Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 55/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 10 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XỬ LÝ VẬT TƯ, THIẾT BỊ VÀ KHO BÃI

Đến nay công tác kiểm tra vật tư, thiết bị, kho bãi theo quyết định 148-CP ngày 9-6-1977 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 41/CT-UB ngày 22-7-1977 của Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành tại các đơn vị đã phát hiện một số vấn đề cần xử lý gấp để kịp thời thu gom, bảo quản vật tư, thiết bị, điều động vào phục vụ sản xuất và xây dựng.

Trong khi chờ đợi sự hướng dẫn của Đoàn Kiểm tra vật tư của Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị cho Ban Kiểm tra vật tư Thành phố cùng với các ngành, các cấp thực hiện những quy định sau đây :

1.- Huy động ngay những vật tư, thiết bị trái ngành nghề nằm ở trong kho của các ngành, các cấp, các kho vật tư thuộc tất cả các nguồn đang chốt giữ quản lý, chưa khui mở xử lý để đưa vào phục vụ sản xuất và xây dựng.

Trong việc điều động, phân phối vật tư, thiết bị cho sản xuất và xây dựng, cần đảm bảo đúng nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất vật tư, thiết bị ; tôn trọng đúng chức năng của ngành do Nhà nước quy định và được Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ.

2.- Quá trình điều động, phân phối cần theo đúng mấy quy định cụ thể như sau :

a) Những đơn vị tiếp nhận vật tư, thiết bị phải có nhu cầu thực sự, có chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Đối với vật tư, thiết bị kỹ thuật, chỉ được phép đưa vào tồn kho dự trữ theo định mức hợp lý.

b) Vật tư, thiết bị chuyên dùng thuộc ngành nào, giao cho ngành ấy tiếp nhận, quản lý ; vật tư thông dụng giao cho Công ty Vật tư tổng hợp tiếp nhận quản lý. Đối với vật tư, thiết bị chuyên dùng chưa có ngành nào tiếp nhận, Công ty Vật tư tổng hợp có trách nhiệm tiếp nhận bảo quản để cung ứng theo nhu cầu của kế hoạch Nhà nước sau này.

c) Đối với các kho vật tư, thiết bị thuộc loại vắng chủ, tư sản cải tạo … mà các ngành đang chốt giữ, Ban Kiểm tra vật tư Thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban cải tạo Thành phố và các cơ quan có liên quan đề ra phương án xử lý, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Cần chú ý loại kho trên đây, hai năm qua cụ thể không được bảo quản chu đáo, nhiều loại vật tư đã kém phẩm chất, cần khẩn trương đề nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý sớm.

d) Đối với các kho vật tư, thiết bị thuộc diện tín chấp, thế chấp, ban Kiểm tra vật tư Thành phố cần kịp thời báo cáo với Ban Xử lý các ngân hàng tư nhân dưới chế độ cũ của Chính phủ để giải quyết.

3.- Việc thu gom vật tư, thiết bị, tài sản trong thành phố là một nhiệm vụ rất lớn, cần được tổ chức thực hiện khẩn trương và chu đáo :

a) Đối với các thiết bị dây chuyền sản xuất chưa lắp đặt, còn để trong kho, đối với các cơ sở xí nghiệp đang ngừng sản xuất, các loại xe, máy, … cần được khôi phục, lắp đặt và đưa vào sản xuất. Ban Kiểm tra vật tư Thành phố phối hợp với các ngành, các cấp đề ra những phương án sử dụng cụ thể và trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Trong trường hợp chưa khôi phục được sản xuất, phải tổ chức bảo quản cẩn thận, nghiêm cấm việc tùy tiện tháo gỡ phụ tùng, xé lẻ các dây chuyền sản xuất đồng bộ, tháo gỡ máy di chuyển đi nơi khác hoặc dồn vào một chỗ để lấy nhà làm kho hoặc làm việc khác.

b) Đối với vật tư, thiết bị lẻ, phụ tùng… đang rải rác, Ban Kiểm tra vật tư giao cho các ngành phải thu gom lại ; các loại chuyên dùng giao cho các ngành chịu trách nhiệm quản lý ; loại thông dụng do Công ty Vật tư tổng hợp chịu trách nhiệm. Ngành nào thu gom những thứ không còn khả năng khôi phục, ngành đó có trách nhiệm phải làm thủ tục thanh lý hoặc làm phế liệu. Những vướng mắc trong xử lý, Ban Kiểm tra vật tư cần bàn bạc với các bên hữu quan, nếu cần, báo cáo với Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

c) Đối với những tư liệu sinh hoạt và phục vụ công tác được phát hiện qua kiểm tra cũng phải tổ chức thu gom ; Sở Tài chánh phải dành một lực lượng thích đáng để kiểm tra việc thu gom và quản lý thường xuyên, nhất là những thứ qúy, đắt tiền như : tủ lạnh, máy lạnh, ti vi, máy thu thanh, quạt, máh tính, máy chữ, xe máy, sa lông loại tốt… Cần tổ chức đăng ký theo dõi chặt chẽ cả số tài sản sẵn có ở các cơ quan, khu tập thể, gia đình cán bộ mượn, đồng thời có kế hoạch tân trang, bảo quản để có điều kiện trang bị cho các cơ sở khách sạn, cơ sở du lịch và có lực lượng dự trữ cho những năm sau. Các cơ quan, xí nghiệp không được tùy tiện nhượng bán cho cán bộ, công nhân viên không theo sự hướng dẫn của Sở Tài chánh Thành phố.

4.- Về kho hàng, bến bãi trong khi chờ xử lý toàn diện, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ quyết định cụ thể từng kho trong những trường hợp cần thiết.

Trên đây là mấy vấn đề cấp bách, cần thực hiện và cần tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành ở Trung ương để giải quyết các vấn đề khác như giá cả, thanh toán, vốn…, Trong quá trình thực hiện sẽ được sự hướng dẫn thêm của Đoàn Kiểm tra vật tư của Chính phủ.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 55/CT-UB năm 1977 về xử lý vật tư, thiết bị và kho bãi do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 55/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/10/1977
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản