Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 781/BGDĐT-GDTrH
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại chất lượng sách giáo khoa để đảm bảo chuẩn thực hiện chương trình cải cách giáo dục đạt hiệu quả cao nhất; nên tổ chức đánh giá kết quả việc dạy và học trực tuyến để có kế hoạch, chương trình giảng dạy phù hợp, đạt kết quả cao trong thời gian tới (Câu 23).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn quan tâm của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Về vấn đề này, Bộ GDĐT trả lời như sau:

1. Về việc rà soát chất lượng sách giáo khoa để đảm bảo chuẩn thực hiện chương trình cải cách giáo dục đạt hiệu quả cao nhất

Bản mẫu sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để các địa phương lựa chọn và sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đã trải qua quá trình biên soạn, rà soát kĩ càng và bảo đảm chất lượng. Cụ thể như:

- Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản đã tổ chức dạy thử nghiệm (tỷ lệ các bài học được thử nghiệm khoảng 20% tổng số bài học); tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông.

- Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đọc và nhận xét từng bài học trong bản mẫu sách giáo khoa, thảo luận với các tác giả và xin ý kiến các chuyên gia về những nội dung trong sách giáo khoa còn có những cách hiểu khác nhau.

- Trong quá trình thẩm định, bản mẫu sách giáo khoa được tổ chức xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên các trường đại học sư phạm và giáo viên trên phạm vi cả nước (10 giáo viên mỗi môn học/cấp học/Sở Giáo dục và Đào tạo) góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa. Kết quả góp ý đã được các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu, thảo luận xây dựng thành văn bản gửi các nhà xuất bản để sửa chữa.

Đồng thời, sách giáo khoa sẽ tiếp tục được rà soát trong quá trình sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nếu có những sai sót sẽ tiếp tục được chỉnh sửa. Trong thời gian qua, Bộ đã kịp thời chỉ đạo các NXB chỉnh sửa, hoàn thiện, khắc phục một số nội dung được phản ánh còn chưa phù hợp với đối tượng học sinh; đồng thời giao các NXB chủ động rà soát các SGK khác để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót (nếu có) để nâng cao hơn nữa chất lượng SGK[1].

2. Về việc tổ chức đánh giá kết quả việc dạy và học trực tuyến để có kế hoạch, chương trình giảng dạy phù hợp, đạt kết quả cao trong thời gian tới

Để tiếp tục chỉ đạo, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình như là một giải pháp mang tính chiến lược kết hợp với dạy học trực tiếp trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện chuyển đổi số, Bộ đang tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình đối với các đối tượng học sinh về việc triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương, cơ sở giáo dục tại đại phương; điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương: hạ tầng kĩ thuật (mạng Internet, sóng truyền hình, máy tính, điện thoại, tivi, phần mềm dạy học); học liệu dạy học trực tuyến; tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh, học viên về dạy học trực tuyến; hiệu quả tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương: tỷ lệ học sinh, học viên được học trực tuyến, học qua truyền hình; hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá; tỷ lệ chương trình đã được dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì trong dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; giải pháp hỗ trợ, bù đắp kiến thức cho học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên trở lại trường để học tập trực tiếp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- BT, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của QH;
- Vụ Tổng hợp, VPQH;
- Các Thứ trưởng;
- Vụ GDTH, Cục CNTT;
- Lưu: VT, GDTrH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 



[1] Công văn số 5240/BGDĐT-GDTH ngày 03/12/2020 về việc điều chỉnh ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Điều thuộc NXBTPHCM; Công văn số 5340/BGDĐT-GDTH ngày 08/12/2020 về việc chỉ đạo các nhà xuất bản có SGK cần chỉnh sửa khi tái bản phục vụ năm học mới; Công văn số 547/BGDĐT-GDTH ngày 05/02/2021 về việc điều chỉnh nsử liệu SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc các bộ sách của NXBGDVN.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 781/BGDĐT-GDTrH năm 2022 rà soát lại chất lượng sách giáo khoa để đảm bảo chuẩn thực hiện chương trình cải cách giáo dục đạt hiệu quả cao nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 781/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản