Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/BNN-TY
V/v tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển qua biên giới

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội.

Hiện nay, bệnh cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút cúm khác nhau cả trên người và động vật. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng vi rút cúm A/H7N9 xuất hiện trên người, từ cuối tháng 2/2013 đến ngày 06/01/2014 đã có 147 người nhiễm bệnh tại nhiều địa phương, trong đó 48 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2013, Trung Quốc liên tục phát hiện các ca nhiễm vi rút cúm H7N9 trên người tại Đài Loan, Hồng Kông, Chiết Giang, Giang Tây và Quảng Đông. Ngày 30/11/2013, chủng vi rút cúm A/H10N8 đã lây nhiễm cho một người tại tỉnh Giang Tây và bệnh nhân đã tử vong vào ngày 06/12/2013. Theo báo Bưu điện Hoa Nam đăng tải ngày 01/01/2014, chính quyền Hồng Kông đã phát hiện một người bị nhiễm chủng vi rút cúm H9N2.

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thông báo trong thời gian gần đây tại Trung Quốc đã phát hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm A/H5N2 (tại tỉnh Hà Bắc, ngày 21/12/2013) và A/H5N1 (tại tỉnh Quý Châu, ngày 27/12/2013). Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguy cơ các chủng vi rút cúm mới xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, khách du lịch đến từ Trung Quốc là rất cao, nhất là trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ.

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm xâm nhập và lây lan vào nước ta, phòng ngừa vi rút lây nhiễm cho người, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cũng như tác động tiêu cực tới sức khỏe nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các Ban, ngành chức năng của địa phương thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục triển khai các nội dung tại Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1), Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19/12/2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Chỉ thị số 4538/CT-BNN-TY ngày 20/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8 và Công văn số 3797/BNN-TY ngày 23/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép" theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chủ động bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và cho các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho những lực lượng tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch.

2. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương (như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường,...) phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã tại các tỉnh biên giới nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan; phát hiện và xử lý triệt để các đường dây vận chuyển, các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

3. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chuyên mục riêng về phòng chống cúm gia cầm, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại tiêu cực của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi trong nước; gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng ngừa vi rút cúm lây lan, phát tán và lây nhiễm cho người cũng như động vật nuôi; từ đó nâng cao nhận thức trong xã hội, cùng lên án, tẩy chay gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

4. Theo dõi sát sao tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới; giám sát gia cầm, chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm nhằm phát hiện sớm các chủng vi rút cúm nguy hiểm khi mới xâm nhập vào trong nước để xử lý kịp thời.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các Ban, ngành của địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Tài chính;
- Cục Thú y;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP;
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 179/BNN-TY năm 2014 tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển qua biên giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 179/BNN-TY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/01/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản