Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI
TP. HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2446/BHXH-QLT
V/v hướng dẫn tạm thời tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 2018

 

Kính gửi: Các đơn vị sử dụng người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, Vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn tạm thời việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

1. Đối tượng:

1.1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

1.2. Người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc gồm: Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

1.3. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác nhau và thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì người lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

2. Mức đóng:

2.1. Từ 01/12/2018:

Người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, gồm:

- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

- 0,5% vào quỹ hảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2.2. Từ 01/01/2022:

Người sử dụng lao động hàng tháng đóng:

- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

- 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Người lao động hàng tháng đóng: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

3. Tiền lương tháng đóng BHXH:

Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Chế độ:

4.1 Từ 01/12/12018:

- Chế độ ốm đau: thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

- Chế độ thai sản: thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

- Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

4.2 Từ 01/01/2022:

Ngoài các chế độ BHXH nêu tại điểm 4.1, người lao động, thân nhân người lao động còn được hưởng các chế độ BHXH sau đây:

- Chế độ hưu trí: thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

- Các trường hợp hưởng BHXH một lần: thực hiện theo khoản 6 điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

- Chế độ tử tuất: thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

- Thực hiện chuyển đổi chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú ở Việt Nam: thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

5. Thủ tục hồ sơ:

- Từ 01/12/2018 cơ quan BHXH sẽ chuyển tất cả người nước ngoài đang tham gia BHYT tại mã BW sang mã IC để tham gia BHXH, BHYT. Trường hợp người nước ngoài thuộc điểm 1.2 Khoản 1 nêu trên thì đơn vị lập hồ sơ giao dịch điện tử phiếu giao nhận hồ sơ 600 để giảm mã IC và phiếu giao nhận hồ sơ 603 để tăng lại vào mã BW.

- Đơn vị thực hiện kê khai hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện hành với mã đơn vị tham gia được chuyển đổi từ mã BW sang IC.

Ví dụ: Đơn vị đang được cơ quan BHXH cấp mã tham gia BHYT cho người nước ngoài BW0001Z, thì từ ngày 01/12/2018 sẽ được cấp mã tham gia BHXH, BHYT tương ứng IC0001Z.

Khi lập ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền đơn vị phải ghi đầy đủ 3 tiêu chí: tên đơn vị, mã đơn vị tham gia BHXH, nội dung nộp tiền. Trường hợp đơn vị lập 1 chứng từ cho nhiều mã đơn vị (như: YN, IC, BW) thì phải ghi rõ số tiền nộp của từng mã đơn vị trong nội dung nộp tiền.

Đề nghị đơn vị phối hợp với BHXH Thành phố thực hiện đóng BHXH, BHYT cho người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

 


Nơi nhận :
- Như trên;
- Các phòng nghiệp vụ;
- BHXH quận, huyện;
- Website BHXHTP;
- Lưu: VT, QLT(Thi).

GIÁM ĐỐC




Phan Văn Mến

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2446/BHXH-QLT năm 2018 hướng dẫn tạm thời tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2446/BHXH-QLT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/11/2018
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Mến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản