Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6386/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc thực hiện Thông tư số 191/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan thành phố Hà Nội;
- Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh;
- Công ty CPN DHL- VNPT (Hiệp hội CAPEC).
(đ/c: 06 Thăng Long, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh)

Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của các đơn vị khi triển khai thực hiện Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính, về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Hệ thống phản hồi chậm (cụ thể một số tờ khai Công ty DHL gửi Tổng cục Hải quan).

Qua rà soát các tờ khai phản hồi chậm, các lỗi thường gặp là:

+ Doanh nghiệp đã nộp tiền kí quỹ nhưng hiện tại tiền kí quỹ chưa về đến tài khoản của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh. Đối với doanh nghiệp chuyển phát nhanh thì cho rằng đã nộp tiền vào ngân hàng là hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên số tiền này phải qua các khâu nghiệp vụ liên quan mới đến được tài khoản của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh.

+ Doanh nghiệp khai báo trên tờ khai không khai báo chỉ tiêu thông tin về người nộp thuế là doanh nghiệp chuyển phát nhanh hoặc khai nhầm mã số thông tin người nộp thuế vì vậy các tờ khai này khi chuyển đến hệ thống kế toán mặc định phải chờ người nhập khẩu (chủ hàng hóa) nộp thuế chứ không tự động trừ lùi tiền kí quỹ của doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Các trường hợp này doanh nghiệp có khai bổ sung thì hệ thống vẫn không tự động trừ lùi mà phải nhờ đến bộ phận hỗ trợ để can thiệp.

Vì vậy, để khắc phục được tình trạng hệ thống phản hồi chậm doanh nghiệp chuyển phát nhanh cần chủ động thực hiện:

- Chủ động về thời gian nộp tiền kí quỹ tránh tình trạng tiền kí quỹ chưa về đến tài khoản của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh để thực hiện trừ lùi tiền thuế, lệ phí.

- Đối với các tờ khai khai báo nhầm mã số thông tin của người nộp thuế thì sau khi khai bổ sung cần gọi điện đến bộ phận hỗ trợ của Tổng cục Hải quan để được xử lý tự động trừ lùi tiền thuế, phí.

2. Hệ thống không tự động trừ lùi tiền thuế sau khi tiền đã vào tài khoản tạm ứng

Vướng mắc của cơ quan hải quan và doanh nghiệp chuyển phát nhanh: Các tờ khai có thuế bị treo do tiền vào tài khoản tạm ứng bị trễ vì các nguyên nhân khác nhau, sau khi bộ phận thuế của Chi cục xác nhận đã có tiền trong tài khoản nhưng hệ thống vẫn không tự động trừ thuế cho các tờ khai còn bị treo.

Đối với vướng mắc này Tổng cục Hải quan đã khắc phục trên hệ thống.

3. Chưa thực hiện trừ lùi được lệ phí hải quan

Vướng mắc của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh: khi cơ quan hải quan nhập tiền lệ phí vào hệ thống thì hệ thống tự động hiểu tờ khai có trước trừ trước nên dẫn đến hiện tượng một số tờ khai đã nhập tiền lệ phí nên vẫn bị treo trên hệ thống là chưa nhập tiền lệ phí.

Ngày 12/4/2017, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp hệ thống kế toán tập trung để tự động thanh toán tiền lệ phí trên cơ sở đặt cọc của doanh nghiệp chuyển phát nhanh.

4. Việc sử dụng mã tạm “9999999999-998” để khai báo

Vướng mắc của cơ quan hải quan: Khi sử dụng mã tạm để khai báo trên hệ thống sẽ thể hiện tên người XNK là “Cá nhân - Tổ chức không có mã số thuế” mà không thể hiện đúng tên người XNK dẫn đến việc không theo dõi được thông tin của cá nhân nhập khẩu, không theo dõi được việc số lần nhập khẩu miễn thuế của cá nhân.

Đối với vướng mắc này, hiện tại hệ thống đã mặc định đối với mã tạm khi khai báo nên không thể thực hiện sửa thông tin về người xuất nhập khẩu theo đúng người xuất nhập khẩu không có mã số thuế mà tờ khai nào cũng thể hiện thông tin “Cá nhân- Tổ chức không có mã số thuế”, vì vậy, đề nghị doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong quá trình khai báo ghi rõ thông tin về tên người nhận hàng (người nhập khẩu) và địa chỉ tại ô ghi chú (phần ghi chú) số thứ tự 30 phần A, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 để đảm bảo việc theo dõi, quản lý của doanh nghiệp chuyển phát nhanh cũng như của cơ quan hải quan.

5. Thời gian thông quan đối với một tờ khai có thuế còn kéo dài

Vướng mắc của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh là thời gian thông quan đối với một tờ khai có thuế còn kéo dài trung bình 4-7 phút / tờ khai, một số trường hợp còn dài hơn.

Do yêu cầu quản lý theo Thông tư 191/2016/TT-BTC phát sinh sau khi thiết kế hệ thống VNACCS do đó việc xử lý trên hệ thống VNACCS và hệ thống kế toán tập trung có độ trễ nhất định. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc trên để nâng cấp hệ thống trong thời gian tới.

6. Không khai báo được trong thời gian từ 3:00-6:00 sáng chủ nhật hàng tuần

Theo phản ánh của doanh nghiệp chuyển phát nhanh  và cơ quan hải quan thì vào thời điểm 3-6 giờ sáng chủ nhật hệ thống thường gặp sự cố và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh không thể thực hiện khai báo vào khung giờ trên, ảnh hưởng đến quá trình thông quan.

Căn cứ điểm 2.1 Điều 20 Quyết định 883/2015/QĐ-TCHQ ngày 26/3/2015 của Tổng cục Hải quan: “Bảo trì hệ thống VNACCS/VCIS sẽ thực hiện định kỳ hàng tuần (từ 3:00 - 6:00 vào sáng chủ nhật hàng tuần)” do đó khoảng thời gian này hệ thống tạm dừng tiếp nhận thông tin khai báo của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Hệ thống VNACCS chưa tiếp nhận khai báo một số đồng tiền ngoại tệ

Vướng mắc của doanh nghiệp chuyển phát nhanh: Một số đồng ngoại tệ chưa phổ biến như: WON, SFR, NZD... và một số đồng ngoại tệ ít phổ biến khác hệ thống chưa tiếp nhận khi khai báo dẫn đến cho doanh nghiệp nhiều khó khăn trong việc khai báo.

Tính đến thời điểm hiện tại thì các đồng tiền sau đã được bổ sung vào hệ thống:

- Đồng WON của Hàn Quốc có mã đơn vị tiền tệ là KHR;

- Đồng SFR là đồng phơ răng Thụy Sỹ có mã đơn vị tiền tệ là CHF;

- Đồng NZD là đồng Đô la Newzealand.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì: “Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại c phần Ngoại thương Việt Nam công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố. Đối với các ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá chéo thì xác định theo nguyên tắc tính chéo giữa tỉ giá đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là tỷ giá được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.”

Do đó, đối với tất cả các ngoại tệ ít phổ biến và chưa được hệ thống hỗ trợ, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015.

8. In và lưu trữ tờ khai hải quan

Vướng mắc của Công ty DHL trung bình tại thành phố Hồ Chí Minh 01 ngày có khoảng 250 - 300 tờ khai và tại Hà Nội khoảng 50 -60 tờ khai được phân vào luồng vàng và luồng đỏ, vì vậy, theo công văn số 5672/TCHQ-GSQL ngày 17/6/2016 thì lượng tờ khai lưu trữ rất lớn, trong khi đó doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã gửi toàn bộ hồ sơ vào hệ thống VNACCS.

Trường hợp doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã gửi chứng từ điện tử, hồ sơ hải quan điện tử đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan theo quy định thì cơ quan hải quan, doanh nghiệp chuyển phát nhanh không cần in tờ khai để lưu trữ cùng hồ sơ hải quan.

9. Hướng dẫn Điều 5 Thông tư 191/2015/TT-BTC

Ý kiến của Hiệp hội CAPEC hiện chưa có E-manifiest hàng không nên doanh nghiệp chuyển phát nhanh không biết thực hiện Điều 5 Thông tư 191/2016/TT-BTC như thế nào?

Tại khoản 7, 8 Điều 5 quy định:

“7. Cung cấp thông tin trước về Bản lược khai hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 18 và Điều 20 Thông tư số 42/2015/TT-BTC

8. Cung cấp bản lược khai hàng hóa nhập khẩu (bản giấy) cho cơ quan hải quan đối với trường hợp chưa kết nối với hệ thống.

Hiện tại, đề nghị các doanh nghiệp chuyển phát nhanh cung cấp trước khi hàng đến bản lược khai hàng hóa theo mẫu hiện có của doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến trên của Hiệp hội CAPEC để hướng dẫn cụ thể các thông tin về bản lược khai hàng hóa khi sửa đổi, bổ sung Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính.

10. Sự sai khác giữa khai báo và thực tế xuất khẩu, nhập khẩu

a) Vướng mắc của cơ quan hải quan và doanh nghiệp chuyển phát nhanh như sau:

- Thực tế thường xuyên xảy ra sự sai khác, chênh lệch về trọng lượng trên tờ khai vận chuyển độc lập và phiếu cân trọng lượng của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại cửa khẩu xuất (do cân của doanh nghiệp chuyển phát nhanh và doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại cửa khẩu có sự chênh lệch). Vào thời điểm đó chuyến bay lại sắp bay nên sẽ cắt máng việc tiếp nhận hàng hóa. Nếu để khai báo bổ sung, xử lý lại trọng lượng trên tờ khai vận chuyển độc lập phù hợp với phiếu cân theo đúng quy định xong thì mới bàn giao hàng hóa cho hải quan giám sát cửa khẩu xuất để xuất khẩu thì bị trễ chuyến bay.

- Hàng hóa nhập khẩu có thể bị rớt chuyến, thiếu kiện nên không về đúng theo thông báo ban đầu. Việc điều chỉnh số cân, số gói trên tờ khai vận chuyển độc lập là nguyên nhân làm hàng nhập khẩu bị chậm trễ.

- Khi chuyển hàng xuất khẩu ra máy bay, hàng hóa bị quá tải hoặc máy bay bị trục trặc kỹ thuật, công ty muốn lấy lại phần hàng bị quá tải hoặc lấy lại hết (do máy bay bị trục trặc kỹ thuật) để sắp xếp đi chuyến bay khác trong cùng thời gian, chưa có hướng dẫn về thủ tục.

b) Hướng dẫn đối với các vướng mắc này như sau:

b.1) Đối với trường hợp có sự sai khác về trọng lượng thực tế so với trọng lượng đã khai báo trên tờ khai vận chuyển độc lập đối với hàng xuất khẩu:

- Doanh nghiệp chuyển phát nhanh gửi văn bản xác nhận giữa hãng vận chuyển và doanh nghiệp chuyển phát nhanh về trọng lượng thực tế của hàng hóa cho công chức giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất khi có sự sai khác trọng lượng thực tế và trọng lượng khai báo và nhận lại bản có dấu xác nhận của công chức hải quan để làm căn cứ khai báo bổ sung tờ khai vận chuyển độc lập. Doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện khai báo bổ sung tờ khai vận chuyển độc lập trong vòng tối đa 01 ngày (24 giờ) sau khi hàng thực xuất khẩu, việc khai báo căn cứ trên văn bản xác nhận giữa hãng vận chuyển và doanh nghiệp chuyển phát nhanh (có dấu xác nhận của công chức hải quan).

- Công chức giám sát tại cửa khẩu xuất căn cứ vào văn bản xác nhận giữa chuyển phát nhanh và hãng vận chuyển về trọng lượng thực tế của hàng hóa, thực tế hàng hóa, thông tin trên tờ khai vận chuyển độc lập để thực hiện xác nhận trên văn bản của doanh nghiệp chuyển phát nhanh và hãng vận chuyển, đồng thời, cho phép doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cho kịp chuyến bay. Lưu 01 bản chụp có xác nhận của công chức giám sát.

- Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện fax văn bản xác nhận giữa doanh nghiệp chuyển phát nhanh và hãng vận chuyển về trọng lượng thực tế của hàng hóa (đã có xác nhận của công chức giám sát hải quan cửa khẩu) cho Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh; thực hiện lệnh BIA trên hệ thống sau khi doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã được chấp nhận việc khai báo bổ sung theo quy định.

- Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh căn cứ vào bản fax của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để chấp nhận việc khai bổ sung của doanh nghiệp chuyển phát nhanh; thực hiện lệnh BOA phần khai sửa đổi bổ sung trên hệ thống.

- Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất theo dõi việc khai báo bổ sung của doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển phát nhanh không thực hiện khai báo đúng quy định cần có biện pháp xử phạt theo quy định.

- Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh cần theo dõi, tổng hợp về tần suất khai bổ sung, sự sai khác giữa trọng lượng thực tế và trọng lượng khai báo trong mỗi lần khai báo bổ sung của doanh nghiệp chuyển phát nhanh và gửi dữ liệu này đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quản lý rủi ro.

b.2) Đối với hàng hóa nhập khẩu bị rớt chuyến, thiếu cân, thiếu kiện: Thực hiện theo quy định tại điểm 2 công văn số 1990/TCHQ-GSQL ngày 27/3/2017 của Tổng cục Hải quan quy định đối với trường hợp: “Trường hợp số lượng hàng hóa/container thực tế vận chuyển đi có sự thay đổi (ít hơn) so với số lượng hàng hóa/container đã được cơ quan hải quan phê duyệt vận chuyển đi tại Thông báo phê duyệt: ...”

b.3) Đối với hàng hóa xuất khẩu ra đến máy bay nhưng máy bay bị quá tải, bị trục trặc kĩ thuật công ty muốn chuyển một phần hàng hóa hoặc toàn bộ hàng hóa để đi chuyến bay khác mà hàng hóa vẫn nằm trong khu vực giám sát tại cửa khẩu để chờ tiếp tục xếp lên phương tiện vận chuyển tiếp theo thực hiện theo quy định tại điểm a.5 khoản 1 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

b.4) Đối với hàng hóa xuất khẩu đã vào khu vực giám sát nhưng doanh nghiệp chuyển phát nhanh muốn chuyển một phần hoặc toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát về kho của doanh nghiệp chuyển phát nhanh và thực hiện xuất khẩu vào thời gian khác thực hiện theo điểm 7 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

11. Thời điểm cập nhật tỉ giá hàng tuần trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan

Theo phản ánh của doanh nghiệp chuyển phát nhanh: Theo quy định, thời điểm tỉ giá được cập nhật vào hệ thống là ngày thứ năm hàng tuần, nhưng thực tế được cập nhật vào ngày thứ hai, vì vậy, doanh nghiệp cần biết chính xác thời điểm cập nhật tỉ giá vào hệ thống.

Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và quy định tại khoản 2 Điều 35 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì Tổng cục Hải quan phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam để cập nhật tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản cửa Hội sở chính tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm hoặc tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ; công bố tỷ giá này trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và cập nhật vào Hệ thống dữ liệu hải quan điện tử để áp dụng xác định tỷ giá tính thuế phó các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần sau liền kề.

Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương công bố, Tổng cục Hải quan cập nhật tỷ giá do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và cập nhật vào Hệ thống dữ liệu Hải quan điện tử để áp dụng xác định tỷ giá thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Như vậy, đối với ngoại tệ do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương cung cấp thì sẽ áp dụng vào lúc 0h00 ngày thứ 2 hàng tuần và tỷ giá do Ngân hàng nhà nước công bố áp dụng vào lúc 9h00 ngày thứ 5 hàng tuần.

12. Không yêu cầu khai báo tiếng Việt đối với tờ khai MIC/MEC.

Vướng mắc của doanh nghiệp chuyển phát nhanh là tờ khai trị giá thấp không được khai báo bằng tiếng Anh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển phát nhanh đề xuất được khai báo bằng tiếng Anh đối với tờ khai MIC/MEC

Doanh nghiệp chuyển phát nhanh được phép khai bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt đối với tờ khai xuất khẩu trị giá thấp, tờ khai nhập khẩu trị giá thấp.

13. Áp dụng Incoterm mặc định cho khai báo

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh thì các trường hợp trong hóa đơn không ghi rõ Incoterm, doanh nghiệp phải liên hệ với người gửi lại invoice mới, gây chậm trễ về thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp chuyển phát nhanh đề xuất đối với hàng hóa tiền cước thanh toán bởi người gửi mặc định hiểu là CFR, tiền gửi là người nhận thanh toán là giá FOB, nếu bên thứ ba thanh toán thì tùy vào địa chỉ của người thanh toán để xem xét (nếu địa chỉ VN thì là CFR, nếu địa chỉ ở nước khác thì là FOB)

Về Vấn đề này hướng dẫn như sau: Đối với các hóa đơn không ghi rõ là trị giá trên hóa đơn là trị giá có cước phí vận chuyển, bảo hiểm,... hay chưa thì hóa đơn đó được hiểu là trị giá của hàng hóa tại nước xuất khẩu chưa có cước phí vận chuyển, bảo hiểm và các khoản chi phí khác để số hàng hóa được vận chuyển về Việt Nam.

14. Khai hải quan điện tử đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP

Đề xuất của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh là: Đối với các trường hợp khai tờ khai giấy theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP trong trường hợp hệ thống vẫn cho phép thực hiện khai báo được trên VNACCS thì được khai báo trên hệ thống để thuận tiện trong việc quản lý.

Theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về khai hải quan:

“1. Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử. Người khai hải quan đăng kí thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Các trường hợp sau đây được khai trên tờ khai hải quan giấy:

a).....”

Việc khai hải quan thực hiện theo phương thức điện tử và trong một số trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sử dụng thêm hình thức khai hải quan giấy. Do vậy, trường hợp hệ thống cho phép thực hiện khai hải quan điện tử, doanh nghiệp được khai hải quan điện tử không bắt buộc khai hải quan giấy.

15. Xử phạt vi phạm hành chính:

Vướng mắc của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh đối với việc khai sai trong lĩnh vực hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính do doanh nghiệp chuyển phát nhanh khai báo đúng theo chứng từ của khách hàng. Nếu thực hiện xử phạt khách hàng thì khách hàng không phải là người khai hải quan.

- Theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về người khai hải quan thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế là người khai hải quan trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan có nghĩa vụ là đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng ủy quyền thì trong phạm vi ủy quyền cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.

Điều c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan có quyền xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác.

- Về các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính: Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2016/NĐ-CPĐiều 4 Thông tư 155/2016/TT-BTC trong đó quy định cụ thể trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh.

Do đó, đề nghị các đơn vị hải quan căn cứ theo quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP, có các chế tài xử phạt về hành vi vi phạm được quy định tại các Điều 7, Điều 8 (đối với hành vi khai sai liên quan đến thuế), Điều 13, Điều 14 để xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, đối với trường hợp vi phạm chính sách mặt hàng hoặc trốn thuế, gian lận thuế còn cần xem xét dấu hiệu hình sự của tội buôn lậu, trốn thuế, gian lận thuế.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan nhận được một số vướng mắc phát sinh liên quan đến việc khai báo, kết nối, qua kiểm tra thì các vướng mắc trên do lỗi phần mềm của doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp chuyển phát nhanh cần chủ động làm việc với đối tác cung cấp phần mềm khai báo khi phát sinh lỗi để khắc phục.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục CNTT&TCHQ;
- Vụ Pháp chế, Cục Thuế XNK;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6386/TCHQ-GSQL năm 2017 thực hiện Thông tư 191/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 6386/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/09/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản