Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 01/2009/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2009

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bê-la-rút về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, ký tại Hà Nội ngày 07 tháng 4 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 11 năm 2008.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-LA-RÚT VỀ HỢP TÁC VÀ HỖ TRỢ HÀNH CHÍNH LẪN NHAU TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa Bê-la-rút, sau đây gọi tắt là “các Bên” hoặc “Bên”;

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo tính và thu đúng các khoản thuế, phí và các khoản thu khác từ hàng hóa xuất nhập khẩu mà hải quan phải thực hiện, cũng như của việc thực hiện đúng đắn công tác quản lý về hải quan;

Nhận thấy rằng những vi phạm pháp luật hải quan gây phương hại đến lợi ích kinh tế, tài chính, xã hội của các quốc gia có liên quan cũng như các lợi ích thương mại chính đáng;

Nhận thấy rằng sự hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau giữa các Bên nhằm ngăn chặn những vi phạm pháp luật hải quan sẽ góp phần phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý về hải quan;

Trên cơ sở Khuyến nghị của Hội đồng hợp tác hải quan về hỗ trợ hành chính lẫn nhau ngày 05 tháng 12 năm 1953;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Theo Hiệp định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Pháp luật hải quan” có nghĩa là các luật và các quy định pháp lý khác liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, và quá cảnh hàng hóa hoặc các thủ tục hải quan khác, cũng như liên quan đến việc thu thuế, các loại phí và các khoản thu khác và việc áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế và kiểm soát của các Cơ quan Hải quan.

2. “Vi phạm”: là hành vi vi phạm hoặc cố tình vi phạm pháp luật hải quan.

3. “Cơ quan Hải quan” là:

- Tổng cục Hải quan Việt Nam tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Ủy ban Hải quan Quốc gia Bê-la-rút tại nước Cộng hòa Bê-la-rút.

4. “Cơ quan Hải quan yêu cầu” là Cơ quan Hải quan của Bên đưa ra yêu cầu hỗ trợ.

5. “Cơ quan Hải quan được yêu cầu” là Cơ quan Hải quan của Bên tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ.

6. “Thông tin” không kể những hình thức khác, là dữ liệu, các bản báo cáo, hồ sơ, tài liệu, bao gồm cả thông tin điện tử, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc không, được phép trao đổi theo pháp luật, ngoài trừ thông tin thuộc bí mật quốc gia.

7. “Người” được hiểu là cá nhân, tổ chức hoặc pháp nhân.

Điều 2. Phạm vi của Hiệp định

Trong khuôn khổ Hiệp định này, việc hợp tác hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa các Bên sẽ được thực hiện theo luật và quy định của Cơ quan hải quan được yêu cầu và trong phạm vi khả năng và thẩm quyền của Cơ quan Hải quan đó trong các lĩnh vực sau:

a) Ngăn chặn, phát hiện và trấn áp các vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm pháp luật quốc gia về hải quan của mỗi Bên;

b) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan Hải quan Bên kia, để phục vụ công tác quản lý và thực thi pháp luật hải quan;

c) Mở rộng nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp nghiệp vụ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động hải quan;

d) Đào tạo cán bộ và trao đổi thông tin nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn;

e) Đơn giản hóa các thủ tục hải quan;

f) Các lĩnh vực hợp tác khác theo thỏa thuận của các bên.

Điều 3. Trao đổi thông tin

Theo yêu cầu, Cơ quan Hải quan các Bên, trong thẩm quyền của mình sẽ cung cấp các thông tin, ngoại trừ thông tin thuộc bí mật quốc gia, trong các lĩnh vực sau:

1. Thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế và các khoản phí khác:

a) Việc thu thuế hải quan, thuế và lệ phí, các khoản thu khác của các Cơ quan Hải quan và đặc biệt là cung cấp thông tin có thể giúp xác định giá trị hải quan và áp mã thuế hàng hóa;

b) Áp dụng các quy tắc xuất xứ quốc gia.

2. Kiểm tra, giám sát hàng hóa:

a) Hàng nhập khẩu vào lãnh thổ quốc gia một Bên đã được xuất khẩu hợp pháp từ lãnh thổ quốc gia Bên kia;

b) Hàng được xuất khẩu từ lãnh thổ quốc gia của một Bên đã được nhập khẩu hợp pháp vào lãnh thổ quốc gia của Bên kia, và loại thủ tục hải quan, nếu có, áp dụng đối với hàng hóa được cung cấp;

c) Hàng hóa hưởng ưu đãi khi xuất khẩu từ lãnh thổ quốc gia một Bên được nhập khẩu hợp pháp vào lãnh thổ quốc gia Bên kia, tức là cung cấp thông tin về các biện pháp kiểm soát hải quan áp dụng cho hàng hóa đó;

d) Thực hiện các hình thức cấm và hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu.

3. Điều tra, chống buôn lậu và các vi phạm khác liên quan đến:

a) Người bị nghi ngờ vi phạm hoặc đã vi phạm liên quan đến việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quốc gia và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan trong lãnh thổ quốc gia Bên kia;

b) Hàng vận chuyển trái phép;

c) Phương tiện vận tải và công ten nơ đã, đang bị sử dụng vào việc vi phạm tại lãnh thổ của quốc gia Bên kia;

d) Các phương thức và phương tiện mới bị sử dụng vào việc vi phạm;

e) Hàng hóa thuộc diện dễ bị phạm pháp luật hải quan;

f) Các biện pháp kỹ thuật phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan, bao gồm những kinh nghiệm thu được qua việc áp dụng các kỹ thuật đó.

Điều 4. Thực hiện yêu cầu

1. Yêu cầu sẽ được thực hiện đầy đủ và trong thời hạn cho phép theo trình tự thủ tục phù hợp pháp luật quốc gia của Cơ quan Hải quan được yêu cầu.

2. Cơ quan Hải quan một Bên, trên cơ sở yêu cầu hoặc theo sáng kiến của mình, sẽ cung cấp cho Cơ quan Hải quan Bên kia các báo cáo, hồ sơ hoặc các bản sao tài liệu chứa đựng tất cả thông tin có được về các hoạt động, đã bị phát hiện hoặc đang trong kế hoạch, mà cấu thành hoặc có dấu hiệu cấu thành một vi phạm tại lãnh thổ của quốc gia Bên kia.

3. Nếu không có thông tin được yêu cầu, Cơ quan Hải quan được yêu cầu sẽ tìm kiếm thông tin đó bằng tất cả phương tiện sẵn có phù hợp với pháp luật hiện hành tại lãnh thổ của quốc gia mình và tìm kiếm thông tin đó như đang tìm kiếm thông tin đó cho chính mình.

4. Các tài liệu được cung cấp theo Hiệp định này có thể được thay thế bằng thông tin điện tử ở bất kỳ hình thức nào miễn là cùng mục đích. Tất cả thông tin liên quan đến việc giải thích hoặc sử dụng các tài liệu đó cần được cung cấp đồng thời.

Điều 5. Hình thức và nội dung yêu cầu

1. Hình thức:

a) Các yêu cầu bởi bất cứ Cơ quan Hải quan nào theo Hiệp định này phải được đưa ra bằng văn bản, kèm tài liệu liên quan (nếu có). Trong trường hợp khẩn cấp, yêu cầu bằng lời có thể được chấp nhận, nhưng ngày sau đó phải được khẳng định lại bằng văn bản;

b) Yêu cầu và tài liệu hỗ trợ sẽ được gửi kèm bản dịch ra ngôn ngữ chính thức của Cơ quan Hải quan được yêu cầu hoặc sang tiếng Anh;

c) Nếu một yêu cầu đưa ra không đáp ứng các quy định về hình thức thì có thể đề nghị sửa chữa hoặc hoàn chỉnh.

2. Nội dung:

Các yêu cầu được đề cập tại khoản 1 của Điều này bao gồm các thông tin sau:

a) Tên và địa chỉ của Cơ quan Hải quan yêu cầu;

b) Nhận dạng, xác định quốc tịch, địa chỉ và nghề nghiệp của những người có liên quan đến yêu cầu, nếu biết;

c) Mục đích của yêu cầu và miêu tả các hỗ trợ đang được yêu cầu;

d) Mô tả nội dung chính của vấn đề yêu cầu và những tài liệu cần thiết để thực hiện yêu cầu này.

Điều 6. Sử dụng thông tin và tài liệu

1. Thông tin, tài liệu và các nội dung trao đổi khác nhận được theo Hiệp định này chỉ được sử dụng cho những mục đích đã quy định trong Hiệp định này, trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản của Cơ quan Hải quan được yêu cầu. Những quy định này không áp dụng cho các trường hợp vi phạm liên quan đến ma túy, chất hướng thần và tiền chất. Những thông tin đó sẽ được chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền khác thuộc quốc gia của Cơ quan Hải quan được yêu cầu trực tiếp tham gia vào việc chống vận chuyển trái phép ma túy, các chất hướng thần và tiền chất đó.

2. Mọi thông tin hoặc tài liệu trao đổi do Cơ quan Hải quan của các Bên nhận được theo Hiệp định này sẽ không được chuyển cho bất cứ người thứ ba nào trừ trường hợp đã được quy định trong Hiệp định này và sẽ được coi là thông tin mật. Những thông tin đó sẽ được quản lý theo chế độ bảo mật chính thức và sẽ được bảo vệ như đối với thông tin và tài liệu cùng loại quy định bởi pháp luật hiện hành tại quốc gia của Bên nhận thông tin.

Điều 7. Kiểm soát hàng hóa và các phương tiện vận tải

Khi có thông tin về việc vi phạm hoặc chuẩn bị vi phạm pháp luật hải quan, Cơ quan Hải quan của một Bên, trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực của mình, trên cơ sở yêu cầu của Cơ quan Hải quan của Bên kia hoặc theo sáng kiến của mình, sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự kiểm soát đối với:

a) Hàng hóa được vận chuyển bởi người đã vi phạm hoặc bị nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan tại lãnh thổ quốc gia Bên đó;

b) Các phương tiện vận tải, bao gồm cả công-ten-nơ, được biết hoặc bị nghi ngờ được sử dụng vào việc vi phạm pháp luật hải quan tại lãnh thổ của quốc gia Bên kia;

c) Hàng hóa, theo pháp luật hải quan hiện hành tại lãnh thổ của quốc gia Bên kia được nhập khẩu vào hoặc được xuất khẩu bất hợp pháp từ lãnh thổ của quốc gia đó hoặc bị nghi ngờ đang được vận chuyển trái phép.

Điều 8. Hợp tác nghiệp vụ và phát triển nguồn nhân lực

Các Cơ quan Hải quan sẽ hợp tác với nhau trên cơ sở cùng có lợi trong các lĩnh vực sau:

1. Trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn liên quan đến hoạt động hải quan;

2. Trao đổi thông tin về pháp luật, chính sách và thủ tục tiên tiến cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới;

3. Tổ chức hội thảo chuyên đề, đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ hải quan;

4. Trao đổi chuyên gia, các đoàn cán bộ sang hội đàm và trao đổi kinh nghiệm.

Điều 9. Các trường hợp từ chối hỗ trợ

1. Yêu cầu hỗ trợ có thể bị Cơ quan Hải quan được yêu cầu từ chối một phần hoặc toàn bộ nếu:

a) Cơ quan Hải quan được yêu cầu cho rằng việc thực hiện yêu cầu này sẽ gây phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hoặc những lợi ích quốc gia khác; hoặc

b) Cơ quan Hải quan được yêu cầu cho rằng việc thực hiện yêu cầu này sẽ dẫn tới những xâm phạm bí mật công nghiệp, thương mại hoặc nghề nghiệp trong lãnh thổ của quốc gia Bên đó.

2. Trước khi từ chối hỗ trợ, Cơ quan Hải quan được yêu cầu có thể xem xét khả năng có đưa ra hỗ trợ kèm theo một số điều kiện hoặc yêu cầu nếu thấy cần thiết. Nếu Bên yêu cầu chấp nhận sự hỗ trợ kèm theo những yêu cầu hoặc điều kiện đó thì sẽ phải tuân thủ chúng.

3. Nếu Cơ quan Hải quan được yêu cầu không thể đáp ứng một yêu cầu hỗ trợ thì phải thông báo ngay lập tức cho Cơ quan Hải quan yêu cầu và không cần trình bày lý do từ chối.

4. Nếu một Cơ quan Hải quan yêu cầu hỗ trợ nhưng bản thân họ không đáp ứng được một yêu cầu tương tự từ Cơ quan Hải quan kia thì sẽ phải đề cập đến điều đó trong yêu cầu của mình. Cơ quan Hải quan được yêu cầu có toàn quyền quyết định có đáp ứng yêu cầu đó hay không.

Điều 10. Chi phí

1. Chi phí phát sinh đối với Cơ quan Hải quan được yêu cầu trong quá trình thực hiện yêu cầu hỗ trợ theo Hiệp định này sẽ do Bên được yêu cầu chi trả

2. Chi phí phát sinh trong vấn đề hợp tác nghiệp vụ được đề cập tại Điều 8 của Hiệp định này sẽ được dàn xếp theo thỏa thuận riêng giữa các Cơ quan Hải quan.

Điều 11. Thực hiện Hiệp định

Việc thực hiện Hiệp định này giao cho các Cơ quan Hải quan của các Bên, các cơ quan này cùng thống nhất về phương thức thực hiện cụ thể và liên lạc trực tiếp với nhau.

Các Bên sẽ cùng nhau cố gắng giải quyết bằng đồng thuận mọi bất đồng phát sinh trong việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này.

Điều 12. Điều khoản cuối cùng

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo cuối cùng qua đường ngoại giao theo đó các Bên thông báo chính thức cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục trong nước để Hiệp định này có hiệu lực.

2. Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung với sự nhất trí bằng văn bản của các Bên. Nội dung sửa đổi hay bổ sung sẽ trở thành một phần không thể tách rời của Hiệp định này.

3. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn và sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày một Bên nhận được thông báo bằng văn bản của Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.

4. Hiệp định này hoặc bất kỳ hành động nào thực hiện theo Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong bất kỳ một hiệp định hay công ước quốc tế nào mà các Bên là thành viên.

Làm tại Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2008, thành hai bản gốc, bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau về các điều khoản của Hiệp định này thì văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Trần Xuân Hà

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA
BÊ-LA-RÚT
CHỦ NHIỆM ỦY BAN HẢI QUAN NHÀ NƯỚC




A.Ph.Xpi-li-ép-xki

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bê-la-rút

  • Số hiệu: 01/2009/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 07/04/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Belarus
  • Người ký: Trần Xuân Hà, A.Ph.Xpi-li-ép-xki
  • Ngày công báo: 27/02/2009
  • Số công báo: Từ số 133 đến số 134
  • Ngày hiệu lực: 25/11/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản