Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 44/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 10 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI TẠO, TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NGÀNH HÀNG THỊT HEO, TRÂU, BÒ Ở THÀNH PHỐ

Mấy năm qua, thành phố đã tiến hành một bước công tác cải tạo và tổ chức lại ngành hàng thịt heo trâu bò. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trên địa bàn thành phố từng bước mở rộng kinh doanh ngành hàng thịt heo trâu bò. Kết quả năm nguồn heo trâu bò của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hàng năm có tăng, hoạt động của tư nhân ở ngành hàng này có một bước thu hẹp.Một số nơi đã bước đầu tác động vào việc chăn nuôi heo quản lý tương đối khá đầu heo tại địa phương, vừa ngăn chặn được một bước nhất định hoạt động của thương lái giết mổ lậu, vừa khuyến khích người chăn nuôi, gắn được người chăn nuôi với thương nghiệp, tạo điều kiện cho thương nghiệp nắm hàng. Ngoài nguồn thịt do Bộ Nội thương điều về cho thành phố, thương nghiệp thành phố và nhiều quận huyện cùng thực hiện việc hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh để bổ sung nguồn heo trâu bò cho thành phố.

Nhưng công tác cải tạo và tổ chức, quản lý ngành hàng thịt heo trâu bò ở thành phố còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm :

- Công tác cải tạo và tổ chức lại hoạt động của tư nhân kinh doanh thịt heo trâu bò còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nơi thiếu kiên quyết, nên thương lái giết mổ lậu vẫn còn hoạt động mạnh ở nhiều nơi, gây khó khăn cho việc ổn định giá heo và việc tổ chức thu mua heo tại chỗ. Tiểu thương bán buôn và bán lẻ thịt heo còn đông, gắn chặt với thương lái giết mổ lậu, tiêu thụ nguồn thịt lậu mà mọi nguồn thịt của các cửa hàng thương nghiệp, đầu cơ lại, làm cho làm giá thịt heo trâu bò trên thị trường thành phố thường xuyên không ổn định.

- Hoạt động của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa còn phân tán, tản mạn; một số ít đơn vị còn chạy theo doanh số, lấy chênh lệch giá từ kinh doanh thịt heo làm nguồn bổ sung cho ngân sách. Từ đó dẫn đến việc nâng giá, đẩy giá lên, làm cho ngay trong nội bộ ngành thương nghiệp cũng không thống nhất. Một số quy định của thành phố về thống nhất quản lý : kế hoạch, giá cả, phương thức mua bán, thanh toán… không được nghiêm chỉnh thực hiện.

- Tổ chức bán lẻ của thương nghiệp còn yếu, một số đơn vị còn xem nhẹ việc tổ chức bán lẻ, còn một số nhân viên mậu dịch tiêu cực tuồn thịt cho tư thương.

- Giữa ngành nông nghiệp, thương nghiệp, xuất nhập khẩu và các ngành tài chánh, ngân hàng…chưa gắn bó thống nhất với nhau để tác động vào sản xuất chăn nuôi heo tại thành phố và tạo điều kiện cho thương nghiệp nắm hàng; ngược lại có lúc còn gây khó khăn cản trở lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến việc nắm hàng, ổn định giá cả…

Để nghiêm túc thực hiện nghị quyết, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 3 và chương trình công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh ở thành phố trong 2 năm 1984-1985, khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm và nhược điểm trên đây, đưa ngành hàng thịt heo trâu bò đi vào trật tự theo chủ trương quản lý của Nhà nước, căn cứ những ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành và các cấp ở thành phố cần khẩn trương thực hiện một số nội dung công tác sau đây :

I- TIẾN HÀNH TRIỆT ĐỂ VÀ KHẨN TRƯƠNG CÔNG TÁC CẢI TẠO TƯ NHÂN KINH DOANH THỊT HEO TRÂU BÒ ĐỂ THỰC HIỆN NHÀ NƯỚC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VÀ ĐỘC QUYỀN KINH DOANH THỊT HEO TRÂU BÒ Ở THÀNH PHỐ (QUYẾT ĐỊNH 111/HĐBT NGÀY 25-8-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG).

1. Mặt hàng thịt heo, trâu bò là mặt hàng chiến lược sau lương thực, Nhà nước phải thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh.

Để thực hiện tốt chủ trương đó, trước tiên các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể các địa phương và từng tổ dân phố phải mở một đợt vận động, tuyên truyền giải thích cho mọi cán bộ công nhân viên và từng hộ dân hiểu rõ ý nghĩa việc Nhà nước thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh thịt heo trâu bò là: tạo cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nắm được toàn bộ nguồn thịt heo trâu bò nhằm ổn định giá cả, đảm bảo phục vụ đời sống, phân phối công bằng hợp lý cho mọi thành viên trong xã hội, tránh lãng phí. Nó còn có ý nghĩa là ngăn chặn việc lạm sát để bảo vệ đàn gia súc, bảo vệ sức kéo nhằm khuyến khích nghề chăn nuôi heo trâu bò phát triển. Về mặt vệ sinh và môi trường, nó có ý nghĩa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh cho người và gia súc.

Trên cơ sở thấy rõ ý nghĩa và lợi ích như trên, làm cho mọi cán bộ, công nhân viên và mọi người dân đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện chủ trương Nhà nước thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh thịt heo trâu bò, kiên quyết cải tạo tư nhân kinh doanh thịt heo trâu bò ở thành phố.

2. Các quận huyện phường xã cần tiến hành thật triệt để việc cấm thương lái thu mua và giết mổ thịt heo trâu bò. Ở từng phừơng, xã cần tăng cường quản lý đầu heo. Phải phổ biến công khai chủ trương cấm thương lái giết mổ heo trâu bò, tổ chức họp bàn với những người lâu nay hành nghề giết mổ heo lậu, yêu cầu họ chuyển sang kinh doanh các ngành hàng khác.

Các cửa hàng thực phẩm quốc doanh quận huyện và hợp tác xã phuờng xã tiền hành chọn lọc một số thương lái tốt để sử dụng làm công tạo lò mổ thủ công ở các khâu giết mổ, pha lóc, chế biến.

Phải kiên quyết xử lý những người cố tình chống phá, nếu đúng là đã nhiều lần tái phạm cần thực hiện cưỡng bức lao động, cưỡng bức cư trú.

Đối với tiểu thương bán lẻ thịt heo trâu bò, sẽ tổ chức học tập giáo dục chủ trương của Nhà nước, vận động họ vào làm công trong các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã theo chính sách cụ thể mà ngành thương nghiệp đã công bố (không sử dụng tư nhân làm đại lý bán thịt heo trâu bò), đồng thời thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh đã cấp trước đây chấm dứt hoạt động kinh doanh của họ.

Đối với những người làm nghề chế biến thịt heo trâu bò, cần phải tổ chức nắm lại cho chắc (gắn với công tác điều tra đăng ký kinh doanh, công tác 5 quản), phân loại và áp dụng đúng chính sách cải tạo. Với những cơ sở lớn, có phương tiện đầy đủ, đảm bảo vệ sinh, sẽ tiến hành hợp tác kinh danh. Với những cơ sở vừa và nhỏ, cần gắn với quá trình tổ chức lại ngành thương nghiệp và dịch vụ trên địa bàn dân cư để sử dụng họ thành cơ sở gia công chế biến hoặc sử dụng bản thân người thợ thành người làm công cho thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã.

II. THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (QUỐC DOANH + HTX) PHẤN ĐẤU VƯƠN LÊN KINH DOANH NGÀNH HÀNG THỊT HEO VÀ TRÂU BÒ ĐỂ PHỤC VỤ CHO CÁC NHU CẦU CỦA XÃ HỘI Ở THÀNH PHỐ, PHẤN ĐẤU TRONG THỜI GIAN NGẮN NHỨT THAY THẾ TƯ THƯƠNG, QUẢN LÝ CHẶT THỊ TRƯỜNG THỊT VÀ XOÁ BỌN ĐẦU CƠ BUÔN LẬU THỊT HEO, TRÂU, BÒ, XÂY DỰNG NGÀNH KINH DOANH THỊT CỦA THÀNH PHỐ LỚN MẠNH.

Đồng thời với việc tiến hành cải tạo tư nhân, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa thành phố phải đẩy mạnh kinh doanh để nắm toàn bộ nguồn thịt heo trâu bò vào tay Nhà nước theo sự phân công và phân cấp như sau :

1. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải tổ chức tốt việc thu mua heo tại chỗ theo sự phân công thu mua ở từng khu vực :

a) Heo chăn nuôi và gia công chăn nuôi của Sở Nông nghiệp, ngoài phần giao cho xuất khẩu, phần còn lại Sở Thương nghiệp (Công ty thực phẩm 1) phải phối hợp với Sở Nông nghiệp tổ chức thu mua hết.

b) Heo của các trại chăn nuôi quốc doanh quận, huyện giao cho thương nghiệp quốc doanh quận, huyện tổ chức mua.

Công ty gia công chăn nuôi, các trại chăn nuôi quốc doanh của Sở Nông nghiệp hoặc của quận huyện chỉ được bán theo sự phân công trên đây, không được bán cho các đơn vị khác.

c) Nguồn thịt heo trâu bò tại các chợ đầu mối (tập trung lớn nhất tại An Lạc – Bình Chánh và Ký Thủ Ôn quận 8), tuy ta không khuyến khích tồn tại song trước mắt nguồn hàng này vẫn còn khá lớn. Do đó Công ty Thực phẩm 1 phải phối hợp với huyện Bình Chánh để tổ chức thu mua tại chợ An Lạc. Thương nghiệp quốc doanh (hợp tác xã quận 8) phải tổ chức thu mua nguồn thịt heo tại Ký Thủ Ôn.

d) Đối với số đầu heo nuôi ở từng nhà cán bộ công nhân viên chức và nhân dân, giao việc thu mua cho ngành hợp tác xã. ủy ban Nhân dân các quận, huyện căn cứ thống kê số đầu heo ở từng phường, xã để giao chỉ tiêu thu mua hợp lý cho từng hợp tác xã phường xã. Hợp tác xã phường xã chủ yếu thu mua heo nuôi trong địa bàn phường xã mình, để tự cân đối cho nhu cầu địa phương.

Phần heo do hợp tác xã phường xã mua nếu để bán lẻ bình thường tại phường xã là phần tự doanh của hợp tác xã; nếu mua để cân đối nhu cầu cung cấp cho cán bộ và các gia đình chánh sách tại phường xã hoặc lượng heo mua được sau khi đã cân đối cho các nhu cầu tại phường xã còn thừa điều lên quận (huyện), coi như mua ủy thác cho thương nghiệp quốc doanh. Thương nghiệp quốc doanh quận huyện phải giải quyết lợi ích thỏa đáng cho hợp tác xã phường, xã theo quy định về mua ủy thác, không để cho hợp tác xã phường bị lỗ.

2. Đối với nguồn heo thu mua tại các tỉnh, Sở Thương nghiệp (Công ty thực phẩm 1) chịu trách nhiệm ký hợp đồng thu mua với các tỉnh hoặc hợp đồng tiếp nhận với Công ty Thực phẩm 2 Trung ương theo kế hoạch phân bổ của Trung ương đồng thời có trách nhiệm quan hệ với các tỉnh để được giao heo đầy đủ và kịp thời theo hợp đồng. Việc tổ chức đi nhận về, ngoài Công ty Thực phẩm 1 đi nhận trực tiếp, còn ủy nhiệm cho thương nghiệp quốc doanh quận, huyện đi nhận.

3. Hiện nay tại các tỉnh, sau khi làm xong nghĩa vụ giao nộp cho Trung ương, còn một lượng heo khá lớn. Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Thương nghiệp đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với các tỉnh để nắm nguồn heo này. Sở Thương nghiệp (Công ty Thực phẩm 1) cần có kế hoạch phân công cụ thể cho thương nghiệp quốc doanh từng quận, huyện được quan hệ ký hợp đồng thu mua nguồn heo nói trên, nhưng phải chấp hành các quy định như sau : Hợp đồng phải qua Sở Thương nghiệp duyệt ; phải chấp hành đúng giá quy định của Ủy ban Vật gia Nhà nước cho thu mua tại từng địa phương ; kết quả thực hiện hợp đồng phải báo cáo với Sở Thương nghiệp (Công ty Thực phẩm 1) có trách nhiệm nắm và cân đối chung.

Ngoài ra ở thành phố còn một nguồn heo do thương nghiệp các tỉnh tự đưa lên bán. Nguồn này Công ty thực phẩm 1 và thương nghiệp quốc doanh các quận huyện được tổ chức thu mua nhưng cũng phải chấp hành 3 điều quy định nêu trên ; riêng về giá chỉ được mua theo giá chỉ đạo của Sở Thương nghiệp thành phố.

4. Ngoài những nội dung về phân công phân cấp như đã nêu trên đây, Ủy ban nhân dân thành phố nhắc lại một số quy định đã có từ trước để các đơn vị nghiêm túc thực hiện :

a) Các đơn vị không có chức năng kinh doanh thịt heo trâu bò, không được thu mua, giết mổ thịt heo trâu bò.

b) Các đơn vị trung ương đóng tại thành phố, kể các các đơn vị quân đội, được nhận heo trực tiếp theo kế hoạch của Bộ Nội thương, hoặc tự tổ chức chăn nuôi nếu không sử dụng hết, không được bán heo ra thị trường, chỉ được bán cho các đơn vị thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố và quận huyện, phường, xã.

c) Các đơn vị xuất nhập khẩu ở thành phố có nhu cầu xuất khẩu, dù mua heo tại các tỉnh hay tại thành phố đều phải quan hệ với thương nghiệp tại địa phương, mua đúng theo giá chỉ đạo của Ủy ban vật giá Nhà nước ở từng khu vực. Nghiêm cấm sử dụng thương lái mua trực tiếp của người chăn nuôi. Nghiêm cấm tùy tiện định giá hoặc dùng hàng độn giá.

5. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn giết mổ lậu, đưa việc quản lý các lò mổ heo trâu bò đi vào nề nếp, ngành thương nghiệp cần chấn chỉnh và quy hoạch lại hệ thống lò mổ thủ công ở thành phố theo hướng sau đây :

a) Ở các huyện ngoại thành, mỗi quận huyện tổ chức lò mổ ở trung tâm của huyện và các lò mổ ở các xã, thị tứ do thương nghiệp quốc doanh phối hợp với lò thú y huyện quản lý.

b) Ở các quận nội thành, bố trí các lò mổ của quận, có chuồng trại đảm bảo nuôi rộng heo, giữ vệ sinh; mỗi quận phấn đấu trong 1 thời gian xây dựng được 1 kho lành có trữ lượng từ 5-10 tấn/kho. Ở các phường, tùy theo điều kiện mặt bằng và vệ sinh, có thể bố trí lò mổ của phương hoặc liên phương (như vậy không nhất thiết phường nào cũng phải tổ chức lò mổ). Các lò mổ này do thương nghiệp quốc doanh phối hợp với thú ý quận quản lý.

c) Ở thành phố : ngoài lò mổ thủ công đặt tại trạm 4, Công ty thực phẩm số 1 tổ chức 2 lò mổ liên quận (theo mô hình trạm 4) phấn đấu xây dựng được ở đây kho lạnh có sức chứa từ 50-100T.

6- Ngành thương nghiệp phải tổ chức tốt việc bán buôn và bán lẻ thịt heo trâu bò theo những nội dung phân công như sau :

a) Công ty thực phẩm 1 làm nhiệm vụ bán buôn các mặt hàng thịt cho thương nghiệm quốc doanh và hợp tác xã các quận là chủ yếu, có tổ chức bán lẻ một phần ở 1-2 chợ trọng điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo bán lẻ và bán lẻ mặt hàng thịt chế biến tại một số khu vực trung tâm của thành phố.

b) Công ty nông sản thực phẩm các quận huyện (hoặc hợp tác xã quận huyện) cũng tổ chức bán buôn cho hợp tác xã các phường và trực tiếp tổ chức bán lẻ tại một số chợ lớn trong quận (huyện).

c) Việc tổ chức bán lẻ do thương nghiệp hợp tác xã đảm nhiệm là chủ yếu, trong đó có phần do thương nghiệp hợp tác xã phường xã tự doanh, có phần bán đại lý cho thương nghiệp quốc doanh.

Hợp tác xã phường xã chịu trách nhiệm bán cung cấp cho cán bộ phường xã, cán bộ hưu trí và các đối tượng chánh sách khác tại phường xã theo quyết định của Nhà nước. Việc bù lỗ sẽ do Công ty thực phẩm 1 cùng thương nghiệp quốc doanh các quận huyện đảm nhiệm. Hợp tác xã phường xã còn tổ chức bán lẻ thịt heo trâu bò bao gồm cả bán cho các hộ xã viên trên địa bàn phường xã mình tại các khu phố (theo sổ mua hàng của xã viên và theo định mức cho từng thời gian tùy theo lực lượng hàng hóa), đồng thời tổ chức bán lẻ bình thường trên thị trường tại các chợ (từng địa bàn phường xã mình).

d) Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (quốc doanh +HTX) các cấp (thành phố, quận huyện phường xã) cần cố gắng tổ chức, sắp xếp, cải tạo, quản lý các cơ sở chế biến và mở rộng mạng lưới bán lẻ những sản phẩm chế biến từ thịt heo trâu bò – gia cầm…, đáp ứng nhu cầu của thành phố.

đ) Trong việc tổ chức bán cung cấp và bán thêm cho cán bộ công nhân viên và các hộ chánh sách, ngành thương nghiệp cần tách riêng hệ thống bán cung cấp thành các cửa hàng, các điểm bán cung cấp tổng hợp các mặt hàng định lượng theo quyết định 218 trong đó có bán thịt heo trâu bò. Ngoài ra Công ty Thực phẩm 1 và các Công ty Nông sản thực phẩm (hoặc cửa hàng thực phẩm) các quận huyện cần tổ chức sớm việc đưa hàng vào bán cung cấp (hoặc bán thêm) tại đơn vị cho những đơn vị, cơ quan có số lượng cán bộ công nhận viên tập trung (từ 500 cán bộ công nhân viên trở lên).

e) Việc bán thịt heo trâu bò cho các cơ sở ăn uống tư nhân còn được phép kinh doanh cũng thuộc trách nhiệm của ngành thương nghiệp. Sở Ăn uống khách sạn và Sở thương nghiệp cần bàn bạc cụ thể để phân công tổ chức các điểm bán cung ứng thịt cho các cơ sở kinh doanh ăn uống đi vào nề nếp, tránh xảy ra tiêu cực. Mặt khác, các ngành ăn uống khách sạn, thương nghiệp phối hợp với các quận huyện cần tích cực tiến hành cải tạo tổ chức lại các hộ ăn uống tư nhân, không để ăn uống bừa bãi lãng phí đồng thời hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở ăn uống xã hội chủ nghĩa cũng như tư nhân sử dụng gia cầm và các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo để giảm bớt tối đa lượng thịt heo tiêu thụ trong ăn uống công cộng tại thành phố.

g) Điều đặc biệt quan trọng là hệ thống kinh doanh thịt heo của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải nghiêm túc chấp hành thống nhất giá bán lẻ thịt heo ở thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm cho Sở Thương nghiệp phối hợp với Ban vật giá thành phố quản lý giá bán lẻ thịt heo trâu bò. Các đơn vị phải nghiêm chỉnh chấp hành khung giá bán lẻ thịt heo trâu bò, coi đây là trách nhiệm và kỷ luật. Những cá nhân, đơn vị vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc.

III.- PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA CÁC NGÀNH NÔNG NGHIỆP, THƯƠNG NGHIỆP, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN (LƯƠNG THỰC, TÀI CHÁNH, NGÂN HÀNG…) TÁC ĐỘNG VÀI CHĂN NUÔI ĐỂ PHÁT TRIỂN VÀ NẮM NGUỒN HEO NUÔI TẠI THÀNH PHỐ.

Quyết tâm của thành phố là nâng tổng đàn heo của thành phố lên, phấn đấu đến cuối năm 1985 tự cân đối được 30-40% nhu cầu thịt heo trên thị trường xã hội. Với mục tiêu đó, các ngành ở thành phố, đặc biệt là nông nghiệp và thương nghiệp, xuất nhập khẩu, các quận ven và các quận huyện ngoại thành cần có kế hoạch toàn diện thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo tại thành phố và phối hợp chặt chẽ để tạo nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến thức ăn gia súc và sản xuất đàn heo giống.

Các quận ven và các huyện ngoại thành cần phát động một phong trào quần chúng rộng rãi, tận dụng các khu đất còn hoang hóa, các bờ rào để trồng cây có bột, tạo thêm nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia đình.

Các đơn vị thương nghiệp (quốc doanh, hợp tác xã thành phố và quận huyện) trong quan hệ hợp tác kinh tế với các tỉnh, cần tranh thủ khai thác thêm nguồn nguyên liệu như cám, bắp, bột cá, bánh dầu, mì sắn lát…để tự chế biến và hỗ trợ cho nông nghiệp chế biến thức ăn gia súc.

Thành phố khuyến khích các hình thức liên kết kinh tế giữa đơn vị nông nghiệp và thương nghiệp, xuất nhập khẩu, giữa các phường nội thành và các xã ngoại thành để đầu tư chăn nuôi phát triển đàn heo (như cách làm của phường 19 quận 1 và xã Tân An Hội, Củ Chi).

Riêng ngành nông nghiệp cần tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển đàn heo giống, đàn heo thịt và có kế hoạch kiểm tra chất lượng thức ăn gia súc, bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Mặt khác cần tăng cường mạng lưới thú y để tiến tới bảo trợ thú y cho đàn heo của thành phố.

Ngoài ra, các ngành nông nghiệp, thương nghiệp, các quận, huyện cần nghiên cứu phát triển sản xuất và đẩy mạnh thu mua gia cầm, trứng, phụ trợ và thay thế mặt hành thịt heo trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân thành phố.

IV- VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Mục đích của cải tạo, tổ chức quản lý ngành hàng thịt heo trâu bò là nhằm phát triển sản xuất và ổn định được giá cả để phục vụ đời sống nhân dân thành phố. Mấy năm qua, công sức chúng ta bỏ ra nhiều nhưng kết quả hạn chế, mặt hàng thịt heo vẫn căng thẳng và là nỗi lo hàng ngày của cấp Ủy và Ủy ban nhân dân các cấp, phần chủ yếu là do chúng ta chưa thống nhất ý chí và hành động, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp mà ngược lại nhiều lúc còn có những mâu thuẫn, gây trở ngại cho nhau, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

1. Để thực hiện được những nội dung công tác trên đây, các cấp Ủy, Ủy ban nhân dân các cấp cần tập trung chỉ đạo toàn diện, từ việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giáo dục cho cán bộ công nhân viên chức trong từng cơ quan, xí nghiệp, cho từng hộ dân từng tổ dân phố đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể trong từng khâu: đầu tư vào sản xuất, tạo các điều kiện phát triển sản xuất, cải tạo kinh doanh tư nhân, thu mua nắm nguồn hàng, tổ chức giết mổ, phân phối, bán đến tay người tiêu dùng, kiểm tra, kiểm soát…

Phải phát huy cho được sức mạnh tổng hợp của ngành, địa phương và cơ sở, với sự tham gia thiết thực của các đoàn thể quần chúng (đặc biệt là của phụ nữ).

Phải làm một cuộc vận động thực sự, liên tục trong các từng lớp nhân dân cũng như trong các đối tượng buôn bán thịt heo trâu bò, đi đôi với kiên quyết thực hiện các biện pháp hành chánh, pháp chế đã đề ra, bảo đảm các chủ trương biện pháp, các quy định của nhà nước được thi hành nghiêm túc và tự giác.

2. Trước hết, các cấp, các ngành trong Đảng, chánh quyền, đoàn thể, đặc biệt là các ngành liên quan đến việc kinh doanh thịt heo, cần nêu gương, đề cao ý thức tổ chức và kỷ luật, không chạy theo lợi ích riêng tư, ngân sách cục bộ, nghiêm chỉnh chấp hành tất cả các quy định của thành phố, cũng vì lợi ích chung mà đồng lòng chăm lo bữa ăn hàng ngày của nhân dân thành phố.

3. Các ngành tổng hợp : kế hoạch, tài chánh, ngân hàng, vật giá…, theo chức năng của mình, cần có kế hoạch phối hợp cùng các ngành thương nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp cụ thể của thành phố. Cần rà soát lại những quy định, thủ tục đã có, bổ sung, sửa đổi theo tinh thần chỉ đạo mới của Nghị quyết 6, phục vụ đắc lực cho công tác cải tạo, tổ chức và quản lý ngành hàng thịt heo trâu bò ở thành phố, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thuận lợi cho thu mua nắm hàng ở thành phố và các tỉnh.

4. Các ngành công an, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, Ban quản lý các chợ…cần phối hợp hành động, thực hiện kiểm tra kiểm soát, quản lý chặt những người lâu nay chuyên giết mổ lậu, bỏ mối, buôn bán thịt heo trâu bò lậu, rút mặt hàng thịt của Nhà nước bán ra ngoài, cùng các đoàn thể thương xuyên giáo dục, giám sát hoạt động của các tiểu thương nay được tổ chức làm công bán thịt, chế biến thịt cho ta, góp phần tạo thế ổn định trên thị trường thịt thành phố.

5. Ngoài những biện pháp, quy định cụ thể nêu trong chỉ thị này, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho các ngành thương nghiệp, tài chánh, ngân hàng, thuế…nghiên cứu và thảo ra những quy định, quy chế hướng dẫn thực hiện như: quy chế tạm thời về hình thức, biện pháp, chánh sách cải tạo, tổ chức lại và quản lý ngành thịt heo trâu bò; các quy định về thuế và hợp tác kinh doanh, sử dụng tư thương v.v…

Tất cả các nội dung công tác trên đây cần được thực hiện khẩn trương. Ban chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp thành phố theo dõi chỉ đạo thực hiện. Sở Thương nghiệp thành phố hướng dẫn cụ thể và phối hợp với các ngành, các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã và tất cả các ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp hoạt động, chủ động tích cực thực hiện thắng lợi chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, cần thường xuyên báo cáo kết quả, kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị với Ban chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 44/CT-UB đẩy mạnh công tác cải tạo, tổ chức và quản lý ngành hàng thịt heo, trâu, bò ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 44/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/10/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản