Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5885/UBND-VX
Về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- Các Sở - ngành và Đoàn thể Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

 

Ngày 05 tháng 7 năm 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 3651/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 32-CTrHĐ/TU ngày 08 tháng 04 năm 2013 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 (gọi tắt là Quyết định 3651/QĐ-UBND).

Các cấp, các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố. Qua 01 năm thực hiện, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2014, đã có 38,46% lực lượng trong tuổi lao động của Thành phố tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,46% so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ tiêu đến năm 2015 là 44%) và có 33,7% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chỉ tiêu đến năm 2015 là 35%); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 65,06% dân số Thành phố, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ tiêu đến năm 2015 là 76%). Như vậy, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm y tế còn cách khá xa mục tiêu đề ra đến năm 2015, do một số khó khăn, hạn chế như sau:

- Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến công tác vận động người sử dụng lao động thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Nhiều doanh nghiệp trước đây vốn đã gặp khó khăn trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nay càng khó khăn hơn. Ý thức về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, người lao động vẫn còn hạn chế dẫn đến việc để nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội với số lượng lớn và thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

- Trên địa bàn Thành phố còn khoảng 40.000 doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định. Chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động (bình quân dưới 6 người/doanh nghiệp), nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động còn hạn chế, chưa có ý thức tham gia bảo hiểm xã hội. Do quy mô nhỏ và số lượng doanh nghiệp lớn nên công tác kiểm tra, xử phạt chủ yếu do cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện, tuy nhiên các địa phương chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao.

- Đa số người dân chưa quan tâm, tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện. Đối tượng hiện nay tham gia chủ yếu là những người lao động còn thiếu ít thời gian để được hưởng chế độ hưu trí hoặc khi có bệnh cần điều trị thì mới tìm cách tham gia. Công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở chưa được chính quyền, đoàn thể phường, xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế còn thấp mặc dù Thành phố đã nâng mức hỗ trợ.

- Các Sở - ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, chưa tạo được chuyển biến như yêu cầu.

- Chất lượng khám chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn hiện tượng phân biệt đối xử với người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Hiện tượng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế còn xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh.

- Công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được thường xuyên, liên tục. Việc phát hành tờ rơi tuyên truyền đến tận các hộ gia đình chưa được thực hiện triệt để, có nơi, có chỗ thực hiện còn chậm trễ nên chưa tác động đến đa số người dân và gây lãng phí số tài liệu đã in ấn. Chất lượng hoạt động của các công tác viên làm công tác tuyên truyền chưa đồng đều.

Để tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố theo Công văn số 2399/BYT-BH ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ Y tế và Công văn số 40-CV/BCS ngày 07 tháng 5 năm 2014 của Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công tại Quyết định 3651/QĐ-UBND, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Y tế:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; việc đấu thầu, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật y tế; phối hợp quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định.

- Có giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chỉ định sử dụng thuốc, cận lâm sàng và các kỹ thuật chuyên môn cần thiết, hợp lý, an toàn, hiệu quả theo đúng quy định; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

- Chú trọng cải tiến quy trình thủ tục khám chữa bệnh, tinh giản thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, qua đó thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn về kinh tế - y tế cho đội ngũ cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng lực tham mưu công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.

- Nghiên cứu, tham mưu cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, đảm bảo bảo toàn và cân đối Quỹ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, về cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến năm 2020; hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện gắn với đặc điểm tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rà soát, thống kê, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ để vận động đối tượng hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao hơn.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Thành phố rà soát trình Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị các Bộ - ngành Trung ương tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc triển khai Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC- NHNN ngày 18 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.

- Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng cấp trùng, cấp nhầm thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng.

- Tham mưu thành lập các Tổ công tác liên ngành để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về lao động nói chung và về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm về trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện và phường, xã, thị trấn.

3. Bảo hiểm xã hội Thành phố:

- Chủ trì phối hợp với các Sở - ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa các Sở - ngành, quận - huyện trong công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các Đoàn thể Thành phố. Chuẩn bị các nội dung, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền để cung cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình; chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện và phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trong việc quản lý, làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để yêu cầu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định, xác định thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn để tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc tham gia.

- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan xây dựng cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; về cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế.

- Định kỳ 6 tháng, cung cấp danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố để phối hợp nhắc nhở, đôn đốc việc trích nộp đúng quy định.

- Chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố xây dựng quy trình thụ lý, xét xử và tổ chức thi hành án đối với các vụ kiện về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hướng dẫn thống nhất thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu thực hiện gửi thông báo, biểu mẫu đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến các doanh nghiệp, đơn vị mới thành lập trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với các Sở - ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Tổ thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất khen thưởng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Sở Tài chính:

- Hàng năm, phối hợp các đơn vị liên quan bố trí dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố và các Sở - ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động, thu phí và phát hành thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo các trường học vận động phụ huynh và học sinh tích cực tham gia bảo hiểm y tế.

- Phối hợp Bảo hiểm xã hội Thành phố và Sở Y tế củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên ngay tại trường học, sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế học sinh được trích lại để thực hiện tốt công tác y tế học đường.

6. Công an Thành phố:

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện các nội dung phối hợp công tác theo Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Phối hợp xác nhận trường hợp bị tai nạn giao thông đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố giải quyết quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Đối với doanh nghiệp đầu tư trong nước:

- Phối hợp xử lý doanh nghiệp không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội Thành phố, các Sở - ngành quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát sinh trên địa bàn Thành phố thông qua Trang thông tin điện tử “Doanh nghiệp Thành phố” tại địa chỉ http://172.16.20.5/thongtindoanhnghiep để Bảo hiểm xã hội Thành phố, các Sở - ngành quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện khai thác sử dụng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

b) Đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Hàng quý cung cấp cho Bảo hiểm xã hội Thành phố danh sách doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động kinh doanh trở lại, doanh nghiệp giải thể.

8. Cục Thuế Thành phố:

Sáu tháng một lần, cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký thuế; doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi giải thể doanh nghiệp; doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước trước khi tạm ngừng kinh doanh trên địa bàn thành phố cho Bảo hiểm xã hội Thành phố để phối hợp quản lý chặt chẽ tình hình đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị sử dụng lao động.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường chỉ đạo Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố và các cơ quan báo chí Thành phố thực hiện tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.

10. Sở Tư pháp:

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, đoàn thể Thành phố, quận huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn Thành phố cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

11. Thanh tra Thành phố:

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra việc chấp hành, thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

12. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố:

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố xây dựng quy trình thụ lý, xét xử và tổ chức thi hành án các vụ kiện về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hướng dẫn, triển khai cho Tòa án nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện thống nhất thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

13. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và giải đáp các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân trong phạm vi quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

14. Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội Thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hàng tháng, hộp thư bạn đọc, bạn nghe đài, xem đài... để thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Thành phố, giúp người dân nhận thức đầy đủ về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các Đoàn thể Thành phố:

- Phát động phong trào vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ cho người cận nghèo của Thành phố được tham gia bảo hiểm y tế.

- Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc hoặc đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

16. Liên đoàn Lao động Thành phố:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố và các Sở - ngành liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội trong hệ thống Công đoàn và trong công chức, viên chức, công nhân, người lao động; tham gia triển khai, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kiểm tra, giám sát, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.

- Chỉ đạo Công đoàn các cấp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội Thành phố thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

17. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

- Chỉ đạo việc ký kết liên tịch giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền vận động các hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

- Tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cố định của địa phương phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người dân; chú trọng các đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ kinh doanh cá thể và nông dân ở khu vực ngoại thành, đối tượng thuộc diện còn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tự nguyện.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn vận động học sinh và phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế, xem đây là một chỉ tiêu đánh giá thi đua của ngành.

- Tích cực triển khai tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế phường, xã, thị trấn để giảm tải cho bệnh viện quận, huyện.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thống kê số người dân cư trú trên địa bàn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm phục vụ cho việc giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (góp phần thực hiện lộ trình của Thành phố); các phường, xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt, theo dõi danh sách các đối tượng trong diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế nhằm giảm tình trạng sai sót thông tin về đối tượng được thụ hưởng khi in ấn thẻ, cấp trùng lặp thẻ; đặc biệt chú ý tổ chức rà soát, thống kê, vận động phát triển đối tượng, nâng tỷ lệ hộ cận nghèo trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có biện pháp nhắc nhở đối với các đơn vị vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế theo danh sách do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp; thực hiện xử phạt theo quy định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

18. Chế độ báo cáo:

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện chỉ đạo nêu trên của Ủy ban nhân dân Thành phố và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Bảo hiểm xã hội Thành phố trong báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 3651/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Giao Bảo hiểm xã hội Thành phố chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Báo, Đài Thành phố;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, THKH;
- Lưu: VT, (VX-TC)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5885/UBND-VX năm 2014 tăng cường chỉ đạo và thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 5885/UBND-VX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/11/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản