Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2522/UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 8 năm 1985

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 12/CT-UB NGÀY 18-7-1985 CỦA THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VỀ ĐẨY MẠNH HOÀN THÀNH VIỆC CẢI TẠO QUY HOẠCH SẮP XẾP LẠI NGÀNH ĂN UỐNG THÀNH PHỐ

Để thực hiện thống nhất, đồng bộ chỉ thị nói trên, Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố hướng dẫn các quận huyện, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể những vấn đề chính sau đây:

I. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM:

Mục tiêu là hoàn thành việc cải tạo, quy hoạch sắp xếp lại ngành ăn uống thành phố góp phần thực hiện nhiệm vụ hoàn thành về cơ bản công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh của thành phố vào cuối năm 1985, trước mắt, cấp bách là phải chấm dứt tình trạng phát triển ăn uống vô tổ chức như hiện nay.

Nhằm mục tiêu trên, cần làm tốt những việc sau đây:

1. Nắm chắc tình hình các cơ sở ăn uống trên từng đường phố, có kế hoạch dẹp ngay những cơ sở cần dẹp.

Từng phường, từng quận huyện cần nắm chắc lại tất cả các cơ sở (quốc doanh, hợp tác kinh doanh, tập thể, tư nhân, cố định, lưu động, kinh doanh thường xuyên, đúng lúc; chuyên doanh ăn uống, có kết hợp với kinh doanh ngành nghề khác v.v…kể cả của cơ quan xí nghiệp đoàn thể…) trên từng đường phố, từng tụ điểm, các chợ, bến xe, bến tàu, khu vui chơi, giải trí…

Lọc ra những cơ sở cần dẹp ngay. Đó là:

1. Những cơ sở chuyên kinh doanh nhậu nhẹt.

2. Những cửa hàng nêu bảng hiệu kinh doanh những món ăn đặc sản nhưng thực tế là những món ăn đặc sản giả.

3. Những quán cà phê, giải khát, ăn uống đã có vi phạm các quy chế hoạt động, đã bị cảnh cáo mà không sửa chữa.

4. Những cơ sở ăn uống đã có quyết định đóng cửa nhưng vẫn hoạt động.

5. Những cơ sở ăn uống giải khát không có đăng ký kinh doanh hợp lệ (nghĩa là không có giấy phép của quận huyện).

6. Những cơ sở ăn uống có người trực tiếp điều hành hoặc trực tiếp phục vụ có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cùi, lao…) những cơ sở mất vệ sinh nghiêm trọng.

7. Những cơ sở ăn uống do các đơn vị quốc doanh, tập thể không có chức năng kinh doanh ăn uống lập ra.

Với những cơ sở này, sau khi xác nhận đúng thuộc loại cần dẹp ngay thì UBND quận (huyện) ra quyết định bắt buộc đóng cửa (và phải nộp đầy đủ thuế nếu còn thiếu). Phường mời người chủ đến giải thích, nói rõ chủ trương chính sách của ta, nêu rõ những lý do đối tượng cần dẹp và hướng dẫn, giúp đỡ họ chuyển sang sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác.

Cần dự kiến những phản ứng của đối tượng có kế hoạch đối phó, chú ý số đã có biểu hiện ù lì, ngoan cố, chống đối chánh sách. Với một số đặc biệt, cần có biện pháp hành chánh xử lý thích đáng. Phải có phân công, chỉ định cán bộ phụ trách những đối tượng này, không để xảy ra rắc rối, phức tạp. Một điểm quan trọng là phải đi sâu phát động chung đồng thời chú ý tuyên truyền cho bà con xung quanh, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng tình ủng hộ, tham gia ý kiến về vấn đề này và phát hiện những người làm ăn sai trái với chính quyền.

Muốn làm tốt đối với những cơ sở trên, trước hết trong khu vực cơ quan Nhà nước, những đơn vị không có chức năng kinh doanh ăn uống phải làm gương dẹp ngay việc mở hàng quán.

Mặt khác, triệt để cấm mở cơ sở ăn uống giải khát tư nhân mới. Mỗi khi có một cơ sở tư nhân mới mở ra trước hết, cấp ủy và cấp UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm.

2. Lên quy hoạch bước đầu mạng lưới ăn uống trong từng phường, quận huyện: phân loại các cơ sở còn lại, lập kế hoạch cải tạo, tổ chức sắp xếp lại.

Đây là quy hoạch bước đầu, sau sẽ rút kinh nghiệm chấn chỉnh, bổ sung, lập quy hoạch cơ bản hơn, trình Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt vào cuối quý 3/1985. Tuy là bước đầu nhưng phải có nghiên cứu cẩn thận. Sở Ăn uống khách sạn phải có kế hoạch giúp cho từng quận huyện, Quận giúp cho từng phường lên quy hoạch này bao gồm cả quốc doanh, hợp tác kinh doanh, của hợp tác xã mua bán, tư nhân thành một màng lưới hợp lý trên từng đường phố.

Trên cơ sở đó, từng cấp có kế hoạch tổ chức sắp xếp lại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của mình.

Với các cơ sở tư nhân, ngoài số đã dẹp (như nói ở trên), hướng xử lý là bớt đi chừng nào hay chừng đó, tốt nhất là chuyển qua sản xuất theo nhu cầu của địa phương. Với số còn lại thì phân loại và có kế hoạch xử lý với từng loại:

a) Với những cơ sở có cửa hàng cửa hiệu:

- Nếu có đăng ký hợp lệ (do quận huyện cấp), lâu nay, làm ăn đứng đắn, không có vi phạm thì cho tiếp tục kinh doanh, và tiến hành cải tạo, theo kế hoạch cải tạo của ngành và của địa phương đã được duyệt (hợp tác kinh doanh với hộ A và B xấp xỉ A; thực hiện 5 quản đối với các hộ khác).

- Nếu không có đăng ký hợp lệ thì hướng chung là dẹp, chuyển sang sản xuất hay sang ngành nghề khác. Nếu cá biệt có cơ sở nào xét để lại thì phải là cơ sở phù hợp với màng lưới quy hoạch kinh doanh món ăn cần thiết, phục vụ nhân dân lao động và bắt phải đăng ký hợp lệ, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước. Cũng tiến hành cải tạo như nói ở trên.

Với các cơ sở chiếm vỉa hè, lòng đường, thường xuyên hay từng thời gian nhất định.

Nói chung là cấm chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là các đường phố lớn các trục giao thông chính. Xử lý cụ thể:

- Nếu có cửa hiệu, có đăng ký kinh doanh hợp lệ, lâu nay làm ăn đứng đắn, phù hợp với quy hoạch của địa phương, thì cho tiếp tục kinh doanh nhưng không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bắt đóng cửa.

- Những người buôn gánh bán bưng, các loại xe đẩy: không được chiếm vỉa hè, lòng đường, những đường phố lớn, những trục lộ giao thông chính, phải đưa vào đường hẻm đường cụt và phải tuân thủ mọi quy định của Nhà nước (về đăng ký kinh doanh và các mặt hàng khác).

1. Với bà con lao động nghèo, buôn bán lưu động (bán dạo): cần chiếu cố, không đuổi dẹp, chạy vòng quanh, lung tung.

Bàn bạc với họ, nếu có thể đưa vào buôn bán tại các đường nhỏ, đường hẻm, đường cụt thì đưa vào, sắp xếp lại, bảo đảm vệ sinh, trật tự, quản lý về giá cả, chất lượng…, định kỳ có sanh hoạt kiểm điểm chấp hành quy chế kinh doanh và phổ biến chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước để bà con thực hiện, do Ủy ban Phường sở tại phụ trách.

Nếu việc đưa vào một nơi cố định ảnh hưởng đến việc buôn bán sinh sống của họ thì không ép buộc. Trường hợp này cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để bà con không chiếm hẳn lòng lề đường, giữ gìn trật tự, vệ sinh và chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Việc này do tổ dân phố nơi các người đó cư trú phụ trách với sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân phường.

2. Với các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, ban ngành, đoàn thể …: thực hiện đúng quy định, không có chức năng kinh doanh buôn bán thì không được buôn bán kinh doanh, khôn g được tổ chức kinh doanh ăn uống. Căn tin chỉ làm nhiệm vụ phục vụ nội bộ; nếu có tổ chức kinh doanh ra ngoài phạm vi nội bộ (cho khách vãng lai) thì nhất thiết phải dẹp bỏ phần này.

Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… cần củng cố các nhà ăn tập thể của đơn vị mình, chú ý phục vụ ăn sáng, ăn trưa cho nội bộ. Ngành ăn uống phải tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị này. Mặt khác cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn cơ quan, xí nghiệp, ban, ngành cần cố gắng tìm cách cải thiện đời sống cho nội bộ bằng tổ chức sản xuất như đã có hướng dẫn.

3. Với ngành thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán:

- Các cơ sở thương nghiệp tổng hợp quốc doanh nếu có điều kiện (về địa điểm, mặt bằng…) có thể tổ chức giải khát cho khách hàng, nhưng phải được sự nhất trí của ngành chủ quản (Sở Ăn uống khách sạn) và phải gương mẫu chấp hành mọi quy định của Nhà nước. (Trừ cửa hàng BHTH số 2 có bộ phận kinh doanh ăn uống đã được phép từ trước).

Ngành hợp tác xã mua bán phải nắm vững nhiệm vụ chủ yếu của mình là kinh doanh phục vụ hai bữa ăn hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn dân cư. Theo sự chỉ đạo của phường, hợp tác xã mua bán phường tổ chức sắp xếp lại và quản lý các cơ sở ăn uống tư nhân loại B vừa, nhỏ và C. Hợp tác xã mua bán chỉ tổ chức cơ sở ăn uống nếu còn thiếu, so với quy hoạch của địa phương. Cơ sở này phải nhằm phục vụ nhân dân lao động và phải gương mẫu chấp hành mọi quy định của Nhà nước.

4. Với các chợ, bến xe, bến tàu, thảo cầm viên, khu vui chơi giải trí:

Cơ quan, ngành chủ quản phải có kế hoạch tổ chức sắp xếp lại các cơ sở ăn uống, giải khát trong nội bộ khu vực do mình phụ trách và phối hợp với địa phương tổ chức sắp xếp lại các cơ sở trên đường, hè phố lân cận. Với các cơ sở tư nhân, xử lý như các mục a, b, c nói ở trên. Đề phòng các hộ tư nhân trốn cải tạo, những người có vấn đề đang cần theo dõi sưu tra lẩn tránh vào những nơi này làm ăn.

Phải gương mẫu chấp hành mọi quy định của Nhà nước và chịu sự kiểm tra quản lý về nghiệp vụ của ngành chuyên môn (ngành ăn uống khách sạn), chịu sự kiểm tra, kiểm soát về hành chánh của chánh quyền địa phương.

Các khu vui chơi giải trí không được lợi dụng các hình thức vui chơi, giải trí, ca nhạc để tổ chức ăn uống bừa bãi.

3. Ngành ăn uống quốc doanh phải đẩy mạnh việc củng cố hệ thống ăn uống công cộng của thành phố, đặc biệt chú ý tổ chức các hình thức ăn uống bình dân để phục vụ nhân dân lao động, cán bộ công nhân viên chức và khách vãng lai và tích cực giúp đỡ các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện…củng cố các nhà ăn tập thể, chú ý phục vụ ăn sáng, ăn trưa, cả 3 cho cán bộ công nhân viên chức…

4. Ủy ban vật giá thành phố kết hợp với ngành ăn uống khách sạn và các quận huyện nghiên cứu một khung giá cho các món ăn chủ yếu, phù hợp với tình hình mới, có tính đến các loại chất lượng khác nhau, các mức tay nghề khác nhau, các loại đặc sản..., trình Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố duyệt sớm (trong tháng 9-1985).

5. Thường trực Ủy ban Nhân dân quyết định tổ chức trong tháng 9 và tháng 10/1985 một đợt kiểm tra về vệ sinh và sử dụng ca nhạc (nhạc băng và nhạc sống) trong tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống và vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố (kể cả quốc doanh, tập thể, hợp tác kinh doanh, tư nhân, nhà ăn liên cơ, nhà ăn các cơ quan xí nghiệp của thành phố và các cơ quan Trung ương).

Sở Ăn uống khách sạn và Sở Y tế, Sở Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm vạch kế hoạch và phối hợp với các quận huyện, các ngành liên quan tổ chức thực hiện, kết hợp với các kế hoạch nói trên.

6. Sở Ăn uống khách sạn phối hợp cùng các ngành liên quan rà soát lại các quy định đã có, sửa đổi bổ sung nếu cần, thành một quy chế toàn diện đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, phù hợp với tình hình mới (về các mặt: đăng ký kinh doanh, các chánh sách thuế, giá sử dụng lao động, các quy định về vệ sinh, sử dụng nhạc, cả về dùng tên hiệu, trang trí...) và cho công bố công khai, rộng rãi.

Tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống, các khu vui chơi giải trí đều phải niêm yết công khai và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định này.

Sở Ăn uống khách sạn, Sở Y tế, SởVăn hóa thông tin phối hợp với các ngành liên quan và địa phương có kiểm tra định kỳ và đột xuất tất cả các cơ sở ăn uống giải khát, các khu vui chơi giải trí và có biện pháp xử lý đúng theo quy định với những cơ sở có vi phạm.

II. MẤY VẤN ĐỀ VỀ THỜI GIAN VÀ CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về thời gian : tiến hành từ nay đến hết tháng 8/1985, các quận huyện, phường xã, các ngành liên quan tiếp tục nắm lại tình hình các cơ sở ăn uống thuộc địa phương, ngành mình phụ trách. Vạch các kế hoạch tổ chức sắp xếp lại như hướng dẫn; chuẩn bị những điều cần thiết, chuẩn bị lực lượng thực hiện.

Các ngành có trách nhiệm: Ăn uống khách sạn, Y tế, Văn hóa thông tin phối hợp với các ngành liên quan (Công an, Quản lý thị trường…,) các đoàn thể, các quận huyện rà soát lại các quy định thuộc phạm vi quản lý ngành mình, chấn chỉnh bổ sung, xin ý kiến Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố nếu thấy cần thiết, và cho tuyên truyền, giải thích, giáo dục rộng rãi trên đài, báo.

Ngành tuyên huấn và các cơ quan tuyên truyền văn hóa, văn nghệ đẩy mạnh đưa tin tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố về chủ trương đối với từng loại cơ sở ăn uống, giải khát gây phong trào, dư luận hỗ trợ cho việc thực hiện chỉ thị.

- Tháng 9-1985: tổ chức một đợt tập trung chỉ đạo thực hiện chỉ thị, bắt đầu bằng dẹp ngay những cơ sở cần dẹp, tiếp đó là thực hiện các kế hoạch tổ chức sắp xếp lại như hướng dẫn.

- Cuối tháng 9-1985, Sở Ăn uống khách sạn phối hợp cùng các ngành liên quan, các quận huyện tổng hợp kế hoạch về quy hoạch sắp xếp lại một cách cơ bản ngành ăn uống trên toàn thành phố trình Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố duyệt.

- Từ tháng 10-1985 đến cuối năm 1985: sẽ rút kinh nghiệm của đợt tháng 9-1985, có kế hoạch cho các đợt tiếp theo nhằm thực hiện việc hoàn thành cải tạo quy hoạch sắp xếp lại ngành ăn uống thành phố.

2. Vấn đề quan trọng nhứt là thông suốt tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy trong Chỉ thị 12 (hoàn thành cải tạo sắp xếp lại ngành ăn uống thành phố, trước mắt chấm dứt ăn uống vô tổ chức hiện nay).

Theo chỉ thị của Thường vụ, các cấp ủy từ quận huyện đến phường xã và các Sở, Ban, Ngành sẽ tổ chức kiểm điểm, nhận định tình hình cải tạo tổ chức lại ngành ăn uống và phát triển tùy tiện các cơ sở ăn uống trong địa phương mình, ngành mình, đánh giá những mặt tiêu cực, thấy rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy để có kế hoạch sửa chữa. Do đó trước hết trong nội bộ (trong cấp ủy, các đoàn thể) phải thông suốt và phải gương mẫu chấp hành.

Từng chi bộ (về mặt Đảng) và các đồng chí phụ trách (về mặt chánh quyền) trong từng cơ quan, xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện chỉ thị, cơ quan, đơn vị có kinh doanh ăn uống sai chức năng phải dẹp bỏ ngay; có cán bộ kinh doanh ăn uống trái quy định phải làm cho thông suốt và tự giác sửa chữa, dù có đụng chạm đến lợi ích cá nhân.

Trong đợt tập trung (9-1985) ở từng quận huyện phải hình thành cho được sức mạnh tổng hợp của các ngành các cấp (nòng cốt là ngành ăn uống khách sạn, Công an, Quản lý thị trường) do Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, Thường trực UBND quận huyện trực tiếp tổ chức thực hiện, có giao ban, và báo cáo hàng tuần lên Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố. Chú ý kế hoạch kết hợp tốt công tác của đợt tập trung này với các công tác khá của địa phương, nhất thiết tránh làm rầm rộ ít ngày, sau đó buông lơi, thả lỏng.

3. Thực hiện chỉ thị của Thường vụ, cấp có vai trò rất quan trọng và chịu trách nhiệm rất nặng nề là cấp phường.

Phường có nhiệm vụ:

- Hỗ trợ, giúp đỡ ngành ăn uống khách sạn thành phố và quận cải tạo các hộ ăn uống loại A và B xấp xỉ A.

- Dưới sự chỉ đạo của quận, trực tiếp tổ chức sắp xếp lại các hộ ăn uống loại B vừa, nhỏ và C, các cơ sở ăn uống vỉa hè, lưu động; quy hoạch tổ chức lại mạng lưới ăn uống trên từng đường phố.

- Có quyền kiểm tra, kiểm soát tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường và bắt buộc các cơ sở đó phải theo đúng những quy định trong kinh doanh ăn uống.

Do đó, quận phải giúp đỡ và chỉ đạo cụ thể từng phường, làm cho cán bộ phường thực sự thông suốt chỉ thị của Thường trực Thành ủy. Cấp ủy và Thường trực UBND quận phải phân công chịu trách nhiệm từng phường, chia nhau đi xuống phường trọng điểm, cùng phường thực hiện thật tốt kế hoạch của đợt tập trung và các đợt tiếp theo.

4. Các sở ban ngành liên quan, đặc biệt là ngành ăn uống khách sạn, thương nghiệp, thuế, giá, công an, quản lý thị trường, sau khi kiểm tra theo tinh thần của Chỉ thị 12, cần có kế hoạch thật cụ thể khắc phục những thiếu sót trong quản lý ngành của mình, phối hợp chặt chẽ với nhau, với quận huyện, nhất là trong đợt tập trung. Các ngành ở thành phố và quận huyện cần chia nhau đi xuống các phường, chú ý các phường trọng điểm, các tụ điểm ăn uống, thật sự gắn bó, hợp tác với cấp ủy và chánh quyền địa phương cùng thực hiện kế hoạch.

Tránh mọi hiện tượng ăn rã. Chống mọi tiêu cực (bao che cho người quen, người thân…). Đặc biệt, các đoàn thể, nhất là phụ nữ cần đi sâu vào các đối tượng cải tạo, nhất là các hộ nhỏ, các cơ sở vỉa hè, lưu động (vì số này hết sức đông và phần lớn là bà con lao động nghèo) làm tốt chức năng giáo dục vận động, thực sự hỗ trợ cho phường. Cần hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng người, thực sự thông cảm những khó khăn, vướng mắc của họ, nhiệt tình giúp đỡ họ trong sắp xếp lại kinh doanh buôn bán, trong tổ chức cuộc sống, theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.

5. Trong quá trình thực hiện, sẽ có một số vấn đề phát sinh cần được giải quyết kịp thời, đúng chủ trương chính sách (đối với cán bộ, gia đình chánh sách, giúp đỡ người kinh doanh ăn uống chuyển ngành, chuyển nghề, giải quyết lao động dôi thừa trong địa phương, giải quyết những tiêu cực nội bộ, phát hiện, xử lý những đối tượng có vấn đề an ninh chánh trị…).

Trên cơ sở nắm tình hình cụ thể từng đối tượng trong địa phương, phường và quận huyện phải có dự kiến và kế hoạch đối phó, giải quyết. Kế hoạch này cần phải được bàn bạc trong tập thể Thường vụ cấp ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân, có sự tham gia đóng góp của ngành liên quan, sau đó có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, kiểm soát, uốn nắn sai sót lệch lạc kịp thời. Tất cả các đơn khiếu tố khiếu nại (nếu có) cần phải được xem xét giải quyết và trả lời cho tương tự.

Với những vấn đề quan trọng, phức tạp phải báo cáo xin ý kiến kịp thời về Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Bản hướng dẫn này phổ biến đến tất cả các Ủy ban Nhân dân quận huyện, phường xã, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể của thành phố và các cơ quan Trung ương, tỉnh bạn đóng trong thành phố.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 2522/UB năm 1985 thực hiện Chỉ thị 12/CT-UB về đẩy mạnh hoàn thành việc cải tạo quy hoạch sắp xếp lại ngành ăn uống thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2522/UB
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 27/08/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Khắc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản