Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 747-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1995 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP NHẬN TRỞ LẠI NHỮNG CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC NƯỚC NGOÀI CHO CƯ TRÚ

Hiện nay việc tiếp nhận công dân Việt Nam đã nhập cảnh nước ngoài nhưng không được nước ngoài cho phép cư trú hoặc bị trục xuất về nước là vấn đề phức tạp, đòi hỏi có chính sách thích hợp của Nhà nước và sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp.

Về việc này, Hội đồng Bộ trưởng đã có Chỉ thị số 7-HĐBT ngày 19-1-1989 về việc người Việt Nam xuất cảnh trái phép tự nguyện về nước, Chỉ thị số 294-CT ngày 1-10-1991 về việc giải quyết vấn đề người xuất cảnh trái phép, và Quyết định số 599-TTg ngày 18-10-1994 về việc xem xét nhận những công dân Việt Nam bị Canada trục xuất về nước.

Mặc dầu những văn bản này đã giải quyết kịp thời những vấn đề cụ thể, trước mắt, nhưng nay có những điểm không còn phù hợp với tình hình mới.

Để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam hồi hương, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu đối ngoại trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TIẾP NHẬN TRỞ LẠI NHỮNG CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC NƯỚC NGOÀI CHO CƯ TRÚ HOẶC BỊ BUỘC PHẢI VỀ NƯỚC

a) Về điều kiện tiếp nhận:

1. Đối tượng được xem xét tiếp nhận trở lại là những người còn giữ quốc tịch Việt Nam và đồng thời không có quốc tịch nước khác, trước kia đã có nơi thường trú ở Việt Nam và hiện nay được tổ chức kinh tế, xã hội hoặc cá nhân thường trú ở Việt Nam bảo lãnh (trừ một số trường hợp cá biệt vì lý do nhân đạo).

2. Phải đảm bảo các nguyên tắc trật tự, an toàn và tôn trọng nhân phẩm của người trở về.

3. Có tài trợ của quốc tế hoặc của nước ngoài hữu quan để bảo đảm việc tiếp nhận và tái hoà nhập sau khi về nước.

4. Có sự thoả thuận giữa nước ta và nước ngoài hữu quan.

b) Về thủ tục tiếp nhận:

1. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ hữu quan xem xét thoả thuận với nước ngoài theo mức độ dưới đây:

a) Nếu số lượng người bị đưa về nhiều hoặc có vấn đề phức tạp thì cần đàm phán ký kết Hiệp định hoặc Thoả thuận với nước ngoài hữu quan về việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cư trú, trong đó quy định chi tiết các điều kiện và thủ tục nêu tại Chỉ thị này.

b) Nếu số lượng người tiếp nhận trở về ít, không thành đợt và không có vấn đề phức tạp thì không cần đàm phán, ký kết Hiệp định hoặc Thoả thuận riêng biệt mà chỉ cần 2 bên hợp tác giải quyết: Phía nước ngoài gửi yêu cầu và các thông tin nhân sự cần thiết, ta xác minh trả lời (đồng ý hay từ chối tiếp nhận), hai bên làm các thủ tục giao nhận. Thủ tục tiếp nhận cụ thể như sau:

- Phía nước ngoài trao cho ta (qua đường ngoại giao) ảnh và các thông tin cần thiết về nhân thân của người trở về, quan hệ gia đình của họ ở Việt Nam, thời gian và lý do bị buộc phải về nước…

- Bộ Nội vụ có trách nhiệm xác minh nhân sự và thông báo kết quả cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn sớm nhất để trả lời phía nước ngoài về quyết định của ta (đồng ý hoặc từ chối tiếp nhận).

2. Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy tờ cần thiết cho những người được tiếp nhận trở lại và phối hợp với các cơ quan trong nước và nước ngoài tổ chức việc giao nhận người trở về.

c) Về vấn đề tài trợ cho việc tiếp nhận:

 Bộ Ngoại giao cùng các ngành liên quan đề xuất việc yêu cầu phía nước ngoài tài trợ bằng các hình thức thích hợp để hỗ trợ tài chính cho việc tiếp nhận và tái hoà nhập những người Việt Nam trở về, nhất là đối với các trường hợp có số lượng người trở về nhiều như từ các nước Đức, Hà Lan.

II. VIỆC PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA CÁC CƠ QUAN HỮU QUAN TRONG NƯỚC

1. Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ hữu quan đàm phán, ký kết Hiệp định hoặc Thoả thuận với nước ngoài và xử lý các vấn đề về đối ngoại khác liên quan đến việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

2. Bộ Nội vụ chủ trì việc tổ chức tiếp nhận người trở về chỉ đạo việc xác minh về nhân sự, đảm bảo tiếp nhận đúng đối tượng và chỉ đạo các mặt hoạt động liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo những vấn đề liên quan đến tái hoà nhập của những người trở về; tổ chức, hướng dẫn các địa phương liên quan tiếp nhận và đưa người trở về địa phương và gia đình họ; lập dự án sử dụng tài trợ nước ngoài trình Chính phủ quyết định trong trường hợp có tài trợ của nước ngoài cho công tác tiếp nhận và tái hoà nhập người trở về; tham gia đàm phán, ký kết thoả thuận về tài trợ theo dự án được duyệt.

4. Bộ Tài chính quản lý các nguồn tài trợ nước ngoài theo Nghị định số 58-CP của Chính phủ, cấp kinh phí cho công tác tổ chức tiếp nhận người trở về trong trường hợp không có tài trợ của nước ngoài.

5. Bộ Y tế bố trí người và phương tiện y tế để phục vụ cho việc tiếp nhận người trở về: kiểm tra sức khoẻ khi cần thiết, quản lý hồ sơ sức khoẻ người trở về, phòng chống bệnh truyền nhiễm lây lan từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta.

6. Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc địa phương bảo đảm việc tái hoà nhập người trở về, hỗ trợ ngành Công an trong việc xác minh nhân sự và giữ gìn an ninh trật tự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này và phản ánh kịp thời những vấn đề mới phát sinh để có chủ trương, biện pháp xử lý thích hợp.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 747-TTg năm 1995 về tiếp nhận trở lại những công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 747-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/11/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản