Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/HD-BCA-V05

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2024

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 4 VỀ “AN NINH, TRẬT TỰ ĐÔ THỊ” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2022/QĐ-TTG NGÀY 18/2/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT, CÔNG NHẬN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, trong đó có Tiêu chí số 4: An ninh, trật tự đô thị; căn cứ Công văn số 1624/BVHTTDL-VHCS ngày 26/4/2023 của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Tiêu chí số 4 như sau:

Phường, thị trấn thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được xét, công nhận, công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh khi đảm bảo đạt các nội dung trong Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị như sau:

I. PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, khi đảm bảo đạt đủ 06 nội dung trong tiêu chí số 4 về an ninh, trật tự đô thị, cụ thể:

1. Không để xảy ra hoạt động chống đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết

- Các hoạt động chống đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết, bao gồm: Các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, chống phá tổ chức, công tác cán bộ của Đảng, chống phá mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân, những hành vi tuyên truyền, kích động, chuyển hóa những xung đột xã hội thành mâu thuẫn giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với nhân dân, lợi dụng khoét sâu những khuyết điểm sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, thổi phồng, quy chụp, làm phức tạp hóa, chính trị hóa những khuyết điểm sai phạm; lợi dụng các phần tử bất mãn, phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc để kích động đồng bào tư tưởng kỳ thị, hiềm khích, ích kỷ, hẹp hòi, cái gọi là “hận thù dân tộc” nhằm gây bất ổn trong nhân dân, các âm mưu bạo động lật đổ chế độ XHCN; chống phá những thành tựu xây dựng và phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng...

- Căn cứ Điều 13 Luật An ninh quốc gia, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

(1) Tổ chức, hoạt động cấu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;

(2) Nhận nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tham gia giúp sứ, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện, cho các tổ chức cá nhân hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

(3) Thu thập, tàng trữ, vận chuyển mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, tán phát trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật Nhà nước;

(4) Xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia;

(5) Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia;

(6) Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

(7) Hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật hình sự, Luật an toàn thông tin mạng và các văn bản pháp luật của liên quan.

2. Không để xảy ra các hoạt động phá hoại mục tiêu, công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia

Mục tiêu, công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia bao gồm: Các công trình quốc phòng, an ninh; công trình văn hóa thông tin, truyền thông; công trình đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giao thông, đê điều, điện lực, thủy lợi, xây dựng; nơi tập trung lưu giữ bảo quản nhiều hồ sơ tài liệu, mẫu vật, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có giá trị đặc biệt quan trọng về chính trị, ngoại giao, văn hóa, lịch sử, kinh tế, khoa học kỹ thuật; nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước; nơi bảo quản vật liệu chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường, sinh thái; các công trình khác theo nghị quyết, quyết định, nghị định của Chính phủ, Quốc hội như: Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Nghị định số 03/2013/NĐ-CP ngày 04/01/2013 của Chánh phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 49/2010/QH12; Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia...

3. Không để xảy ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự.

Không để xảy ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật: Là chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo; không để xảy ra các hoạt động trái quy định, vi phạm các điều cấm được quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

Hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về ANTT: Là hoạt động lợi dụng các quyền tự do dân chủ, nhân quyền trong các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để thực hiện hoặc xúi giục người khác tổ chức các hoạt động tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về ANTT.

4. Không để xảy ra hoạt động kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo khoản 5,6,7 Điều 6 Luật khiếu nại năm 2011, các hành vi nghiêm cấm trong khiếu nại bao gồm: “...5. Cố tình khiếu nại sai sự thật; 6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng; 7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; 8. Vi phạm quy chế tiếp công dân”.

Theo Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018, các hành vi nghiêm cấm trong tố cáo bao gồm: “...10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; 11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; 12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; 13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo”.

5. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông không tăng so với năm trước; không có vụ, việc về cháy, nổ, tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng như thảm họa, thiên tai, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại), không có đối tượng tham gia đua xe và không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn:

- Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội không tăng so với cùng kỳ năm trước; không để xảy ra công dân cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú) phạm tội về trật tự xã hội mức nghiêm trọng trở lên do lỗi cố ý: Đối với phường, thị trấn có dưới 10 vụ phạm tội về trật tự xã hội, kiềm chế, giảm, không tăng so với cùng kỳ năm trước; phường có từ 10 đến dưới 20 vụ, giảm ít nhất 01 vụ; phường có từ 20 vụ trở lên giảm ít nhất 6% số vụ so với cùng kỳ năm trước (Căn cứ theo Tiêu chí 11 trong Bộ tiêu chí xây dựng Công an phường kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị tại Quyết định số 639/QĐ-BCA ngày 30/01/2024 của Bộ Công an).

- Không để xảy ra vụ, việc cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trở lên. Căn cứ Hướng dẫn tạm thời số 3514/C66-P1 ngày 24/7/2015 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an, vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng là vụ cháy gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau: Gây thiệt hại tài sản trị giá từ 3 tỷ đồng trở lên; làm chết từ 01 người trở lên hoặc làm bị thương nặng từ 03 người trở lên hoặc làm bị thương nặng 02 người và làm bị thương nhẹ từ 03 người trở lên hoặc làm bị thương nặng 01 người và làm bị thương nhẹ 06 người trở lên hoặc làm bị thương nhẹ 09 người trở lên. Trường hợp vụ cháy vừa gây thiệt hại về người và tài sản thì tính theo tỷ lệ tương đương của 02 mức trên, ví dụ: làm bị thương nặng 01 người và bị thương nhẹ 02 người và thiệt hại tài sản trị giá 1,5 tỷ đồng hoặc làm bị thương nặng 02 người và thiệt hại tài sản trị giá 1 tỷ đồng) do công dân thường trú và tạm trú trên địa bàn gây nên (trừ trường hợp bất khả kháng, lỗi do khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được như hỏa hoạn, thiên tai... mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, nhưng hậu quả vẫn xảy ra).

- Không để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên; không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn, nếu có phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 260 Bộ Luật hình sự năm 2015, bổ sung sửa đổi năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

(1) Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

6. Phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự ” theo Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an, gồm:

- Quý I hằng năm, Đảng ủy có nghị quyết; UBND phường, thị trấn có kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; xây dựng, củng cố hoặc duy trì ít nhất 01 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

- Đạt các tiêu chí quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 4 thông tư này.

- Công an phường, thị trấn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền các chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn; không có cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật.

- 100% khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền quản lý trên địa bàn đăng ký, trong đó có từ 70% trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.

II. QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC CẤP TỈNH ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, khi đảm bảo đạt đủ 02 nội dung trong Tiêu chí số 4 về an ninh, trật tự đô thị, cụ thể:

1. Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc phân cấp quản lý trên địa bàn quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo Điều 6, Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an, gồm:

(1) Quý I hằng năm, tổ chức Đảng có nghị quyết chuyên đề riêng hoặc lồng ghép công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm (đối với nơi có tổ chức Đảng); cơ quan, doanh nghiệp có kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có nội quy, quy định bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phổ biến quán triệt các nội quy, quy định nêu trên và tiêu chí xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có ít nhất 01 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả.

(2) Triển khai, thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an (nếu có) và các quy định của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

(3) Không để xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Tuyên truyền, phát triển tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật;

b) Hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự;

c) Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Đình công, lãn công trái pháp luật;

đ) Tội phạm nghiêm trọng trở lên, nếu có phải kịp thời phát hiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu hậu quả và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý;

e) Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước;

g) Cháy, nổ nghiêm trọng; tai nạn lao động chết người; sự cố nghiêm trọng; vi phạm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng trở lên theo quy định của pháp luật.

h) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc mắc tệ nạn xã hội bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

(4) Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

(5) 70% trở lên số đầu mối trực thuộc (phòng, ban, tổ, đội) đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

2. Có hệ thống camera giám sát, bảo đảm an ninh, trật tự được lắp đặt ở các tuyến đường chính trên địa bàn quận, thị xã, thành phố và thực hiện theo đúng quy định, nhất là tích hợp được với các phần mềm trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

III. ĐỀ NGHỊ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Khi họp Hội đồng cấp huyện xét, công nhận, công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đề nghị có thành phần đại diện lãnh đạo Công an cấp huyện tham gia với tư cách thành viên Hội đồng để xem xét, đánh giá Tiêu chí số 4 về an ninh, trật tự đô thị.

2. Khi họp Hội đồng cấp tỉnh xét, công nhận, công nhận lại quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, đề nghị có thành phần đại diện lãnh đạo Công an cấp tỉnh tham gia với tư cách thành viên Hội đồng để xem xét, đánh giá Tiêu chí 4 về an ninh, trật tự đô thị.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Công an thực hiện Tiêu chí số 4 về an ninh, trật tự đô thị thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh đối với phường, thị trấn thuộc cấp huyện và quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh; đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn để triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần trao đổi, đề nghị địa phương liên hệ Bộ Công an (qua Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, SĐT 069.232.0667) để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đ/c Bộ trưởng Bộ Công an (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Bộ Văn hóa TT và Du lịch (để tập hợp);
- Lưu: VT, V05 (P2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng Lê Quốc Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 12/HD-BCA-V05 năm 2024 thực hiện Tiêu chí số 4 về "An ninh, trật tự đô thị" theo Quyết định 04/2022/QĐ-TTg Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 12/HD-BCA-V05
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 21/05/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Quốc Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản