Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2007/GDMN
Về việc hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho giáo viên miền núi theo Chỉ thị 18/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2002

 

Kính gửi:

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-CP ngày 21/8/1990 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; Liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính đã có Thông tư Liên tịch số 26/2000/TTLB-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/2000 hướng dấn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc trong các cơ cở ngoài công lập thuộc ngành Giáo dục, Y tế, Văn hoá và Thể thao. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có Công văn số 2234/BHXH/CĐCS ngày 3/11/2000 hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho cùng đối tượng trên.

Thực hiện Chỉ thị số 18/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/8/2001 về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân. Để các địa phương có cơ cở thực hiện công tác bảo hiểm xã hội và xây dựng đội ngũ đối với giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn như sau:

I. THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội

- Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các trường mầm non ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc được tuyển vào biên chế Nhà nước và trả lương bằng ngân sách thì thực hiện bảo hiểm xã hội theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ. Nếu ngân sách do tỉnh hoặc huyện cấp thì chủ thể ký hợp đồng bảo hiểm xã hội là trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo; Nếu ngân sách do xã phường, thị trấn cấp thì chủ thể ký hợp đồng bảo hiểm xã hội là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, (xã, thị trấn) hoặc Hiệu trưởng.

- Đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo bán công được ngân sách địa phương chi một phần tiền lương, phần còn lại do nhân dân đóng góp thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định chủ thể ký hợp đồng lao động và việc đóng bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên của trường mầm non.

- Đối với trường mầm non, trường mẫu giáo dân lập, tư thục do các đơn vị quản lý nhà trường (Uỷ ban nhân dân xã, huyện, quận; thị xã, phường hoặc tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội v.v...) hoặc chủ trường là chủ thể trực tiếp ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội.

2. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội

a. Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;

- Đối với giáo viên trong biến chế thì căn cứ theo ngạch bậc lương Nhà nước quy định.

- Đối với giáo viên ngoài công lập (bao gồm các trường ban công, dân lập, và tư thục) áp dụng ngạch bậc của giáo viên trong biên chế có cùng trình độ, cùng thâm niên để tính.

b. Mức đóng bảo hiểm xã hội:

Mức đóng bảo hiểm xã hội bằng 20% tổng số thu nhập của người lao động được căn cứ theo ngạch, bậc lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ (bao gồm lương và các khoản phụ cấp: Chức vụ, khu vực hệ số chênh lệch bảo lưu hoặc lương theo hợp đồng lao động) dựa trên cơ cở tiền lương theo trình độ đào tạo. Đối với giáo viên chưa qua đào tạo thì áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu của nhà nước quy định.

c. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội:

- Các cơ cở giáo dục mầm non khi tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động với giáo viên và nhân viên thì phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.

- Các đơn vị có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của người tham gia bảo hiểm xã hội và 5% còn lại do cán bộ, giáo viên và nhân viên chịu trách nhiệm đóng. Đối với đơn vị có khó khăn, có thể đóng bảo hiểm xã hội 3 tháng 1 lần theo đăng ký thời hạn với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

d. Thủ tục và trách nhiệm giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội.

Giáo viên, nhân viên tham gia bảo hiểm xã hội được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Pháp luật.

- Khi giáo viên, nhân viên nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội gồm: Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ dưỡng sức, hưu trí, trợ cấp 1 lần và bảo hiểm Y tế thì các đơn vị chủ thể hoặc phòng Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm lập đủ thủ tục hồ sơ theo đúng quy định tại Quyết định số 1584/1999/QĐ-BHXH, ngày 24/6/1999 của Bảo hiẻm xã hội Việt Nam.

II. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN

1. Việc xây dựng đội ngũ giáo viên được thực hiện theo Điều lệ trường mầm non và Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2002-2005 ban hành kèm theo Quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT, ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Đối với khu vực thành phố thị xã, khu công nghiệp việc chuyển từ loại hình mầm non công lập sang bán công hoặc dân lập cần tiến hành từng bước để đảm bảo sự ổn định cho ngành học. Tất cả các trường mầm non, với bất cứ loại hình nào (Công lập, bán công dân lập, tư thục) đều được thống nhất chung về quản lý Nhà nước, khác nhau về nguồn ngân sách, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các ban ngành liên quan nghiên cứu văn bản, có biện pháp tích cực giải quyết cho giáo viên mầm non được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, đặc biệt là chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Chính phủ, giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Đặng Huỳnh Mai

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2007/GDMN của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho giáo viên miền núi theo Chỉ thị 18/2001/CT-TTg

  • Số hiệu: 2007/GDMN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/03/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Đặng Huỳnh Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản