Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1116/TCHQ-PC
V/v kiến nghị liên quan đến thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2021

 

Kính gửi:

- Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
(Địa chỉ: Lầu 5 Tòa nhà Cảng Sài Gòn, số 3 đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh)
- Hội các Doanh nghiệp Logistics khu vực miền Bắc
(Địa chỉ: số 11 Trần Phú, Quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng)

Tổng cục Hải quan nhận được Đơn kiến nghị số 80/VPHH ngày 28/12/2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và đơn kiến nghị ngày 08/01/2021 của đại diện các đại lý hãng tàu, các Công ty logistics, các Công ty Đại lý vận tải khu vực miền Bắc cùng phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Vướng mắc về thời hạn cung cấp thông tin hải quan đối với tàu biển nhập cảnh

Điểm a khoản 1 Điều 66 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP) quy định thời hạn cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đối với tàu biển nhập cảnh "Bản khai hàng hóa, thông tin về vận đơn: Chậm nhất là 12 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình dưới 5 ngày: chậm nhất 24 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình khác". Đối với tàu biển có hành trình dưới 12 tiếng, Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc về thời hạn khai báo đối với các phương tiện vận tải có hành trình dưới 12 tiếng để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Kiến nghị quy định mức phạt phù hợp với hành vi vô ý và cố ý

Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính."

Theo quy định này, việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện khi cá nhân, tổ chức có lỗi, không phân biệt là lỗi cố ý hay vô ý. Do đó, việc quy định chế tài xử phạt, mức tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc trên.

3. Kiến nghị xem xét quy định lại mức tiền phạt

Về kiến nghị xem xét quy định mức phạt tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Tổng cục Hải quan ghi nhận sẽ xem xét thực tiễn quá trình thi hành quy định này để có đánh giá cụ thể và sẽ nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế áp dụng.

4. Về kiến nghị áp dụng mức phạt của cá nhân cho tổ chức vi phạm

Khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức. Việc xác định mức tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định nêu trên, do đó đề nghị của các Công ty, các Hiệp hội chỉ áp dụng mức tiền phạt của cá nhân tại Điều 8 là trái quy định của pháp luật trên và không có cơ sở xem xét.

5. Về phân loại hàng hóa và kiến nghị không xử phạt vi phạm hành chính

- Về việc không xử phạt vi phạm hành chính

Điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan quy định nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình.

Để đảm bảo nghĩa vụ nêu trên của người khai hải quan, Luật Hải quan đã quy định các quyền của người khai hải quan:

Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa, sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của tổ chức giám định (điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan, khoản 3 Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC).

Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số hàng hóa (Điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan, Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP)).

Do đó, doanh nghiệp Logistics có thể căn cứ quy định nêu trên để chủ động sử dụng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính chính xác trong việc khai hải quan. Tránh sai sót khi lần đầu khai báo và làm thủ tục hải quan.

Căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì trường hợp vi phạm lần đầu không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, kiến nghị về việc không xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm xảy ra do vi phạm lần đầu là không có cơ sở xem xét.

- Về việc phân loại hàng hóa

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan; khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP phân loại hàng hóa là việc cơ quan hải quan phải căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, việc cơ quan hải quan tại nơi doanh nghiệp mở tờ khai chấp nhận hoặc không chấp nhận khai báo của doanh nghiệp căn cứ vào thực tế hồ sơ hải quan của chính lô hàng xuất nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo quy định. Do đó, đối với phản ánh về việc cùng mặt hàng được áp nhiều mã HS khác nhau ở các Chi cục Hải quan khác nhau, đề nghị các doanh nghiệp phản ánh về vụ việc phát sinh vướng mắc cụ thể để Tổng cục Hải quan có cơ sở xem xét trả lời theo quy định.

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VT, PC (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1116/TCHQ-PC năm 2021 về kiến nghị liên quan đến thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1116/TCHQ-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/03/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Mai Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản