Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 33/CT-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 10 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ THANH TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ KINH TẾ-XÃ HỘI NÔNG THÔN.

Thực hiện Chỉ thị số 428/TTNN ngày 18/4/1997 của Tổng Thanh tra Nhà nước về thanh tra việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế-xã hội nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Mục đích:

1.1- Thấy được thực trạng, hiệu quả kinh tế-xã hội của việc đầu tư, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động vốn của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trước hết là nông nghiệp và nông thôn.

1.2- Phát huy những việc làm tốt và phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm trong việc tổ chức, quản lý, chỉ đạo thực hiện, nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

1.3- Đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, để việc đầu tư có hiệu quả, động viên được mọi nguồn lực nhân dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống nông dân.

2. Yêu cầu:

2.1- Chọn một số xã-phường của các huyện-quận mới thành lập, các quận ven để tiến hành thanh tra.

2.2- Qua thanh tra thấy được sự thay đổi ở nông thôn, đời sống nhân dân so với chủ trương của Trung ương và Thành phố.

3. Phân công trách nhiệm:

3.1- Việc thanh tra thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế-xã hội nông thôn liên quan đến nhiều ngành-sở, huyện-quận và xã-phường của thành phố; do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có liên quan báo cáo tình hình hoạt động, hiệu quả đạt được và cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan, đồng thời hợp tác tốt với Đoàn Thanh tra khi có yêu cầu.

3.2- Đối với các huyện-quận có thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế-xã hội nông thôn tiến hành tổ chức thanh tra (trừ các địa bàn do Đoàn thanh tra thành phố trực tiếp thanh tra), kết quả thanh tra báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố và Thanh tra thành phố. Trong quá trình thanh tra, các huyện-quận cần có sự phối hợp chặt chẽ với Thanh tra thành phố.

4. Nội dung thanh tra:

4.1- Thời điểm thanh tra 2 năm (1995-1996), nếu cần thiết có thể thanh tra cả thời gian trước hoặc sau.

4.2- Làm rõ các nguồn vốn và việc quản lý, sử dụng vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu.

4.3- Mục tiêu, hiệu quả của từng chương trình và tổng hợp hiệu quả của tất cả các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp và kinh tế-xã hội nông thôn.

4.4- Thời gian thanh tra 90 ngày.

5. Phương pháp tổ chức thực hiện:

5.1- Giao cho Chánh Thanh tra thành phố thành lập Ban chỉ đạo để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp báo cáo.

5.2- Thanh tra thành phố thành lập một Đoàn thanh tra cấp thành phố.

5.3- Mỗi huyện-quận ven và quận mới thành lập, lập một Đoàn thanh tra (có trao đổi với Thanh tra thành phố trước khi thành lập).

5.4- Thanh tra thành phố có trách nhiệm tập huấn nghiệp vụ cho các Đoàn thanh tra.

Để thực hiện tốt Chỉ thị này, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện-quận có liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các Đoàn thanh tra trong quá trình hoạt động.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/CT-UB-NC năm 1997 về thanh tra việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế-xã hội nông thôn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 33/CT-UB-NC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/10/1997
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản