Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CU-BA VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN THỊ THỰC CHO CÔNG DÂN HAI NƯỚC

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba,

Với lòng mong muốn tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước,

Quyết định ký Hiệp định này gồm những điều khoản sau đây:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.

Công dân của Bên ký kết này mang các loại hộ chiếu quốc gia có giá trị có thể nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và tạm thời lưu lại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo những điều quy định trong Hiệp định này.

Điều 2.

Theo Hiệp định này, hộ chiếu quốc gia là:

1. Đối với công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Hộ chiếu ngoại giao,

- Hộ chiếu công vụ,

- Giấy thông hành,

- Hộ chiếu thuyền viên.

Thủy thủ không đi cùng với tổ công tác trên tàu thủy thì trong hộ chiếu thuyền viên của mình phải ghi mục đích đi và địa điểm đến.

2. Đối với công dân nước Cộng hòa Cu-ba:

- Hộ chiếu ngoại giao,

- Hộ chiếu công vụ,

- Hộ chiếu chính thức,

- Hộ chiếu hàng hải.

Thủy thủ không đi cùng với tổ công tác trên tàu thủy thì trong hộ chiếu thuyền viên của mình phải ghi mục đích đi và địa điểm đến.

Điều 3.

1. Công dân của Bên ký kết này, trong thời gian lưu lại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tôn trọng luật lệ của Bên ký kết đó.

2. Mỗi Bên ký kết có quyền từ chối việc cho phép nhập cảnh hoặc chấm dứt thời gian lưu lại trên lãnh thổ nước mình đối với công dân của Bên ký kết kia. Trong trường hợp chấm dứt thời gian lưu lại như vậy thì phải thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN THỊ THỰC

Điều 4.

1. Công dân của mỗi Bên ký kết mang một trong các loại hộ chiếu quốc gia sau đây thì miễn thị thực:

Về phía Việt Nam:

- Hộ chiếu ngoại giao,

- Hộ chiếu công vụ,

- Hộ chiếu phổ thông (công vụ),

- Hộ chiếu thuyền viên.

Về phía Cu-ba:

- Hộ chiếu ngoại giao,

- Hộ chiếu công vụ,

- Hộ chiếu chính thức,

- Hộ chiếu hàng hải.

2. Công dân của mỗi Bên ký kết mang các loại hộ chiếu quốc gia khác phải có thị thực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và tạm thời lưu lại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

III. CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 5.

Việc đi lại của công dân hai Bên ký kết phù hợp với những quy định của Hiệp định này có thể được thực hiện bằng mọi phương tiện giao thông qua các cửa khẩu dành cho sự giao lưu hành khách quốc tế.

Điều 6.

1. Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ trao đổi cho nhau mẫu hộ chiếu quốc gia.

2. Trong trường hợp thay đổi mẫu hộ chiếu quốc gia thì cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết thực hiện sự thay đổi đó sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia chậm nhất là 30 ngày trước khi đưa ra sử dụng.

Điều 7.

Công dân của một Bên ký kết mất hộ chiếu của mình trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia nơi xảy ra việc mất hộ chiếu. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp cho công dân đó một giấy chứng nhận về việc trình báo mất hộ chiếu. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân sẽ cấp hộ chiếu mới thay thế cho hộ chiếu đã mất.

Điều 8.

Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết thực hiện việc đăng ký hộ chiếu, gia hạn đăng ký, việc cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh, cũng như việc cấp giấy chứng nhận việc trình báo mất hộ chiếu không thu thuế hoặc lệ phí.

Điều 9.

Hai Bên ký kết có thể thỏa thuận đưa vào những điều bổ sung hoặc sửa đổi trong Hiệp định này. Các điều khoản bổ sung hoặc sửa đổi chỉ có hiệu lực khi hai Bên ký kết trao đổi công hàm cho nhau xác nhận sự đồng ý.

Điều 10.

1. Hiệp định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày trao đổi công hàm xác định việc hai Bên thực hiện Hiệp định.

2. Hiệp định này được ký kết với thời gian không hạn định. Nếu một Bên ký kết muốn đình chỉ hiệu lực của Hiệp định thì có thể thông báo cho Bên ký kết kia bằng công hàm. Trong trường hợp đó, Hiệp định này sẽ mất hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày Bên ký kết kia nhận được thông báo qua đường ngoại giao.

3. Khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ bãi bỏ các thỏa thuận bằng trao đổi công hàm về việc miễn thị thực giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cu-ba tiến hành tại Hà Nội ngày 27-11-1963 và 24-1-1964, giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cu-ba tiến hành tại La Ha-ba-na ngày 27-4-1972 và ngày 7-6-1972.

Làm tại Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1981 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Tây-ban-nha, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO




Nguyễn Cơ Thạch

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA CU-BA
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO





I-Xi-Đo-Ro Man-Mi-E-Ro-Ca Pe-O-Li

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về trường hợp miễn thị thực cho công dân hai nước giữa Việt Nam và Cu-ba

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 31/08/1981
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa Cuba
  • Người ký: Nguyễn Cơ Thạch, I-Xi-Đo-Ro Man-Mi-E-Ro-Ca Pe-O-Li
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản