Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-VKSTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỪ NĂM 2018-2021

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2018-2021, cụ thể như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ

1. Về tổ chức bộ máy

Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có 4 cấp gồm:

1.1  Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay gồm: Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 25 đơn vị cấp Vụ và Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Trong số 25 đơn vị cấp Vụ có 21 đơn vị làm công tác hành chính, nghiệp vụ kiểm sát và 04 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị cấp Vụ gồm có Phòng tham mưu tổng hợp, các Phòng nghiệp vụ và đơn vị tương đương.

1.2  Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

- Thực hiện quy định tại Điều 40 Luật tổ chức VKSND năm 2014, trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 thành lập 03 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, gồm:

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, có địa hạt tư pháp gồm 28 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Cao Bằng kéo dài cho tới Hà Tĩnh;

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, có địa hạt tư pháp gồm 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây nguyên;

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, có địa hạt tư pháp gồm 23 tỉnh, thành phố khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có: Ủy ban kiểm sát, Văn phòng, các Viện và tương đương; tổ chức bộ máy của Văn phòng, các Viện và tương đương của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có các Phòng chuyên môn nghiệp vụ và đơn vị tương đương.

1.3  Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

Hiện có 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh), tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Ủy ban kiểm sát, Văn phòng và các Phòng chuyên môn nghiệp vụ; số lượng các phòng chuyên môn nghiệp vụ và biên chế, cơ cấu, số lượng các chức danh tư pháp của các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh không giống nhau, do sự khác nhau về đơn vị hành chính cấp huyện, điều kiện kinh tế xã hội, tình hình vi phạm, tội phạm và khối lượng công việc phải thụ lý giải quyết.

1.4  Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

Hiện có 710 Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (VKSND cấp huyện), tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác. Hiện nay, toàn ngành Kiểm sát nhân dân chưa có đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nào được thành lập văn phòng và các phòng; cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm 03 bộ phận: Kiểm sát hình sự; Kiểm sát dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại; Kiểm sát khiếu tố, tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát thi hành án và Văn phòng tổng hợp.

2. Về biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên

- Nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tổng biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân là 15.860 người, trong đó có 10.424 Kiểm sát viên các cấp, gồm:

+ VKSND tối cao: 920 người, trong đó có 170 Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nay là Kiểm sát viên cao cấp), 35 Điều tra viên cao cấp;

+ VKSND cấp tỉnh: 4.353 người, trong đó có 2.540 Kiểm sát viên trung cấp;

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: 10.587 người, trong đó có 1.499 Kiểm sát viên trung cấp, 6.215 Kiểm sát viên sơ cấp.

- Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH13 ngày 02/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung 159 Kiểm sát viên cao cấp cho Viện kiểm sát các cấp trong tổng biên chế hiện có để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Viện trưởng VKSND tối cao đã phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế đến toàn thể cán bộ, công chức và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất chính sách tinh giản biên chế trong Ngành, gồm:

- Quyết định số 602/QĐ-VKSTC-V15 ngày 26/8/2015 hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân;

- Công văn số 3517/VKSTC-V15 ngày 9/9/2015 gửi các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong 7 năm (từ 2015-2021).

- Công văn số 4449/VKSTC-V15 ngày 09/11/2015 gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến về việc thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế.

III. DỰ KIẾN KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Số biên chế phải giảm theo quy định tại Nghị quyết 39

- Tổng số biên chế được giao: 15.860 người.

- Số biên chế cần giảm 10%: 1.586 người.

- Dự kiến số biên chế đến năm 2021: 14.274 người.

2. Dự kiến kết quả thực hiện từ năm 2018-2021

Năm

Dự kiến biên chế giảm do thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39

Nghỉ hưu theo quy định của Luật BHXH

Tinh giản biên chế theo NĐ 108/NĐ-CP

Tổng cộng

2018

271

31

302

2019

285

47

332

2020

290

50

340

2021

212

52

264

Tổng

1.058

180

1.238

So với mức giảm tối thiểu 10% biên chế được giao thì đến năm 2021 mới giảm được 1.238/1.586 biên chế (đạt 7.8%). Như vậy, để đạt mục tiêu giảm 10% biên chế theo Nghị quyết 39, thì từ năm 2019 đến năm 2021 ngành KSND không tuyển thêm biên chế (trừ các khóa do Đại học Kiểm sát tuyển sinh và một số trường hợp đặc biệt do lãnh đạo VKSND tối cao quyết định).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm chỉnh thực hiện một số việc sau:

- Sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị bảo đảm đồng bộ, xác định đầy đủ, chính xác các vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị làm cơ sở để xác định biên chế đúng, đủ.

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực thi nhiệm vụ.

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để sàng lọc, tinh giản biên chế đối với số cán bộ, công chức không đạt yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp kém, không đảm bảo về sức khỏe...

- Phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức theo đúng vị trí công tác, phù hợp với sở trường của cán bộ, công chức theo trình độ chuyên môn được đào tạo.

- Từ năm 2019 đến 2021 thực hiện nghiêm việc thực hiện tinh giản biên chế, mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao.

2. Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, quản lý số biên chế được cắt giảm.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong ngành KSND từ năm 2018-2021./.

 


Nơi gửi
:
- Ban Tổ chức Trung ương (để b/c);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Bộ Nội vụ;
- Bộ tài chính;
- Các đ/c Lãnh đạo VKSNDTC (để biết);
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSNDTC;
- 03 VKSND cấp cao;
- 63 VKSND tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, V15.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 111/KH-VKSTC năm 2018 thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2018-2021 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 111/KH-VKSTC
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/09/2018
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản