Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49/2001/CT-BNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (CẤP XÃ)

Thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TW, ngày 10 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu dự thảo đề cương: "Đề án xây dựng mô hình phát triển nông thôn" (cấp xã). Để triển khai đề án trên theo đúng tiến độ thời gian, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ngay một số công việc sau đây:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung triển khai các công việc sau:

- Căn cứ vào tiêu chuẩn lựa chọn xã thống nhất trong đề cương, lựa tìm 3-5 xã để bàn bạc trao đổi với chính quyền, các đoàn thể của xã nhất trí xây dựng xã điểm về phát triển nông thôn mới. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định 3 xã xây dựng mô hình điểm. Trong đó, 12 tỉnh: Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Quảng Nam, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Dương, Ninh Bình, Sơn La, Đồng Tháp, mỗi tỉnh đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 xã để xây dựng mô hình xã gắn với vùng sinh thái.

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện có xã điểm, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã tổ chức phổ biến sâu rộng đến đông đảo nhân dân trong xã, nội dung phương châm chỉ đạo xây dựng phát triển nông thôn mới là mô hình của dân, do dân; xã xây dựng dự án và triển khai thực hiện dự án, có sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Thông báo những nội dung công việc phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá.

- Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã, bao gồm: các phòng, ban, chi cục trực thuộc, phòng nông nghiệp huyện có xã điểm, do Giám đốc Sở làm Trưởng Ban để: tư vấn giúp xã xây dựng dự án, chỉ đạo quá trình thực hiện dự án, phát triển kinh tế - xã hội xã điểm, tháo gỡ khó khăn phát sinh; sơ kết, tổng kết, đề xuất cơ chế chính sách phát triển nông thôn mới với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có xã điểm, hướng dẫn xã lập Ban chỉ đạo và tổ chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện xây dựng dự án, triển khai các nội dung công việc phát triển nông thôn mới theo đề án đã được duyệt.

- Chỉ đạo các Cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các chương trình đầu tư trong lĩnh vực ngành đối với các xã xây dựng điểm, tạo vốn để thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả dự án.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước tạo điều kiện và cùng với các hợp tác xã ở xã điểm tổ chức tốt việc tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân.

2. Vụ Tổ chức Cán bộ trình Bộ trưởng Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới, gồm các Cục, Vụ, Viện, Trường và các Tổng công ty, do Thứ trưởng Cao Đức Phát làm Trưởng Ban. Lập kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý và đào tạo nghề cho nông thôn ở các điểm xây dựng.

3. Ban chỉ đạo của Bộ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã điểm thực hiện đúng nội dung, qui trình tiến độ của dự án. Phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra, khảo sát tổng kết các mô hình phát triển nông thôn, đề xuất giải pháp và chính sách phát triển nông thôn mới, nhân ra diện rộng.

4. Vụ Kế hoạch và Qui hoạch chủ trì cùng với Vụ Đầu tư Xây dựng cơ bản, Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Cục Khuyến nông và Khuyến lâm, Cục Phát triển lâm nghiệp, Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi, Cục Chế biến nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn, Cục Định canh Định cư, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển thuộc ngành tại các xã điểm phát triển nông thôn mới ngay từ năm 2001.

5. Viện Qui hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Viện Kinh tế nông nghiệp, tổ chức hướng dẫn các xã qui trình và phương pháp xây dựng dự án tổng thể kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư chuyên ngành theo đúng Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, ngày 8/7/1999 của Chính phủ.

6. Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I, II, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý xã, các chủ trang trại, chủ nhiệm HTX, đào tạo nghề cho nông dân.

7. Vụ Hợp tác Quốc tế làm việc với các tổ chức quốc tế đại diện các nước vận động sự hỗ trợ cho chương trình, tạo điều kiện đưa một số cán bộ cơ sở, trước mắt là xã điểm đi thăm quan học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn ở các nước.

8. Trung tâm thông tin xây dựng mạng lưới thông tin đến các xã điểm, để cung cấp thông tin thị trường tới người sản xuất, thông tin các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.

9. Các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Cao su, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Rau quả, Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty Mía đường I, Tổng công ty Mía đường II, Tổng công ty Chăn nuôi, Tổng công ty Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Cơ điện - Thuỷ lợi, Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Xây dựng thuỷ lợi 1, Tổng công ty Xây dựng thuỷ lợi 4, Tổng công ty Muối, Tổng công ty Lâm nghiệp, tạo điều kiện và cùng với các hợp tác xã thuộc xã điểm tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cung ứng các dịch vụ vật tư sản xuất, hướng dẫn thi công các công trình xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

10. Vụ Chính sách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị thường trực có trách nhiệm tổng hợp đề xuất của địa phương, các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp thuộc ngành trong việc xây dựng mô hình điểm phát triển nông thôn cấp xã, định kỳ báo cáo Bộ. Thông qua các mô hình điểm, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sơ kết, tổng kết đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách phát triển nông thôn mới, để Bộ trình Chính phủ.

11. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các doanh nghiệp báo cáo về Bộ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc ngành phải bố trí sắp xếp cán bộ, thời gian thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN



 
Lê Huy Ngọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 49/2001/CT-BNN về việc xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông thôn (cấp xã) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 49/2001/CT-BNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/04/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Huy Ngọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản