Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 35/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ NGOẠI TỆ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 13 tháng 9 năm 1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có Chỉ thị số 330/CT về việc tăng cường công tác quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ thị, thông tư hướng dẫn và triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên việc quản lý và chấp hành các chỉ thị nói trên chưa tốt. Ngân hàng Nhà nước chưa phối hợp với các Ngân hàng chuyên doanh trên địa bàn thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và quản lý ngoại tệ. Nhiều tổ chức và đơn vị kinh tế, cá nhân lợi dụng các khe hở của pháp luật mua bán ngoại tệ, đầu cơ trục lợi.

- Về kiều hối, nhiều đơn vị kể cả Ngân hàng đã bất chấp các quy định của Nhà nước về hoạt động và thanh toán tiền kiều hối, như chi trả bằng đô la cho kiều quyến hoặc nhận tiền kiều hối (ngoại tệ) đưa vào tiết kiệm v.v… khiến cho ngoại tệ kiều hối không vào tay Nhà nước để phục vụ sản xuất kinh doanh góp phần cân đối ngoại tệ chung cả nước. Thực trạng thả nổi hoạt động ngoại hối. mạnh ai nấy kiếm lãi dẫn đến tình trạng bán hàng thu ngoại tệ tràn lan.

Tình hình trên gây nên trạng thái bất ổn định cho nền kinh tế, thị trường của thành phố. Giá đô la, giá vàng tăng vọt đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những đơn vị sản xuất có sử dụng vật tư, nguyên liệu nhập khẩu; ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và tác động đến đời sống của cán bộ công nhân viên và người lao động.

Căn cứ văn bản số 135/VP-TD ngày 20-8-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý ngoại hối; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1/ Tất cả các tổ chức đơn vị kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nguồn thu ngoại tệ do xuất khẩu hàng hoá, làm dịch vụ thu ngoại tệ, dịch vụ kiều hối… đều phải chuyển hết vào tài khoản ở Ngân hàng thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ. Mọi việc kinh doanh ngoại tệ mua bán, thanh toán, chuyển nhượng ngoại tệ giữa các tổ chức, đơn vị kinh tế và cá nhân với nhau đều phải thực hiện thông qua các Ngân hàng thương mại được ủy quyền và Trung tâm giao dịch ngoại tệ.

Nghiêm cấm các tổ chức, đơn vị kinh tế cất giữ ngoại tệ hoặc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng ngoại tệ ngoài Ngân hàng được ủy quyền và Trung tâm giao dịch ngoại tệ.

2/ Chủ tài khoản có ngoại tệ trên tài khoản của mình được quyền sử dụng để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ tiền vay, chi trả dịch vụ và các khoản kinh phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài, được phép chuyển nhượng cho đơn vị kinh tế khác theo tỉ giá của Trung tâm giao dịch ngoại tệ.

3/ Nghiêm cấm các đơn vị kinh tế (trừ Ngân hàng thương mại được cho phép kinh doanh ngoại tệ và Trung tâm giao dịch ngoại tệ) mua ngoại tệ chuyển nhượng để bán kiếm chênh lệch giá.

Nghiêm cấm mọi hoạt động đầu cơ ngoại tệ gây rối thị trường.

4/ Việc chi trả kiều hối cho người thụ hưởng tại Việt Nam phải thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam theo đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước, không được chi trả bằng ngoại tệ dưới mọi hình thức.

5/ Các tổ chức, đơn vị kinh tế và cá nhân có ngoại tệ bất kể nguồn gốc đều được phép gởi vào Ngân hàng thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ. Khi sử dụng phải tuân thủ theo điểm 2 Chỉ thị này.

Tư nhân không được phép trực tiếp mua bán, trao đổi ngoại tệ lẫn nhau.

6/ Những tổ chức, đơn vị kinh tế có giấy phép hoạt động dịch vụ ngoại tệ phải chấp hành đúng quy định về quản lý ngoại tệ và những nội dung quy định ghi cụ thể trong giấy phép kinh doanh. Mọi việc làm sai các quy định nói rên đều coi là vi phạm pháp luật.

Những tổ chức, đơn vị kinh tế không có giấy phép hoạt động dịch vụ ngoại tệ tuyệt đối không được tham gia mua bán ngoại tệ, không được thực hiện các dịch vụ về ngoại tệ.

7/ Các đơn vị kinh tế có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, hàng hoá theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt, để thanh toán và chi trả dịch vụ đối với nước ngoài hoặc để trả nợ vay ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại trong nước thì Ngân hàng Ngoại thương thành phố, Ngân hàng Nhà nước thành phố có trách nhiệm cân đối và bảo đảm đầy đủ các nhu cầu nói trên.

Ngoài các nhu cầu ngoại tệ theo kế hoạch đã cân đối, tuỳ khả năng ngoại tệ có thể xem xét giải quyết những nhu cầu chính đáng ngoài kế hoạch khác.

8/ Ngân hàng Nhà nước thành phố có trách nhiệm quy hoạch màng lưới thu đổi ngoại tệ trên địa bàn thành phố bảo đảm thuận lợi cho khách nước ngoài, Việt kiều đổi thành tiền đồng Việt Nam để chi tiêu.

9/ Người nước ngoài, Việt kiều khi xuất cảnh hoặc nhập cảnh đều phải khai báo ngoại tệ, vàng, đá quý với Hải quan cửa khẩu. Những trường hợp khai báo với số lượng ngoại tệ lớn (từ 10.000 USD trở lên), vàng từ 1kg trở lên đều phải xuất trình cho Hải quan của khẩu xem.

10/ Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký. Tổ chức, đơn vị kinh tế, cá nhân nào vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Huấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 35/CT-UB năm 1991 về quản lý ngoại tệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 35/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/09/1991
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản