Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220/KHLN-BVCSTE-LĐTBXH-CA | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 1999 |
KẾ HOẠCH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH UỶ BAN BVCS TRẺ EM VIỆT NAM BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ CÔNG AN SỐ 220/KHLN-BVCSTE-LĐTBXH-CA NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 1999 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 134/1999/QĐ-TTG VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT GIAI ĐOẠN 1999-2002
Ngày 31/5/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002.
Để thực hiện Quyết định này, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an thống nhất kế hoạch phối hợp liên ngành tổ chức triển khai thực hiện như sau:
1. Quán triệt sâu sắc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về những mục tiêu cơ bản, mục tiêu cụ thể của Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
2. Phân định rõ ràng trách nhiệm của từng Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp đặc biệt là vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm hại trẻ em.
3. Xác lập cơ chế hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trước tiên là giữa cơ quan thường trực với các Bộ, ngành, các đoàn thể có liên quan thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình hành động: tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em; ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giải quyết cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, trẻ em bị xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, trẻ em vi phạm pháp luật.
Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không phải là một chương trình mục tiêu về một vấn đề riêng biệt, độc lập do một Bộ, ngành nào quản lý mà nó được xác định là một chương trình tổng hợp đề cập nhiều đối tượng trẻ em (lang thang kiếm sống, lao động làm thuê, sử dụng ma tuý, bị xâm hại...). Nội dung hoạt động liên quan với các chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương; công tác chỉ đạo liên quan đến nhiều Bộ, ngành ở cấp Trung ương và nhiều ban, ngành, đoàn thể ở cấp địa phương. Vì vậy để đạt được mục tiêu và hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở cần phối hợp hành động, lồng ghép các mục tiêu, nội dung, biện pháp, nguồn lực của Chương trình này với các chương trình quốc gia khác như: Chương trình xoá đói giảm nghèo; Chương trình giải quyết việc làm; Chương trình phòng chống ma tuý; Phòng, chống HIV/AIDS; Chương trình phổ cập tiểu học, xoá mù chữ; Chương trình phòng chống tội phạm trong đó có phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...
Ngoài trách nhiệm riêng của chuyên ngành theo từng đề án được Chính phủ phân công, các ngành, các tổ chức là thành viên trong Ban điều hành ở trung ương cũng như địa phương, các cấp cùng cam kết phối hợp đồng bộ trong các hoạt động: Truyền thống, giáo dục, vận động xã hội; điều tra, khảm sát; Tập huấn đào tạo cán bộ; Cung cấp thông tin; Tư vấn phối hợp giải quyết chính sách và Kiểm tra, giám sát, đánh giá v.v...
1. Hoạt động truyền thống:
a. Nội dung truyền thống:
- Tuyên truyền Quyết định số 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các mục tiêu, giải pháp của Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tuyên truyền tác hại của các tệ nạn xã hội xâm hại trẻ em, trách nhiệm của các ngành, các cấp nhất là vai trò của gia đình và cộng đồng trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
- Tuyên truyền gương điển hình tập thể, cá nhân, biểu dương những người có thành tích bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tuyên truyền Công ước Quốc tế quyền trẻ em, Luật BVCSGDTE, các chủ trương chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em.
b. Về hình thức, phương pháp tuyên truyền.
Hàng năm, thống nhất từ Trung ương đến địa phương tổ chức thành chiến dịch truyền thông BVCSTE nhân tháng hành động vì trẻ em (15/5 -30/6), Tết Trung thu.
- Phối hợp giữa các trung tâm truyền thông vận động xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Uỷ ban BVCSTE, các báo, tạp chí, các buổi phát thanh chuyên ngành trên đài phát thanh truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương - địa phương, tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, cộng đồng.
- Phối hợp in ấn các bộ tài liệu: sách cẩm mang bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em cho gia đình, sổ tay pháp luật, các băng hình, băng cátset, giới thiệu các điểm hình tốt.
- Tổ chức các cuộc thi, hội thi chủ đề bảo về chăm sóc trẻ em, gia đình với trẻ em, tìm hiểu luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em v.v...
c. Phối hợp chương trình nội dung bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ trẻ em xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên BVCSTE từ Trung ương đến địa phương.
2. Phối hợp điều tra khảo sát:
a. Điều tra khảo sát nắm chắc tình hình các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên cùng một địa bàn.
b. Lồng ghép các nội dung, tiêu chí điều tra của 5 đề án để giảm sự trùng chéo, lãng phí.
c. Thống nhất các biểu mẫu báo cáo thống kê về tình hình trẻ em thông qua các cộng tác viên ở cơ sở.
3. Phối hợp nội dung chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ.
- UBBV&CSTE: biên tập các tài liệu về tư pháp với người chưa thành niên, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tư vấn với trẻ em, công tác xã hội với trẻ em.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: biên tập các tài liệu về luật pháp, chính sách xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm phạm trẻ em.
- Bộ Công an: biên tập các loại tài liệu về nghiệp vụ phòng ngừa người lớn vi phạm quyền trẻ em, phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật; những điển hình tốt trong quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật.
- UBBVCSTEVN phối hợp với Bộ Công an; Bộ LĐTBXH đào tạo giảng viên cho cấp tỉnh, tỉnh đào tạo giảng viên cho huyện và cơ sở. Ngoài ra các ngành cần đưa các nội dung huấn luyện của các dự án vào chương trình huấn luyện của các trường thuộc ngành quản lý và các trường của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội.
4. Tiếp cận, tư vấn, can thiệp và giải quyết chính sách
- UBBV&CSTE: sử dụng các kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn để tư vấn cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tư vấn cho gia đình tại cộng đồng và tại văn phòng tư vấn; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, phát động quần chúng đấu tranh phát hiện và tố giác các hành vi xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
- Ngành Lao động - TBXH: Tổ chức cai nghiện, phục hồi nhân phẩm cho những người chưa thành niên bị nghiện ma tuý, mại dâm, chữa trị và dạy nghề, hỗ trợ việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Giúp đỡ những trẻ em, người chưa thành niên ở các trường giáo dưỡng, trại giam đã tiến bộ về hoà nhập cộng đồng, tạo điều kiện công ăn việc làm.
- Ngành Công an: Tổ chức công tác phòng ngừa bằng các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an phối hợp với ngành giáo dục, các doàn thể, gia đình phát hiện sớm những trẻ em có biểu hiện chán học, bỏ học, những trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật để giáo dục, quản lý giúp đỡ tại cộng đồng.
Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng, người chưa thành niên trong các trại giam v.v...
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm trong lứa tuổi người chưa thành niên.
5. Phối hợp kiểm tra giám sát thực hiện chương trình:
- Phối hợp hệ thống theo dõi giám sát giữa các ngành Công an, Lao động - TBXH và UBBV&CSTE từ cơ sở đến Trung ương.
- Nội dung theo dõi giám sát: theo dõi các chỉ số về quyền trẻ em, theo dõi thực hiện các mục tiêu của từng đề án trong chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gắn với các chương chình mục tiêu quốc gia: Phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, phòng chống tội phạm v.v.., trên địa bàn dân cư.
- UBBV&CSTE chủ trì phối hợp với các ngành có kế hoạch kiểm tra liên ngành để đánh giá giữa kỳ vào năm 2000 và cuối kỳ vào năm 2002.
III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
1. Từ Trung ương đến địa phương có Ban điều hành chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 sau đây gọi tắt là "Ban điều hành 134".
a. Ở Trung ương: Trưởng Ban điều hành 134 là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Uỷ viên là các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an (1 đ/c), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (1 đ/c) và một Phó Chủ nhiệm UBBV&CSTE là thường trực Ban điều hành.
b. Ở địa phương: Trưởng Ban điều hành 134 là đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; uỷ viên là Lãnh đạo Công an, Lao động - TBXH và UBBV&CSTE cùng cấp tham gia, được lồng ghép với ban chỉ đạo các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Nhiệm vụ của Ban điều hành:
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn địa phương phối hợp thực hiện.
- Giúp Chính phủ kiểm tra, giám sát việc thực hiện 5 đề án của Chương trình hành động để hoàn thành mục tiêu của Chương trình hành động.
- Xác định những mục tiêu ưu tiên, những địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, có sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm trong từng thời gian.
- Bảo đảm chế độ thu thập tình hình, báo cáo thường xuyên với Ban điều hành 134 Trung ương; 6 tháng, 1 năm Ban Điều hành 134 Trung ương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo đánh giá giữa kỳ, báo cáo tổng kết cuối kỳ.
3. Về kinh phí hoạt động:
Căn cứ vào Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg và Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 ở Trung ương: các Bộ, ngành xây dựng nội dung hoạt động của 5 đề án thành phần kèm theo dự toán kinh phí từ nay đến 2002 đưa vào kế hoạch hàng năm của Bộ, ngành bao gồm cả phần lồng ghép mục tiêu bảo vệ trẻ em vào các chương trình kinh tế - xã hội do bộ, ngành quản lý và kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm.
Ở địa phương: Căn cứ vào những vấn đề bức xúc nhất của trẻ em xây dựng chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của từng cấp cho sát thực, kèm theo kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách vận động và sự đóng góp của cộng đồng.
Để bổ sung nguồn lực cho các hoạt động của 5 đề án: các Bộ, ngành chủ trì đề án phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam tăng cường các hoạt động hợp tác Quốc tế với các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ huy động nguồn tài trợ cho các hoạt động của đề án.
Trên đây là bản kế hoạch phối hợp hành động liên ngành nhằm thực hiện Quyết định số 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Lãnh đạo Bộ Lao động -TBXH, Bộ Công an và UBBV&CSTE nhất trí thông qua.
Đàm Hữu Đắc (Đã ký) | Lê Thế Tiệm (Đã ký)
| Phùng Ngọc Hùng (Đã ký) |
- 1Quyết định 134/1999/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 292/BVCSTE-BVTE năm 2012 về hướng dẫn xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình thuộc Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Công văn triển khai thực hiện Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg và chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002
- Số hiệu: 220/KHLN-BVCSTE-LĐTBXH-CA
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/09/1999
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam
- Người ký: Đàm Hữu Đắc, Lê Thế Tiệm, Phùng Ngọc Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra