BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 913/TP/LS-TVPL | Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2002 |
Kính gửi: Các Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 05/8/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 356b/2002/QĐ-BT về việc ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Cùng với các quy định của pháp luật về luật sư thì việc ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế luật sư ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Nghề luật sư là một nghề đặc biệt. Hoạt động của luật sư không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân mà còn liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với luật sư không chỉ đòi hỏi về mặt chuyên môn mà về đạo đức nghề nghiệp cũng đòi hỏi rất cao. Nghề luật sư là một nghề tự do, các luật sư độc lập trong hành nghề, tự chịu trách nhiệm về việc hành nghề của mình theo quy định của pháp luật. Để hướng các hành vi ứng xử của luật sư theo những chuẩn mực, xuất phát từ yêu cầu khách quan của hoạt động nghề nghiệp, thì bên cạnh yêu cầu tuân thủ pháp luật, việc tuân theo các quy tắc ứng xử nói chung và quy tắc đạo đức nghề nghiệp là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, không thể thiếu được đối với các luật sư.
Qua thực tiễn về tổ chức, hoạt động luật sư ở nước ta cho thấy: văn bản pháp luật của nhà nước không thể điều chỉnh hết mọi quan hệ, mọi khía cạnh của nghề luật sư. Vì vậy, việc ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư là rất quan trọng bởi nghề luật sư từ lậu đã được xã hội đề cao và tôn trọng.
Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư được xây dựng trên những quan điểm, định hướng như phát huy truyền thống tốt đẹp về đạo đức con người của dân tộc Việt Nam; phù hợp với trình độ chuyên môn, việc hành nghề của đội ngũ luật sư Việt Nam; phù hợp với thông lệ quốc tế về nghề luật sư. Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư có nội dung cô đọng, chỉ quy định những quy tắc cơ bản và cần thiết nhất, là cơ sở để các Đoàn luật sư cụ thể hoá những quy tắc này thành bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư áo dụng cho các luật sư thành viên của Đoàn mình. Bản Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư của các Đoàn luật sư là thước đo phẩm chất của luật sư. Luật sư phải tuân theo các quy tắc này, đồng thời lấy đó làm tiêu chuẩn tự tu dưỡng, rèn luyện mình.
Để triển khai thi hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư, Bộ Tư pháp yêu cầu các Đoàn luật sư thực hiện một số công việc sau đây:
1. Ngay sau khi nhân được bản Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư, Ban Chủ nhiệm các Đoàn luật sư tổ chức quán triệt, phổ biến Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư cho các luật sư trong Đoàn.
2. Thành lập một Ban soạn thảo (bao gồm Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và một số luật sư có uy tín và trình độ chuyên môn) để nghiên cứu, soạn thảo Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư của Đoàn dựa trên cơ sở triển khai các quy tắc trong bản Quy tắc mẫu. Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư của Đoàn luật sư cần quy định một cách chi tiết, không chỉ những quy tắc đạo đức, mà cả những quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong các tình huống cụ thể.
3. Tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư để thông qua Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Các Đoàn luật sư cần có lịch trình cụ thể để xây dựng và ban hành sớm Bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp chi tiết của Đoàn mình tuỳ theo điều kiện của mỗi Đoàn luật sư. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị Đoàn luật sư phản ảnh ngay để Bộ Tư pháp có hướng dẫn kịp thời.
| T/L BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 356b/2002/QĐ-BT
| Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Pháp lệnh luật sư năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 94/2001/NĐ/CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư;
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý luật sư, tư vấn pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Căn cứ vào Quy tắc mẫu này, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quy tắc về đạo đức nghề nghiệp luật sư áp dụng đối với luật sư của Đoàn mình.
Điều 2. Luật sư có nghĩa vụ tuân theo các quy tắc đạo đực nghề nghiệp luật sư trong hành nghề; nếu vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức mà Điều lệ Đoàn luật sư quy định.
Điều 3. Đoàn luật sư có nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho luật sư, giám sát, kiểm tra luật sư nhằm bảo đảm việc tuân theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư trong Đoàn; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong hoạt động luật sư; xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những luật sư vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Vụ trưởng Vụ quản lý luật sư, tư vấn pháp luật có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
QUY TẮC
MẪU VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 356b/2002/QĐ-BT ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
LỜI NÓI ĐẦU
Chức năng xã hội cao cả của luật sư là tham gia bảo vệ công lý, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa thông qua việc tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác.
Để hoàn thành chức năng xã hội cao cả đó, luật sư không những phải là người tự mình nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật, mà còn có bổn phận tự giác chấp hành các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề và giao tiếp xã hội.
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quy định những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề và trong lối sống, là thước đo phẩm chất đạo đức của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy đây làm chuẩn mực cho sự tu dưỡng, rèn luyện, qua đó giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội.
Chương 1
YÊU CẦU CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ
Quy tắc 1. Giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp
Luật sư luôn giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp; không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt chức năng nghề nghiệp của luật sư, tôn vinh nghề nghiệp của luật sư.
Quy tắc 2. Độc lập, trung thực và khách quan
Luật sư độc lập, trung thực và tận tuỵ trong hành nghề; không vì bất kỳ lợi ích vật chất, tinh thần hoặc áp lực nào khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.
Quy tắc 3. Văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống
Luật sư ứng xử đúng mực, có văn hoá trong hành nghề và trong lối sống để luôn tạo được sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.
Quy tắc 4. Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Nghĩa vụ cao cả của luật sư là tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách.
2. Luật sư tận tâm, tích cực thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý như đối với các vụ việc có thù lao.
Chương 2
QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG
Quy tắc 5. Nhận và thực hiện vụ việc
1. Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng.
2. Khi nhận vụ việc, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
3. Luật sư có trách nhiệm bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
4. Luật sư không chuyển giao vụ việc mà mình đang đảm nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.
5. Luật sư tích cực, khẩn trương giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo về tiến trình công việc để khách hàng có quyết định kịp thời.
6. Trong khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không chạy theo lợi ích vật chất, xem đó như là mục tiêu duy nhất của hành nghề luật sư.
7. Luật sư không từ chối thực hiện vụ việc đã đảm nhận, trừ trường hợp mâu thuẫn về quyền lợi được quy định tại Quy tắc 6 và trường hợp bất khả kháng.
Quy tắc 6. ứng xử của luật sư trong trường hợp có mâu thuẫn về quyền lợi giữa các khách hàng
1. Luật sư không nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho hai hoặc nhiều khách hàng trong cùng một vụ việc, khi quyền lợi của các khách hàng đó đối lập nhau.
2. Luật sư không nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nếu những người thân thích của luật sư đang thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý.
Quy tắc 7. Từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý
Luật sư từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý nếu yêu cầu của khách hàng không có căn cứ, hoặc vi phạm pháp luật, hoặc trái đạo đức xã hội.
Quy tắc 8. Đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý
1. Luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý đang đảm nhận khi có cơ sở tin rằng khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
2. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, luật sư thông báo cho khách hàng trong một thời hạn hợp lý để khách hàng có thể tìm luật sư khác thực hiện dịch vụ pháp lý cho mình, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý đã đảm nhận.
Quy tắc 9. Bí mật thông tin
1. Luật sư không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng khi không được khách hàng đồng ý.
2. Luật sự có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên của mình cũng không tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng của mình.
Quy tắc 10. Những việc luật sư không được làm
1. Luật sư không tham gia các hoạt động kinh doanh mà có thể ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của nghề luật sư.
2. Luật sư không thực hiện các hoạt động kinh doanh cùng với khách hàng trong khi hành nghề; không sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trong khi hành nghề.
3. Luật sư không soạn thảo hợp đồng tặng cho tài sản của khách hàng cho chính luật sư hoặc cho những người thân thích của luật sư.
4. Luật sư không nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người khác để thực hiện hoặc không thực hiện vụ việc, nếu việc đó có thể gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.
5. Luật sư không sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích cá nhân.
6. Luật sư không thuê người môi giới công việc cho mình.
7. Luật sư không hứa hẹn trước kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc tăng mức thù lao.
8. Luật sư không đòi hỏi từ khách hàng hoặc người có quyền, lợi ích liên quan với khách hàng bất kỳ khoản chi thêm hoặc tặng vật nào ngoài khoản thù lao đã thoả thuận với khách hàng.
9. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, luật sư không nhận từ đối tượng được trợ giúp pháp lý bất kỳ khoản tiền hoặc lợi nhuận vật chất nào.
Chương 3
QUAN HỆ CỦA LUẬT SƯ VỚI CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÁC
Quy tắc 11. ứng xử của luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác
Luật sư nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước khác; có thái độ lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng và công chức nhà nước khác mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề.
Quy tắc 12. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác
1. Luật sư không móc nối hoặc trực tiếp quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, công chức nhà nước khác nhằm mục đích lôi kéo họ vào việc làm trái quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc.
2. Luật sư không cung cấp thông tin, chứng cứ mà luật sư nghi ngờ là sai sự thật.
3. Luật sư không tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những thủ đoạn bất hợp pháp nhằm trì hoãn hoặc kéo dài việc giải quyết vụ việc.
4. Luật sư không phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước khác.
Chương 4
QUAN HỆ ĐỒNG NGHIỆP
Quy tắc 13. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
1. Luật sư có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. Việc góp ý, phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách khách quan, đúng nơi, đúng lúc và trên tinh thần xây dựng.
2. Luật sư có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống.
Quy tắc 14. Những việc luật sư không làm trong quan hệ với đồng nghiệp
1. Luật sư không xúc phạm hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp.
2. Luật sư không có hành vi gây áp lực, đe doạ hoặc sử dụng các thủ đoạn xấu khác đối với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề.
3. Luật sư không thông đồng với luật sư của khách hàng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính.
Công văn số 913/TP/LS-TVPL ngày 26/08/2002 của Bộ Tư pháp về việc thi hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư
- Số hiệu: 913/TP/LS-TVPL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/08/2002
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Nguyễn Văn Thảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/08/2002
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực