Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/CTr-BGDĐT-HNVVN | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2013 |
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
GIỮA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VỀ "PHÁT TRIỂN VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG VÀ NHÀ TRƯỜNG VỚI VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 2013-2020"
Thực hiện Nghị quyết số 23/NQTW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới" và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp "Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020", cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đặc biệt là nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt và Ngữ văn trong nhà trường; Giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực cảm thụ và thưởng thức văn học cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.
2. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội nhà văn Việt Nam nhằm phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học, trong đó chú trọng đề tài giáo dục và đào tạo, xây dựng các hình tượng về nhà giáo, tuyên truyền chủ trương xã hội học tập, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tình yêu văn chương cho các thế hệ học sinh.
3. Phát hiện và bồi dưỡng những học sinh, sinh viên có năng khiếu văn chương trong nhà trường.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động có kế hoạch mời Hội nhà văn cộng tác nghiên cứu việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và cách đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn Ngữ văn, cụ thể là:
a) Nhận xét, đánh giá về những ưu điểm và hạn chế của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường hiện nay thông qua văn bản chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn (giai đoạn 2002-2015).
b) Góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về định hướng, xây dựng chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn những năm sau 2015.
Giới thiệu các nhà văn có uy tín, kinh nghiệm và đủ điều kiện, khả năng tham gia biên soạn, góp ý cho chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn các cấp để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một số hội thảo khoa học về dạy và học văn.
2. Tạo điều kiện giúp các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu thực tế trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục để có những tác phẩm có giá trị về đề tài giáo dục và đào tạo, về hình tượng nhà giáo. Khuyến khích các nhà trường, các cơ sở giáo dục tổ chức giao lưu văn học giữa nhà văn, nhà thơ với giáo viên, học sinh, sinh viên, nhằm mở rộng hiểu biết về văn học, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn.
3. Phối hợp tổ chức một số sự kiện văn học, trại sáng tác cho các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên là các thầy, cô giáo, cán bộ công tác trong ngành giáo dục và đào tạo; mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho giáo viên và học sinh, sinh viên ở Hà Nội và các địa phương theo điều kiện, tình hình cụ thể.
Nghiên cứu tổ chức việc xét giải thưởng văn học viết về ngành giáo dục và đào tạo.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Thành lập Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức thực hiện chương trình phối hợp.
Ban Chỉ đạo gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từ 1 đến 2 Thứ trưởng và Phó Chủ tịch Hội; một số thành viên là các nhà giáo, nhà văn có uy tín, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng của Bộ, trưởng ban chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ban Tổ chức do một Thứ trưởng và một Phó chủ tịch Hội Nhà văn làm đồng trưởng ban, tham gia Ban Tổ chức là các chuyên viên của Bộ, các nhà văn ở các Hội đồng chuyên môn, một số nhà giáo dục, nhà văn có uy tín làm thành viên.
Ban Tổ chức có trách nhiệm xây dựng kế hoạch dài hạn từ năm 2013 đến năm 2020, trước mắt là các nội dung hoạt động cụ thể của từng năm từ nay đến hết năm 2015 để trình Ban Chỉ đạo vào tháng 2/2013.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Hằng năm (vào đầu tháng 10) tổ chức xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp để rút kinh nghiệm và chỉ đạo trong năm tiếp theo;
- Trước mắt, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Văn phòng Hội và Văn phòng Bộ tham mưu để có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nội dung phối hợp cụ thể;
Kinh phí hoạt động do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam quyết định cụ thể theo từng nội dung phối hợp.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh. Ban Tổ chức trình Ban Chỉ đạo để giải quyết kịp thời.
Chương trình hợp tác có hiệu lực từ ngày ký./.
TM. BCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM | BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
- 1Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 2Kết luận 51-KL/TW về Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Công văn 8240/BGDĐT-VP năm 2013 không tổ chức đón tiếp khách nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chương trình phối hợp 34/CTr-BGDĐT-HNVVN về "phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020" giữa Bộ Giáo dục -Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam
- Số hiệu: 34/CTr-BGDĐT-HNVVN
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 10/01/2013
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam
- Người ký: Phạm Vũ Luận, Hữu Thỉnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra