Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 974/HD-SYT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 02 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VIỆC TIẾP NHẬN VÀ TỔ CHỨC THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐỂ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 của quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 6;

Căn cứ Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Thực hiện Công văn số 8661/BYT-KCB ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Bộ y tế về tiếp nhận và tổ chức thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề cho người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế;

Để thống nhất nội dung, cách thức triển khai thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế đúng theo quy định, Sở y tế hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối tượng áp dụng

Hướng dẫn này áp dụng đối với người thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

2. Giải thích từ ngữ

Trong hướng dẫn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. Người thực hành là người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế bao gồm: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên.

2.2. người hướng dẫn thực hành là người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và tại hướng dẫn này, được phân công hướng dẫn thực hành tại cơ sở thực hành.

2.3. thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục là thời gian người hướng dẫn thực hành trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh liên tục kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đến ngày được phân công hướng dẫn thực hành tại cơ sở thực hành.

2.4. Cơ sở thực hành là bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán Bộ y tế.

3. Điều kiện về cơ sở thực hành và người hướng dẫn thực hành

3.1. Điều kiện về cơ sở thực hành

3.1.1 Điều kiện chung của cơ sở thực hành

a) Đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;

b) Có hoạt động chuyên môn phù hợp với phạm vi hành nghề của người thực hành;

c) Có đủ nhân lực và cơ sở vật chất để người thực hành thực hiện được các nội dung thực hành theo chuyên môn tương ứng, một người chỉ hướng dẫn thực hành cho không quá 5 người thực hành tại một thời điểm.

d) Có chương trình và tài liệu thực hành theo chuyên môn tương ứng với từng đối tượng thực hành, được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

3.1.2. Đối với cơ sở thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ: tổng số người thực hành tại một thời điểm không quá 2 lần số giường bệnh (thuộc phạm vi hành nghề của người thực hành) của cơ sở thực hành.

3.1.3. Đối với cơ sở thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên: tổng số người thực hành tại một thời điểm không quá 3 lần so với số giường bệnh (thuộc phạm vi hành nghề của người thực hành) của cơ sở thực hành,

3.2. Điều kiện của người hướng dẫn thực hành

3.2.1. Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi hành nghề của người thực hành, đang làm việc tại cơ sở thực hành và lộ trình đến năm 2020 phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy lâm sàng hoặc chứng chỉ sư phạm y học cơ bản.

3.2.2. Về trình độ:

a) Hướng dẫn cho bác sĩ là bác sĩ trở lên có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 5 năm trở lên;

b) Hướng dẫn cho y sĩ là y sĩ hoặc bác sĩ có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 3 năm trở lên;

c) Hướng dẫn cho hộ sinh là hộ sinh viên có trình độ chuyên môn tương ứng trở lên và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 3 năm trở lên hoặc bác sĩ chuyên môn sản phụ khoa có thâm niên liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 2 năm trở lên;

d) Hướng dẫn cho kỹ thuật viên là kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn tương ứng trở lên và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục từ 3 năm trở lên hoặc bác sĩ có chuyên môn/chuyên ngành phù hợp và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 2 năm trở lên;

đ) Hướng dẫn cho điều dưỡng là điều dưỡng viên có trình độ chuyên môn tương ứng trở lên và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục đến thời điểm hướng dẫn thực hành từ 3 năm trở lên.

4. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành, người hướng dẫn thực hành và người thực hành

4.1. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành

a) Được xét tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cơ sở thực hành có trách nhiệm tổ chức thực hiện và xác nhận quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho người thực hành là nhân viên của cơ sở mình theo quy định.

Việc tiếp nhận và tổ chức thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề cho người thực hành không phải là nhân viên của đơn vị mình phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện. Giao cơ sở thực hành hạng 1 và các cơ sở thực hành được công nhận là cơ sở đào tạo liên tục được tiếp nhận và tổ chức thực hành cho người đăng ký thực hành không phải là nhân viên của cơ sở mình.

c) Cơ sở thực hành có trách nhiệm xây dựng nội dung chương trình và tài liệu thực hành theo chuyên môn tương ứng với từng đối tượng thực hành.

Đối tượng người thực hành là nhân viên của đơn vị: Nội dung chương trình và tài liệu thực hành phải được tổ chức thẩm định và phê duyệt của giám đốc cơ sở thực hành.

Đối tượng người thực hành không phải là nhân viên của đơn vị: nội dung chương trình và tài liệu thực hành phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai đào tạo; Sở y tế ủy quyền cho cơ sở thực hành hạng 1 và các cơ sở thực hành được công nhận là cơ sở đào tạo liên tục tổ chức thẩm định, phê duyệt chương trình và tài liệu thực hành cho cơ sở thực hành của mình. Đối với các cơ sở thực hành khác, Sở y tế có thể phân cấp cho đơn vị tổ chức thẩm định, phê duyệt trong trường hợp cần thiết.

Chương trình đào tạo thực hành phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Số tiết thực hành phải đạt tối thiểu 2/3 số tiết của chương trình.

- Các khóa đào tạo phải có tiêu chí năng lực cụ thể về kiến thức, kỹ năng và thái độ, người thực hành phải đạt được các tiêu chí đó mới được cấp giấy xác nhận quá trình thực hành.

d) Cơ sở thực hành có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc cấp giấy xác nhận quá trình thực hành cho người thực hành và chịu trách nhiệm trước Bộ y tế, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động hướng dẫn thực hành;

đ) Ký hợp đồng thỏa thuận theo mẫu quy định và được thu một phần kinh phí từ cung cấp dịch vụ hướng dẫn thực hành trong trường hợp người đăng ký thực hành không phải là nhân viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

e) Bố trí người hướng dẫn thực hành và chi trả thù lao cho người hướng dẫn thực hành theo mức độ, khối lượng công việc được giao được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở thực hành;

f) Được quyết định mức chi trả tiền công cho người thực hành trong trường hợp trong thời gian thực hành người thực hành có tham gia đóng góp vào kết quả hoạt động của cơ sở thực hành;

g) Hàng năm, đến 31 tháng 12 cơ sở thực hành công khai (trên website):

Số lượng người thực hành có thể tiếp nhận theo các đối tượng và phạm vi hành nghề; công khai quy trình đăng ký thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề tại cơ sở thực hành; thông báo công khai cho người thực hành biết việc được chấp nhận vào thực hành.

4.2. Quyền và trách nhiệm của người hướng dẫn thực hành

a) Hướng dẫn đầy đủ các nội dung thực hành về chuyên môn cho người thực hành theo quy định;

b) Kiểm soát an toàn người bệnh trong quá trình hướng dẫn thực hành;

c) Nhận xét, đánh giá quá trình thực hành cho người thực hành theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước ban giám đốc cơ sở thực hành về nội dung nhận xét, đánh giá;

d) Được hưởng chế độ thù lao tùy theo mức độ, khối lượng công việc. Mức thù lao do cơ sở thực hành quyết định và đảm bảo chi trả.

4.3. Quyền và trách nhiệm của người thực hành

a) Được hướng dẫn và thực hiện đầy đủ các nội dung thực hành theo quy định;

b) Người thực hành không phải là nhân viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm chi trả chi phí thực hành cho cơ sở thực hành theo quy định; được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Tuân thủ các quy định của cơ sở thực hành.

5. Cơ chế tài chính

Trong thời gian chờ Bộ y tế phối hợp với bộ tài chính ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong thực hành để làm căn cứ xác định mức chi phí thực hành trong thực hành cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Sở y tế hướng dẫn tạm thời thực hiện cơ chế tài chính trong quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

a) Đối với các cơ sở thực hành công lập được quyết định mức thu dịch vụ hướng dẫn thực hành theo từng phạm vi chuyên môn thực hành trên cơ sở thỏa thuận giữa cơ sở thực hành công lập và người đề nghị thực hành.

Cơ sở thực hành công lập phải xây dựng cơ cấu giá thu trên cơ sở tính đúng và đủ các chi phí, lấy thu bù chi; công khai mức thu khi tiếp nhận người thực hành vào thực hành tại cơ sở mình.

Đối với các nội dung chi, định mức chi, cơ sở thực hành công lập phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành và được thể hiện đầy đủ vào quy chế chi tiêu nội bộ để làm căn cứ thực hiện chi. trường hợp có phát sinh khoảng chênh lệch thu cao hơn chi từ hoạt động này, cơ sở thực hành công lập phải thực hiện bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của cơ sở thực hành công lập sau khi đã thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ theo quy định.

b) Đối với các cơ sở thực hành ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu chi phí hướng dẫn thực hành theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Trách nhiệm của các phòng chức năng thuộc Sở y tế

a) Phòng tổ chức cán bộ làm đầu mối phối hợp với các phòng chức năng liên quan thuộc Sở y tế, các cơ sở thực hành công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại hướng dẫn này.

Tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo về Bộ y tế, ban giám đốc Sở y tế theo quy định.

b) Phòng nghiệp vụ y chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan; các cơ sở thực hành trên địa bàn thành phố hướng dẫn việc xây dựng nội dung chương trình và tài liệu thực hành theo chuyên môn tương ứng với từng đối tượng thực hành. Tổ chức thẩm định và tham mưu trình ban giám đốc Sở y tế phê duyệt nội dung chương trình và tài liệu thực hành cho các cơ sở thực hành.

c) Phòng quản lý dịch vụ y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan; các cơ sở thực hành trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện và xác nhận quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề theo quy định.

d) Phòng tài chính kế toán chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính trong quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề.

6.2. Trách nhiệm của các cơ sở thực hành

Trên cơ sở các quy định tại hướng dẫn này, giám đốc các cơ sở thực hành có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và phân công cán bộ y tế có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để hướng dẫn bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên có nhu cầu thực hành tại cơ sở của mình; chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện; xác nhận quá trình thực hành theo nội dung quy định tại thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ y tế.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về phòng tổ chức cán bộ thuộc Sở y tế để phối hợp nghiên cứu giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục quản lý KCB, Bộ y tế;
- Ban giám đốc Sở y tế;
- Các đơn vị trực thuộc;
- Phòng y tế quận huyện;
- Bệnh viện ngoài công lập;
- Bệnh viện quận huyện;
- TTYT dự phòng quận huyện;
- Lưu VP, TCCB (MT/10b).
     NTTH

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Tăng Chí Thượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 974/HD-SYT năm 2016 thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 974/HD-SYT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 04/02/2016
  • Nơi ban hành: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Tăng Chí Thượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản