Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 50/CT-UB | TP.Hồ chí minh, ngày 30 tháng 10 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong quá trình triển khai thực hiện các quyết định cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ về giá, lương, tiền, ở thành phố có nhiều biến động trong sản xuất, phân phối lưu thông và đời sống; Lợi dụng tình hình này, kẻ địch, bọn đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lậu chống phá ta quyết liệt. Nhằm ổn định sản xuất và lưu thông hàng hóa trong tình hình hiện nay, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Ban Thường vụ Thành ủy (cuộc họp ngày 12-10-1985), Ủy ban Nhân dân Thành phố đề ra những biện pháp cấp bách sau đây:
I. VỀ SẢN XUẤT:
Yêu cầu bức thiết là phải bảo đảm cho sản xuất không bị đình trệ, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1985 của thành phố. Vì vậy:
1. Với giá vật tư mà Nhà nước đã ban hành, các đơn vị sản xuất của thành phố cứ tiếp nhận, thanh toán và nhanh chóng đưa số vật tư này vào sản xuất.
2. Đối với vật tư do thành phố tự nhập khẩu, nhanh chóng cấp phát cho các xí nghiệp, tạm thời thanh toán theo giá tạm tính để đưa vào sản xuất.
3. Sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu trước ngày 01-10-1985 và những sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu tiếp nhận sau ngày 01-10-1985 trong lúc chưa có giá mới bán buôn xí nghiệp, bán buôn công nghiệp thì xí nghiệp giao hàng cho ngành thương nghiệp tạm thanh toán theo giá lẻ hiện nay trừ chiết khấu thương nghiệp và phải hạch toán riêng đối với từng loại.
4. Hạch toán giá thành: Phải hạch toán đủ, sát và đúng, cắt bỏ những chi phí bất hợp lý trong giá thành. Từng Sở phải tổng hợp giá thành các mặt hàng do Sở mình phụ trách để trình Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định.
Đối với vật tư tồn kho qua kiểm kê ngày 01-10-1985, sẽ tính theo giá mới. Số chênh lệch giá sẽ nộp vào ngân sách. Sở Tài chánh chịu trách nhiệm tính toán để cấp lại vốn lưu động bổ sung cho các xí nghiệp thiếu vốn.
II. VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG:
1. Đối với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, vấn đề bức xúc hiện nay là đẩy mạnh thu mua nắm hàng lương thực, nông sản thực phẩm và hàng công nghệ, đồng thời có biện pháp phân phối thích hợp đến tay người tiêu dùng, vận dụng giá cả hợp lý nhằm nhanh chóng ổn định thị trường, bảo đảm cho đời sống cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động.
Những mặt hàng do Bộ Nội thương cung cấp thì Sở Thương nghiệp phải tích cực tranh thủ tiếp nhận (kể cả những mặt hàng mà Bộ Nội thương giao kế hoạch nhận của các xí nghiệp Trung ương đóng tại Thành phố).
Những mặt hàng ngoài kế hoạch của các xí nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Thương nghiệp phải tích cực khai thác bổ sung nguồn hàng cho thành phố, hết sức chú trọng thu mua hàng TTCN.
Những mặt hàng do các tỉnh cung cấp, thì Sở Thương nghiệp, Công ty lương thực thành phố phải tranh thủ tiếp nhận đầy đủ các mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã thành phố và quận huyện tích cực khai thác nguồn hàng nông sản thực phẩm (rau, cá, trứng) thông qua liên doanh hợp tác kinh tế để bảo đảm cho nhu cầu thành phố. Giá mua và giá bán các mặt hàng này, nhất là mặt hàng tươi sống phải linh hoạt và có sự thống nhất với UBND Tỉnh, Huyện, bảo đảm vừa mua được hàng vừa đấu tranh kéo dần giá thị trường xuống.
Về cụ thể, Sở Thương nghiệp cùng với Ủy ban vật giá thành phố định giá mua thống nhất trên từng địa phương và định giá bán thống nhất trên toàn thành phố cho sát đúng trong từng thời điểm. Thông báo công khai giá bán từng mặt hàng cho nhân dân thành phố biết và giáo dục hướng dẫn mọi người tham gia vào việc quản lý giá cả, thị trường, chống bọn đầu cơ, mua gom, làm ăn phi pháp, chống tiêu cực trong cán bộ nhân viên thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Những mặt hàng đầu vị, khan hiếm hiện nay như bột ngọt, vải cao cấp, điện máy… của các Công ty xuất nhập khẩu thành phố, quận, huyện, trước khi dùng làm quỹ hàng hóa đối lưu thì Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố phải ưu tiên cân đối cho Sở Thương nghiệp bảo đảm đủ lượng hàng phục vụ cho thị trường thành phố.
2. Về phương thức thanh toán : Công ty ngành hàng ngoài việc thanh toán bằng chuyển khoản, trong tình hình hiện nay được vận dụng các phương thức thanh toán như sau:
Các đơn vị sản xuất của thành phố và trung ương trên địa bàn thành phố nói chung là thanh toán bằng chuyển khoản. Với một số hàng cụ thể, xí nghiệp yêu cầu cần một phần tiền mặt thì Giám đốc Sở và Giám đốc Ngân hàng thành phố giải quyết từng trường hợp nhằm bảo đảm sản xuất không bị ngưng trệ.
Những mặt hàng do Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố giao cho Sở Thương nghiệp thì tạm tính theo giá hiện hành trừ chiết khấu thương nghiệp,
Những mặt hàng thiết yếu như: thịt, cá, rau, trứng, đậu… trong hoặc ngoài kế hoạch do các tỉnh chở hàng đến thành phố hoặc các tỉnh đề nghị hỗ trợ một phần tiền mặt để chỉ trả cho nông dân thì được phép chi trả một phần bằng tiền mặt.
Trường hợp chủ hàng nhứt định đòi tiền mặt thì Giám đốc Sở thương nghiệp được phép quyết định nhằm bảo đảm hàng hóa cho thị trường thành phố.
3. Về kinh doanh thương nghiệp:
Thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã phải bảo đảm kinh doanh bình thường. Trong lúc bọn địch, bọn xấu đang dùng nhiều thủ đoạn tung tin kích động, đầu cơ, mua gom, nâng giá, ghìm hàng v.v… thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải vận dụng nhiều phương thức phân phối thích hợp nhằm đưa hàng đến tay người tiêu dùng, đưa hàng đến từng khu phố để bán cho đồng bào thông qua màng lưới hợp tác xã mua bán phường xã, đưa hàng đến tay cán bộ, công nhân viên thông qua căn tin, sổ mua hàng cơ quan, theo định lượng quy định trong từng thời gian. Trong tình hình hiện nay, UBND quận, huyện, phường, xã, Ban quản lý HTX thành phố và quận huyện phải tăng cường chỉ đạo hợp tác mua bán phường xã.
Trước mắt, Sở Thương nghiệp nghiên cứu ổn định nhu cầu hàng tháng về thực phẩm chủ yếu cho mỗi cán bộ, công nhân viên chức và hộ dân, có kế hoạch rót hàng đủ nhu cầu đã quy định, thông báo công khai và có kế hoạch phối hợp cùng các đoàn thể, các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện.
Mặt khác, Sở Thương nghiệp cũng căn cứ vào nguồn hàng, lực lượng hàng hóa đang có và có thể thu hút về, tính toán việc đưa hàng hóa bán bình thường trên thị trường nhằm đấu tranh chiếm lĩnh thị trường, ổn định dần giá cả.
Phải chấm dứt tình trạng đại lý dùng hàng thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã để nâng giá, trục lợi. Những đại lý vi phạm phải xử lý kiên quyết từ phạt tiền nặng đến truy tố ra toàn, thấp nhất là thu hồi giấy phép, không cho kinh doanh, thu lại số tiền lời bất chính.
Định mức tồn quỹ của các hợp tác xã mua bán phường xã hiện nay chưa hợp lý. Phải căn cứ vào doanh số, khả năng hoạt động và yêu cầu kinh doanh của các hợp tác xã mua bán phường xã để phân loại: nhỏ, vừa, lớn. Từ đó, UBND quận, huyện, Ban quản lý HTX thành phố, quận, huyện và Ngân hàng quận huyện tiến hành định mức tồn quỹ. Các hợp tác xã mua bán quận, huyện, phường, xã phải nghiêm chỉnh chấp hàng định mức, vi phạm phải bị xử lý.
Đối với 8 mặt hàng thiết yếu đến đời sống hàng ngày của cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động (gạo, thịt, cá, rau, nước chấm, chất đốt, bột ngọt, đường) nhứt thiết phải bán đúng giá quy định của thành phố như hiện nay.
III. VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
1. Giá cước vận tải hàng hóa tạm giữ nguyên như hiện nay. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các công ty, xí nghiệp vận tải thủy bộ chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật giá, khẩn trương thực hiện đầy đủ các kế hoạch, hợp đồng vận chuyển hàng hóa góp phần bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu của thành phố hiện nay.
2. Giá cước vận tải hàng hóa tạm chưa thay đổi, trong khi giá nhiên liệu Trung ương cung cấp được điều chỉnh, giá nhiên liệu của thành phố tự nhập lại cao hơn giá nhiên liệu của Trung ương. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải phải nhanh chóng hạch toán giá thành cụ thể trên cơ sở tăng năng suất lao động, tăng vòng quay, tính đúng định mức khấu hao tài sản cố định, tính đúng định mức kinh tế kỹ thuật, đấu tránh loại trừ những chi phí bất hợp lý, tiêu cực trong ngành và bàn bạc trao đổi với ngành chức năng (như kế hoạch, tài chánh, ngân hàng, vật giá) trình Thường trực UBND thành phố phương án giải quyết thỏa đáng về vốn, về mức bù cho ngành. Đối với những trường hợp làm nhiệm vụ vận tải hàng cho Trung ương, cho các tỉnh thì hạch toán và thanh toán theo giá cước mới do Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Giao thông vận tải quy định.
3. Giá vé ôtô buýt ở thành phố tạm thực hiện với mức 0,10đ/km/hành khách. Giảm giá 50% cho học sinh cấp I, cấp II. Các cơ quan, đơn vị bảo đảm vé tháng cho cán bộ công nhân viên đi làm việc bằng xe buýt và trừ vào lương của từng cán bộ công nhân viên với mức 3% trên lương mới cơ bản.
IV. VỀ LƯƠNG:
Thực hiện việc chuyển lương mới theo văn bản hướng dẫn thống nhất của thành phố (có văn bản riêng) phấn đấu xong vào cuối thàng 11-1985. Tiếp tục ứng khoảng phân nửa lương mới cho cán bộ công nhân viên chức trong kỳ lương đầu tháng 11-1985.
Đối với người ăn theo của cán bộ công nhân viên : tạm thời, mỗi người ăn theo được trợ cấp một số tiền tương ứng với 10kg gạo theo giá bảo đảm kinh doanh. Ăn theo mấy người thì được hưởng bấy nhiêu, không hạn chế tối đa 4 người, không tính bắt đầu từ người ăn theo thứ ba trở đi.
Thu tiền điện tiêu dùng đối với cán bộ công nhân viên tháng 10-1985 áp dụng theo định mức điện và giá điện trong định mức như trước đây. Số tiền vượt định mức cán bộ công nhân viên phải trả theo giá 1,2đ/kwh (tiền mới).
V. TÍNH GIÁ THÀNH, GIẢI QUYẾT VỐN VÀ CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH:
Các ngành, các đơn vị xí nghiệp phải nhanh chóng tính toán, xác định lại giá thành sản phẩm trên cơ sở tính toán đầy đủ, sát và đúng chí phí hợp lý, tăng năng suất lao động, loại bỏ những chi phí bất hợp lý, xác định lại những định mức kinh tế kỹ thuật, tính đúng mức khấu hao tài sản cố định, vật tư nhiên liệu từ nhiều nguồn, nhiều giá, lương mới của cán bộ công nhân viên chức…
Các ngành chức năng phải giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh tính đúng và đủ giá thành sản phẩm. Mỗi giá thành sản phẩm đều phải được Ban chỉ đạo giá thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt.
Sở Tài chánh phải tính toán, bổ dung vốn lưu động cho các đơn vị, xí nghiệp bảo đảm sản xuất không bị ngưng trệ vì thiếu vốn hoạt động; cân đối lại ngân sách, xác định mức bù lỗ cần thiết hợp lý, kiến nghị với UBND thành phố những biện pháp để cân đối ngân sách.
Ngân hàng thành phố phải quán triệt tinh thần chỉ đạo trên để bảo đảm kịp thời tiền mặt, tín dụng cho các xí nghiệp sản xuất, các đơn vị kinh doanh nội địa, cũng như xuất nhập khẩu, có biện pháp tích cực cân đối tiền lẻ cho thị trường thành phố.
VI. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tiếp tục thực hiện chỉ thị số 40/CT-UB, tăng cường công tác quản lý thị trường lấy việc xác định giá sát đúng và thực hiện kỷ luật giá làm trọng tâm, đồng thời đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, mua bán hàng giả, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tùy tiện nâng giá, đặc biệt là giá dịch vụ, ăn uống công cộng và các mặt hàng thiết yếu đến đời sống quần chúng. Phát động quần chúng tham gia quản lý thị trường, quản lý giá cả.
Căn cứ những biện pháp cấp bách nói trên, các ngành các cấp phải khẩn trương tổ chức thực hiện; phải tập chương trình hành động từ nay đến cuối năm 1985.
Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, trở ngại gì, yêu cầu các ngành các cấp kịp thời báo cáo để UBND thành phố chỉ đạo giải quyết.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 50/CT-UB về những biện pháp cấp bách để ổn định sản xuất và phân phối lưu thông trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 50/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/10/1985
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra