Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, đồng thời bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, nhằm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh của đất nước, con người thành phố Cần Thơ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, danh hiệu thành phố đã được công nhận vừa góp phần bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực hỗ trợ địa phương phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại; xây dựng thành phố Cần Thơ thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương.

c) Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa thành phố Cần Thơ với các đối tác quốc tế. Đồng thời hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng thụ hưởng.

2. Yêu cầu

a) Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi hoạt động ngoại giao văn hóa đều phải phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và các tầng lớp Nhân dân, bao gồm người dân Cần Thơ ở nước ngoài.

b) Gắn kết Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với các hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục… và đồng thời gắn kết với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của thành phố Cần Thơ trên trường quốc tế cũng như bản sắc của hoạt động đối ngoại của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế

- Đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa tại các địa bàn, trọng tâm là các nước láng giềng, khu vực, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, đồng thời mở rộng các khu vực có tiềm năng.

- Lồng ghép linh hoạt các hình thức giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam trong các bài phát biểu, nội dung trao đổi, trong ấn phẩm, quà tặng của lãnh đạo thành phố đến các đối tác; đưa ngoại giao văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại lớn của địa phương.

- Sáng tạo, đổi mới trong tổ chức các sự kiện văn hóa nhân các sự kiện quan trọng như kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh các nước... tạo các dấu ấn ngoại giao văn hóa, để từ đó mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.

- Duy trì và tăng cường lan tỏa các giá trị văn hóa từ các công trình, biểu tượng hữu nghị của Cần Thơ và địa phương, đối tác nước ngoài, cụ thể: “Góc Thông tin Jeollanamdo - Hàn Quốc” đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trung tâm Hàn Quốc học và Viện vua Sejong Cần Thơ đặt tại Trường Đại học Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc, Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản…

- Thúc đẩy việc chuẩn hóa nghi lễ khánh tiết, trang phục, ẩm thực, quà tặng đối ngoại... trên cơ sở phù hợp với điều kiện của thành phố và văn hóa sở tại.

2. Hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa và các lĩnh vực khác tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế

- Tham gia chủ động, trách nhiệm tại các hoạt động, sự kiện do các tổ chức quốc tế mà thành phố Cần Thơ là thành viên như: Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng Pháp ngữ (AIMF), Mạng lưới toàn cầu các thành phố có khả năng chống chịu (The Resilient Cities Network)... và các tổ chức văn hóa chuyên biệt khác.

- Tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ, nhà báo, học sinh, sinh viên, thanh niên thành phố Cần Thơ với các địa phương nước ngoài có ký kết hợp tác, các tổ chức nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thông qua hình thức tổ chức: Ngày Văn hóa của Cần Thơ/địa phương bạn theo luân phiên, triển lãm tranh ảnh nước ngoài tại Cần Thơ hoặc tham gia các Chương trình Ngày Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức. Đồng thời tăng cường vận động để thành phố đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch…

3. Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh vùng đất và con người thành phố Cần Thơ

- Tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa với các đối tác quốc tế như: Chương trình Giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Ngày Yoga Quốc tế... đồng thời mở rộng quy mô các sự kiện là thế mạnh của thành phố như: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Festival Thủy sản Việt Nam, Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế, Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội Du lịch Sinh thái Phong Điền, Liên hoan Đờn ca Tài tử Quốc gia, Ngày hội Sách, Ngày hội Áo bà ba… qua đó góp phần truyền tải thông điệp thành phố Cần Thơ là đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại, con người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch, là điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư.

- Tiếp tục tăng cường giới thiệu con người Cần Thơ thông qua việc quảng bá hình ảnh các danh nhân văn hóa, cá nhân tiêu biểu như: Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền; Lưu Hữu Phước, Châu Văn Liêm, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa…

- Xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa cho những người dân Cần Thơ đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Cần Thơ tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa.

- Tăng cường tham dự các sự kiện văn hóa quốc tế có uy tín, tiến tới đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học, giáo dục, y tế... tầm quốc gia và khu vực.

4. Vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc gia/quốc tế của thành phố Cần Thơ

- Tiếp tục lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận (cụ thể Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5 và Chứng nhận thành phố ASEAN bền vững môi trường lần 4 do Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN vinh danh vào tháng 10/2021) vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư... của các địa phương qua đó thúc đẩy việc giới thiệu và quảng bá các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của đất nước; biến các danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển dựa trên việc bảo vệ các giá trị truyền thống và thiên nhiên tại địa phương.

- Tiếp tục xây dựng, vận động công nhận mới các loại hình danh hiệu như: di tích cấp quốc gia, cấp thành phố; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, tiếp tục giữ gìn và phát triển các danh hiệu mà thành phố Cần Thơ đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Đồng thời chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật mới, đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.

5. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

- Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa nhằm đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào thành phố Cần Thơ làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam.

- Rà soát, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố thể hiện sự tôn trọng yếu tố lịch sử và ý thức trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới.

- Hạn chế ảnh hưởng của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài; kịp thời phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, tuyên truyền không đúng sự thật về các lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam nói chung thành phố Cần Thơ nói riêng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được cấp từ ngân sách của thành phố, nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, căn cứ nội dung Kế hoạch thực hiện công tác ngoại giao văn hóa của thành phố và chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Đề xuất xây dựng Kế hoạch ngoại giao văn hóa hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố. Các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

2. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo phân cấp tài chính hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối tài chính hằng năm của thành phố.

3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cân đối, bố trí kinh phí hoặc vận động xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ tổ chức hoạt động ngoại giao văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Ngoại vụ) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm hoặc theo văn bản đề nghị của Sở Ngoại vụ trên cơ sở yêu cầu của Bộ Ngoại giao.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, vấn đề cần phải thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các cơ quan đơn vị, địa phương có văn bản đề xuất gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, giải quyết./.

(Đính kèm Phụ lục công việc triển khai thực hiện đối với công tác ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ)

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

PHỤ LỤC

CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2022 của UBND thành phố Cần Thơ)

STT

Nội dung công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Sản phẩm

Thời gian thực hiện

1

Thông tin, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo, đài về Chiến lược NGVH đến năm 2030, KH thực hiện Chiến lược NGVH, Kế hoạch thực hiện chiến lược NGVH hàng năm của thành phố, nét đẹp văn hóa và con người thành phố Cần Thơ

Sở Thông tin và Truyền thông; Sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện; Hội, đoàn thể thành phố

Các cơ quan Báo, Đài

Báo cáo tổng hợp kết quả tuyên truyền

Thường xuyên

2

Chủ động cung cấp thông tin giới thiệu về thành phố Cần Thơ đến các hãng thông tấn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam và mời đến tham quan, ghi hình và đưa tin về thành phố Cần Thơ

Sở Ngoại vụ

Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND quận, huyện; Hội, đoàn thể thành phố

Báo cáo tổng hợp kết quả tuyên truyền

Định kỳ hàng năm

3

Tổ chức chương trình gặp gỡ, họp mặt kiều bào nhân các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tại các nước theo Kế hoạch đoàn ra hàng năm

Sở Ngoại vụ hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức đoàn ra cụ thể

 

 

Tổ chức chương trình gặp gỡ, họp mặt kiều bào nhân các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tại các nước theo Kế hoạch đoàn ra hàng năm

4

Xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động ngoại giao văn hóa từng năm có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép, kết nối với các hoạt động giao lưu văn hóa của nước bạn hoặc các chương trình của Bộ Ngoại giao

Sở Ngoại vụ

Sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện

Kế hoạch hàng năm

Quý I hàng năm

5

Phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị

Sở Ngoại vụ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chương trình

Hàng năm

6

Tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên, thanh niên thành phố với các nước

Thành đoàn

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ

Kế hoạch

Hàng năm

7

Tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành thành phố

Lễ hội

Định kỳ hàng năm

8

Tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài kết hợp quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của thành phố

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành có liên quan của thành phố

Hội nghị

Hàng năm

9

Tổ chức hoặc tham gia tuần lễ/những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước và của các nước tại thành phố Cần Thơ

Sở Ngoại vụ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sự kiện

Phối hợp với Bộ Ngoại giao để kết nối tổ chức khi có Chương trình

10

Tổ chức Lễ hội (Festival) Thủy sản, Lễ hội Lúa gạo, Lễ hội trái cây

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương; UBND quận, huyện

Lễ hội

Theo định kỳ

11

Tổ chức Hội chợ quốc tế (Hội chợ hàng tiêu dùng, Hội chợ nông nghiệp và Hội chợ Thủy sản…)

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm

Sở Ngoại vụ và Sở, ban, ngành thành phố

Hội chợ

Theo định kỳ

12

Tổ chức Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng và Du lịch sinh thái miệt vườn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND quận Cái Răng và Sở, ban, ngành thành phố

Ngày hội

Theo định kỳ

13

Tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức đối ngoại có lồng ghép các chuyên đề về ngoại giao văn hóa nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ công chức, viên chức thành phố

Sở Ngoại vụ

Sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, Hội, đoàn thể thành phố

Lớp đào tạo, bồi dưỡng

Thường xuyên

14

Gửi tặng tạp chí đối ngoại, danh mục kêu gọi đầu tư hoặc các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá thành phố Cần Thơ đến các đối tác, bạn bè quốc tế và kiều bào thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam

Sở Ngoại vụ

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm; Sở Giáo dục và Đào tạo

Ấn phẩm, tạp chí, Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư

Thường xuyên

15

Phát huy công trình hữu nghị của Cần Thơ và địa phương, đối tác nước ngoài, cụ thể: “Góc Thông tin Jeollanamdo - Hàn Quốc” đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

Sở Ngoại vụ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị

Số lượng độc giả và số lượng tài liệu/sách được bổ sung

Thường xuyên

16

Phát triển ít nhất 03 công trình hoặc biểu tượng hữu nghị (ví dụ: trồng cây hữu nghị) với địa phương bạn hoặc đối tác nước ngoài

Sở Ngoại vụ

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị

Công trình/biểu tượng hữu nghị

Thường xuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 12/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/01/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản