Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 41/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XUẤT NHẬP KHẨU THÀNH PHỐ

Công tác xuất nhập khẩu thành phố trong 9 tháng đầu năm 1984 gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố và các ngành tuy có nhiều cố gắng, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp ; nguồn hàng xuất khẩu tại thành phố chưa được chỉ đạo tập trung, giá mua một số mặt hàng tăng vọt. Nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu đưa vào sản xuất, kinh doanh quay vòng vốn rất chậm. Việc đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu trên địa bàn quận, huyện thành phố chưa được triển khai tốt. Khả năng đóng góp tiền đồng Việt Nam cho ngân sách thành phố còn hạn chế ; tổ chức bộ máy của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố và ngành ngoại thương thành phố hoạt động chưa có hiệu quả, trong khi đó nợ nước ngoài tăng hơn các năm 1982, 1983.

Để triển khai Nghị quyết 6 của Trung ương và Nghị quyết 4 của thành phố vào công tác xuất nhập khẩu, tạo chuyện biến và mở ra một bước phát triển trong ngành ngoại thương thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố nêu một số ý kiến chỉ đạo như sau :

I- VAI TRÒ, VỊ TRÍ CÔNG TÁC XUẤT NHẬP KHẨU THÀNH PHỐ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHẤN ĐẤU.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước và khu vực phía Nam. Thành phố có phát triển mới thúc đẩy cả khu vực phát triển.Trong hoàn cảnh từ nên sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, con đường phát triển và đi lên của thành phố tất yếu phải thông qua công tác xuất nhập khẩu ; ngoại thương thành phố phát triển chậm, tức là xây dựng thành phố chậm. Vì vậy, một trong các yêu cầu cấp bách hàng đầu hiện nay của thành phố là phải tập trung củng cố, phát triển công tác xuất nhập khẩu làm cho công tác xuất nhập khẩu phù hợp với vai trò, vị trí của thành phố. Mục tiêu dự kiến của thành phố là đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu đủ trang trại cho nhu cầu sản xuất và đời sống của thành phố, để từ đó phát triển sản xuất và nâng cao được đời sống.

Với phương hướng, mục tiêu nói trên, ngành ngoại thương thành phố phải được củng cố thêm về mặt tổ chức ; bộ máy của Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố phải gọn nhẹ, nhanh nhạy, luôn luôn đi trước một bước ; phấn đấu đặt chân đứng lâu dài ở thị trường nước ngoài. Cơ chế xuất nhập khẩu cần rất linh hoạt, có chính sách khai thác được các tiềm năng xuất khẩu của thành phố và khu vực. Trước mắt, cần lập lại trật tự sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và quan hệ hợp tác với các tỉnh một cách vững chắc và ổn định.

II- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔNG CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU THÀNH PHỐ.

1. Hiện nay, Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố có 3 nhiệm vụ quan trọng sau đây :

a) Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Thông báo 12/TV của Ban Thường vụ Thành ủy, kiên quyết tập trung thống nhất đầu mối kinh doanh và giao dịch xuất nhập khẩu của thành phố đối với thị trường nước ngoài.

b) Tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu thành phố trên các mặt: thị trường, thương nhân, mặt hàng, giá cả quản lý các phương thức kinh doanh của các đơn vị thành phố có liên quan về xuất nhập khẩu.

c) Tổng công ty xuất nhập khẩu là đơn vị tổng hợp kế hoạch xuất nhập khẩu của ngành ngoại thương thành phố để Ủy ban Kế hoạch đưa vào kế hoạch cân đối chung của thành phố. Từ đó Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố chỉ đạo, thúc đẩy, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu của các đơn vị có liên quan về xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho công tác xuất nhập khẩu phát triển nhanh chóng và ổn định.

2. Các công ty, xí nghiệp trực thuộc Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, các công ty của các ngành các Công ty cung ứng quận, huyện…đều là những đơn vị chủ lực về kinh doanh, sản xuất tạo chân hàng xuất khẩu của thành phố. Nghị quyết 6 của Trung ương đã cho phép mở ra và tạo quyền chủ động cho các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cần phải tăng cường, củng cố quyền chủ động kinh doanh của các Công ty, xí nghiệp sản xuất, nâng cao chất lượng và mở rộng được nguồn hàng xuất khẩu, đưa cơ cấu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu của thành phố lên tỷ lệ 70-80% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các đơn vị cơ sở được quyền chủ động về kế hoạch và tự chủ về tài chính – trong đó được hạch toán kinh tế độc lập có vốn kinh doanh ngoại tệ, đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu trong phạm vi cho phép và được cân đối quỹ hành hóa nhập khẩu kịp thời phục vụ sản xuất – kinh doanh của đơn vị.

- Về mặt hàng thủy hải sản : trước mắt Tổng công ty xuất nhập khẩu cần tổ chức thu mua nắm toàn bộ mặt hàng này, quản lý chặt chẽ giá cả chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Việc hình thành công ty hay xí nghiệp liên hợp đông lạnh của thành phố, giao Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cùng các ngành quản lý nghiên cứu, nếu xét cần có thể cho thành lập công ty hoặc xí nghiệp liên hợp để tạo điều kiện chủ động trong kinh doanh sản xuất, hợp tác với các tỉnh và tổ chức khai thác thu gom hàng thủy hải sản trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu về thủy hải sản.

- Về mặt hàng nông sản: cần phân công tổ chức kinh doanh, đầu tư sản xuất cho phù hợp. Đối với xí nghiệp quốc doanh chế biến hàng nông sản xuất khẩu thuộc Sở Nông nghiệp, cần phân công chăm lo đầu tư khai thác hàng nông sản ở các huyện ngoại thành. Công ty nông sản thực phẩm xuất khẩu cần tập trung giải quyết tốt quan hệ hợp tác với các tỉnh.

- Về mặt hàng công nghệ phẩm, thủ công mỹ nghệ: giao trách nhiệm cho các đồng chí Giám đốc Sở công nghiệp, Chủ nhiệm Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp, Giám đốc Công ty thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm xuất khẩu nghiên cứu việc tổ chức và phân công, phân cấp trong tình hình hiện nay giữa các xí nghiệp của Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã ngành, Công ty công nghệ phẩm xuất khẩu, Công ty thủ công mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu và các đơn vị của quận huyện để đẩy mạnh sản xuất tạo nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao chất lượng, phát triển tay nghề, đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này lên.

3. Đối với các Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận, huyện: mục đích chủ yếu của các Công ty này là nhằm khai thác các khả năng tiềm tàng và thế mạnh phát triển nguồn hàng xuất khẩu ở các quận, huyện. Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cần giao cho các Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận huyện làm đại lý thu mua hàng xuất khẩu cho Tổng Công ty, mua hàng theo kế hoạch và giao hàng cho Tổng công ty xuất khẩu, theo đó Tổng công ty gảii quyết cân đối quyền lợi cho quận huyện một cách thỏa đáng. Trên địa bàn quận huyện chỉ có một tổ chức thu mua hàng xuất khẩu của thành phố; cấm các đơn vị thuộc Trung ương quản lý và các tỉnh khác tổ chức thu mua hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

III - VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1) Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cùng Ban Tổ chức chánh quyền bàn với Ban Tổ chức Thành ủy và các ngành chức năng làm 2 đề án.

Đề án I

Củng cố và chấn chỉnh tổ chức bộ máy của Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố, các công ty xí nghiệp trực thuộc, xác định chức năng, nhiệm vụ các phòng, quy chế hoạt động, mối quan hệ, phân công, phân cấp để thoát khỏi bao cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở.

Đề án II

Sắp xếp tổ chức ngành ngoại thương thành phố cho phù hợp theo từng nhóm hàng: thủy hải sản, nông sản, công nghệ phẩm và thủ công mỹ nghệ trên cơ sở thống nhất, quản lý và tránh trùng lắp, chồng chéo, cản trở công việc của nhau.

2) Về công tác đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu, cần tăng cường khâu chế biến hàng xuất khẩu của thành phố. Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cần phối hợp với Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Ủy ban kế hoạch thành phố để giải quyết việc trích quỹ thu bù chênh lệch ngoại thương giao cho các công ty, xí nghiệp có liên quan để triển khai ngay việc đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu ở các huyện ngoại thành; đồng thời nghiên cứu việc nhập máy móc, thiết bị, kỹ thuật, đầu tư và bổ sung cho bộ phận của các ngành sản xuất hàng xuất khẩu và cho bản thân ngành ngoại thương thành phố để nâng cao giá trị và chất lượng hàng xuất khẩu của thành phố.

Trước mắt, một số công tác cụ thể cần được triển khai ngay :

Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố kiểm kê lại toàn bộ hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu còn tồn kho để giao ngay cho các công ty, xí nghiệp quận huyện đưa vào sản xuất kinh doanh và đối lưu hợp tác với các tỉnh – chú trọng các tỉnh trọng điểm. Đồng thời sớm trình phương án cung ứng hàng cho các siêu thị, quán ăn Việt Nam ở Singapore để Thương trực Ủy ban xem xét, quyết định cho triển khai.

- Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố cùng Sở Giao thông vận tải bàn việc sử dụng tàu Khánh hội đi nhận hàng hải sản tại liên doanh Minh Hải, nghiên cứu việc nhập tàu lạnh để khai thác, chế biến hàng hải sản của tỉnh Minh Hải.

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai ngay công tác xây dựng để sớm đưa cảng ở kho 18 đi vào hoạt động.

- Sở Thủy sản nghiên cứu phương án đầu tư, nhập máy móc đóng tàu đánh cá để trình Thương trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

Yêu cầu Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố và các ngành chức năng lập kế hoạch cụ thể và phối hợp tổ chức triển khai ngay việc thưc hiện các ý kiến chỉ đạo nêu trên.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
QUYỀN CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 41/CT-UB về tăng cường công tác xuất nhập khẩu thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 41/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/09/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản