Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 36/CT-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 11 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÁNH THEO CƠ CHẾ “MỘT CỬA, MỘT DẤU”

Những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 38/CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã quan tâm chỉ đạo, tiến hành một số công việc về cải tiến thủ tục hành chánh, kiện toàn bộ máy nhằm mục đích phục vụ nhân dân và điều hành công việc có hiệu quả hơn.

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa VII) về cải cách một bước nền hành chánh Nhà nước và chương trình cải cách hành chánh của Chính phủ đã tạo thêm thuận lợi cho thành phố trong việc thúc đẩy các hoạt động về cải cách hành chánh, tiến hành đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực : thể chế hành chánh, tổ chức bộ máy, đào tạo-bồi dưỡng đội ngũ công chức, góp phần nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền thành phố. Thực hiện chương trình cải cách hành chánh Nhà nước trong 2 năm 1995-1996, Ủy ban nhân dân thành phố đã chọn việc tổ chức mô hình làm việc “một cửa, một dấu” ở cấp quận, huyện làm thí điểm trong tiến trình cải cách hành chánh của thành phố. Sau khi xin phép và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thành phố đã tiến hành triển khai thực hiện thí điểm mô hình làm việc một cửa, sử dụng một con dấu ở 3 quận, huyện : quận 1, quận 5, huyện Củ Chi.

Đến nay, qua hơn 7 tháng thực hiện cải cách hành chánh theo mô hình mới, tuy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét, đánh giá một cách khách quan, nhưng qua thực tế cho thấy kết quả đạt được khá tốt, đã đem lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đó là :

- Thực hiện cơ chế mới “một cửa, một dấu” là một việc làm phù hợp lòng dân, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, tránh được nhiều phiền hà, dân không phải đi lại nhiều nơi, qua nhiều cửa, vất vả, tốn kém…

- Tạo điều kiện ngăn chặn tệ cửa quyền, sách nhiễu và các hành vi làm trái pháp luật của một số cán bộ, công chức, góp phần trong sạch hóa bộ máy Nhà nước.

- Là tiền đề thúc đẩy nhanh hơn việc chấn chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy và qui chế hoạt động của cơ quan hành chánh quận, huyện ; tiến tới hình thành khu hành chánh tập trung của quận, huyện ; xây dựng lề lối làm việc trật tự, khoa học và hợp lý, văn minh công sở.

- Góp phần nâng cao tính tự giác, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý và công chức.

Kết quả thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, một dấu” ở 3 quận huyện tuy đạt được một số kết quả bước đầu, song cũng còn không ít hạn chế liên quan đến nhiều cơ quan cấp Bộ ngành Trung ương và Sở ngành thành phố, mà ở đó thủ tục còn không ít nhiều phiền hà. Do đó, việc cải cách hành chánh “một cửa” cần phải được tiến hành đồng bộ, đặc biệt là thủ tục hành chánh phải thống nhất, công khai, giản tiện ở tất cả các ngành, các cấp thì mới thật sự đem lại hiệu quả thiết thực.

Qua hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức lại hoạt động của Ủy ban nhân dân quận 1, quận 5 và huyện Củ Chi theo cơ chế “một cửa, một dấu” ngày 19/10/1996, Ủy ban nhân dân thành phố đã ghi nhận kết quả bước đầu đạt được của các quận-huyện làm điểm và đánh giá đây là mô hình tốt, cần tiếp tục triển khai thực hiện.

Để thúc đẩy công cuộc cải cách hành chánh ở các ngành, các cấp của thành phố tiến thêm những bước nhanh hơn, hiệu quả hơn và để triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TU ngày 18/10/1996 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo một số công việc như sau :

1/ Các quận, huyện đang thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, một dấu” (quận 1, quận 5, huyện Củ Chi) cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chánh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục các nhược điểm, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và qui chế làm việc của Ủy ban nhân dân quận-huyện theo cơ chế “một cửa, một dấu”.

- Cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa và công khai hóa các quy định về thủ tục hành chánh, theo tinh thần cải tiến, đơn giản, thuận tiện cho dân. Nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc có liên quan đến dân.

- Theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm việc phân công, xử lý công việc cụ thể và mối quan hệ giữa các phòng ban chuyên môn ; việc thực hiện qui chế “ủy nhiệm” của Chủ tịch quận cho các Trưởng phòng ban chuyên môn và qui chế sử dụng “một con dấu” để kịp thời uốn nắn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đúng pháp luật.

2/ Các quận-huyện còn lại chưa thực hiện cải cách hành chánh theo cơ chế “một cửa, một dấu” cần gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện theo mô hình này để sau khi thành phố xin phép và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ triển khai thực hiện ngay cơ chế “một cửa, một dấu” ở tất cả các quận, huyện. Từng quận, huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách hành chánh thành phố thông qua (xong trong tháng 12/1996).

- Trước mắt, các quận-huyện cần nghiên cứu thực hiện việc tổ chức làm việc của Ủy ban nhân dân quận-huyện theo cơ chế “một cửa” : bố trí một nơi tiếp nhận và trả hồ sơ, niêm yết công khai các thủ tục cần thiết, lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ… Không đợi tập trung về một địa điểm mới triển khai. Nơi nào có mặt bằng đủ điều kiện tập trung các phòng ban về 1 trụ sở thì cần có kế hoạch tu bổ, chỉnh trang, hoán đổi trụ sở để báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cụ thể từng quận, huyện theo quy định về quản lý công sản.

3/ Cùng với việc triển khai thực hiện cải cách“một cửa, một dấu” ở các quận huyện ; các sở ngành thành phố cần có kế hoạch tiến hành thực hiện qui trình hành chánh “một cửa” ở sở ngành mình, trước hết là ở một số sở ngành có quan hệ nhiều với nhân dân. Mỗi cơ quan phải chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện qui trình “một cửa” như : có phòng tiếp nhận hồ sơ, công khai các quy định thủ tục, biểu mẫu, lệ phí, thời gian giải quyết hồ sơ, bố trí cán bộ đủ trình độ, năng lực… và thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định này tại công sở.

- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với lãnh đạo 6 đơn vị thành phố được chọn làm thí điểm gồm : Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Sở Địa chính, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng đề án thực hiện qui trình thủ tục hành chánh “một cửa” trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thông qua để triển khai thực hiện trong quý I/1997.

- Kiến trúc sư trưởng chủ trì cùng Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố qui hoạch và từng bước hoán đổi trụ sở, đưa các sở thành phố về làm việc chung trụ sở hoặc liền trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố đề hình thành khu hành chánh tập trung của thành phố.

4/ Các sở, ngành, quận, huyện cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công việc.

Ban Tổ chức Chính quyền thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng mới viên chức Nhà nước theo tiêu chuẩn nghiệp vụ ; đồng thời rà soát lại đội ngũ cán bộ và viên chức đã qua nhiều năm công tác ở các sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố không đủ kiến thức và năng lực hoàn thành nhiệm vụ để có kế hoạch bồi dưỡng hoặc cho chuyển sang công tác khác thích hợp. Đối với cán bộ, viên chức đã có nhiều biểu hiện tiêu cực, nhưng chưa đủ chứng cứ để xử lý kỷ luật cũng không để công tác trong các cơ quan hành chánh.

Ban chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin của thành phố có kế hoạch triển khai chương trình tin học hóa trong quản lý hành chánh, trước hết là đối với 6 đơn vị cấp thành phố và 3 quận huyện làm thí điểm.

5/ Ban Tổ chức Chính quyền thành phố phối hợp với Sở Tài chánh thành phố tính toán cụ thể kinh phí trợ cấp viên chức ở các quận-huyện đã triển khai thí điểm cơ chế “một cửa, một dấu” trình Thường trực Ủy ban duyệt cấp ; đảm bảo chi đúng đối tượng để động viên khuyến khích tinh thần phục vụ công tác của viên chức Nhà nước.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tăng cường trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Q. CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 36/CT-UB-NC năm 1996 về việc tiếp tục thực hiện cải cách hành chánh theo cơ chế một cửa, một dấu do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 36/CT-UB-NC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/11/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản