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh.

b) Triển khai, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh

a) Triển khai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh: Phát triển hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên mạng lưới đường bộ, tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các điểm công cộng; Đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng.

b) Khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi bến xe khách, trạm dừng nghỉ, cảng biển, cảng thủy nội địa,... theo tiêu chí xanh.

4. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

a) Áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính.

b) Tổ chức vận tải khoa học trên cơ sở phát triển hợp lý các phương thức vận tải; thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; tổ chức quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả phương tiện, trang thiết bị hạ tầng giao thông vận tải.

c) Từng bước nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

5. Khoa học công nghệ

a) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh; đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh.

b) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải.

6. Phát triển nguồn nhân lực

a) Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện có của ngành giao thông vận tải sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng giao thông công nghệ mới không phát thải khí nhà kính.

b) Xây dựng chương trình đào tạo, mở mới các ngành đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh về công nghệ phương tiện, năng lượng, kết cấu hạ tầng xanh.

c) Xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị trong ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích hoạt động đầu tư các bến xe, trạm dừng nghỉ, nhà ga, cảng-bến thủy nội địa xây dựng mới hoặc chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

c) Tham mưu huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông vận tải.

d) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu phát triển vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tỷ lệ đảm nhận theo kế hoạch; phát triển giao thông phi cơ giới, các điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác trên địa bàn tỉnh.

đ) Phối hợp tham mưu nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức, ... liên quan đến quản lý, vận hành, khai thác phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng điện, năng lượng xanh.

e) Phối hợp tham mưu nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành giao thông vận tải.

g) Tham mưu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ giao thông công cộng.

h) Phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng xanh; tham mưu, thực hiện các chương trình, dự án hành động chuyên đối năng lượng xanh ngành giao thông vận tải.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính đối với phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu chính sách đầu tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống sạc điện, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh.

3. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu phát triển hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, tham mưu phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; sản xuất, cung ứng điện, năng lượng xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch; mở rộng phối trộn, cung ứng nhiên liệu sinh học trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp tham mưu nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức, ... liên quan đến sản xuất, đóng mới, hoán cải, chuyển đổi, nhập khẩu phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng điện, năng lượng xanh.

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

đ) Tham mưu chính sách khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu phương tiện giao thông, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

g) Tham mưu thực hiện lộ trình hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện giao thông, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Phối hợp, hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị, kết cấu hạ tầng, cung ứng năng lượng, đặc biệt chú trọng vào công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh.

b) Phối hợp nghiên cứu, triển khai các đề tài dự án, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

5. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

6. Sở Xây dựng

a) Tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị cho phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh, giao thông phi cơ giới; các quy định, tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị có đường dành riêng cho xe đạp và xe đạp điện sau khi Bộ Xây dựng hoàn thiện, ban hành.

b) Phối hợp trong công tác quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh lộ trình, chính sách, lợi ích chuyển đổi phương tiện và các nội dung của Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

8. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan liên quan, đề xuất đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng diện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới tại địa phương.

Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ phạm vi, lĩnh vực phụ trách và nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó Chánh VP UBND tỉnh (KTN);
- Lưu: VT, KTN, Tan.
<F:\2023\UBT\Tham mưu GT\>

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2023 về thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 162/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/05/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Cao Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản
File đang được cập nhật