Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 351/TCT-DNL
V/v: trả lời kiến nghị tại hội nghị đối thoại

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2013

 

Kính gửi: Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa.

Trả lời công văn số 2098/CV-ĐLKH-P5 ngày 05/10/2012 của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (Công ty) về việc kiến nghị tại hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về việc xin miễn nộp thuế TNDN đối với lưới điện bàn giao không hoàn vốn cho chủ đầu tư do các đơn vị không thuộc thành phần kinh tế nhà nước bàn giao:

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 402/TCT-DNL ngày 08/02/2012 về việc thuế TNDN đối với việc tiếp nhận lưới điện trung áp và hạ áp không hoàn trả vốn cho chủ đầu tư trả lời Công ty. Đề nghị Công ty thực hiện theo công văn số 402/TCT-DNL nêu trên.

2. Về khoản lãi cho vay của các đơn vị có quan hệ liên kết:

Tại Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện việc xác định giá trị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết quy định:

“Điều 1. Đối tượng áp dụng

Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi là doanh nghiệp) thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết, có nghĩa vụ kê khai, xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh (được gọi chung là giao dịch kinh doanh) giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh giữa doanh nghiệp tại Việt Nam với các bên có quan hệ liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Tại phụ lục 1-GCN/CC mẫu GCN-01/QLT hướng dẫn kê khai về thông tin về giao dịch liên kết có nội dung về cho vay, đi vay (số thứ tự 2.4.2 Mục II-PLI-GCN/CC).

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Tại khoản 4 Điều 3 quy định các trường hợp được xác định là các bên có quan hệ liên kết.

Khoản 5, khoản 6, khoản 7 quy định về giao dịch liên kết, giao dịch độc lập và khác biệt trọng yếu:

5. “Giao dịch liên kết” là giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết.

6. “Giao dịch độc lập” là giao dịch kinh doanh giữa các bên không có quan hệ liên kết.

7. “Khác biệt trọng yếu” là khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc giảm ít nhất 1% đơn giá sản phẩm giao dịch hoặc khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc giảm ít nhất 0,5% tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời.

Điều 4. Phân tích so sánh:

2.3. Sau khi phân tích so sánh, doanh nghiệp xác định các khác biệt trọng yếu về điều kiện giao dịch giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Trường hợp không có khác biệt trọng yếu thì không cần thực hiện quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 4 Phần B Thông tư này.

2.4. Trường hợp có khác biệt trọng yếu, doanh nghiệp phải xác định giá trị bằng tiền của các khác biệt trọng yếu đó để điều chỉnh, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể tăng hoặc giảm giá trị nhằm loại trừ các khác biệt trọng yếu đó”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp các đơn vị thuộc Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa là các bên có quan hệ liên kết theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 66/2010/TT-BTC, cho nhau vay vốn kinh doanh, thì khoản lãi tiền vay thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư số 66/2010/TT-BTC, nếu giao dịch cho vay vốn giữa các đơn vị có khác biệt trọng yếu so với giao dịch độc lập thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3. Về khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi:

Tại khoản 3 điều 4 và khoản 3 điều 6, Phần II, Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định:

“Điều 4. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

3. Xử lý khoản dự phòng:

- Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn có dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch và ghi giảm giá vốn hàng bán.

Điều 6. Dự phòng nợ phải thu khó đòi.

3. Xử lý khoản dự phòng:

- Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp”.

Tại Điều 8 Thông tư số 228/2009/TT-BTC nêu trên quy định:

“Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng việc trích lập các khoản dự phòng của doanh nghiệp từ năm 2009, thay thế Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và ban hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp và các văn bản khác quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trái với quy định của Thông tư này”.

Căn cứ quy định nêu trên, kể từ kỳ tính thuế năm 2009 trường hợp doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, khi xử lý hoàn nhập các khoản dự phòng này thì doanh nghiệp thực hiện ghi giảm chi phí tương ứng theo hướng dẫn tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa được biết./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 351/TCT-DNL trả lời kiến nghị tại Hội nghị đối thoại do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 351/TCT-DNL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/01/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản