Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1193/BNN-QLCL-VP | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2012 |
Kính gửi: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.
Chất lượng, an toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Để tăng cường quản lý nhà nước, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 ngày 17 tháng 6 năm 2010 đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (ATTP) với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011. Theo Luật ATTP, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao quản lý rộng hơn trong cả quá trình từ sản xuất ban đầu đến quá trình sơ chế, chế biến lưu thông, phân phối, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu các nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản (ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác).
Ngày 21/10/2011 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TW Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các hiệp hội ngành nghề thực phẩm quán triệt và thực hiện những nội dung chính; Tổ chức thực hiện đồng bộ hiệu quả pháp luật về ATTP. Tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến ATTP. Củng cố tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Để triển khai thực hiện Luật ATTP, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ chuyên ngành tập trung mọi tiềm lực tạo chuyển biến đột phá trong quản lý chất lượng, ATTP nói chung và nông lâm sản nói riêng. Ngày 30/5/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015 theo đó các năm 2011-2012 cần tập trung giải quyết những nội dung chính: Kiện toàn bộ máy quản lý chất lượng, ATTP của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Chi cục các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn theo chuỗi ngành hàng; xác định khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm làm cơ sở cho việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành của các địa phương; từng bước phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện/xã.
Như vậy các cấp bộ Đảng, chính quyền ở Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo triển khai quản lý về chất lượng, ATTP nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Tại địa phương, thực hiện Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 05/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT – Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; cho tới nay đã có 57 tỉnh/thành phố thành lập Chi cục. Đây là một nỗ lực cố gắng lớn của các tỉnh/thành phố nhằm từng bước quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa tập trung đảm bảo các sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu về ATTP trong nước và xuất khẩu
Tuy nhiên năm 2011, theo phản ánh của nhiều Chi cục địa phương việc bố trí biên chế hành chính để đảm bảo triển khai nhiệm vụ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tại địa bàn là rất khó khăn. Nhiều Chi cục được bố trí dưới 10 biên chế thậm chí có nơi chỉ được bố trí 6 biên chế không đủ cho khung cán bộ lãnh đạo của Chi cục và rất thiếu cán bộ chuyên môn.
Để bộ máy quản lý chuyên ngành có thể giúp Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản theo phân công mở rộng cho Ngành Nông nghiệp và PTNT tại Luật ATTP; đồng thời triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh/ thành phố xem xét ưu tiên bố trí biên chế hành chính đủ cho khung lãnh đạo và các vị trí việc làm thuộc phòng chuyên môn (Hướng dẫn khung gửi kèm) cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được quy định tại Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV và phù hợp tình hình của địa phương để Sở Nông nghiệp và PTNT có điều kiện giao chỉ tiêu biên chế cho Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản.
Trân trọng.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
KHUNG VỊ TRÍ VIỆC LÀM THUỘC CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
(Kèm theo văn bản số 1193/BNN-QLCL-VP ngày 24 tháng 4 năm 2012)
1. Khung vị trí lãnh đạo:
Lãnh đạo Chi cục:
a- Chi cục trưởng: 01 vị trí;
b- Phó Chi trưởng: không quá 2 vị trí;
Lãnh đạo phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a- Phòng Hành chính-Tổng hợp: Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng kiêm Kế toán trưởng/ hoặc kế toán trưởng;
b- Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối: Trưởng phòng và không quá 02 Phó trưởng phòng;
c- Phòng Thanh tra-Pháp chế (Theo NĐ 07/2012/NĐ-CP): Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng.
2. Khung vị trí nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ:
a- Phòng Hành chính – Tổng hợp:
*Kế toán viên;
*Nhân viên văn thư kiêm thủ quỹ;
*Nhân viên tổng hợp.
b- Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối:
*Nhân viên quản lý chất lượng thủy sản;
*Nhân viên quản lý chất lượng nông lâm sản và muối
*Nhân viên chứng nhận, truyền thông.
(Tùy theo khối lượng công việc trên từng địa bàn để có thể biên chế số lượng vị trí việc làm tương ứng)
c- Phòng Thanh tra-Pháp chế:
*Nhân viên phụ trách công tác thanh tra;
*Nhân viên phụ trách công tác pháp chế;
Các vị trí việc làm trên các Chi cục phải thực hiện mô tả rõ trong đề án bổ sung biên chế trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- 1Công văn 869/QLCL-CL1 về Kế hoạch đào tạo cho kiểm tra viên CQĐP về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành
- 2Kết luận 24-KL/TW năm 2017 về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ Trung ương luân chuyển do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Luật an toàn thực phẩm 2010
- 3Quyết định 809/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 08-CT/TW năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành
- 5Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành
- 6Công văn 869/QLCL-CL1 về Kế hoạch đào tạo cho kiểm tra viên CQĐP về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành
- 7Kết luận 24-KL/TW năm 2017 về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ Trung ương luân chuyển do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Công văn 1193/BNN-QLCL-VP bố trí biên chế làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1193/BNN-QLCL-VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/04/2012
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra