Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/QLCL-CL1
V/v Nhật Bản giám sát tăng cường Chloramphenicol, Oxytetracycline đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản;
- Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng;
- Các Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ, Nam bộ.

Theo thông tin do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam cung cấp, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố trên website Kế hoạch giám sát thực phẩm nhập khẩu (cập nhật ngày 03/03/2014). Do phát hiện lô hàng vi phạm từ Việt Nam, Nhật Bản sẽ áp dụng chế độ giám sát tăng cường đối với 30% lô hàng cá phi lê và sản phẩm chế biến từ cá nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Chloramphenicol với giới hạn phát hiện của phương pháp là 0,0005 ppm (đối với chất cấm sử dụng) từ ngày 21/02/2014 và 30% lô hàng tôm nuôi và sản phẩm chế biến từ tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Oxytetracycline với mức giới hạn mặc định là 0,01 ppm từ ngày 27/02/2014. Lưu ý: Nhật Bản quy định giới hạn tối đa cho phép (MRL) của Oxytetracycline đối với cá là 0,2 ppm, chưa quy định MRL đối với giáp xác, do vậy áp dụng mức mặc định là 0,01 ppm. Quy định của Nhật Bản về mức giới hạn mặc định của Oxytetracycline trong tôm nghiêm ngặt hơn so với quy định của Việt Nam (theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/03/2009 của Bộ NN&PTNT, giới hạn dư lượng tối đa của Oxytetracycline trong thủy sản là 0,1 ppm). Trường hợp phát hiện thêm lô hàng vi phạm, Nhật Bản sẽ áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nuôi/cá nhập khẩu từ Việt Nam về các chỉ tiêu nêu trên.

Để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Chloramphenicol và Oxytetracycline đối với lô hàng tôm nuôi và cá của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, tránh khả năng Nhật Bản áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, Cục yêu cầu các đơn vị như sau:

1. Các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch HACCP việc nhận diện và kiểm soát mối nguy Oxytetracycline trong sản xuất sản phẩm tôm nuôi và mối nguy Chloramphenicol trong sản xuất sản phẩm cá xuất khẩu vào Nhật Bản.

2. Các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo nêu tại Phụ lục kèm theo:

2.1. Đối với Công ty cổ phần Hải Việt (DL 194):

- Điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp; tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện và lập báo cáo giải trình gửi về Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ trước ngày 02/04/2014;

- Đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản tại các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng theo quy định tại Quyết định số 1381/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/06/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn tại Công văn số 967/QLCL-CL1 ngày 27/06/2012 của Cục kể từ ngày ban hành công văn này.

2.2. Công ty TNHH Thủy sản Trung Hải (HK 63):

- Yêu cầu cơ sở tiếp tục duy trì các hành động khắc phục đã thiết lập để kiểm soát hiệu quả Chloramphenicol trong quá trình sản xuất kinh doanh thủy sản.

- Tiếp tục đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản tại các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng theo Công văn số 25/QLCL-CL1 ngày 07/01/2014.

3. Các Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ, Nam bộ:

- Phổ biến nội dung Công văn này tới các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản tại địa bàn phụ trách;

- Hướng dẫn các cơ sở triển khai biện pháp kiểm soát Chloramphenicol và Oxytetracycline phù hợp (nếu được yêu cầu);

- Sau khi nhận được báo cáo giải trình của cơ sở có lô hàng bị cảnh báo (tại phụ lục kèm theo), tổ chức thẩm tra hoạt động điều tra nguyên nhân và hiệu quả thực hiện các hành động khắc phục của cơ sở; thông báo kết quả thẩm tra tới cơ sở và báo cáo kết quả thẩm tra về Cục.

4. Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng:

- Thực hiện chế độ lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu bị cảnh báo đối với lô hàng thủy sản của cơ sở (thông tin chi tiết tại Phụ lục gửi kèm) theo quy định tại Quyết định số 1381/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/06/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể từ ngày ban hành Công văn này.

Yêu cầu các đơn vị lưu ý thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để báo cáo);
- VASEP;
- Lưu: VT, CL1.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bích Nga

 

PHỤ LỤC:

THÔNG TIN VỀ CÁC LÔ HÀNG XUẤT KHẨU VÀO NHẬT BẢN BỊ CẢNH BÁO
(Kèm theo công văn số 401/QLCL-CL1 ngày 14/03/2014 của Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS)

TT

Tên doanh nghiệp sản xuất

Tên tiếng Anh

Mã số

Mặt hàng bị cảnh báo

Chỉ tiêu bị cảnh báo/Mức phát hiện

Nhà nhập khẩu

Cửa khẩu nhập

Lô hàng XK vào Nhật Bản phải có Giấy Chứng nhận CL và ATTP của NAFIQAD

Chế độ kiểm tra

1

Công ty Cổ phần Hải Việt - Nhà máy HAVICO 1

HAI VIET CO.,LTD. (HAVICO BCC PLANT)

DL 194

Tôm thẻ chân trắng xẻ bướm đông lạnh (FROZEN EBI HIRAKI (V))

Oxytetracycline 2,1 ppm

KANEMATSU CORPORATION

Kobe

Tôm nuôi và sản phẩm chế biến từ tôm nuôi

Áp dụng chế độ kiểm tra chặt từ ngày 14/03/2014

2

Công ty TNHH Thủy sản Trung Hải

Trung Hai Fisheries Co., Ltd

HK 63

Cá khô phi lê (Dries seasoned file fish)

Chloramphenicol 0,0021 ppm

Cho Jae Min

Osaka

Cá khô tẩm gia vị

Áp dụng chế độ kiểm tra chặt từ ngày 07/01/2014

(theo Công văn 25/QLCL- CL1 ngày 07/01/2014 của Cục)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 401/QLCL-CL1 năm 2014 về Nhật Bản giám sát tăng cường Chloramphenicol, Oxytetracycline đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

  • Số hiệu: 401/QLCL-CL1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/03/2014
  • Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
  • Người ký: Trần Bích Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản