Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 127/HD-SXD

Cần Thơ, ngày 08 tháng 8 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư 09/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một số nội dung về giấy phép xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 02/2006/QĐ-UBND ngày 09/01/2006 của UBND thành phố Cần Thơ về việc ủy quyền và phân cấp nhiệm vụ cấp Giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Căn cứ Quyết định số 20/2004/QĐ-UB ngày 02/01/2004 của UBND thành phố Cần Thơ về việc thành lập Sở Xây dựng thuộc UBND thành phố Cần Thơ và Quyết định số 281/2004/QĐ-UB ngày 12/8/2004 của UBND thành phố Cần Thơ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Xây dựng;

Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:

1. Phạm vi áp dụng:

Hướng dẫn này hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng thống nhất tại Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị các quận, Phòng Hạ tầng - Kinh tế các huyện và UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Đối tượng phải xin cấp GPXD:

Tất cả các công trình trước khi khởi công xây dựng đề phải xin cấp Giấy phép xây dựng, trừ các công trình được quy định tại khoản 1, Điều 17 Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 16) về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 09/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) Hướng dẫn một số nội dung về cấp phép xây dựng, cụ thể như sau:

a. Công trình thuộc bí mật Nhà nước được xác định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b. Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp được xác định bằng lệnh của các cấp có thẩm quyền.

c. Công trình tạm phục vụ thi công công trình chính, bao gồm công trình tạm của chủ đầu tư và công trình tạm của nhà thầu nằm trong sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng đã được phê duyệt.

d. Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi khởi công xây dựng, Chủ đầu tư phải báo cho UBND cấp xã để được định vị xác định vị trí xây dựng công trình.

đ. Công trình xây dựng thuộc dự án có Chủ đầu tư thực hiện tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và Quy định về quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

e. Công trình đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở quy định tại Điều 9 của Nghị định 16 thẩm định.

g. Công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng; công trình đã có thiết kế bản vẽ thi công được quy định định tại Khoản 5, Điều 9 của Nghị định 16/CP thẩm định.

h. Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình.

i. Công trình hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các công trình: nhà máy xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác, cấp nước, thoát nước, đường, kênh, mương,...) có tổng mức đầu tư duới 5 tỷ đồng thuộc các xã vùng sâu, vùng xa không vi phạm các khu vực bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa.

k. Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị; điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt.

3. Quản lý xây dựng công trình trong các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư:

Đối với công trình tự xây dựng trong dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư. Chủ dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn xây dựng, kiểm tra về mặt quy hoạch, kiến trúc và bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp với Quy định quản lý theo quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt.

4. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng:

4.1/-Xây dựng cải tạo, sửa chữa, mở rộng:

a. Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), có xác nhận của UBND phường (xã, thị trấn).

b. Bản sao có thị thực (công chứng) một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất.

c. 03 bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

c.1. Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất, kèm sơ đồ vị trí xây dựng công trình; tỷ lệ 1/500.

c.2. Bản vẽ hiện trạng thể hiện được mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt các tầng; tỷ lệ 1/100 - 1/200.

c.3. Bản vẽ thiết kế mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình; tỷ lệ 1/100 - 1/200.

c.4. Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100 - 1/200 và chi tiết mặt cắt móng tỷ lệ 1/50.

c.5. Sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước; tỷ lệ 1/100 - 1/200.

c.6. Ảnh chụp khổ 9x12cm mặt chính công trình.

c.7. Hồ sơ khảo sát hiện trạng về khả năng nâng tầng và phương pháp gia cố của tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân (trường hợp có nâng tầng).

4.2/-Xây dựng mới:

a. Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu) có xác nhận của UBND phường (xã, thị trấn).

b. Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất.

c. 03 bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

c.1. Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất, kèm sơ đồ vị trí xây dựng công trình; tỷ lệ 1/500.

c.2. Bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình; tỷ lệ 1/100 - 1/200.

c.3. Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100 - 1/200 và chi tiết mặt cắt móng tỷ lệ 1/50.

c.4. Sơ đồ hệ thống cấp - thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện; tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d. Đối với loại công trình kinh doanh, tồn trữ các loại vật liệu dễ cháy, nổ (như: ga, xăng, dầu...) phải có chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.

e. Công trình di tích lịch sử - văn hóa; công trình tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng có hướng dẫn riêng.

5. Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ (theo Luật Xây dựng):

5.1. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250m2, từ 03 tầng trở lên hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện.

5.2. Đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn nhà ở quy định tại điểm 5.1 của khoản này thì cá nhân, hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

6. Những căn cứ để xét cấp giấy phép xây dựng:

-Quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

-Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy phạm hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan.

7. Trình tự cấp giấy phép xây dựng:

7.1.Tiếp nhận hồ sơ:

Người được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 4 của hướng dẫn này; khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ phải lập Biên nhận và có ghi hẹn ngày kiểm tra thực địa và ngày nhận kết quả. Biên nhận được lập thành 2 bản (01 giao cho người xin cấp giấy phép xây dựng, 01 lưu tại bộ phận tiếp nhận).

Thời gian hẹn ngày kiểm tra thực địa tối đa là 02 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối với hồ sơ sau khi kiểm tra xét thấy cần phải bổ sung, chỉnh sửa; trong thời gian tối đa là 3 ngày làm việc kể từ ngày đã kiểm tra thực địa, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian xét cấp giấy phép xây dựng.

Trường hợp từ chối cấp giấy phép xây dựng, thì cơ quan trực tiếp cấp giấy phép xây dựng theo phân cấp phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rỏ lý do để người xin cấp giấy phép xây dựng biết.

7.2.Chuyển giao hồ sơ:

a. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ chuyển giao hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng cho Phòng - Ban chức năng được giao nhiệm vụ tham mưu cấp giấy phép xây dựng.

b. Phòng - Ban được giao nhiệm vụ xét cấp giấy phép xây dựng, sau khi thẩm tra hồ sơ xong sẽ dự thảo nội dung giấy phép xây dựng kèm theo Tờ trình để trình lãnh đạo ký ban hành.

c. Giấy phép xây dựng (kể cả giấy phép xây dựng tạm) sau khi được ký, bộ phận văn thư sẽ lập thành 03 bản (01 bản lưu tại cơ quan ký giấy phép, 01 bản lưu tại Phòng Quản lý Đô thị các quận hoặc Phòng Hạ tầng - Kinh tế các huyện và 01 bản giao cho người xin cấp giấy phép xây dựng), cho số giấy phép xây dựng và lưu trữ hồ sơ. Việc giao giấy phép xây dựng cho người xin cấp giấy phép xây dựng được thực hiện ở bộ phận tiếp nhận và giao, trả hồ sơ (bộ phận 01 cửa).

7.3.Thẩm tra hồ sơ:

Căn cứ vào hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, vệ sinh môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Phòng - Ban chức năng được giao nhiệm vụ tham mưu cấp GPXD sẽ xem xét thẩm tra hồ sơ và dự thảo nội dung GPXD kèm theo Tờ trình để trình ký ban hành.

7.4.Giao GPXD:

Trước khi giao giấy phép xây dựng cho người xin giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng thu lệ phí. Việc thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Thông tư số 03/2001/TT-BTC ngày 11/01/2001 của Bộ Tài chính.

8.Nội dung giấy phép xây dựng:

8.1.Tổ chức hoặc cá nhân được cấp GPXD:

Địa chỉ liên hệ.

8.2.Được phép xây dựng công trình (loại công trình):

-Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ.

-Các hạng mục công trình xin cấp GPXD.

8.3.Đặc điểm kỹ thuật công trình:

8.3.1.Loại, cấp công trình:

a.Loại công trình:

-Nhà ở riêng lẻ, gồm: Biệt thự, nhà liên kế, các loại nhà ở riêng biệt khác.

-Công trình khác: được quy định theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ.

b.Cấp công trình:

b.1.Đối với nhà ở riêng lẻ:

Được phân theo cấu trúc, gồm 3 loại:

*Nhà vật liệu tạm:

-Trệt, mái tôn, khung sắt (gỗ,...), nền lót gạch (hoặc láng xi măng), vách lá (tole kẽm, tre...).

-Trệt, có gác ván, mái tole, khung sắt (gỗ), nền lót gạch, vách lá (tole kẽm, tre,...).

*Nhà bán kiên cố:

-Trệt, mái tole; cột, khung bêtông cốt thép đúc sẵn (hoặc đổ tại chỗ), nền lót gạch (hoặc láng xi măng), tường gạch.

-Trệt, có gác ván, mái tole; cột, khung bêtông cốt thép đúc sẵn (hoặc đỗ tại chỗ), nền lót gạch (hoặc láng xi măng), tường gạch.

*Nhà kiên cố:

-Trệt, mái bêtông cốt thép; cột, khung bê tông cốt thép, nền lót gạch, tường xây gạch.

-Trệt và các tầng (hầm, lững, lầu), mái tole (hoặc ngói, bêtông cốt thép...), khung sàn Bêtông cốt thép đổ tại chỗ (hoặc lắp ghép), nền lót gạch, tường xây gạch.

b.2.Các loại công trình khác:

Được quy định theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ.

8.3.2.Diện tích:

-Diện tích xây dựng tầng một: là diện tích chiếm đất (bao gồm cả tường bao hoặc tường chung thuộc về công trình), các hộp kỹ thuật, sảnh đón, khoảng đệm.

-Tổng diện tích sàn: bao gồm diện tích xây dựng tầng một và diện tích sàn các tầng lầu trong cùng một công trình đó.

8.3.3-Chiều cao công trình:

Là chiều cao tính từ đỉnh mái đến mặt sàn tầng trệt.

8.3.4. Chỉ giới xây dựng.

8.3.5. Màu sắc công trình: nếu quy hoạch được duyệt không quy định không cần ghi.

8.3.6. Địa điểm, vị trí xây dựng công trình:

Bao gồm: số nhà, đường, phường (xã), quận (huyện), thành phố Cần Thơ.

8.3.7. Các giấy tờ về quyền sử dụng đất:

Ghi rỏ: số thửa, số tờ bản đồ, phường (xã, thị trấn), quận (huyện), thành phố Cần Thơ. Số, ngày và tên cơ quan, đơn vị ban hành văn bản cấp, giao, thuê đất.

8.4. Hiệu lực của GPXD:

Giấy phép có hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày cấp; quá thời hạn trên phải xin gia hạn giấy phép.

9. Giấy phép xây dựng tạm:

9.1. Đối tượng được cấp Giấy phép xây dựng tạm:

Khu vực đất nằm trong phạm vi quy hoạch chi tiết (1/2000, 1/500) là khu vực mà nhà nước phải ra quyết định thu hồi đất để đầu tư xây dựng các công trình công (như đường dự mở, công viên cây xanh, công trình hạ tầng xã hội như hành chính, trường học, bệnh viện; công trình thương mại, dịch vụ như chợ, trung tâm thương mại...) hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch xây dựng đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xét cấp Giấy phép xây dựng tạm.

9.2. Quy mô công trình cấp Giấy phép xây dựng tạm:

-Đối với nhà ở riêng lẻ: tối đa là 01 trệt và 01 lầu.

-Đối với các công trình khác: quy mô tối đa là cấp 4 (được quy định tại phụ lục 1 phân cấp, phân loại công trình ban hành kèm theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng).

9.3. Trình tự, thủ tục và nội dung cấp Giấy phép xây dựng tạm:

Như Mục 5, 6, 7, 8 của Hướng dẫn này, nhưng thành phần hồ sơ cần bổ sung một số nội dung sau:

-Cam kết tự phá dỡ công trình không bồi hoàn khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng (khi giấy phép tạm đã hết thời hiệu).

-Bản vẽ hiện trạng và đánh gía hiện trạng công trình trước khi cấp Giấy phép xây dựng tạm (nếu có) do Chủ đầu tư (hoặc chủ hộ) thuê tổ chức hoặc cá nhân có tư cách pháp nhân thiết lập, có xác nhận kiểm tra của đơn vị cấp phép xây dựng.

9.4. Thời hiệu của Giấy phép xây dựng tạm:

-Đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tối đa là 05 năm kể từ ngày quy hoạch được duyệt và công bố hoặc quy hoạch được gia hạn.

-Đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tối đa là 03 năm kể từ ngày quy hoạch được duyệt và công bố hoặc gia hạn.

-Đối với các quy hoạch đã tới hạn hoặc quá hạn rà soát theo tinh thần Luật Xây dựng nhưng chưa có Quyết định công bố tiếp tục thực hiện hoặc đang trong giai đoạn điều chỉnh và chưa được phê duyệt: thời hiệu của Giấy phép xây dựng tạm là đến khi nhà nước ra Quyết định thu hồi đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

-Trường hợp công trình đã được cấp giấy phép xây dựng tạm, sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt có chức năng phù hợp với mục đích sử dụng đất điều chỉnh thì Chủ đầu tư có thể gửi đơn đến đơn vị cấp phép để xin được cấp Giấy phép xây dựng chính thức. Đơn vị cấp phép xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn Chủ đầu tư về trình tự, thủ tục và thực hiện việc cấp phép xây dựng theo quy định.

10. Gia hạn Giấy phép xây dựng:

Quá thời hạn 01 năm kể từ ngày cấp Giấy phép xây dựng nhưng Chủ đầu tư chưa khởi công xây dựng thì phải xin gia hạn giấy phép.

10.1. Hồ sơ xin gia hạn GPXD:

a. Đơn xin gia hạn GPXD (theo mẫu).

b. Bản chính GPXD đã cấp.

10.2. Thời gian thực hiện công tác:

Tối đa là 05 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày chủ đầu tư nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

11. Cấp phó bản GPXD:

Trường hợp Giấy phép xây dựng bị thất lạc hoặc hư hỏng, Chủ đầu tư có thể xin cấp Phó bản giấy phép xây dựng.

11.1. Hồ sơ xin cấp phó bản GPXD:

a. Đơn xin cấp phó bản GPXD (theo mẫu).

b. Đơn cớ mất GPXD để xin cấp phó bản GPXD được chính quyền địa phương xác nhận.

11.2. Thời gian xét cấp phó GPXD:

Tối đa là 07 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày chủ đầu tư nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

12.Cấp biên bản kiểm tra công trình hoàn thành:

12.1. Hồ sơ xin cấp biên bản kiểm tra công trình hoàn thành:

a. Giấy báo kiểm tra công trình hoàn thành (theo mẫu).

b. Bản chính Gíây phép xây dựng.

c. Bản vẽ hiện trạng công trình hoàn thành do đơn vị thi công hoặc đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân thiết lập. Bao gồm:

c.1. Bản vẽ mặt bằng thực tế hiện trạng công trình trên lô đất, kèm sơ đồ vị trí xây dựng công trình; tỷ lệ 1/500.

c.2. Bản vẽ mặt bằng thực tế hiện trạng các tầng, mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình; tỷ lệ 1/200.

12.2. Thời gian thực hiện công tác:

Tối đa là 10 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày chủ đầu tư nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

12.3.Nguyên tắc thực hiện:

a. Khi xây dựng xong công trình, nếu có yêu cầu, Chủ đầu tư (chủ nhà) liên hệ với cơ quan cấp phép để lập hồ sơ kiểm tra công trình xây dựng hoàn thành để làm cơ sở thực hiện các thủ tục liên quan đến căn nhà hoặc công trình.

b. Những hành vi xây dựng sai phép như:

b.1. Thay đổi công năng không đúng mục đích sử dụng theo giấy phép xây dựng.

b.2. Vi phạm hành lang an toàn hạ tầng kỹ thuật như: lộ giới, đường cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, sông, kênh, rạch, cầu, cống, phễu bay của sân bay...

b.3. Vi phạm khu vực di tích lịch sử văn hóa, khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật.

b.4. Không phù hợp với quy hoạch được duyệt về kiến trúc và mỹ quan đô thị như: độ vươn ban công, khoảng lùi, chiều cao xây dựng, tầng cao xây dựng...

Sở Xây dựng, UBND quận - huyện, phường - xã xử lý vi phạm xây dựng theo phân cấp, nếu quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ. Khi chủ đầu tư (chủ nhà) đã thực hiện quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị cấp phép xây dựng mới lập biên bản kiểm tra công trình hoàn thành.

c. Những hành vi xây dựng sai phép như:

Sai diện tích (xây dựng và sử dụng); sai chiều cao, tầng cao xây dựng nhưng không vi phạm quy hoạch xây dựng được duyệt thì Sở Xây dựng, UBND quận - huyện, phường - xã ra Quyết định xử phạt hành chính (nếu còn thời hiệu xử phạt được quy định tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ), sau đó đơn vị cấp phép xây dựng lập biên bản kiểm tra công trình hoàn thành.

Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Xây dựng để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
-Bộ Xây dựng
-TT.TU, TT.HĐND TP
-TT. UBND TP (Đã ký)
-UBND các quận, huyện
-Phòng QLĐT các quận
-Phòng HT-KT các huyện
-Lưu (VP, các phòng, TTâm)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Trương Công Mỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 127/HD-SXD về cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 127/HD-SXD
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 08/08/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trương Công Mỹ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản